Cha! người mục tử thao thức

Hai mươi ba tuổi đời, bao nhiêu ước mơ, tình yêu, công danh và sự nghịêp đang chờ phía trước. Vậy mà, chàng trai trẻ Eugène Marie Joseph Allys đã can đảm “bán” tất cả để lên đường...


Hai mươi ba tuổi đời, bao nhiêu ước mơ, tình yêu, công danh và sự nghịêp đang chờ phía trước. Vậy mà, chàng trai trẻ Eugène Marie Joseph Allys đã can đảm “bán” tất cả để lên đường đem niềm vui Tin Mừng đến với những người nghèo khổ nơi đất lạ quê người. Sáu mươi mốt năm đằng đẳng, miệt mài trên cánh đồng truyền giáo địa phận Huế, thuộc miền Trung, đất Việt, không một lần trở lại quê nhà, đã minh chứng về một tình yêu trọn vẹn của Cha dành cho Thiên Chúa và dân Người.

Dù chưa được Giáo hội phong thánh, nhưng hình ảnh người mục tử với con tim thao thức đầy tràn yêu thương, tấm lòng rộng mở và nụ cười luôn nở trên môi đã làm ngời lên nơi Cha vẻ đẹp của Thiên Chúa và Giáo hội Người. Giáo dân thường gọi Cha là “Vị Giám mục mỉm cười”, còn những người chưa nhận biết Chúa thì đặt cho Cha một tước hiệu thật gần gũi, dễ thương và đầy vẻ thánh thiện: “Ông Tiên bên đạo”. Điều đó không có nghĩa là cuộc sống của Cha không trải qua đau khổ, thử thách. Ngược lại, với một người Tây Âu đến Việt Nam thời bấy giờ, để thích ứng với cảnh thiếu thốn, nghèo khổ của người dân với nhiều phong tục tập quán lạ lẫm nơi đây là cả một vấn đề. Chưa kể đến chuyện phải đương đầu với những chiếu chỉ cấm đạo, bắt bớ, tàn sát những người theo đạo cách dã man của các triều đình Việt Nam lúc đó. Vậy thì lý do nào khiến nụ cười trên môi Cha không bao giờ tắt? Tất cả chỉ vì Tình Yêu. Tình yêu của một người cha, người Mục tử dành cho đoàn chiên. Cha đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng bằng chính tình yêu của Đức Kitô. Tình yêu ấy đã lôi kéo được hàng ngàn linh hồn về với Chúa.

Tình yêu ấy là động lực làm nên nỗi thao thức bất tận của Cha. Nỗi niềm canh cánh bên lòng khi thấy tình hình Giáo hội Việt Nam được bình yên sau cơn bão tố bắt bớ khủng khiếp của các vua chúa triều Nguyễn. Vào lúc đó văn hóa Việt Nam chuyển mình sang một kỷ nguyên mới, chữ Nôm lùi dần vào quá khứ để nhường cho chữ Quốc ngữ. Điều đó lại càng nung đốt tâm tư Cha. Ai sẽ là người giúp cho lớp trẻ được thăng tiến về văn hóa đức tin? Ai sẽ là người vẽ cho con trẻ đàng lên Trời? Ai sẽ là người đưa con em công giáo ra khỏi bầu khí vô đạo của các trường công lập nơi đó người ta bài trừ tôn giáo? Nỗi niềm thao thức và đặc biệt chính tình yêu mục tử của Cha đã hạ sinh hai Hội Dòng: Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và Hội dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu trong lòng Giáo hội và Giáo phận Huế. Đáp lại nỗi niềm của Cha, những người con của Cha trong hai Hội dòng suốt 100 năm qua đã miệt mài thi hành sứ mạng giáo dục dù phải vượt qua bao chông gai, thách đố.

Ngoài nỗi niềm thao thức rao truyền Tin Mừng của Chúa cho lớp trẻ, Cha còn là một vị tông đồ nhiệt thành, luôn quan tâm đến việc làm cho lương dân trở lại. Tìm những trẻ em bị bỏ rơi hoặc sắp chết để rửa tội. Khuyến khích các linh mục đi đến với lương dân. Không tiếc tiền bạc cho việc truyền giáo. Cung cấp phương tiện cho việc giảng dạy tân tòng. Thành lập giáo xứ mới, xây cất nhà thờ, nhà nguyện... Tính tình vui vẻ cởi mở của Cha thật thích hợp cho việc truyền giáo. Cha tiếp xúc với mọi hạng người một cách hồn nhiên và đầy lòng kính trọng yêu mến. Cha yêu mến và muốn cho mọi người được cứu rỗi. “Ngài đã nói: ngày nào ra trước tòa phán xét, tôi chỉ sợ hai điều: một là khi còn sống chưa yêu mến Thánh Thể cho đủ, hai là không hết tình cứu giúp các linh hồn nơi luyện ngục.”

Ngọn lửa yêu mến Chúa đã nung đốt tâm hồn và thúc đẩy Cha hành động. Cha dùng mọi phương tiện để rao giảng Tin Mừng. Cha rất tin tưởng vào lời cầu nguyện và sự hy sinh trong công cuộc truyền giáo. Vì thế chỉ sau hơn một năm lãnh nhận sứ vụ Giám Mục, Cha khao khát thực hiện niềm thao thức ấp ủ bấy lâu là thiết lập Dòng Chiêm Niệm trên miền đất Tổng Giáo Phận Huế. Để Hội dòng chuyên lo đời sống cầu nguyện, yểm trợ cho việc truyền giáo như hậu phương vững chắc cho tiền tuyến ra khơi. Vượt qua những khó khăn đường xá xa xôi, năm 1908, Cha đã đích thân ra tận đất Bắc để đưa các chị nữ tu Dòng Kín Cát Minh Hà Nội vào đất Cố Đô Huế. Và vào đầu tháng 10 năm 1909, Cha bảo trợ việc thành lập nữ đan viện Carmel ở Kim Long-Huế. Từ đây, Cha tận tâm chăm sóc, đồng hành, tạo điều kiện và không gian cô tịch thuận tiện cho các chị sống ơn gọi “ẩn giấu trong Đức Kitô của mình”. Để hỗ trợ và cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo Cha còn đồng hành và chúc lành cho cha Denis Thuận trong việc thiết lập đan viện Phước Sơn. Cha cũng thao thức mời các cha Dòng Chúa Cưu Thế Canada đến Huế để tiếp tay với Cha và các linh mục trong lãnh vực mục vụ.

Sự nghiệp thừa sai của Cha được nuôi dưỡng vì cha luôn can đảm chấp nhận mọi thử thách của người tông đồ. Cha ý thức rằng hạt lúa mì phải thối đi, phải mục nát đi để sinh nhiều bông hạt. Không tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người liều mạng sống vì người mình yêu. Thánh giá cuối đời của Cha là mù hai mắt. Đối với Cha một con người hăng say hoạt động thì đó là một thử thách lớn lao. Cha đã can đảm chấp nhận cách bình an, vui tươi trong suốt 6 năm trời, và Cha đã biến đau khổ này thành cơ hội cho công cuộc truyền giáo của Giáo phận. Cha thường nói: “Điều quan trọng là cầu nguyện và chịu đau khổ”. Cha đã hiến thân phụng sự Chúa suốt cuộc đời như một tôi tớ trung thành đến hơi thở cuối cùng.

Cha kính mến, mỗi người chúng con sống ơn gọi Con Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyện quyết tâm noi gương Cha:

Một vị mục tử rạng ngời trong đức tin, đức cậy, đức mến, trong nhân ái và kiên trung.

Một vị mục tử can đảm chịu đựng mọi gian nan thử thách.

Một vị mục tử sống chan chứa niềm hy vọng, luôn tỏ ra vui tươi, lạc quan yêu đời: “Vị Giám mục mỉm cười”.

Nhờ đó, cuộc đời chúng con cũng trở nên hạt giống chôn vùi để nảy sinh nhiều bông hạt.

            Thành tâm thắp nén hương lòng hiếu kính dâng lên Cha, Đấng Tổ Phụ muôn đời chúng con yêu mến và ghi ơn.

                                                                                               Nt. M. Mai Liên, FMI