Nhà Tạm

Tôi được mời gọi điều gì trong Hội nghị lần thứ 21 này, khi Hội dòng đang đi vào 100 năm mới? Đây được xem là hành trình mới của Hội dòng, tôi sẽ viết tiếp trang sử này thế nào?


Mỗi khi Tam nhật thánh bắt đầu với thánh lễ Tiệc ly và sau thánh lễ thì Nhà Tạm chính trống rỗng, rồi ngọn đèn chầu cũng tắt. Những lúc ấy, tôi nhìn lên đó mà thấy buồn và vắng quá.

Nhà Tạm là nơi có Chúa, mọi người khi bước vào một ngôi nhà thờ hoặc một nhà nguyện điều đầu tiên là ngước nhìn Nhà Tạm và cúi đầu phủ phục. Có Chúa hay không là nhờ ngọn đèn chầu có sáng không. Và khi có Chúa thì cửa Nhà Tạm đó luôn luôn đóng và ngọn đèn phải luôn sáng để là dấu chỉ cho người khác biết mà tôn thờ.

Vậy nếu tôi mang trong mình chính Chúa thì cửa lòng của tôi cũng phải đóng. Cửa lòng đó chỉ dành cho một mình Chúa thôi, và ngọn đèn của tôi cũng phải luôn sáng. Nhưng ngọn đèn của tôi là gì? Và nhờ đâu người ta có thể nhận ra Chúa đang hiện diện trong tôi?

Mang trong mình danh xưng là Kitô hữu, danh xưng là nữ tu, mà lại là nữ tu – giáo viên đòi hỏi nơi tôi phải khác và hơn những giáo viên bình thường. Tuy nhiên, tôi là một điều dưỡng thì làm sao mà lại là giáo viên nhỉ? Đúng vậy! Nhưng đó lại là điều Chúa muốn khi tôi thuộc về Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Với tiêu chuẩn tối hậu bước theo Chúa Giêsu Kitô cách triệt để hơn qua việc tuân giữ Ba lời khuyên Phúc Âm, nhưng nó đang chỉ nằm trên lí thuyết, còn cụ thể hóa là gì? Đó là thực thi sứ mạng giáo dục, qua sứ mạng này tôi làm rạng danh Chúa, cứu rỗi các linh hồn. Bạn sẽ hỏi tôi làm điều dưỡng thì sao mà giáo dục? Ồ! Đó chỉ là công việc còn có hay không thì nó nằm ở tác phong - ở cái “là” chứ không ở cái “có”. Có biết bao người là nhà giáo nhưng lại không có tác phong, vì họ mang nghề giáo chứ chưa hẳn là cái tâm của người thầy đúng nghĩa.

Quả thật, để có tác phong của một nhà giáo dục đòi hỏi nơi người giáo dục rất nhiều yếu tố như sự tận tụy, sự kiên nhẫn, sự nhiệt thành, sự cho đi…Vậy là nhà giáo dục Con Đức Mẹ Vô Nhiễm thì sao? Đứng trước giới trẻ ngày nay, chúng ta không khỏi âu lo, băn khoăn trước thực trạng các em bị tụt dốc về đạo đức, và chúng ta không còn lạ lẫm gì với các tin con cầm dao đâm ba, mẹ hoặc người thân chỉ vì mấy ngàn đồng. Hay tình trạng bằng giả, kiến thức giả ngày càng nhan nhãn trong xã hội này. Thật đáng báo động là khi nền văn minh, khoa học kỹ thuật đang phát triển không ngừng thì số lượng trẻ tự kỉ, tăng động, trầm cảm và tử tự lại gia tăng. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tìm cái chết (800.000 ca tự tử/năm). Mặc dù xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Cũng theo tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Đặc biệt, hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng. Theo số liệu của 1 số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Đứng trước hiện trạng đó tôi sẽ làm gì đây? Tôi có ưu tư, có canh cánh, có thao thức, có cưu mang như Cha Tổ phụ đã cưu mang ngày xưa không. Người Việt Nam có câu “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Vậy tôi được mời gọi điều gì trong Hội nghị lần thứ 21 này, khi Hội dòng đang đi vào 100 năm mới? Đây được xem là hành trình mới của Hội dòng, tôi sẽ viết tiếp trang sử này thế nào?

Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thẩm định: “Thực tại trổi hơn ý tưởng… Hết sức đơn giản, thực tại là thực tại, còn ý tưởng thì được phác thảo dần. Cần phải có đối thoại liên tục giữa thực tại và ý tưởng để tránh cho ý tưởng không xa rời thực tại. Thật nguy hiểm khi chỉ dừng lại ở những lời nói suông, những hình ảnh và những bài diễn văn hoa mỹ.” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 231). Tư tưởng đó của Đức Thánh Cha được quãng diễn cách sâu sắc và xa hơn với Văn kiện “Rượu mới bầu da mới”. Bản định hướng giúp cho mỗi người xét duyệt lại đời sống của chính mình. Trước những thách đố tinh vi và sự phát triển “đến chóng mặt” của thời đại, liệu mỗi người có đủ “tâm” và đủ “tầm” để vượt qua, để thích ứng và trung thành với Đức Kitô? Vì, “Rượu mới thì bầu cũng phải mới” (x. Mc 2,22; Mt 9,17). 

Thật vậy, người trẻ hôm nay muốn nghe những chứng nhân hy vọng, chứng nhân niềm tin và tình yêu hơn là thầy dạy các giáo điều. Người trẻ hôm nay cần được đồng hành, hướng dẫn chứ không muốn bị kết án và phán xét. Họ cũng cần sự thấu hiểu và cảm thông. Bởi lẽ, đàng sau những cái gọi là nông cạn, hời hợt, dễ sai lầm, dễ thất vọng và dễ bỏ cuộc, người trẻ có nhiều khát vọng, đam mê, giá trị, vẻ đẹp và nội lực mà chỉ có những ai hiểu được người trẻ thì mới nhận ra. Chúng ta có thể thấy những tư tưởng này trải dài trong suốt Tông huấn Christus Vivit.

Tôi đang là Đại tập, tôi sẽ làm được gì? Thôi để đi sở rồi tính nhưng thiết tưởng không phải như vậy. Vì đã ở trong nguồn mạch của cái “là” thì nó không cho phép tôi được ngưng nghỉ, mà phải bắt đầu hôm nay để tới đó tôi mới “có” để cho. Ước mong sao với Hội nghịdòng 21 này, chị em chúng tôi ở khắp nơi cũng đọc được sự mời gọi cộng tác, hy sinh, cầu nguyện để một lần nữa chị em lại cùng nhau “Nhờ Thần Khí để tiến bước” (Gl 5,25) trong trăm năm mới này. Ngõ hầu Nhà Tạm nơi mỗi chị em cũng như nơi tôi được mở ra và phân phát cho mọi người trẻ sự sống của Đấng Phục Sinh.

Maria Tú Cẩm (Đại tập), FMI