Cùng Mẹ tôi nên thánh

"Chấm những chấm thật tròn, đường sẽ thẳng. Sống phút giây thật đẹp, đời sẽ Thánh". (Đường Hy vọng- ĐHY Thuận). Để tiến đến con...


"Chấm những chấm thật tròn, đường sẽ thẳng. Sống phút giây thật đẹp, đời sẽ Thánh". (Đường Hy vọng- ĐHY Thuận).

Để tiến đến con đường trọn hảo có lẽ không phải ngày một ngày hai nhưng là một tiến trình từng ngày, từng phút, từng giây. Cùng với Mẹ tiến tới 100 năm của Hội Dòng, hành trang tôi đang có là gì? Cái gì tôi cần đem đi? Và cái gì tôi cần bỏ lại? Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Thành công lớn nhất của đời người là nên thánh”. Đúng thế, đây là mục tiêu cuối cùng mà chúng ta cần theo đuổi. Nếu mỗi người nên thánh, thì cộng đoàn nên thánh, nếu cộng đoàn nên thánh thì Hội Dòng nên thánh. Mỗi Hội Dòng nên thánh thì Giáo Hội sẽ phát huy được đặc tính thánh thiện của mình.

Dong duổi suốt 4 tháng trên cánh đồng truyền giáo, kể từ ngày tôi bước lên ký lời cam kết đầu tiên của đời thánh hiến. Được trải nghiệm môi trường phục vụ, con người và cuộc sống nơi đây, tôi thật sự cảm nhận được cái nghèo của anh chị em đồng bào. Cái nghèo về vật chất lẫn tinh thần, nghèo về nhận thức cả tri thức. Cuộc sống của những thanh niên, thanh nữ ở đây với mục đích duy nhất là có vợ có chồng, làm nương làm rẫy, có nơi ăn chốn ở, thế là xong. Họ không còn ước mong gì cao xa hơn ngoài việc quanh quẩn trên nương trên rẫy của mình. Thế là cái nghèo cứ đeo bám họ từ thế hệ này sang thế hệ khác, không thoát ra được. Nhìn những đứa trẻ Jarai, lấm lem đất màu, áo quần dính đầy mủ cao su, đầu trần, chân đất cứ lang thang cả ngày, không chịu đến trường, lòng tôi lại nhớ đến nỗi ưu tư của Hai Đấng Sáng Lập Dòng cho lớp trẻ cách đây 100 năm. Thao thức của các ngài là giới trẻ được giáo dục đức tin và văn hóa, khi  các ngài bước chân đến vùng đất truyền giáo Việt Nam. Sự thao thức đó đã biến thành hành động khi con tim các ngài được thúc bách bởi tình yêu Giêsu và các ngài đã Thành Lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm với Sứ mạng Giáo dục đức tin và văn hóa. Hôm nay, tôi được tiếp nối sứ mạng ấy trong tinh thần của Hội Dòng như một người con và điều này đòi hỏi tôi phải thể hiện căn tính đó thế nào? Nhất là trong môi trường truyền giáo đầy cam go này. Nơi mà việc học đối với các em trở nên như một sự ép buộc, tùy hứng thích thì đến, không thích thì thôi. Đó là kinh nghiệm mà chị em chúng tôi cảm nhận được khi dạy lớp tình thương nơi đây. Ngày nào đi dạy cũng phải có đôi ba cái bánh cái kẹo gì đó như là nguồn hấp dẫn duy nhất cho việc học hành của những đứa trẻ này. Công việc trong môi trường truyền giáo đòi hỏi mỗi chị em phải thực sự kiên nhẫn, bao dung, chấp nhận và linh hoạt từng ngày, nếu không sẽ rất dễ càm ràm và bỏ cuộc. Sự năng động của người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng vì thế mà uyển chuyển theo thời thế, hòa nhập văn hóa, lối sống nhưng không được đánh mất chính mình. Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, lối sống cũng là một thách đố cho chị em trên vùng truyền giáo. Khi mà những anh chị em không chịu cộng tác vì không hiểu nhau. Khi mà cha mẹ các em không thấy được những hữu ích của việc tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, học giáo lý, việc cho con cái mình được giáo dục đức tin và văn hóa. Khi tiếng nói của mình trở nên vô giá trị, bị coi thường. Khi những thao thức của mình không thực hiện được. Lúc đó chúng ta thật sự khiêm nhường tìm cách thế khác để nỗ lực và thao thức cho phần rồi của anh chị em mình, là chúng ta đang nên thánh. Cùng với Mẹ tiến đến 100 năm của Hội Dòng như một lời mời gọi mỗi người chị em trên cách đồng truyền giáo phải hăng say hơn nữa. Nhìn vào mẫu gương của Hai Đấng Sáng Lập và Các Chị Tiền Bối để chúng ta biết phải làm cho cánh đồng của mình thêm năng động nhờ sự hiện diện của những người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Hãy luôn vững lòng khi khó khăn thử thách, luôn tin rằng có Mẹ đồng hành dẫn dắt và tiến bước. Và điều quan trọng là luôn ý thức lời mời gọi nên thánh trong mọi giây phút của cuộc sống để luôn sống vui tươi, chân thật, hiền lành, khiêm nhượng xứng đáng là Con Đức Mẹ Vô Nhiễm trên mọi nẻo đường.

M. Catarina Tâm (Kinh viện), FMI