Nỗi thao thức thánh

Ngày 8/9/2020 vừa qua, toàn thể chị em vui mừng kỉ niệm Hội Dòng tròn 100 tuổi. Bước vào thiên niên kỉ thứ hai, lòng em hướng về nguồn cội...


Ngày 8/9/2020 vừa qua, toàn thể chị em vui mừng kỉ niệm Hội Dòng tròn 100 tuổi. Bước vào thiên niên kỉ thứ hai, lòng em hướng về nguồn cội để nhìn lại mục đích thành lập của Hội Dòng. Em sống lại những thao thức canh cánh bên lòng của Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys (Lý). Ngài đã “cảm thấy đau lòng khi thấy số đông con em học sinh công giáo đi học trường do các thầy giáo bên lương điều khiển” (Lược sử Dòng-tr.18). Cái “nhói đau” của ngài đã được Chúa Thánh Thần thổi vào một “hơi thở thánh” và ngài đã thực hiện nỗi thao thức là lập nên Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm trên đất Phú xuân – Huế với Sứ mạng giáo dục giới trẻ.

Nghĩ về nỗi thao thức của Đấng Sáng Lập, em cảm nhận được “tình” của một người cha dành cho đoàn chiên tại vùng truyền giáo Việt Nam. Ngài yêu quá nhiều như châm ngôn ngài chọn “Tôi yêu mến mọi người” nên lòng ngài thao thức nhiều, thao thức đến nỗi lòng “nhói đau”. Qua ngài, em cảm nhận sâu sắc tình yêu của một người mục tử sống chết cho đoàn chiên. Trong em, ngài đã làm sáng lên tình yêu mục tử của Đức Kitô “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 23,1). Em thầm tạ ơn Thiên Chúa đã thổi vào lòng Đức Cha “hơi thở thánh” để ngài can đảm lập nên Hội Dòng chúng ta.

Hơi thở thánh ấy đã được Chúa Thánh Thần thổi vào những hạt mầm đầu tiên là sáu chị Mến Thánh Giá Phước Viện Dương Sơn. Các chị đã quảng đại xin vâng lên đường đến miền đất hứa Phú Xuân theo lời mời của Đức Cha Allys (Lược sử Dòng-tr.9). Thật tuyệt vời biết bao những bước chân đầu tiên của đức tin, dám chấp nhận sự bấp bênh và chứa chan niềm hy vọng vào Đức Kitô- Đấng đã khơi nên cái “đau lòng thánh” nơi Đức cha Allys. Con thiết nghĩ cái đau ấy ắc hẳn đã là nỗi trăn trở trong lòng của các chị. Nghĩ đến đó, lòng con trở nên yêu mến và biết ơn các chị nhiều hơn.

Với dòng thời gian, hơi thở thánh ấy đã trở nên bình khí dưỡng lưu trong tâm hồn những người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Năm 1969, Đức Cha Paul Seitz, Giám mục Giáo phận Kontum mời các chị lên miền truyền giáo Tây Nguyên phục vụ. Đáp lại lời mời gọi, chị M. Isidore Phước, chị M. Thomas Hoa, chị M. Ad Nives Thiết và chị M. Aurelie Hồng đã nhanh nhẹn thưa lời xin vâng, cất bước lên đường đến với các anh em sắc tộc J'rai (Lược sử Dòng-tr.97). Lúc bấy giờ, Tây Nguyên được xem là vùng rừng thiêng nước độc. Thế nhưng, các chị vẫn hăng say lên đường mặc cho những thách đố đang ở phía trước: chưa có nhà, chưa có đất, xa Nhà Mẹ, xa chị em…Thêm nữa là: Những con đường dài đất đỏ bazan đầy sỏi đá trơn trượt. Cái lạnh nứt da của gió và khí khô. Những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán... Đọc lại sử Dòng, em thương mến các chị biết bao. Em tự hỏi bởi đâu các chị làm được điều vĩ đại ấy? Phải chăng vì muốn khỏa lấp một chút nỗi thao thức của Đấng Sáng Lập và tiếp nối sự hy sinh của các chị tiên khởi. Và trên tất cả của đời người dâng hiến là để “làm vinh danh Thiên Chúa và làm rạng danh Mẹ Maria Vô Nhiễm” (Nghị định thiết lập Hội Dòng).

Biến cố lịch sử của đất nước liên tiếp 1968, 1972 và nhất là 1975 đã phân tán chị em đi khắp nơi. Em thương lắm khi đọc đến đoạn “nỗi buồn sâu đậm xâm chiếm lòng các chị, đặc biệt là các chị ở xa Nhà Mẹ” (Lược sử Dòng tr.107) và càng thương các chị tại vùng Huế hơn vì phải ở trọ Nhà Kín vì Nhà Mẹ đã bị bộ đội quân khu 4 mượn làm khu an dưỡng. Thế nhưng, vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách và vì Sứ mạng giáo dục, các chị đã kiên tâm chờ đợi 19 năm để được trở về Nhà Mẹ. Thật quả là những phép lạ nhiệm mầu Thiên Chúa chúc lành cho ý định thánh thiện của Hội Dòng. Trải qua những thăng trầm, chị em đồng thanh thưa lên lời ca tạ ơn Thiên Chúa: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,4).

100 năm qua là thời gian đáng nhớ để chị em kể lại cho nhau và cùng nhau tán dương tình thương nhiệm mầu của Thiên Chúa. Miệng con cao rao với mọi người và khắp mọi nơi “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ con suốt cả cuộc đời” (Tv 23,6). 100 năm Hội Dòng sống với nỗi thao thức, cái “nhói đau” của Đức Cha Sáng Lập. Cái đau riêng tư ấy đã trở nên nỗi thao thức đầy thánh thiện của tất cả chị em và các cộng tác viên trong Hội Dòng suốt 100 năm qua. Và 101 tuổi trở về sau, cái “đau lòng” đó vẫn là  Sứ mạng lớn để Hội Dòng tiến bước trong Thần Khí.

Tâm tình tri ân là hơi thở, là chất để dưỡng nuôi của chị em. Bước sang thiên niên kỉ thứ hai, chị em vẫn luôn nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục và chăm nuôi của Đấng Sáng Lập và các chị tiền bối. Đồng thời, 100 năm thứ hai đang mở ra như một trang sử mới cho 500 thành viên con cái của Đức Mẹ Vô Nhiễm. Vì vậy là người trẻ khi bước vào trang sử ấy, chúng ta phải sống thánh thiện trong sứ mạng giáo dục để lấp đầy nỗi thao thức thánh của Đấng Sáng Lập.

Maria Goretti Cương (Kinh viện), FMI