Tôi nên thánh trong việc học

Nên thánh trong việc học là với những thời gian mà tôi sử dụng cho việc học hay với kiến thức mới mang tính lí thuyết mà tôi được tiếp thu, tôi sẽ sử dụng chúng như thế nào để tôi được trưởng thành về đời sống vật chất, đời sống thiêng liêng, trưởng thành mọi mặt.


Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo con người nên giống hình ảnh mình và Ngài mời gọi họ: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh (Lv 19,2). Phải chăng, nên thánh là khát vọng, là mong ước của tất cả mọi thành phần dân Chúa và cách riêng là những ai sống đời dâng hiến? Tuy nhiên, con đường nên thánh của mỗi người, với những bậc sống, giai đoạn, hoàn cảnh… sẽ chọn cho mình những phương thế khác nhau. Vậy, là một khấn sinh đang trong giai đoạn Học viện, tôi sẽ nên thánh với con đường nào? Phải chăng, tôi nên thánh trong việc học?

Trước hết, học quá trình chúng ta tiếp thu và tiếp xúc thêm các kiến thức, kỹ năng mới. Còn với Đức Hồng Y Thuận, học là cầu nguyện (x. Đường Hy Vọng (ĐHV), mục 24). Nên thánh là trở nên hoàn hảo, tốt hơn so với hiện tại; là sống một cách phi thường với những công việc bình thường hầu giúp ta nên giống Chúa hơn. Vậy nên thánh trong việc học nghĩa là bằng chính con đường học, với những thời gian mà tôi sử dụng cho việc học hay với kiến thức mới mang tính lí thuyết mà tôi được tiếp thu, tôi sẽ sử dụng chúng như thế nào để tôi được trưởng thành về đời sống vật chất, đời sống thiêng liêng, trưởng thành mọi mặt.

Vậy, tại sao tôi phải học, học cái gì và tại sao tôi phải nên thánh trong việc học? Trong Hiến luật Dòng, mở đầu mục giai đoạn khấn tạm với câu Lời Chúa: “Tiến tới sự trưởng thành trong Đức Kitô” (Ep 4,13), với mục đích cụ thể trong giai đoạn “… trau dồi khả năng tông đồ, tiếp tục đào sâu đời sống thánh hiến… để đạt được sự thống nhất trong đời sống….” (x. Hiến luật, điều 96). Người ta thường nói: Vô tri thì bất mộ. Làm sao tôi có thể yêu mến nếu tôi không biết? Làm sao tôi biết nếu tôi không chịu học? Như H. N. Casson đã từng nói: “Học hoài đi. Cái hại nhất là ta tự làm cho ta thôi học. Thôi học lúc nào là bắt đầu thục lùi lúc ấy”. Trong Đường Hy Vọng số 557, Đức Hồng Y Thuận viết: “Muốn tiến kịp, tiến nhanh, tiến vững trên đường Hy vọng con phải học”. Mặc khác, học để biết, học để canh tân, học để phục vụ và học để yêu mến (x. ĐHV, số 560). Thật vậy, trong một xã hội luôn đổi thay và được cập nhật từng giờ từng ngày, nếu tôi không học thì có thể tôi sẽ trở nên một người lỗi thời, gặp thật nhiều khó khăn trong việc phục vụ và để có thể hướng đến sự trưởng thành theo như mong ước mà Hội Dòng đã dành cho tôi.

Là một khấn sinh trong giai đoạn khấn tạm, mẹ Dòng mong muốn tôi củng cố những điều đã thụ huấn trong năm tập, tiếp tục đào sâu đời sống thánh hiến, khả năng tông đồ để đạt đến sự thống nhất trong đời sống nhằm hướng đến sự dâng hiến vĩnh viễn theo ơn gọi Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (x. HL điều 96). Đặc biệt, tôi được ưu ái tạo điều kiện để có thời gian đi học thần học. Trong giai đoạn này, ngoài việc đào sâu linh đạo, đặc sủng của Hội dòng, tôi còn có cơ hội được đào sâu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Thánh Mẫu học, sư phạm giáo lí,… qua chương trình thần học. Tất cả thời gian tôi được ưu tiên cho việc học: học cái này, học cái kia; lúc thì được học bởi các giáo sư, lúc thì tự tìm tòi học hỏi, học qua bạn bè, chị em, đời sống… Vậy, thật tiếc cho tôi nếu thay vì tận dụng việc học để nên thánh, tôi lại để cho thời gian của tôi cũng trôi qua cho việc học mà chẳng sinh ích lợi gì!

Nói là vậy, nhưng tôi sẽ nên thánh bằng việc học như thế nào? Đức Hồng Y Thuận, mặc dầu chưa được phong thánh nhưng ngài quả thật là một vị thánh trong lòng tôi. Ngài đã học không chỉ trong lúc thuận lợi mà còn học ở những lúc nguy nan. Trong nhà tù, ngài cũng đã học được bài học về việc trở nên một tông đồ thực thụ của Đức Kitô. Với ngài, giờ học chính là giờ cầu nguyện (x. ĐHV, số 558) và vì thế, ngài liên lỉ kết hợp với Chúa để rồi, mỗi giây phút sống của ngài đều được thánh hoá. Và nếu giờ học là giờ cầu nguyện, giờ nói chuyện với bạn thân thì có lẽ sẽ chẳng còn lí do gì để việc học trở nên tẻ nhạt. Mỗi ngày đến lớp, tôi được giáo sư cung cấp thật nhiêu, thật nhiều bài học. Tuy nhiên, việc học Thần học lại khác hoàn toàn so với việc tôi học ở Đại học. Cái chung duy nhất của chúng là tôi được học những kiến thức mới. Những kiến thức mới ở Đại học có thể cho tôi một công việc việc tốt, một cách ứng xử đẹp nhưng chúng không cho tôi lòng mến Chúa yêu người – điều mà tôi sẽ có lúc tôi học Thần học. Tôi sẽ làm gì để nên thánh lúc này nếu không là học với tất cả lòng mến, bớt đi một chút càm ràm với những giờ học buồn ngủ hay nỗ lực tìm tòi hơn một chút với những kiến thức khó hiểu; có lúc là sự tập trung để nghe giáo sư giảng hay một hành động ngồi thẳng lưng nhưng làm tất cả với ý hướng cầu nguyện cho một điều gì đó, cho một linh hồn hay biến bàn học thành bàn quỳ của giờ cầu nguyện…. Sẽ chẳng có một hành động nào vô nghĩa trong con đường nên thánh nếu tôi biết đặc tâm tình vào trong mỗi hành động. Học không phải chỉ để có thêm kiến thức để rồi thi điểm cao, nhưng tôi học để phục vụ; trên hết là học để biết Chúa, yêu Chúa hơn và sống cách cá vị trong những kinh nghiệm thiết thân với Chúa. Chị em tôi cũng học thần học, nhiều người khác cũng học thần học nhưng mỗi người sẽ có những cách thức khác nhau để liên hệ giữa điều được học và cách sống nó trong thực tế. Như tôi đã nói, với tôi, học không chỉ là những kiến thức trên giảng đường nhưng còn là sự tự học với nhiều kiến thức khác mà tôi nghĩ nó sẽ giúp tôi được triển nở và để phục vụ tốt hơn: học làm người, học khiêm tốn, học tự chủ… vì tài thôi không đủ, phải có đức.

Nếu việc học là luôn mãi, là công việc của cả đời và học là cầu nguyện theo như lời của Đức Hồng Y Thuận thì nên thánh trong việc học thật sự là con đường rất thiết thực và gần gũi với tôi. Bước chân vào học viện Thần học, tôi cũng mang trong mình thật nhiều thao thức. Tôi mong ước mình có thể mở lòng mở trí đủ để hiểu và cảm được những điều được giáo sư, không chỉ là những lời giảng nhưng là cả những tâm huyết, lòng yêu mến mà các giáo sư trao gửi vào từng lời giảng. Mục tiêu tối hậu mà tôi tập trung là thêm những hiểu biết sâu xa về Giáo hội, về Đức Kitô nhằm xác tín và thêm lòng yêu mến. Từ đó, tôi xác tín ơn gọi của mình và hăng say phục vụ. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào tôi cũng ý thức được điều này. Tôi phải khởi sự lại luôn và ý thức đặt vào trong mỗi giờ, mỗi việc học những tâm tình thiêng liêng thì tôi mới có thể mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn. Đức thánh cha Phanxicô đã từng nói: các con hãy nên thánh trong chính bậc sống và những công việc hằng ngày của mình. Tôi sẽ nổ lực, cố gắng nên thánh trong việc học!

M. Thảo Ly (Khấn tạm), FMI