Sa mạc hồng ân

Hòa lẫn với nhịp đập của tình yêu Chúa, tôi càng ngày càng được thấm đẫm tinh thần của Mẹ Dòng. Tôi cảm nghiệm rằng nơi đây chính là ngôi nhà thứ hai của tôi, những chị em này là chị em của tôi và tôi muốn sống hết mình với những ân huệ mà Chúa đang ban cho.


Thời gian Tập viện được gọi là hành trình Sa mạc, đây là một thời gian quan trọng để huấn luyện nên một người tu sĩ trưởng thành. Và chính tôi đã được trải qua hành trình này với những kinh nghiệm quý báu làm hành trang cho đời dâng hiến.

Cha thánh Charles de Foucauld, một người có nhiều kinh nghiệm sống trong sa mạc đã nói: “Tất cả chúng ta phải đi qua sa mạc để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Vì trong sa mạc, mỗi người sẽ khoét rỗng chính mình, loại ra khỏi mình những gì không phải Thiên Chúa  và những gì không thuộc về Ngài, chuẩn bị một nơi thật xứng đáng cho Ngài”. Sa mạc Tập viện quả là hồng ân mà Chúa ban tặng cho tôi. Chính nơi đây, tôi được Ngài thanh luyện giữa những thử thách, để qua đó tôi nhận ra sự bất lực, mong manh của bản thân mà biết nhận ra ân huệ của Chúa, quyền năng của Chúa và biết tin tưởng tuyệt đối vào Ngài.

Nơi sa mạc này, Đức Giêsu Kitô mạc khải con người của Ngài cho tôi cách rõ ràng hơn, Ngài luôn luôn mới mẻ và việc khám phá về Ngài là một hành trình không ngơi nghỉ. Khi được chìm sâu trong cầu nguyện và thinh lặng, được lần giở những trang Kinh Thánh trước ngôi Nhà Tạm thân thương, lòng tôi lại thêm cảm phục trước con người Giêsu, trước cử chỉ thái độ, trước lời nói, hành động và đặc biệt là lòng thương xót vô biên của Ngài dành cho những con người lầm than. Quả vậy, với sức hạn hẹp của con người, làm sao tôi có thể tìm biết về Ngài, nhưng chính Ngài đã dần dần hé mở cho tôi hiểu Ngài là ai đối với tôi và mục đích của đời sống tôi là gì. Đỉnh cao của việc khám phá ấy là cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. Giữa những cám dỗ của bản tính con người, Đức Giêsu đã buông mình để cho thánh ý Chúa Cha được thể hiện bằng cách vâng phục để đón nhận chén đắng tại vườn Giêtsêmani. Khi bị nhục mạ, Ngài vẫn lặng thinh, khiêm nhường đến mức thẳm sâu. Dù bị đòn roi, kiệt sức rã rời nhưng Ngài vẫn kiên vững, không thối lui với một tình yêu nhân loại nồng cháy. Ngài đã yêu cho đến cùng. Đây là động lực cho hành trình ơn gọi của tôi để khi vui hay khi buồn, khi bình an hay thử thách, tôi luôn kiên vững bước theo Ngài, hay khi vấp ngã cũng không nản lòng mà chỗi dậy và tiếp tục cuộc hành trình. Chúa Kitô đã chết, đã chịu mục nát như hạt lúa mì gieo vào lòng đất và đã nảy lên mầm của sự Phục sinh, sự sống ấy không bao giờ tàn lụi. Tin mừng Chúa Phục sinh đang tràn trào trên cây cối, đất đai, chảy xuyên qua những vệt nắng, hòa lẫn trong những âm thanh của cuộc sống xung quanh tôi, đu đưa trên những ngọn gió, sà xuống nơi dòng nước mát, đổ vào tâm hồn tôi sự ngon ngọt và tươi mới, thúc giục lòng tôi hân hoan và ra khỏi những cũ kỹ của tâm hồn để được đổi mới và làm lan tỏa cái mới ấy.

Hòa lẫn với nhịp đập của tình yêu Chúa, tôi càng ngày càng được thấm đẫm tinh thần của Mẹ Dòng. Tôi cảm nghiệm rằng nơi đây chính là ngôi nhà thứ hai của tôi, những chị em này là chị em của tôi và tôi muốn sống hết mình với những ân huệ mà Chúa đang ban cho. Đặc biệt, tinh thần của Đấng Sáng lập “loan báo Đức Kitô cho mọi người” như đang tuôn chảy trong dòng máu của tôi, khơi dậy trong tôi ý chí và tình yêu dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân.

Hơn nữa, nhờ những giây phút được trầm mình trong cô tịch trước sự hiện diện của Chúa nơi Lời của Ngài, nơi những ngõ ngách của sa mạc và cả những biến cố trong cuộc sống, tôi đã gặp gỡ chính mình một cách sâu xa hơn. Tôi đã đối diện với sự yếu đuối bất lực của bản thân, có những khi tưởng chừng như gục ngã trước giới hạn của mình nhưng Chúa đã không để tôi phải chiến đấu một mình, Ngài đã nâng tôi dậy và kéo tôi ra khỏi ngục tù của sự trách móc và đau khổ. Ngài đã luôn trung tín, yêu thương và đón nhận tôi như chính tôi là. Chính nhờ đó, tôi không còn dám tự hào, cậy dựa vào sức mạnh và khả năng của mình mà chỉ biết cậy dựa vào một mình Chúa mà thôi. Rồi từ đó, tôi tập buông mình cho Chúa trong mọi sự, thử thách và đau khổ vẫn có nhưng có Chúa ở bên, tôi sẽ không còn quá lo lắng và sợ hãi nữa. Tôi dần quen với việc đọc các biến cố qua lăng kính thánh ý Chúa, nhờ thế, tôi dễ thích nghi hơn và dễ đón nhận giới hạn của bản thân và của người khác hơn. Dĩ nhiên, đây mới chỉ là sự chớm nở của quá trình tập luyện, còn vấp lên trật xuống rất nhiều lần và tôi chỉ biết xin Chúa cho tôi được trung thành với Ngài từng giây từng phút mỗi ngày.

Bên cạnh đó, hành trình sa mạc của tôi không thể thiếu bóng dáng của Mẹ Maria Vô Nhiễm. Tôi tự hào vì tôi được làm con riêng của Mẹ, được tận hiến trong Hội dòng mang tên Mẹ. Mẹ trở nên gần gũi trong cuộc sống của tôi. Khi lời Kinh Mân Côi được lấp đầy trong ngày sống, thì mọi sự kiện, mọi biến cố xảy đến được giải đáp bằng tâm tình xin vâng của Mẹ. Càng thân thiết với Mẹ, tôi càng được mời gọi sống tinh thần khiêm tốn hơn nữa. Nhìn lên Mẹ, sự kiêu căng trong tâm hồn trở nên yếu nhược, thay vào đó là sự nỗ lực tập luyện nhân đức, cho dù vấp ngã nhiều lần nhưng tinh thần của Mẹ vực tôi dậy để bắt đầu lại. Mẹ như là người mẹ ruột thứ hai của tôi và tôi có thể than thở với Mẹ trong mọi lúc và hỏi ý kiến Mẹ trong mọi sự. Thật hạnh phúc cho tôi vì tôi có Mẹ ở bên!

Hành trình sa mạc khép lại nhưng hành trình của sự gặp gỡ Thiên Chúa đang tiếp tục mở ra. Cùng với Ngài, tôi dấn bước vào môi trường phục vụ với tinh thần hăng say của lòng mến, ngõ hầu hình ảnh của Ngài được nhiều người nhận biết hơn nữa.

 Khổng Tước (Tập sinh), FMI