Cuộc biến hình bản thân

Là con người, ai cũng muốn khẳng định bản thân trên đỉnh cao của sự thành công. Thế nhưng, đời sống thánh hiến không nhắm đến vinh quang của ngôi sao chủ nghĩa cá nhân, không nên thánh một mình nhưng là nên thánh trong một Cộng đoàn.


Đời sống thánh hiến là một ân huệ Thiên Chúa ban cho Giáo hội qua Chúa Thánh Thần. Nhờ việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm, người sống đời thánh hiến tự nguyện bước theo sát Đức Kitô hơn để trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng đã trút bỏ vinh quang để Nhập Thể cứu độ nhân loại[1]. Vì thế, người sống đời thánh hiến được mời gọi họa lại nét chân dung của Đức Kitô dấn thân phục vụ với tất cả tình yêu. Để họa lại vẻ đẹp của Chúa Kitô ở giữa thế gian, bản thân mỗi người tu sĩ cần được thẩm thấu bài học về mầu nhiệm tự hủy của Đức Kitô. Do đó trong khóa hội thảo quốc tế các Liên hiệp Bề trên thượng cấp, Đức Tổng Giám mục Jose Rodriguez Carballo đã đưa ra đúc kết: “Đời sống thánh hiến như một cuộc biến hình bản thân để phục vụ tất cả”[2].

Trong biến cố biến hình trên núi Xi-nai, Chúa Giêsu đã biểu lộ vẻ đẹp sáng ngời về vinh quang của Thiên Chúa nơi bản thân Người[3]. Một vẻ đẹp sáng chói đầy hấp dẫn khiến các Tông đồ ước muốn được dựng lều trên núi để ở lại mãi với Chúa Giêsu. Như thế, cuộc biến hình là một tiến trình hoán cải, canh tân và đổi mới không ngừng hầu trở nên đẹp hơn, sáng hơn, thánh thiện hơn. Vì vậy, đời sống đời thánh hiến được mời gọi thực hiện các cuộc biến hình thường xuyên để hoán cải nội tâm, theo gương Đức Kitô sống mầu nhiệm tự hủy, buông bỏ ý riêng để sống hoàn toàn cho Thiên Chúa. Nhờ đó, chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi bản thân của mỗi người tu sĩ qua con đường dấn thân phục vụ vì Nước Trời.

Đời sống thánh hiến được ví như một cuộc biến hình bản thân để phục vụ tất cả, bởi họ là những người tự nguyện theo đuổi con đường đức ái trọn hảo trong Đức Giêsu Kitô sống ba lời khuyên Phúc Âm, cam kết sống trong một cộng đoàn huynh đệ và hiến mình phục vụ sứ mạng tông đồ của Giáo hội[4]. Nhờ đó, đời thánh hiến trở nên mới mẻ và đặc biệt[5] trong sự dấn thân phục vụ nhằm làm vinh danh Thiên Chúa hơn và xây dựng Giáo hội. Đồng thời, người sống đời thánh hiến không lựa chọn cho mình những đối tượng hoặc công việc yêu thích để phục vụ, nhưng là một sự dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và con người với tất cả những gì làm nên nhân vị của một con người.

Đời thánh hiến biến hình để hiến dâng cho Thiên Chúa một tình yêu trọn vẹn, một trái tim không bị phân chia. Nhờ một tình yêu tinh tuyền thánh thiện, người sống đời thánh hiến mới có khả năng từ bỏ cái tôi chủ nghĩa cá nhân và hòa hợp vào trong Cái Tôi của Đức Kitô. Với trái tim đầy ắp tình yêu, người được thánh hiến sẽ mở lòng ra để yêu mến tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu, phục vụ mọi người như Chúa Giêsu đã phục vụ, nhất là phục vụ những người hèn mọn, bệnh tật và cả những người tội lỗi. Theo gương Chúa Giêsu, người sống đời thánh hiến phục vụ trong tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, vì nếu không có tình yêu thì việc phục vụ của họ sẽ trở nên vô nghĩa. Vì thế, người tu sĩ cần đụng chạm được với tình yêu tự hủy của Thiên Chúa đã trao ban chính Con Một, để ai tin vào Người Con thì sẽ được cứu độ. Cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, người tu sĩ cần phải có tình yêu. Vì vậy, người tu sĩ cũng cần những cuộc biến hình để trái tim ngập tràn tình yêu và giàu lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhờ đó, người thánh hiến đem cả tình yêu để phục vụ sự sống con người, chỉ khi yêu, con người mới phục vụ người khác với cả tình yêu và lòng nhân hậu.

Đời thánh hiến thực hiện cuộc biến hình để sống tận căn các lời đã tuyên khấn trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội: Khiết tịnh - Nghèo khó - Vâng phục. Khi bước vào đời sống thánh hiến, người tu sĩ tự nguyện dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả nghị lực yêu thương, nhu cầu chiếm hữu và sự tự do định đoạt về đời mình, đó là những yếu tố làm nên nhân vị của một con người. Vì vậy để tuân giữ tận căn các lời khuyên Phúc Âm là một thách đố lớn của người sống đời thánh hiến. Do đó, họ phải được tham dự vào mầu nhiệm tự hủy của Đức Kitô và cùng với Ngài phục vụ Nước Thiên Chúa. Đồng thời, họ cũng phải thực hiện liên lỉ tiến trình tự huấn luyện để biến đổi bản thân nhằm thống nhất đời sống theo gương thầy Giêsu - Đấng tuyệt hảo về cung cách sống Khiết tịnh - Nghèo khó và Vâng phục. Chúa Giêsu Kitô đã huỷ mình trong Mầu nhiệm Nhập Thể, vì “Người vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự[6]. Chúa Giêsu đã từ bỏ vinh quang Thiên Chúa, vâng phục Chúa Cha để chọn cuộc sống nghèo hèn, bần cùng nhất. Đặc biệt, Ngài đã dành cho nhân loại một tình yêu tinh tuyền trọn vẹn nhất là cái chết trên Thập giá. Nhờ đó, mọi người trên thế gian dù là người đầy đau khổ, rách nát cũng có thể cảm nhận sự an ủi của Đấng Cứu Thế. Qua đó, chúng ta cảm nhận được Đức Kitô chính là mẫu gương cho đời thánh hiến đã chu toàn thánh ý Chúa Cha là dâng hiến mạng sống mình để cứu chuộc toàn thể nhân loại tội lỗi.

Là con người, ai cũng muốn khẳng định bản thân trên đỉnh cao của sự thành công. Thế nhưng, đời sống thánh hiến không nhắm đến vinh quang của ngôi sao chủ nghĩa cá nhân, không nên thánh một mình nhưng là nên thánh trong một Cộng đoàn. Vì thế, những ai bước vào trong đời sống thánh hiến là bước vào con đường của sự từ bỏ chính mình để hòa nhập vào trong đường hướng huấn luyện của Giáo hội và của Hội dòng. Bởi Cộng đoàn huynh đệ là một đời sống chia sẻ trong tình yêu[7], phản ánh mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi[8] và là dấu chỉ sự hiệp thông Giáo hội, vì mỗi tu sĩ là những “chuyên viên của sự hiệp thông”[9]. Vì thế, mỗi người tu sĩ cần bỏ ý riêng và trở nên ngoan ngùy trước thánh ý Thiên Chúa qua các Bề trên như Đức Maria đã cất tiếng xin vâng trong niềm tin tưởng, phó thác[10]. Người sống đời thánh hiến hoán cải bản thân để khiêm tốn hiện diện, khiêm tốn lắng nghe, khiêm tốn thực hiện những công việc bác ái yêu thương, khiêm tốn chọn thánh ý Thiên Chúa làm trọng tâm cho đời sống Cộng đoàn. Nhờ đó, Cộng đoàn của những người sống đời thánh hiến trở nên nơi gieo mầm niềm vui Nước Trời ngay ở đời này. Như thế, mỗi thành viên trong cộng đoàn sẽ là những vị thánh trong lòng Giáo hội.

Bên cạnh đó, đời thánh hiến dấn thân để phục vụ cho các sứ mạng rất đa dạng của Giáo hội: Giáo dục, truyền giáo, di dân, chăm sóc các em mồ côi, khuyết tật và chăm sóc các bệnh nhân...Khi phục vụ, chúng ta chấp nhận chia sẻ thời gian, sức khỏe, khả năng của mình cho người khác. Vì thế, người sống đời thánh hiến rất cần những cuộc biến hình bản thân để có khả năng trao ban chính mình qua những sứ mạng Giáo hội ủy thác. Để làm được những điều nhỏ bé với một tình yêu phi thường, trái tim của người sống đời thánh hiến cần được Đức Kitô chinh phục. Nhờ đó, người sống đời thánh hiến cần tạo cho mình mối tương quan cá vị thân thiết với Thiên Chúa trong cầu nguyện, chiêm niệm để làm mới lại bản thân mỗi ngày nhằm dấn thân cho sứ mạng của Giáo hội cách năng động hơn.

Cách riêng là một nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta được mời gọi thực hiện cuộc biến hình bản thân mỗi ngày bằng cách cộng tác với ơn Chúa qua chương trình huấn luyện của Hội dòng. Đồng thời, chúng ta lập ra cho chính mình một tiến trình tự huấn luyện làm mới lại bản thân mỗi ngày để trưởng thành hơn trong đời sống thiêng liêng, nhân bản và cả tri thức. Nhờ đó, người sống đời thánh hiến sẽ được thống nhất đời sống trong Chúa Kitô hơn.  

Đời sống thánh hiến như là cuộc biến hình bản thân để phục vụ tất cả quả là một đúc kết giàu ý nghĩa. Biến hình để phục vụ, đồng thời, biến hình để mở ra một con đường nên thánh cho tất cả mọi người. Với tâm hồn năng động trong tình yêu, người sống đời thánh hiến sẽ làm trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng trong tâm hồn của mọi người. Nhờ đó, người tu sĩ vừa được nên thánh vừa giúp người khác thực hiện cuộc biến hình để cũng được nên thánh. Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm và giúp đỡ một số tu sĩ chưa nỗ lực để thực hiện cuộc biến hình nhằm làm mới lại trong tình yêu Thiên Chúa để xây dựng hạnh phúc Nước Trời ngay trong cuộc sống hiện tại.

Tóm lại, đời thánh hiến được mời gọi thực hiện cuộc biến hình cách tiệt để bởi chúng ta là những người gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa mỗi ngày qua cầu nguyện, chiêm niệm và cả trong phục vụ. Biến hình để xây dựng tòa nhà Thiên Quốc cho chính bản thân và cho tất cả mọi người. Tòa nhà ấy được xây dựng từ đức tin, đức cậy và đức mến mà mỗi người dành cho nhau, vì cuộc sống như một món quà để trao ban và nhận lãnh. Vì thế, tất cả đều được đón nhận từ cuộc đời này một ân tình từ những người khác. Do đó, người sống đời thánh hiến biến hình để đem Chúa đến với mọi người bằng cả con tim và làm nên một tu sĩ trẻ trung, mới mẻ và đặc biệt trong ân sủng của Thiên Chúa.

M. Goretti Cương, FMI 


[1] x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata, về đời sống thánh hiến, 1996, số 1.

[2] x. JOSE RODRIGUEZ CARBALLO, OFM, Thời điểm tiến bước, tr. 308 - 321. Trích trong sách Đúc kết khóa Hội thảo Quốc tế về “Thánh hiến và Thánh hiến qua các lời khuyên Phúc Âmcủa Thánh bộ các Hội dòng Thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ, Nxb Hồng Đức, 2019.

[3]  x. Mt 17, 1-8; Mc 9, 2-8; Lc 9, 28-36.

[4] x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata, về đời sống thánh hiến, 1996, số 30.

[5] x. GIANFRANCO GHIRLANDA, SJ, Những ý nghĩa khác nhau của hạn từ “Thánh hiến” trong Bộ Giáo luật 1983, tr. 16-66. Trích trong sách đúc kết khóa Hội thảo Quốc tế về “Thánh hiến và Thánh hiến qua các lời khuyên Phúc Âm” của Thánh bộ các Hội dòng Thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ, Nxb Hồng Đức, 2019.

[6] Pl 2, 6 - 8.

[7] x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata, về đời sống thánh hiến, 1996, số 42.

[8] x. BỘ TU SĨ, Huấn thị đời sống huynh đệ trong Cộng đoàn, 1994, số 1.

[9] x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata, về đời sống thánh hiến, 1996, số 46.

[10] x. Lc 1,38.