Tưởng niệm Đức Cha Allys

Kỷ niệm 115 năm Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys (Lý) làm Giám mục Giáo phận Huế 1908 và kỷ niệm 103 năm Ngài thành lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, xin được thắp lên nén hương với tất cả lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân và ngưỡng mộ vị Chủ chăn cao quý...


Từ ngày thành lập năm 1850 cho đến nay, Tổng Giáo phận Huế đã được 15 vị Chủ chăn ân cần chăm sóc. Các vị ấy đều là những Chủ chăn thực sự. Các Ngài, chẳng những học thức uyên bác mà còn hy sinh vô bờ bến, đã dẫn đưa Dân Chúa bình an trong thời bắt bớ, tao loạn, cũng như đã phát triển về mọi mặt trong thời bình an yên ổn. Công ơn của các ngài, con dân Tổng Giáo phận Huế đời đời không dám lãng quên.

Tuy nhiên, năm nay kỷ niệm 115 năm Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys (Lý) làm Giám mục Giáo phận Huế 1908 và kỷ niệm 103 năm Ngài thành lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm 1920, xin được thắp lên nén hương với tất cả lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân và ngưỡng mộ vị Chủ chăn cao quý nầy.

Ngài sinh năm 1852, tại Giáo xứ Paimpont, Giáo phận Rénnes, nước Pháp. Năm 1875, lúc mới 23 tuổi, Ngài chịu chức Linh mục tại Nhà nguyện Hội Thừa sai Paris. Hai tháng sau, Ngài lên đường qua Việt Nam, và từ đó không một lần trở về cố hương. Đến Huế, Ngài làm Tuyên úy Viện Dục Anh Kim Long và Phó xứ Kim Long (1876); làm Bề trên Đại Chủng viện Phường Đúc và xây Đại Chủng viện mới ở Kim Long (1877-1880); làm Phó xứ rồi Quản xứ Dương Sơn (1881-1885); làm Tuyên úy Quân đội Pháp tại Huế (1885); làm Quản xứ Phủ Cam kiêm Hạt trưởng Bên Thủy và xây nhà thờ Phủ Cam (1885-1908); làm Giám mục Giáo phận Huế (1908-1931). Sau 5 năm hưu dưỡng, Ngài qua đời năm 1936, thọ 84 tuổi, 61 năm Linh mục, 28 năm Giám mục, an táng tại Nghĩa trang Phủ Cam. Năm 1986, linh cửu Ngài được đưa lên Nghĩa trang Giáo sĩ trên núi Thiên Thai, nằm giữa các Linh mục Tổng Giáo phận Huế đã nghỉ yên trong Chúa.

Cuộc đời của vị Chủ chăn đáng kính 28 năm Giám mục nầy đã ghi khắc vô số dấu ấn mãi mãi không phai nhòa trong lịch sử Tổng Giáo phận. Cho đến nay, đã gần một thế kỷ trôi qua với bao biến dịch đổi thay, mà ký ức về Ngài vẫn được lưu truyền trong lòng con dân Tổng Giáo phận. Quả thế, nói về Ngài, tất cả đều ngưỡng mộ và kính phục lòng yêu thương vô bờ bến. Không ai không biết chính Ngài là vị Giám mục đã thao thức và nỗ lực đem ánh sáng và ơn phúc của Chúa cho các miền đất thời ấy còn xa lạ đối với Đức Tin. Cả miền đất chạy dài từ kinh thành Huế đến đèo Hải Vân, từ vùng đồi đá Phủ Cam đến miền duyên hải đều mang dấu chân của các giáo dân truyền giáo do Ngài sai phái và ân cần hướng dẫn. Trong 28 năm làm Chủ chăn Giáo phận, Ngài đã vui mừng thấy hơn 37.000 người lớn và trẻ em được rửa tội; riêng tại Phủ Cam, số tín hữu từ 500 lên tới 2.400 người.

Cùng với thao thức chăm sóc các trẻ em mồ côi, bệnh tật và thăng tiến thế hệ trẻ cả về mặt văn hóa lẫn đức tin, Ngài thiết lập hai Dòng bản xứ, như hai đứa con thân yêu để thực hiện ý nguyện ấy.

Năm 1920, Ngài thiết lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Phú Xuân, Huế, để giáo dục các thanh thiếu nữ. Dù gặp bao khó khăn, hiện nay Dòng vẫn phát triển mạnh, với 486 chị khấn tạm và khấn trọn, phục vụ tại 56 cộng đoàn trong 11 giáo Phận ở Việt Nam và 2 cộng đoàn hải ngoại. Năm 2020, Dòng long trọng cử hành lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, để tạ ơn Chúa và Mẹ Vô Nhiễm, tri ân công ơn cao dày của các bậc tiền bối, đặc biệt vị sáng lập Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys, và vạch hướng đi cho tương lai.

Năm 1925, Ngài thành lập Dòng Thánh Tâm tại Phường Đúc, Huế, để chăm lo việc giáo dục thanh thiếu niên nam.

Bốn trường Tiểu học đầu tiên của Dòng được thiết lập tại Trường An, Phủ Cam, Kim Long và Lại Ân. Mặc dù phải trãi qua các biến động của thời cuộc, hiện nay Dòng vẫn phát triển ngoạn mục, với 175 tu sĩ khấn trọn và khấn tạm, trong đó có 57 vị đã chịu chức Linh mục, phục vụ tại 4 cộng đoàn trong Tổng Giáo phận Huế và 9 cộng đoàn tại các Giáo phận khác.

Để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo bằng lời cầu nguyện và đời sống hy sinh, năm 1909 tức là chỉ một năm sau khi làm Giám mục Huế, Ngài đích thân ra dòng Kín Hà Nội đón các Mẹ và các chị vào Huế để thành lập dòng Kín Huế. Dòng lớn mạnh và nhanh chóng phát triển: Năm 1923, Dòng Kín Huế thành lập Dòng Kín Jaro Iloilo; đây là Dòng Kín đầu tiên ở Philippines. Từ Dòng Kín nầy đã sinh ra 23 Dòng Kín khác trong nước nầy. Năm 1924, thành lập dòng Kín Cholet ở Pháp. Năm 1929, thành lập dòng Kín Thanh Hóa (hiện nay là dòng Kín Nha Trang). Năm 1997, thành lập dòng Kín Bình Triệu. Năm 2015, thành lập dòng Kín Đà Lạt. Năm 2019, thành lập dòng Kín Hải Phòng. Hiện nay, Dòng Kín Huế có 16 đan sĩ vĩnh khấn, 13 đan sĩ khấn tạm và nhà tập.

Vẫn trong thao thức loan báo Lời Chúa và nâng cao đức tin, năm 1925, Ngài mời các Cha dòng Chúa Cứu Thế từ Canada đến Huế và đích thân đón các Cha tại ga Thừa Lưu, đưa về Tòa Giám mục Huế tạm trú trong thời gian đầu. Huế là chiếc nôi đầu tiên của dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam và Đông Dương. Cho đến nay, Dòng phát triển mạnh, với 368 tu sĩ, gồm 246 Linh mục, 9 Phó tế và 113 tu sĩ chưa chịu chức Linh mục. Dòng hiện có 27 cộng đoàn phục vụ trong các Giáo phận. Riêng tại Huế, Dòng có 9 Linh mục, 2 thầy trợ sĩ, 12 tập sinh và 20 đệ tử.

Năm 1924, Đức Cha Allys cho phép Cha Giuse Trần văn Trang, lúc ấy đang làm Quản xứ Kim Đôi, quy tụ các ơn gọi đầu tiên của Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng. Đặc sủng của Dòng là Truyền giáo, theo gương mẫu của Đức Mẹ Đi Viếng qua việc hướng thẳng về việc trực tiếp rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Dù mới thành lập chưa đầy 100 năm và chịu nhiều khó khăn do biến động xã hội, Dòng vẫn phát triển mạnh mẽ, với 308 nữ tu khấn trọn và khấn tạm, phục vụ 32 cộng đoàn trong Giáo phận Huế và các Giáo phận khác.

Năm 1918, Đức Cha Allys cho phép Cha Henri Benoit (cố Thuận) lập Dòng Xitô tại Phước Sơn, Quảng Trị. Cha Benoit là Linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris. Sau khi được gửi qua Huế, Ngài làm Giáo sư Tiểu Chủng viện An Ninh, Cửa Tùng, Quản xứ Nước Mặn (nay là Thừa Lưu), rồi lại về làm Giáo sư Tiểu Chủng viện An Ninh lần 2. Sau bao cảnh bể dâu thời cuộc, ngày nay cơ sở vật chất Dòng Xitô tại Phước Sơn Quảng Trị đã bị bình địa, dấu vết mờ nhạt, nhưng Dòng Xitô đã phát triển ngoạn mục, với 12 Đan viện và trên 1.000 đan sĩ nam nữ.

Đức Cha Allys cũng đóng vai trò không kém quan trọng trong việc thiết lập Tòa Khâm sứ Tòa Thánh tại Phủ Cam, Huế năm 1925, xây Nhà thờ Đức Mẹ La Vang năm 1923 (nay chỉ còn tháp chuông), Trường Bình Linh năm 1904 (ngày nay là Học viện Âm nhạc) và Trường Thiên Hữu năm 1933 (nay Trường Đại học Khoa học). Đây là hai trường học đào tạo nên nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc, nhiều học giả uyên bác cho xã hội.

Chúa Giêsu phán xem quả thì biết cây. Thành quả mà vị Chủ chăn Đức Cha Allys trổ sinh, tồn tại và phát triển cho đến hôm nay là bằng chứng của một tâm hồn nồng nàn mến Chúa và say mến các linh hồn, đúng như khẩu hiệu Giám mục của Ngài: “Diligo omnes” (tôi thương mến mọi người). Ngài đã kiên trung giữ vững đức tin, lòng mến và phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng, để rồi giờ đây “trổ sinh” biết bao nhiêu bông hạt tốt tươi.

Xin ghi lại đây lời ca tụng của người xưa ở Phủ Cam:

Qua cuộc bể dâu,

Vững tay chèo lái

Con thuyền giáo phận.

Gặp cơn bão táp, gắng sức đăng trình.

Coi sóc đoàn chiên ngày càng tăng triển,

Giáo xứ mỗi ngày bền vững trung kiên.


Quyết lập hai Dòng vì ưu tư Nước Chúa,

Dạy dỗ nhi đồng và thanh thiếu niên nam nữ

Để con em biết đời đạo, được dạy bảo lẽ Trời,

Biết làm người và thờ phượng Chúa cao tôn.

Xin cúi đầu tri ân công đức cao dày và xin kính cẩn nghiêng mình trước vị Chủ chăn vô vàn yêu quý của Tổng Giáo phận Huế.

Linh mục Antôn Dương Quỳnh

Tổng đại diện - Tổng Giáo Phận Huế