Gốc rễ và nguồn cội

Gốc rễ của tôi ở đâu? Đây là câu hỏi mà mỗi người trẻ chúng ta phải trả lời. Vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Một người không phát triển bền vững nếu không được cắm rễ chắc chắn, vốn giúp người đó đứng vững trước phong ba bão táp...


“Chăm sóc gốc rễ của mình, vì chính từ các gốc rễ ấy mà các con nhận được sức mạnh giúp các con lớn lên, triển nở và sinh hoa trái.” (CV 186)

Gốc rễ của tôi ở đâu? Đây là câu hỏi mà mỗi người trẻ chúng ta phải trả lời. Vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Một người không phát triển bền vững nếu không được cắm rễ chắc chắn, vốn giúp người đó đứng vững trước phong ba bão táp. Vì thế, sớm muộn, những thách đố của tự nhiên trong đời sẽ làm họ gục ngã như cành cây đổ rạp xuống đất sau cơn bão. Nó dễ dàng “bay đi mất” khi không có gì bám hoặc gắn chặt vào.[1]

Gốc rễ nơi chốn ta thuộc về

Những ngày được trở về Nôi Mẹ, tôi cảm nghiệm được tâm tình của chính mình như nhánh cây non đang cần được hồi sức sau thời gian rời xa cái nôi tôi được nuôi dưỡng ơn gọi. Khi nhắc đến “Nôi Mẹ”, chắc hẳn ai trong mỗi chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng cảm nghe được trong lòng một tình cảm yêu mến và luôn hướng về. Nơi tôi được nâng đỡ, nơi được kín múc sức sống thiêng liêng từ nguồn cội. Nơi tôi được thuộc về tự khi nào không hay. Cho dù bây giờ, tôi như nhánh cây đã trở nên mạnh mẽ, vươn cao đối mặt được với giông bão của cuộc đời thì khi nhìn lại nếu như không có những tình thương nâng đỡ tôi từ “chiếc nôi” hay từ “bộ rễ” ấy làm sao tôi có thể vươn dài và đầy sức sống như hôm nay. Để rồi tôi nhận ra đâu là những điểm tựa, là những giá trị gốc giúp tôi có thể phát triển và đáp trả lại với những thách đố hôm nay. Chính những điều ấy làm cho tôi ý thức sự thuộc về, nhận ra gốc rễ của tôi để tôi bám chặt vào.

Những gốc rễ nói gì với tôi

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khuyến khích các bạn trẻ: “Hãy dành thời gian nói chuyện với với ông bà, người già, hãy lắng nghe họ[2]. người già cứ lặp đi lặp lại một câu chuyện, đó là cảm nhận của người trẻ. Và chúng ta không thể tìm thấy gốc rễ của mình nếu như không kiên nhẫn để lắng nghe và có thể học hỏi kinh nghiệm từ “những cây cổ thụ” có “bộ rễ” vững chắc ấy.

Trong cộng đoàn, Hội dòng, gia đình hay trong văn hóa của dân tộc mình tôi tìm thấy gốc rễ của chính mình. Chính từ những “gốc rễ” ấy qua việc tiếp xúc, đối thoại với những vị cao niên, những bậc lão thành tôi nhận ra những kinh nghiệm quý giá được chuyển trao, như kim chỉ nam định hướng cho cuộc đời. Điều này nói với tôi rằng sống trong một Hội dòng hay trong một gia đình có những bậc cao niên là điều đáng trân trọng. Và khi dành thời gian cho họ tôi không mất gì cả nhưng được có thêm rất nhiều điều mà ngay cả những gì tôi trải nghiệm cũng không đủ cho tôi có những kinh nghiệm như thế.

Giá trị của những gốc rễ cắm sâu vào cội nguồn

Tuy những bộ rễ ấy hiện diện thật âm thầm, không ai nhìn thấy nhưng nó có một sức mạnh đỡ nâng sự sống của toàn thân cây. Những gốc rễ ấy đâm sâu vào lòng đất để hút những khoáng chất nuôi dưỡng thân, cành, lá làm cho cây đời tôi thêm tốt tươi. Những bậc cao niên cũng thế, nếu họ không có một niềm tin vững chắc, những kinh nghiệm khôn ngoan của cuộc đời và hằng ngày kết hiệp liên lỉ với nguồn cội là Đức Kitô thì chắc chắn bộ rễ ấy sẽ bị những “con sâu đất” gặm nhấm và không đủ sức để nuôi dưỡng thân cành. Bộ rễ ẩn sâu dưới lòng đất là thế, nhưng những cành lá xanh tươi được vui đón nắng gió trên khung trời bình yên sẽ vô cùng biết ơn vì gốc rễ đã hy sinh cả cuộc đời thầm lặng để nâng đỡ cây cành. Vì thế, tôi tạ ơn Chúa vì tôi cảm nhận trong Hội dòng của mình những bộ rễ thật vững chắc, khi tôi có thời gian hiện diện, lắng nghe gần gũi những bậc cao niên trong Hội dòng.

Con người hôm nay chịu ảnh hưởng với biết bao trào lưu văn hóa làm đảo lộn các giá trị đạo đức. Một trong những trào lưu văn hóa khá phổ biến đó là văn hóa vứt bỏ. Cái gì tiện dụng cho tôi, có lợi cho tôi thì tôi giữ lại. Cái gì xem chừng như vướng bận tôi thì tôi bỏ đi. Không những họ làm thế với đồ vật nhưng với cả con người. Vì thế, những con người yếu thế như người già, người nghèo, người khuyết tật, trẻ em…thường bị lãng quên. Những điều này tạo nên một nỗi lo sợ cho những đối tượng ấy và nhất là người già. Khi được hỏi đến điều gì làm họ lo sợ nhất khi sống trong tuổi già? Họ sợ cô đơn, không ai đoái hoài đến họ nữa. Cho dẫu một đời hy sinh cho thế hệ con cháu nhưng có vẻ những hy sinh đó không được công nhận khi họ về già. Họ trở nên tủi thân vì thiếu sự chăm sóc, quan tâm của con cháu. Với cuộc sống vội vã của xu hướng toàn cầu hóa, ít người trẻ có đủ kiên nhẫn để lắng nghe những bậc cao niên, những kinh nghiệm họ muốn truyền tải hay những ước mong của họ cho người trẻ hôm nay.

Có một bài hát như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng thấm thía tâm tình dành cho những đứa con: “Con ơi, ngày xưa kia lúc con nhỏ dại, cầm tay mẹ dắt con từng ngày những lần buộc dây chiếc giầy. Vì vậy, mỗi lần mẹ chóng quên mẹ ngập ngừng mẹ không nhớ tên, xin con cho mẹ xin thêm chút thời gian. Con ơi, bài ca dao những năm đầu đời mẹ dạy con hát trong từng lời. Những ngày mẹ vui nhất đời. Vì vậy, mỗi lần mẹ nhớ ra kể nhiều lần về năm tháng qua xin con thông cảm cho một người đã già. Giữ hơi ấm con kề bên thắp tia ánh sáng xuyên màn đêm con là niềm ước ao từng ngày mẹ có. Lúc đau đớn, khi buồn thương (vương), lúc con muốn có ai chở che hãy tin rằng thế gian vẫn còn có mẹ. Con ơi bàn chân mẹ bước không vững rồi, bàn tay run mỗi khi trở trời những ngày dần xa cõi đời. Vì vậy, mỗi lần con đến bên dìu mẹ chầm chậm thôi nhé con như khi xưa mẹ dắt con đi vào đời” (Bài hát Trên Tường Nhà Dưỡng Lão-Hamlet Trương).

Những kinh nghiệm hay những lời chia sẻ đó như một ước mong cho một thế hệ có vẻ như đang mải mê vươn cao mà không cắm rễ sâu vào trong lòng đất. Và những bậc cao niên nói với tất cả chúng ta rằng hãy kiên nhẫn với chúng tôi, hỡi các bạn trẻ.

Kiên nhẫn và biết ơn để nhận ra tôi cần đến gốc rễ

Kiên nhẫn không có nghĩa là dung túng cho những khó khăn hay hỗ trợ cho những định mệnh của nghịch cảnh. Kiên nhẫn không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, nhưng là sức mạnh của tâm hồn làm cho chúng ta có thể mang vác gánh nặng, chịu được sức nặng của những vấn đề cá nhân và xã hội, giúp chúng ta đón nhận sự khác biệt của người khác, giữ cho chúng ta có thể kiên định bảo vệ điều tốt, ngay cả khi dường như không mang lại kết quả hữu ích[3]. Vì thế, kiên nhẫn để nhận ra đâu là gốc rễ của mình là một điều cần thiết để tôi có thể sống với lòng biết ơn. Mở ra cho người khác một niềm hy vọng, đánh tan thái độ bi quan, vô cảm của con người hôm nay. Hãy làm đẹp thế giới với tâm tình tri ân Thiên Chúa, tri ân những người Chúa đã ban cho ta trong cuộc đời và hãy nhận ra chính họ đã góp một phần làm phong phú cuộc đời ta.

M. Catarina Nguyễn Thị Tâm (Khấn tạm), FMI  


[1] Sống Tốt- Con Là một tuyệt tác. ĐTC Phan-xi-cô

[2] ibid,tr.49

[3] ibid tr.88