Cám ơn vì sự hiện hữu

Xin tri ân Thiên Chúa đã gìn giữ Hội Dòng suốt 100 năm qua. Xin tri ân Mẹ Dòng đã lưu truyền những tài sản vật chất và tinh thần quý giá. Xin cám ơn Quý Chị Tiền Bối, cám ơn vì các chị đã hiện hữu...


 “Cha ông chúng ta là những người biết xót thương người, danh tiếng tồn tại từ đời nọ sang đời kia”.

Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng ta qua các thời đại. Có những người không ai nhớ đến nữa: Họ qua đi như không bao giờ có họ, họ sinh ra như thể không có họ sinh ra và con cháu của họ cũng thế. Nhưng có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên. Dòng dõi họ được hưởng hạnh phúc, và họ sẽ có con cháu nối dòng, miêu duệ họ trung thành với lời giao ước và con cái họ nhờ họ cũng được trung thành. Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ bị lu mờ. (Hc 44,1.9-13)

Khi suy gẫm đoạn sách Huấn ca này, trong lòng tôi trào dâng những lời tri ân cảm tạ. Tri ân Chúa đã gìn giữ Hội dòng suốt 100 năm qua, tri ân Mẹ dòng đã lưu truyền những tài sản vật chất và tinh thần quý giá. Đặc biệt, tôi muốn mượn bài viết này để cám ơn chị, cám ơn vì chị đã hiện hữu. Mượn lời của sách Huấn ca, tôi muốn ca ngợi những vị danh nhân, đó là tất cả các chị của tôi đã khuất bóng về một phương trời xa, thân xác chị đã chôn vùi trong lòng đất, nhưng linh hồn và tinh thần của chị vẫn ở mãi với Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Mỗi người khi sinh ra ở cõi đời này được sách Huấn ca mô tả: “Có những người không ai nhớ đến nữa: Họ qua đi như không bao giờ có họ, họ sinh ra như thể không có họ sinh ra, và con cháu của họ cũng thế. Nhưng có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ bị lãng quên”. Đối với tôi, là nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, tôi muốn cám ơn chị vì chị đã hiện hữu trong Hội dòng. Chị ra đi và để lại cho tôi những kho tàng quý báu, chứa đựng trong những bình sành mong manh dễ vỡ của kiếp người. Dù tôi không quen biết chị, không một lần giáp mặt, không một lần tìm hiểu. Nhưng tôi biết chắc một điều, chị và tôi cùng sống một tinh thần, theo linh đạo và sứ mạng của Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Mỗi lần được nghe ai đó kể chuyện về chị, tôi tự hào lắm. Mỗi khi gặp khó khăn, thử thách trong đời tu, tôi lại nhớ đến chị, tự hỏi: Nếu chị là em thì chị sẽ làm gì nhỉ? Nhờ vậy, tôi như được tiếp thêm động lực và cố gắng đi trọn con đường theo Chúa Giêsu như chị đã đi.

Tôi xin được kể ra một số chị, là những người đã giúp Hội dòng luôn đứng vững nhờ công đức của các chị.

Đầu tiên phải kể đến công ơn của các chị tiên khởi. Năm 1920, Đức Cha Allys đã khởi đầu Hội dòng bằng cách tách một nhóm gồm 6 nữ tu Mến Thánh Giá Dương Sơn như những hạt nhân đầu tiên của Hội dòng mới. Ngoài ra, ngài còn mời thêm một số nữ tu ưu tú khác từ Phước viện Di Loan tới. Các chị đã mau mắn từ bỏ “bầu da cũ” là Hội dòng Mến Thánh Giá Dương Sơn để mang trên mình một “bầu da mới” là Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm thời phôi thai. Các chị đã can đảm từ bỏ để “rượu mới” là Đức Kitô được đong đầy trong một linh đạo và sứ mạng mới. Cám ơn chị vì nhờ chị mà Hội dòng được khai sinh.

Trải dài suốt dòng lịch sử 100 năm, không thể không kể đến công ơn của các chị Bề trên dòng qua các nhiệm kỳ. Các chị là những Matta luôn tất bật với công việc của Hội dòng. Bên cạnh đó, các chị luôn là cô Maria nhỏ bé, luôn ngồi bên chân Chúa, phân định theo Thần Khí để lèo lái con thuyền Hội dòng đi đúng với thánh ý của Thiên Chúa, sánh bước với con thuyền của Giáo hội và những con sóng của xã hội đầy biến động. Nhắc đến chị Bề trên Marie Gonzague Maria Đỗ Thị Tùng, mỗi chị em trong Hội dòng luôn nhớ và ghi ơn chị, cùng với sự chuyển mình của đất nước sau biến cố 1975, chị đã làm Bề trên từ năm 1973 – 1993. Hai mươi năm trong chức vụ Bề trên trong giai đoạn quá khó khăn của quê hương đất nước cũng như của Hội dòng để hướng dẫn Hội dòng quả là một hồng ân thật vĩ đại. Cám ơn chị vì nhờ chị mà Hội dòng vẫn phát triển và đứng vững trong những biến cố.

Khi đến với vùng Nước Ngọt, người dân ở đây vẫn còn nhắc đến chị Marie Benoite Anna Đỗ Thị Uyển. Chị đã tận tình yêu thương các bệnh nhân, phục vụ bất kể ngày đêm. Những ai cần đến, chị sẵn sàng giúp đỡ không phân biệt giàu nghèo hay phe nhóm nào. Người Nước Ngọt đã nói lên lòng biết ơn sâu xa của họ đối với chị mà họ gọi cách thân thương là “O Benoite”. Cám ơn chị vì nhờ chị mà người dân được chữa lành nhiều bệnh tật thể xác cũng như tinh thần.

Về với miền cát trắng Vinh An, giáo xứ Hà Úc vẫn luôn miệng nhắc đến chị Marie Ephrem Anna Nguyễn Thị Oanh, người  dân nơi đây gọi chị bằng cái tên thân thương “Mệ Hai”. Nghe kể chị rất ưu tư cho sứ mạng giáo dục, tuy thời kỳ cấm cách không cho dạy, nhưng bằng mọi giá chị luôn giúp cho các học trò đọc chữ, làm toán. Cám ơn chị vì chị đã thực thi sứ mạng giáo dục của Hội dòng cách năng động và sáng tạo theo hoàn cảnh cho phép.

Vào Sài Gòn, với cô nhi viện Xuân Phương, các em cô nhi viện nhắc tới chị Marie Faustine Anê Huỳnh Thị Kim Hải như một người mẹ. Đặc biệt, trong biến cố năm 1975, chị đã đưa các em cô nhi viện từ Huế và Sài Gòn. Chị xả thân phục vụ các em với tinhg thương của một người mẹ. Cám ơn chị vì chị đã dành cả cuộc đời của mình để lo cho những con người không nơi nương tựa.

Lên vùng truyền giáo Tây Nguyên, nơi miền bản thượng xa xôi hẻo lánh, anh em sắc tộc nơi đây vẫn còn nhắc đến chị Maria Têrêsa Phạm Thị Nhiễu. Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chị dành trọn cuộc đời dâng hiến để sống với và sống cho anh em sắc tộc tại vùng truyền giáo Tây Nguyên, chị hăng say vào các buôn làng tiếp xúc với người thiểu số, thương giúp người nghèo khổ và sáng kiến trong việc dạy văn hóa cho trẻ em sắc tộc. Cám ơn chị vì chị đã mang đến cho người dân nơi đây nền văn minh tình thương và tình yêu Đức Kitô được ngự trị trong nhiều tâm hồn nơi cánh đồng truyền giáo.

Và còn rất nhiều chị đã đi trước, mỗi chị một nhân đức khác nhau. Chỉ có một điểm chung là thành quả mà các chị để lại. Một vài điểm nhỏ của các chị được nêu ra, để cho thấy cuộc sống tại thế của các chị đã để lại hương thơm nhân đức cho lũ cháu đàn con là chúng tôi, những người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện tại.

Hội nghị dòng lần thứ XXI đang diễn ra, tôi muốn dùng bài viết này để ghi ơn chị, vì 20 lần Hội nghị dòng trước cũng có mặt chị, chị đã đóng góp và xây dựng Hội dòng, công lao của các chị chúng em không thể quên được. Ước mong các chị luôn cầu nguyện cho Hội dòng và linh hồn của chị luôn sát cánh bên chị em chúng ta trong Hội nghị dòng lần này với chủ đề “Rượu mới – Bầu da mới”.

M. Madalena Ái Vân (Kinh viện), FMI