Cần ơn tái sinh để “sống niềm vui rượu mới, bầu da mới”

Hội Nghị dòng lần thứ 21 được diễn ra trong bối cảnh thế giới đang điêu đứng bởi cơn đại dịch Covid-19...


Hội Nghị dòng lần thứ 21 được diễn ra trong bối cảnh thế giới đang điêu đứng bởi cơn đại dịch Covid-19. Cả nhân loại đang phải đối mặt để bảo vệ sự sống của con người. Mọi kế hoạch, hoạt động, dự tính,…tất cả đều gián đoạn. Con người gặp khủng hoảng và xã hội đang từng bước chuyển mình để thích nghi với thực tại cuộc sống. Trong bối cảnh đó, Hội dòng cũng thực hiện một cuộc canh tân để đáp ứng, thích nghi với hoàn cảnh mới của thế giới. Với cái nhìn đức tin, người Kitô hữu nói chung và người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng buông mình cho Chúa Thánh Thần tác động và đặc biệt để cho Ngài tái sinh mỗi thành viên trong Hội dòng sống tinh thần mới, chuẩn bị một bầu da mới để chứa đựng rượu mới, chính là Đức Kitô.

Vậy Ơn tái sinh[1]là gì?

Tái: lại; sinh: sống, ra đời

Tái sinh: sống lại, sống với tình trạng mới

Tái sinh là việc Thiên Chúa ban cho con người sự sống mới-được tham dự vào sự sống thần linh của Ngài, khác với sự sống tự nhiên của con người. Sự sống mới có tính siêu nhiên. Theo Thánh Kinh, con người nhờ Đức tin và Lời Chúa, được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần (Bí tích Thánh Tẩy) để trở nên con cái Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần ban ơn tái sinh cho những tâm hồn khao khát

Lời Chúa Ga 3,1-21 kể về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Được lôi cuốn bởi một người tên là Giêsu, ông Nicôđêmô đến gặp Chúa vào ban đêm với những khắc khoải, khát khao tìm kiếm sự thật. Ông là một người sùng đạo. Ông muốn biết rõ hơn những chân lý về Thiên Chúa. Và ông đã đến với Chúa Giêsu để tìm thầy học đạo. Nhưng nhu cầu của ông không hẳn là tìm kiếm những kiến thức mới mẻ, mà là một cuộc đổi mới nội tâm. Đằng sau con người ấy là một truyền thống Do Thái đã ăn sâu vào cuộc sống của ông. Như thế, Do Thái giáo đã gắn chặt vào nếp sống, suy nghĩ, tập tục và cả con người của vị Pharisêu này. Thế nhưng, ông đã không cưỡng lại được Thánh Thần thúc giục để khám phám thánh ý Thiên Chúa qua một con người Giêsu. Đó như là ranh giới giữa Cựu Ước và Tân Ước. Một bước nhảy thật lớn để đón nhận ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Ông đã tin vào Chúa Giêsu và để cho mình được tái sinh trong Thánh Thần (x. Ga 19,39-42). Bậc thầy này đủ sự bén nhạy trong việc mở tâm hồn ra để đón nhận những giáo huấn mới qua con người Chúa Giêsu. Ông tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong chính bối cảnh thực tại mà ông đang sống. Thật vậy, thời bấy giờ biết bao tâm hồn khép kín lại trong những tập tục cũ, với một sự tự hào truyền thống Do Thái giáo vững chắc để không đón nhận Tin Mừng mà Chúa Giêsu mang đến.

Kế đến, các Tông đồ cũng là những con người được Chúa Cha tuyển chọn và được nhận lãnh ơn tái sinh của Thánh Thần. Các ngài đã biết mở ra cho Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời mình và sống năng động trong sự dẫn dắt của Ngài. Đó là những chứng nhân mềm dẻo và ngoan ngùy trước mọi dấu chỉ của thời đại. Và các ngài chính là những con người mở cánh cửa của thời đại mới, một trang sử ân thánh mới của lịch sử cứu độ, bước ngoặt khai sinh Giáo hội. Một Giáo hội sơ khai tràn đầy ơn thánh và sống động trong Chúa Thánh Thần. Cho tới ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động trong mọi tâm hồn, nơi các cộng đoàn hay trong chính Giáo hội. Mỗi ngày, Chúa vẫn luôn tái sinh nhân loại. Nhưng vấn đề quan trọng là con người có mở lòng ra để cho Chúa tác động và biến đổi hay không?

Chúa Thánh Thần tác nhân trong việc canh tân Luật sống và Nội quy của Hội dòng

Hội dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm cũng được Giáo Hội sinh ra và thuộc về Giáo hội, đó là công trình của Chúa Thánh Thần. Như thế, trải qua hơn 100 năm, Ngài vẫn không ngừng canh tân và tái sinh Hội dòng, đặc biệt từng người chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm để đi đúng với Thánh ý Chúa và làm sung mãn cuộc sống của mỗi thành viên trong Hội dòng.

Nổi bật là Cuộc canh tân Luật sống bắt đầu vào năm 1969, thời chị Bề trên M. Claudia Công Tằng Tôn Nữ Thị Luyến, được tiếp tục thành hình trong thời chị Bề trên M. Gonzague Đỗ Thị Tùng, và hoàn tất dưới thời chị Bề trên M. Céphas Trần Thị Diệp, năm 1997. Qua 27 năm với 11 khóa Hội nghị dòng về canh tân Luật sống để thích nghi với thời đại và tinh thần mới mà Mẹ Giáo hội đang mời gọi trong bối cảnh khó khăn của đất nước. Sâu xa hơn đó là sự thúc bách của Thánh Thần để chị em thích nghi với thời đại và đi đúng với giáo huấn của Giáo hội. Quả thật, Ngài từng bước một cách tiệm tiến để tái sinh từng chị em chúng ta qua trung gian Hội dòng.

Ngày nay, thế giới đang từng phát triển một cách chóng mặt, con người cũng đổi thay. Đọc ra những dấu chỉ của thời đại, Hội Nghị dòng lần thứ 21 mở ra khi bước vào trăm năm thứ hai của Hội dòng. Một bước ngoặt lớn với những đột phá về tinh thần sống đời thánh hiến trong thời đại hôm nay. Như thế, đây là Hội nghị lần thứ hai trong lịch sử của Hội dòng với nội dung tu chỉnh Hiến luật, nội quy và cả quy chế đào tạo trong Hội dòng. Một sự chuyển mình để đánh dấu cho bước nhảy vọt hướng về trăm năm thứ hai.

Thích nghi với hoàn cảnh mới - Sống tinh thần Rượu mới bầu da mới

Hội dòng cùng hòa mình trong sự đổi mới nhanh chóng của thế giới và môi trường xã hội đất nước để kịp thời đáp ứng các đòi hỏi của thực tại. Đúng thế, sự tồn tại của con người không phải là một biến cố mù quáng như các hiện tượng thiên nhiên. Nhưng con người luôn có một cách thức phản ứng độc đáo trước các hoàn cảnh. Một hoàn cảnh sống và ánh sáng của nó là một ân huệ của Thiên Chúa. Mỗi hoàn cảnh là một nhiệm tích (dấu chỉ) nơi đó tôi gặp sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài mặc khải cho chúng ta phải biết sống như thế nào, nếu chúng ta biết lắng nghe trong khiêm tốn và phó thác. Một dự định hiện hữu không phải là một chương trình, một kế hoạch hay một thời khóa biểu. Ngược lại đó là một sự ý thức luôn luôn biến chuyển về ý muốn Thiên Chúa trên mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta quan niệm rằng đời sống như một kế hoạch, thì chúng ta có thể trở nên rất cứng rắn và khó tính. Chúng ta sẽ bất mãn khi gặp những hoàn cảnh hay nhiệm vụ mà chúng ta chưa từng trù liệu sẵn trong chương trình, kế hoạch của chúng ta. Hậu quả là chúng ta sẽ trở nên bực tức, giận dữ và nổi loạn đối với cuộc đời. Hoàn cảnh của con người luôn biến chuyển và không ai có thể tiên đoán về sự biến chuyển đó. Ý muốn và sự hiện diện của Thiên Chúa được khắc ghi trong mỗi biến cố đang thay đổi. Bởi đó, sự tìm kiếm và vâng phục ý muốn Thiên Chúa không phải là sự chạy trốn cuộc đời với những thăng trầm biến đổi của nó. Nếu chúng ta quảng đại đáp lại những đòi hỏi của hoàn cảnh mới, chúng ta sẽ phát triển những khía cạnh mới của hiện sinh, chúng ta sẽ có một nhân cách phong phú hơn, sâu sắc hơn. Chúng ta sẽ lắng nghe được tiếng Chúa trong kinh nghiệm cuộc đời, vì cái nhìn đức tin cho thấy sự hiện diện của Chúa qua bức màn của cuộc sống hằng ngày[2]. Biến cố canh tân của Hội dòng là tiếng mời gọi của Thiên Chúa để tôi được tái sinh trong Chúa Thánh Thần trong thời đại hôm nay. Một sự sống siêu nhiên hơn, một sức sống mới mẻ và một tinh thần lạc quan để tạo nên một bầu da mới qua đời sống thánh hiến và sứ mạng của Hội dòng. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể đem Tin Mừng của Thiên Chúa vào môi trường mà chúng ta phục vụ, đặc biệt là sứ mạng giáo dục giới trẻ. Một sứ mạng mà Thiên Chúa mời gọi cấp thiết chúng ta hơn bao giờ hết.

Thiết nghĩ, Hội dòng có thể sống đời sống thánh hiến như một lễ hội theo tiêu chuẩn của Tin Mừng, có sự kế thừa tốt đẹp và lớn mạnh về mọi phương diện trong sự chúc lành của Thiên Chúa[3] trong trăm năm kế tiếp. Một sức sống siêu nhiên được nảy nở và thay đổi diện mạo hơn trong đời sống thánh hiến của chị em Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng như sứ mạng phục vụ của Hội dòng. Nhờ ơn tái sinh, chị em sống trọn vẹn giây phút hiện tại với căn tính đời tu trong sung mãn, niềm vui, bình an và hạnh phúc trong ơn gọi giáo dục mà Đấng Sáng lập dòng mong đợi.

M. Anna Phúc Ái (Đại tập), FMI  

[1] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN,TIỂU BAN TỪ VỰNG,  Từ điển Công giáo, NXBTôn giáo, nsx 2011, trang 294-295

[2][2] ADRIAM VAN KAAM, C.s.s.p, Nhân cách tôn giáo, dg Ngô văn Vững, trang 34-35

[3] Chị Bề trên Têrêsa Phạm Thị Bích Thủy, thư tháng 05/2021