Cộng đoàn là nơi…

Cộng đoàn là nơi tôi được lắng nghe, được quan tâm với tất cả sự chân thành. Tôi biết mình được thấu hiểu, được nâng đỡ qua những lời nói, ánh mắt và những chi tiết nhỏ của tình yêu.


Trong đời sống thánh hiến, cộng đoàn là yếu tố không thể thiếu để người tu sĩ tiến bước trên đường nên thánh. Sống trong cộng đoàn huynh đệ như là lời khấn thứ tư mà người sống đời thánh hiến khấn với Thiên Chúa. Cộng đoàn đem đến cho người sống đời Thánh hiến thật nhiều niềm vui và hạnh phúc như lời Thánh vịnh 132 diễn tả: "Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau... Nơi đây ân huệ Chúa ban, chính là sự sống chứa chan muôn đời"[1]. Thế nhưng, cũng có lúc cộng đoàn lại trở thành “nguồn cơn gây đau khổ” cho những con người đi tìm sự thánh thiện. Vì đâu như vậy, phải chăng cộng đoàn không phải là nơi để người tu sĩ nhận ra con đường nên thánh. Không phải vậy, sống trong đời sống thánh hiến trên con đường lữ hành trần thế nhưng người tu sĩ lại ảo tưởng một cuộc sống chỉ toàn niềm vui và họ sẽ sống với những con người tuyệt vời như các đấng thánh. Và khi càng đặt nhiều mong đợi nơi cộng đoàn thì người tu sĩ sẽ càng thất vọng khi cộng đoàn không tốt đẹp như mình tưởng, không thánh thiện, đạo đức như mình mong, không vui vẻ như mình mơ ước. Từ đó người tu sĩ cảm thấy chán nản, thất vọng và dần dần xa rời cộng đoàn, nơi mà đáng lẽ họ phải cảm thấy hạnh phúc như sống trong gia đình của mình. Thật ra, nếu chúng ta nhìn ra nguồn gốc, bản chất và nền tảng của cộng đoàn thì chúng ta sẽ nhận ra rằng chẳng có cộng đoàn nào tự thân là hạnh phúc, tất cả đều phải có sự nỗ lực cộng tác của các thành viên trong cộng đoàn. Bởi vì nguồn gốc của cộng đoàn là tiếng Chúa mời gọi và hồng ân Chúa Cha đã ban những chị em cho chúng ta, nền tảng của cộng đoàn là lòng mến, phản ánh mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi và đặc tính của cộng đoàn là sự hiệp nhất mà Đức Kitô mong ước thiết tha[2]. Trong cộng đoàn, thường mỗi người không tự chọn nhau, nhưng lại được chọn đến sống với nhau. Khi đến sống với nhau, mỗi người đều không phải là những thiên thần, nhưng mỗi người mang trong mình những yếu đuối, những đam mê. Nhưng từ chính những yếu đuối, những đam mê này mà người tu sĩ khởi đầu cuộc hành trình tiến tới sự thánh thiện. Trong cuộc hành trình này, họ cần sự bao dung và lòng thương xót của chị em trong cộng đoàn để nâng đỡ, để ủi an. Yếu đuối của người này có thể tạo nên sự mạnh mẽ nơi người kia. Khuyết điểm của người này có thể là nguyên nhân thánh thiện cho người khác. Hạnh phúc, niềm vui và sự thánh thiện sẽ đến khi nào người tu sĩ cảm thấy cộng đoàn là nơi:

Có sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi chính chị em của mình dù họ có những sai lỗi và yếu đuối. Tôi đón nhận “cái là” của họ cũng như chấp nhận giới hạn của chính mình. Tôi nhận ra rằng “có những thời điểm khó khăn có thể xảy đến khi cái bóng thập giá xuất hiện, nhưng không có gì có thể phá hủy niềm vui siêu nhiên vốn thích nghi và thay đổi, nhưng luôn bền vững như một tia sáng phát sinh từ sự xác tín trong lòng chúng ta rằng sau tất cả, chúng ta được yêu thương vô cùng[3].

Cộng đoàn là nơi tôi được lắng nghe, được quan tâm với tất cả sự chân thành. Tôi biết mình được thấu hiểu, được nâng đỡ qua những lời nói, ánh mắt và những chi tiết nhỏ của tình yêu.

Cộng đoàn là nơi để tôi mong muốn được trở về để nghỉ ngơi bình an sau một ngày miệt mài với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chính ở nơi đây tôi để tâm hồn mình được lấp đầy bình an của Đức Kitô[4] để rồi hân hoan ra đi nói với anh em tôi rằng Chúa yêu thương họ.

Cộng đoàn là nơi tôi nhận ra người nghèo khổ luôn được chào đón, yêu thương và giúp đỡ. Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua những cử chỉ yêu thương của chị em dành cho Đức Giêsu với thân thể đầy thương tích, những lo lắng và những muộn phiền sâu xa.

Và cuối cùng, cộng đoàn là nơi mà chính tôi-người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm sẽ được triển nở và được đồng hành để cùng với chị em đi tới đích. Đó là tìm kiếm sự trưởng thành trong thánh hiến.[5]

Hoa đất, FMI  

 

[1] Thánh vịnh 132, Kinh Thánh trọn bộ

[2] Hiến luật Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, điều 59

[3] Đức Thánh Cha Phanxi cô, Tông huấn Hãy Vui Mừng và Hân Hoan, NXB Đồng Nai, 2018, số 125

[4] Đức Thánh Cha Phanxi cô, Tông huấn Hãy Vui Mừng và Hân Hoan, NXB Đồng Nai, 2018, số 121

[5] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sức mạnh của ơn gọi, NXB Đồng Nai, 2019