Cô giáo không chỉ là "Mẹ hiền"...

Chị em được trang bị kiến thức phù hợp với nhu cầu con người thời đại, với ước mong cho trẻ được lớn lên, được yêu thương và thành người hữu ích.


1. Dự giờ

Nhìn đoàn người bước vào phòng học, các bé hơi một chút lúng túng, lẫn tò mò vì lần đầu thấy lớp mình sao hôm nay nhiều khách quá! Nhưng chỉ trong nháy mắt mọi thứ đã đi vào ổn định, các bé nhanh nhẩu chào các sơ, các cô rồi tập trung vào bài dạy của cô giáo.

Giờ học hôm nay do cô Diệu Ái (Tập II) hướng dẫn các bé lớp lớn khám phá một số con vật sống dưới nước. Các bé được phân chia 3 tổ để quan sát 3 bể cá nhỏ. Các bé thích thú nhìn từng con, nhận ra màu sắc cũng như đặc điểm từng con. Trong khi quan sát, có bé kêu lớn tiếng loại cá mà lần đầu tiên bé thấy cách thích thú! … Với tâm thái bình thản, ung dung cô giáo từng bước hướng dẫn trẻ phân biệt từng phần của con cá, như phần đầu, thân, phần đuôi, rồi nào là vây cá, vẩy cá, … chức năng của từng loại, … và lợi ích có được từ cá. Tiết học thêm sinh động khi cô cho các bé trải nghiệm qua các trò chơi, giúp bé yêu thích và bảo vệ môi trường nơi cá sinh sống. Để bé được khám phá và có thêm nhận thức, cô giáo còn cho bé được xem video về các loại cá sống trong đại dương nữa. Nhìn thấy sự tham gia và thích thú nơi các bé, cô giáo như thêm nguồn động lực, nên dù hơn nửa giờ lên tiết cô cũng không hề tỏ ra sự nhọc mệt.

Rời khỏi trường Mai Khôi Hà Úc, các chị em đến thăm trường Mai Khôi Hà Thanh. Nơi đây, chị em cùng dự giờ học sáng tạo của bé qua tiết học tạo hình các con vật từ lá cây của các bé lớp 5 tuổi. Tiết học này do cô giáo Hạ hướng dẫn, cô chuẩn bị các vật liệu các bức tranh được làm bằng rễ, thân và lá cây, .v.v. thật chu đáo để các cháu quan sát và thực hành. Để chuẩn bị cho tiết học này, trước đó cô cho cháu tham quan, trồng cây để giờ này là cho cháu thực hành sáng tạo các con vật làm từ lá, cành, rễ cây. Các bé tự mình cắt, dán và vẽ lên bức tranh của mình. Có cháu làm con bướm, có cháu dán con cá, có cháu làm con rùa, …tiết học thật thú vị cho trẻ. Có những bé làm bức tranh của mình rất sáng tạo, đơn giản, nghệ thuật theo độ tuổi của bé.

Sau tiết học tạo hình, chị em qua một lớp khác. Ở đây, các bé được cô giáo Thảo dạy cho biết cách nhồi bột và làm bánh trôi nước thập cẩm. Các bé được chia thành 4 nhóm với các vật liệu đã được chuẩn bị sẵn như bột nhồi, nhân đậu xanh và các cháu bắt đầu thực hành. Công việc này xem ra thú vị ngay cả với các trẻ nam, các bé chăm chỉ làm trong thinh lặng, thành phẩm lúc này là những viên bột có hình dạng khác nhau. Cô giáo đã nhờ cô bảo mẫu nấu chè ngay trước mặt bé để bé được trải nghiệm sản phẩm do chính tay mình làm ra. Bé nào cũng mang vẻ mặt hớn hở.

2. Cô giáo không chỉ là “mẹ hiền”

Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. …của nhạc sĩ Phạm Tuyên xem ra không còn phù hợp nhiều với nhu cầu của trẻ hiện nay. Cô giáo không đơn thuần như là mẹ mà còn hơn thế nữa. Ngày nay, cô giáo được ví như cuốn tự điển bách khoa, phải có khả năng giải mã được mọi thứ thắc mắc của bé, am tường tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Từ nghe, nói, quan sát, trải nghiệm và ngay cả việc biết sử dụng các phương tiện công nghệ để huớng dẫn cho trẻ. Vì trẻ ngày nay được tiếp xúc với khoa học công nghệ từ trong trứng nước, …

Hơn lúc nào hết, nghề “giáo” hôm nay thật là một thách đố cho những ai theo đuổi. Vì thầy cô giáo không chỉ cung cấp kiến thức hay khả năng sư phạm mà còn phải là người biết đối nhân sử thế và một khả năng đối phó với nghịch cảnh. Trước đây người ta coi chỉ số IQ (Intelligence Quotient) thông minh của não bộ là quan trọng, ngày nay giá trị các chỉ số cũng thay đổi theo thời gian. Chỉ số IQ không còn nắm vai trò chủ đạo của thành đạt nữa, mà đi đầu là chỉ số EQ (Emotional Quotient) thông minh cảm xúc hay còn gọi là kỹ năng mềm và chỉ số AQ (Adversity Quotient) khả năng đối phó với nghịch cảnh. Điều này cho thấy “nhà giáo” không chỉ đơn thuần là dạy chữ mà còn là dạy cho các em biết cách làm người. Bởi vì những điều đó cần thiết cho đời sống tinh thần và định hướng cho nhân cách của các em, hầu giúp các em vững bước vào đời. 

Do nhu cầu của người trẻ hôm nay, đòi hỏi người làm nghề giáo phải tự học hỏi, cập nhật kiến thức và kỹ năng luôn, bất chấp những mặt trái của cuộc đời (những thái độ vô ơn của học trò, của phụ huynh …). Dù thế nào đi nữa, nghề giáo quả là một “thiên chức”, vì những sản phẩm của nghề giáo không được đo bằng tiền, bằng vật chất, … nhưng là bằng lòng biết ơn, sự trân trọng của từng thế hệ đối với các đấng bậc sinh thành, dưỡng dục, bằng sự hiện diện hữu ích cho xã hội, Giáo hội, là sự đóng góp bằng sức lực, trí tuệ cho vận mệnh đất nước và cho các thế hệ đàn em.   

Vâng, cô giáo không chỉ là mẹ hiền mà còn là nhà kiến tạo ngôn ngữ, kỹ năng và nhân cách sống cho trẻ.

3. Một thoáng quá khứ, nhìn hiện tại và nghĩ về tương lai của “thiên chức nhà giáo” nơi người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm

Sau bảy năm thành lập Hội dòng, chị em bắt đầu đi vào công việc thực thi sứ mạng của Hội dòng qua việc mở cộng đoàn, mở trường học và bên cạnh là bệnh xá. Đó là mô hình cơ sở để thực hiện sứ mạng Đấng Sáng Lập Dòng mong ước.

Ngày nay, mô hình đó được thay đổi cho phù hợp với nhu cầu và đòi hỏi hiện tại. Tuy nhiên, điều căn bản vẫn không thay đổi. Con Đức Mẹ Vô Nhiễm vẫn đang miệt mài với sứ mạng “trồng người” qua các cở sở, công việc phục vụ hầu cho sứ mạng phục vụ của Hội dòng ngày càng được thăng tiến, phù hợp với con người ngày nay. Một điểm chung có thể thấy được nơi từng cộng đoàn chị em hiện diện là dành sự ưu tiên cho công việc giáo dục, nhà cửa dù không to lớn, nhưng tươm tất, sạch sẽ, ngăn nắp, đầy đủ những nhu cầu cần thiết cho trẻ phát triển. Chị em được trang bị kiến thức phù hợp với nhu cầu con người thời đại, với ước mong cho trẻ được lớn lên, được yêu thương và thành người hữu ích.

Tất cả những điều tốt đẹp, những di sản có được hôm nay đã được bắt đầu từ những ngày đầu khai sinh Hội dòng và diễn tiến qua những thăng trầm của lịch sử đất nước, của mong manh phận người. Đến nay, Hội dòng vẫn tiếp tục bước đi với lòng biết ơn và trách nhiệm của những người em đang tiếp bước các vị Tiền bối và các thế hệ đàn chị.

Viết tại Nhà Mẹ hướng đến ngày 8/3/2023

Nt. M. Anna Trần Thị Đức, FMI