Tầm Nhìn của Đấng Sáng Lập

Trước thềm của niên khóa mới 2018-2019, cũng là năm mà Hội Dòng dành ra để chuẩn bị mừng Bách Chu Niên Thành Lập Dòng, em đọc lại Lược...


Trước thềm của niên khóa mới 2018-2019, cũng là năm mà Hội Dòng dành ra để chuẩn bị mừng Bách Chu Niên Thành Lập Dòng, em đọc lại Lược Sử của Hội Dòng và bất chợt như bị cuốn hút vào mục Lý do khai sinh Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Ở đó, em thấy rất rõ Tầm Nhìn của Đấng Sáng Lập – thật là sống động và thức thời, rất tuyệt vời! Và bỗng nhiên, em ngộ ra rằng một trong những cách tốt nhất để chuẩn bị bước vào Năm Thánh Bách Chu Niên là Bám Sát Tầm Nhìn của Đấng Sáng Lập. Bằng cách ấy, Hội Dòng sẽ phát triển theo đúng ý định và lý tưởng của Đấng Sáng Lập. Mỗi khi chúng ta đi đúng con đường Ngài đã khởi sự thì chúng ta luôn được Ngài bầu cử để Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta, ban tràn muôn ơn phúc xuống trên chúng ta, trên công việc phục vụ của chúng ta và trên những con  người mà chúng ta phục vụ.  

Đọc lại Lược Sử Dòng ở trang 17, chúng ta thấy rõ nhận định của Đấng Sáng Lập về bối cảnh của Giáo Phận Huế với những điểm đáng chú ý như sau:

  • Từ năm 1919, Giáo Phận Huế đã có nhiều trường giáo xứ, nhưng thiếu giáo viên được đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế.
  • Số trẻ em ngày càng đông, lớn lên trong miền thôn quê, mù chữ, không nghề nghiệp.
  • Một số trẻ em công giáo khá giả được vào học các trường công, nhưng nơi đây các giáo viên vô thần thường bài xích tôn giáo.

Từ đó, ngài thao thức mở một trường sư phạm để đào tạo một số nữ giáo viên dạy giáo lý và chữ nghĩa. Đó là cơ sở giáo dục và đào tạo các nữ tu tương lai, ngài gọi là “Trường Sư Phạm các nữ tu bản xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm.” Tầm nhìn của Ngài lại tiếp tục mở ra ...với các công việc bác ái xã hội, mở các bệnh xá, cô nhi viện, trường nữ công gia chánh. Tuy nhiên, ở đây em xin dừng lại ở những thao thức liên quan đến sứ mạng giáo dục văn hóa và đức tin.

  • Phải chăng, khi Đức Cha Allys nhận định về hiện trạng thiếu giáo viên được đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế, thì trong giấc mơ của Ngài, những nữ tu bản xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm sẽ là những giáo viên được đào tạo tốt, có bằng cấp và năng lực để đáp ứng nhu cầu thực tế;
  • Khi ngài đề cập đến “Số trẻ em ngày càng đông, lớn lên trong miền thôn quê, mù chữ, không nghề nghiệp”, có nghĩa là tầm nhìn và tâm trí của Ngài luôn hướng đến trẻ em nghèo, thất học, và như một hệ lụy là sẽ thất nghiệp ... và tiếp tục trong cảnh nghèo, không sao thoát khỏi; Vì thế, các cơ sở giáo dục của Hội Dòng phải luôn có chỗ cho các trẻ em nghèo (tùy hoàn cảnh và khả năng của mỗi cộng đoàn).
  • Còn đối với các em công giáo khá giả, dầu được vào học các trường công thì lại gặp phải các giáo viên vô thần thường bài xích tôn giáo; phải chăng ngài thao thức về một nền giáo dục chân chính theo tinh thần Kitô giáo. Tầm nhìn như thế đang hãy còn rất thời sự trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, hay nói theo ngôn ngữ thời nay là đang rất “hot”.

Ước gì khi viết kế hoạch tông đồ cho mỗi năm, chúng ta hãy luôn bám sát Tầm Nhìn của Đấng Sáng Lập, cụ thể là (1) luôn quan tâm và dành chỗ cho trẻ em nghèo trong các trường mầm non, các lớp tình thương và các nhà nội trú của Hội Dòng; (2) luôn thao thức tự đào luyện mình để trở nên những giáo viên có năng lực, có phầm chất và đủ bằng cấp để cống hiến cho thế hệ trẻ một nền giáo dục chất lượng tốt; (3) và sau hết, cơ sở giáo dục của chúng ta phải luôn lan tỏa bầu khí và tinh thần Kitô giáo trước hết nơi đời sống chứng tá Phúc Âm của chị em chúng ta, qua việc dạy giáo lý và  dẫn đưa trẻ đển với Chúa Giêsu và Đức Maria Vô Nhiễm....ngoài ra, chúng ta có thể sáng kiến thêm những gì làm sáng tỏ Tầm Nhìn của Đấng Sáng Lập trong bối cảnh xã hội và văn hóa hôm nay.

Nt. M. Têrêxa Mỹ Châu   

Đặc Trách Ban Tông Đồ, FMI