Nhớ Cha…

“Đam mê Thiên Chúa và đam mê con người” đã thể hiện cách sống động trong đời Cha. Con thật sự xúc động khi đọc lại những dòng tiểu sử của Cha, nhất là những năm tháng cuối cuộc đời.


Thật hiếm khi vào một buổi chiều tháng giêng Âm lịch mà nắng xuân trải dài khắp mọi ngõ ngách sân vườn Huế. Sau giờ nghe giảng, con đã chọn một góc nhỏ trong Đất thánh của Dòng để cầu nguyện. Đối diện với bia đá khắc tên Đức Cha Sáng Lập và Đức Cha Bề Trên Tiên Khởi, các Bề Trên và các Chị Tiền Bối,… Con bồi hồi nhớ lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, buổi sáng khai sinh Dòng với số người thật khiêm tốn chỉ 6 chị… mà lãnh nhận một sứ mạng thật lớn lao “dạy dỗ đồng nhi, bất kỳ ngoại đạo, nhất là nhi nữ có đạo” (LTK I,3).

Thấm thoát thời gian trôi, con ngồi đây đếm tuổi thọ của Mẹ Dòng: một trăm lẻ hai tuổi! Thời gian không phải ngắn cũng chưa là quá dài. Trải qua bao thăng trầm thế sự của lịch sử nước nhà, của phận người… Hội Dòng vẫn tiếp tục bước đi trên đôi chân của mình, nhìn có vẻ yếu mềm nhưng đủ vững chãi để vượt qua những chướng ngại, sóng gió trong trần đời. Bằng chứng là hơn trăm năm trong sứ mạng giáo dục, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đã và đang tiếp tục thực thi sứ mạng lãnh nhận trong mọi lãnh vực cuộc sống bằng chính sức lực, khả năng và sự sáng tạo của mình. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, chúng con đã có thể khẳng định được sự hiện hữu của mình trong thế giới hôm nay.

Tất cả gia sản chúng con có hôm nay là sự đánh đổi bằng mồ hôi, bằng nước mắt và sức lực của Cha, của các vị Tiền bối. Con tri ân Cha vì tầm nhìn vĩ đại phi thời gian của Cha đối với sự tồn tại của Hội Dòng qua Đặc sủng, Linh đạo và Sứ mạng phục vụ trong Giáo Hội, để hôm nay chúng con tiếp tục bước đi, tiếp tục thích nghi, phát huy và làm cho Đặc sủng sống động trong mọi hoàn cảnh con người. Con tri ân Cha vì đam mê Cha dành cho Thiên Chúa, đam mê các linh hồn, nhất là đối với những con người thấp bé nghèo nàn bằng một chọn lựa dứt khoát giữa tiền bạc và các linh hồn, bất chấp sự lạm dụng của người khác để cứu được các linh hồn, điều này được Cha so sánh cách đơn sơ như sau: “Nếu phải tốn 1000 đồng để cho vài ba trẻ em được lên thiên đàng thì không đáng làm như vậy sao?” (Tiểu sử Đức Cha Allys, tr. 18).

Đam mê Thiên Chúa và đam mê con người” đã thể hiện cách sống động trong đời Cha. Con thật sự xúc động khi đọc lại những dòng tiểu sử của Cha, nhất là những năm tháng cuối cuộc đời. Chúa đã thương Cha theo cách của Ngài, đã lấy đi đôi mắt của Cha (“Chúa nhân lành không thể nào gởi cho tôi một thánh giá nào lớn hơn nữa, xét theo tính khí của tôi”, Tiểu sử Đức Cha Allys, tr. 16) để Cha gặp Ngài, ở với Ngài bằng con tim và đôi mắt tâm hồn. Lúc này Cha thi hành sứ mạng mục tử bằng việc hiện diện suốt ngày trước Thánh Thể và không ngừng cầu nguyện cho các linh hồn. Vậy mà, lắm lúc Cha vẫn chưa an tâm bởi Cha sợ ra trước toà Chúa, Chúa sẽ hỏi 2 điều: chưa yêu mến Thánh Thể đủ và chưa hết tình cứu giúp các linh hồn trong luyện tội đủ.

Tục ngữ có câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Vâng, nghĩ về Cha con mơ về đời mình, ước gì tâm tình yêu mến của Cha được hoạ lại trong tâm hồn con, trong đời sống con, để như Cha con biết “đam mê Thiên Chúa và đam mê con người”, dám dành một chỗ đứng nhất định, xứng đáng cho Chúa trong tâm hồn, dám yêu thương, dám phục vụ con nguời cho dù hoàn cảnh thuận lợi hay không, biết sống cho sống với… xứng với ơn ban con được lãnh nhận suốt cuộc đời. 

Bên Cha, bên các Chị con cảm nhận được sự bình yên trong tâm hồn. Bình yên như nơi các chị đang an nghỉ giữa lòng đất Mẹ, bình yên như cuộc đời của hai Đức Cha và các chị… dù truân chuyên, phong ba bão táp… đã không làm nao núng hay đánh bại được Cha, được các chị, vì Chúa đã luôn ở với Cha, với các chị.

Con tin Cha đang luôn bên các người con yêu của Cha, để yêu thương, để chuyển cầu và để trợ lực khi phong ba bão tố ập đến. Con nghĩ Cha sẽ an tâm, sẽ vui khi thấy chúng con yêu Chúa và yêu con người bằng trái tim và khối óc của người môn đệ Chúa, đem niềm vui và ơn cứu độ của Chúa cho anh em, tiếp nối hành trình Cha đã khai sáng và để lại cho chúng con.

Chiều Xuân Nhâm Dần 18-02-2022   

M. Anna Trần Đức, FMI