Khiết tịnh nở hoa

Đức khiết tịnh là một ơn Thiên Chúa cho không, giúp người tu sĩ khao khát đào sâu tình thân với Thiên Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.


Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong bài chia sẻ của Ngài tại đại hội giới trẻ thế giới lần thứ mười ba, ngày 02/02/2009 đã khẳng định rằng: đời sống thánh hiến là gì nếu không phải là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô?

Bản chất của đời sống thánh hiến là sống và thực hành ba lời khấn: Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục. Ba Lời khấn đều mời gọi người tu sĩ đáp trả tiếng mời gọi yêu thương của Thiên Chúa một cách trọn vẹn, từ bỏ tất cả và vâng lời cho đến chết theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu. Sống đời thánh hiến, người tu sĩ dâng lên Thiên Chúa hiến lễ hy sinh là chính cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Đây là một hành vi thờ phượng cao trọng nhất, là một hy lễ sống động của người tu sĩ dâng lên Thiên Chúa theo gương Đức Kitô. Sống đời thánh hiến người tu sĩ đóng vai trò như là chiếc cầu nối liên kết các phần tử trong Giáo Hội và để xây dựng Giáo Hội mỗi ngày một lớn mạnh trong đức Tin – Cậy – Mến và hiệp nhất trong Đức Kitô. Do đó, Giáo Hội đã đặt những người sống đời thánh hiến giữa đời ngang hàng với các thánh tử đạo.

Đặc biệt, đức khiết tịnh là một ơn Thiên Chúa cho không, giúp người tu sĩ khao khát đào sâu tình thân với Thiên Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Đó là nguồn mạch để giúp người tu sĩ thi hành sứ mạng của họ trong đời tu, chứ không chỉ nhằm để thánh hoá bản thân họ. Khi sống theo lời khuyên Khiết tịnh của Tin Mừng, người tu sĩ sống tình bạn với tất cả mọi anh chị em trong hội Dòng. Họ nhiệt thành phục vụ tha nhân, đồng thời qua lời khấn khiết tịnh giúp cho người tu sĩ lớn lên trong sự trưởng thành cá nhân và trong khả năng yêu mến. Thánh Phanxicô đã gọi đức thanh khiết là “hoa huệ của các nhân đức, nâng con người gần ngang bậc thiên thần”. Đó là nhân đức giúp cho chúng ta nên “tốt đẹp cả xác hồn” vì phàm cái gì đẹp đều trong sạch và sự trong sạch của loài người là đức thanh khiết.

Lý tưởng là vậy, tuy nhiên, khi sống trong thế giới hôm nay, một thế giới cổ võ cho trào lưu buông thả về tính dục, coi nhẹ giá trị của tình yêu hôn nhân, tự do quá trớn, đề cao khoái lạc, ưa chuộng tiện nghi, tôn thờ bản năng, đề cao “văn hoá hưởng thụ”, lời khấn khiết tịnh bị thách đố nghiêm trọng, chúng ta dễ bị cám dỗ của xu hướng dễ dãi, thỏa hiệp. Khi người tu sĩ không sống đúng với ơn gọi, không chứng tá trong lời khấn khiết tịnh, thì đời tu chỉ là cái vỏ bên ngoài, nó sẽ khiến người đó trở nên thứ tồi tệ không gì tồi tệ hơn. Họ không còn cảm nhận được niềm vui khi phục vụ người khác, đặc biệt những người bất hạnh. Họ không thấy được hạnh phúc khi đến với tha nhân, không hạnh phúc khi sống cùng cộng đoàn. Lời khấn khiết tịnh sẽ không có gì tốt đẹp – cả khi bên ngoài không có gì đáng trách – nếu nó phát sinh sự kiêu căng tự mãn, trái tim chai đá; thái độ lạnh lùng hay cứng rắn; tình trạng qui ngã; ích kỷ v.v.

Đứng trước tình trạng này, bằng việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo loé sáng lên như một “chứng tá về quyền năng của Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của mong manh phận người” (x. TH 88). Đây chính là một trong “những chứng tá cần thiết cho hôm nay hơn bao giờ hết” để minh chứng sức mạnh phi thường của tình yêu Thiên Chúa và đáp ứng nhu cầu thèm khát sự trong sáng ngày càng tăng trong mối quan hệ giữa người với người (x. TH 88). Qua việc khấn giữ đức khiết tịnh, người thánh hiến phải chứng tỏ cho thế gian biết rằng, trong Đức Kitô, người ta có thể yêu mến Thiên Chúa hết cả con tim, hết cả trí lòng sẵn sàng đặt Người lên trên mọi mối tình và yêu anh em đồng loại như yêu chính mình. “Chọn sống khiết tịnh không có nghĩa là từ chối tình yêu nhân loại, cũng không phải là từ chối những nỗi thống khổ của đời sống gia đình, nhưng là đón nhận một tình yêu loài người được giải tỏa khỏi những quyến rũ của xác thịt. Tình yêu ấy cũng nồng nàn, cũng sâu xa như mối tình hoàn hảo nhất.”

Điều đó càng đòi hỏi một tình yêu đậm đà và trong sáng hơn bao giờ hết, để có thể vượt lên sức ép của “số đông”, cơn bão của “trào lưu buông thả”, mà toả sáng nét đẹp trinh trong của huệ trắng giữa một môi trường ô nhiễm bùn lầy.

Sự trong sáng thể hiện trong tính vô vị lợi và quảng đại của tình yêu. Yêu người trong chiều kích vô điều kiện và phổ quát của trái tim Thiên Chúa, yêu người hoàn toàn vì lợi ích đích thực và lâu bền của họ. Yêu người tới mức quên đi chính mình và sẵn lòng chịu thiệt thòi vì lợi ích của anh chị em. Nói cách khác, tình yêu trong sáng là tình yêu mà Chúa Kitô đã thể hiện cho nhân loại, một tình yêu không tìm mảy may chiếm hữu, tư lợi, không bóng dáng vụ lợi ích kỷ, nhưng tìm lợi ích cho người khác và để phục vụ, noi gương Đấng đã yêu thương tới mức hy sinh tính mạng vì anh em mình.

“Khiết tịnh tận hiến nhắc lại cuộc duyên tình giữa Chúa Kitô và Giáo Hội một cách trực tiếp hơn và làm cho mối tình ấy vươn đến một cao độ mà lẽ ra mọi tình yêu nhân loại phải gắng đạt tới... Khiết tịnh chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa được đề cao hơn hết...” (CT 13). Quả thực, lời khấn khiết tịnh mở rộng con tim người thánh hiến, giúp họ “đạt đến chiều kích của con tim Đức Kitô và làm cho nó có thể yêu mến như Người đã yêu” (XPL 22). Lời khấn khiết tịnh giúp tu sĩ mở rộng khả năng yêu mến, phục vụ người khác trong tinh thần huynh đệ, và sống đức mến một cách tròn đầy hơn. Ngoài ra, lời khấn khiết tịnh gìn giữ đời sống chung trong cộng đoàn, tình yêu huynh đệ đích thực ngự trị giữa chị em qua việc nuôi dưỡng đức mến và sự hiệp nhất các tâm hồn, giúp chúng ta mang gánh nặng cho nhau; đồng thời thúc bách người tu sĩ khiêm tốn ý thức về tình yêu thánh hiến của họ phải thường xuyên lớn lên để trưởng thành. 

Như vậy, khiết tịnh trong đời tu là vẻ sáng ngời của tinh thần và con tim. Sự khiết tịnh ấy có thể đơm hoa rực rỡ ngay trong một thân xác bị dằn vặt, vùi dập. Như lời của Chúa Giêsu "Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch". Khi tâm hồn trong sạch người tu sĩ sẽ có được niềm vui tận hiến đích thực. Từ đó giúp họ đạt đến niềm vui vượt qua, một niềm vui phục sinh với Đức Kitô. Họ sẽ quên đi mọi chuyện đã qua để lao mình về phía trước. Nhờ đó họ có được sự tự do thiêng liêng, giải phóng họ khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi.

Ước chi chúng ta được Chúa ban cho ân sủng khiết tịnh duyên dáng, khiết tịnh nở hoa, để lan tỏa nét sáng và vẻ đẹp của tình yêu, hầu cho mọi người thấy được rằng Thiên Chúa là tất cả đối với chúng ta, và rồi họ có thể nhận ra nơi chúng ta “nụ cười Thiên Chúa” dành cho họ…

Nt. Mai Liên, FMI