Vị thánh giữa đời thường

Một đứa trẻ khi còn nhỏ, nó yêu ba yêu mẹ theo cách của một đứa trẻ. Nó thường đòi được ở bên, bồng ẵm, chăm sóc… Nó kể về ba mẹ như những vị anh hùng...


Một đứa trẻ khi còn nhỏ, yêu ba yêu mẹ theo cách của một đứa trẻ. thường đòi được ở bên, bồng ẵm, chăm sóc… kể về ba mẹ như những vị anh hùng vì đó là người luôn cho nó những điều tốt nhất. Lớn lên, nó yêu ba mẹ theo cách khác. Nó không còn chạy đến ôm ba ôm mẹ, nói yêu ba yêu mẹ hay khóc nhè làm nũng... Nay, nó yêu bằng con tim có đôi mắt, có đôi tai, có đôi tay. Nó nhìn tóc trên đầu ba mẹ ngày một trắng hơn, làn da trắng mềm ngày xưa, nay đổi màu xám đen, nhăn nheo. Đôi mắt sáng đẹp nhanh nhẹn ngày nào nhìn đứa con, nay mờ hơn; bước chân chậm hơn; tay có gì đó run run... Nó thương hơn vì tất cả những điều đó là dấu vết của thời gian, là tất cả tình yêu thương, bồng bế để vun đắp nên con người lớn khôn hôm nay. Tôi nói điều này khi nhìn về người Cha đáng kính của Hội dòng cũng là của chính tôi. Hai người Cha cưu mang và sinh ra Hội dòng trong đức tin, trong mồ hôi, nước mắt, trong tình yêu của một người cha, người mẹ.

Trước đây, rất nhiều lần tôi được nghe các chị nói về Đức Cha Sáng lập Dòng, cha Bề trên Tiên Khởi. Nhưng dường như tôi nghe xong và không cảm được gì. Tôi biết đó, biết những điều cha làm cho xứ Huế, cho Hội dòng nhưng lại không chút cảm thấy thương Cha, yêu Cha. Lúc này, có thể so sánh tôi với đứa trẻ ở trên.

Thời gian về học tập, tôi có cơ hội đọc lại những trang sử của Hội dòng. Tôi gặp lại Cha của mình - Đức Cha Allys dấn thân đến xứ Huế và không một lần trở về. Dù bận rộn với công việc Giáo phận, Cha vẫn dành tình yêu đối với đứa con thiêng liêng. Cha đến thăm, nhắn nhủ chị em những lời chỉ bảo ân cần. Cha cho tiền vì biết chị em cần trong thời cuộc khó khăn và còn dặn khi nào cần thì cứ đến với Cha. Dù ở xa, Cha vẫn theo dõi và bao quát các hoạt động của chị em để từng bước cho người hướng dẫn, dạy dỗ. Ngài cho xây cất, sửa sang nhà cửa cho chị em. Tôi còn được ấn tượng bởi câu nói cuối đời “Cha yêu mến các con hết cả”. Lời này đọc lên nhưng tôi cảm nghe được cha đang nói. Cha nói bằng cả cuộc đời dâng hiến, dâng hiến triệt để vì Chúa, vì con người. Đến đây, tôi xin khép lại với lòng biết ơn, biết ơn Cha đã sinh ra Hội dòng. Biết ơn Cha đã sống trọn chữ yêu, biết ơn vì mẫu gương sống thánh mà chúng con được ở trong cái nôi của Cha. Tôi muốn dành bài này để viết về cha Bề trên Tiên Khởi nhưng lại không thể không nhắc tới cha Tổ phụ vì trong mắt tôi, các Ngài như là người cha người mẹ. Các Ngài là những anh hùng trong lòng tôi.

Đức Cha Alexandre Paul Marie Chabanon, Bề trên Tiên Khởi - người yêu thích trầm lặng, kỷ luật, sống đơn giản... Còn nhiều điều khác nữa nhưng tôi xin dừng lại ở hai điểm trầm lặng và kỷ luật. Đơn giản, vì tôi là đứa con khác tính cha tôi: Tôi hay ồn ào, không thích sự gò bó, luật lệ. Nhớ ngày mới vào tu, mỗi khi họp hành, tôi ớn lạnh chuyện xây dựng góp ý, kiểm điểm chuyện này chuyện nọ, vì trong mọi sự, dường như đều có tôi.

Thời gian trôi qua, tôi học được bài học của sự trầm lặng. Trầm lặng vì cuộc sống cần có lúc lặng như bản nhạc có dấu lặng để ngắt nghỉ. Lúc lặng tôi nghe được, cảm được những sự bên ngoài và nghe được cả những biến động của chính tôi. Trầm lặng, lúc tôi gặp được Đấng ở trong cõi thâm sâu là chính Chúa. Trầm lặng để tôi dừng lại, không ùa theo những vòng quay điên đảo của thế gian luôn tìm cách tung hứng, nhào lộn. Cha Bề trên đã sống trầm lặng, không phải im lặng, nhưng là một tâm hồn trầm lặng, lắng nghe. Một con đường khôn ngoan Cha đã chọn, trầm mà sống động, lặng mà tích cực. Tôi đang được thu hút bởi một con người - Yêu thích ẩn dật và kể mình bằng không”. Những trang sử cho tôi hình tượng sống của một con người tài giỏi, thông minh, dù làm việc này việc nọ vẫn kể mình bằng không. Đó là tinh thần của một người cầu nguyện, một người luôn kết hợp với Chúa để lắng nghe và làm theo ý Chúa. Thánh Phaolo nói: Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Cha đã cho tôi thấy Chúa sống ở trong Cha, rất sống động. Phải chăng Cha coi mình bằng không để Chúa được lớn lên và càng có chỗ để ơn Chúa đổ đầy nơi Cha.

Kỷ luật là điều cần thiết và không thể thiếu ở trong bất cứ một tổ chức lớn nhỏ nào. Trong luật, tự do con người được bảo vệ và cũng trong luật con người bị giới hạn bởi những điều được và không. Thời gian dạy tôi rằng: Kỷ luật tự nó không xấu nhưng tôi đã khoác cho nó một cái áo của một tên chuyên giám sát, canh chừng. Kỷ luật không những không xấu mà còn là một anh hùng đứng ra để che chắn, bảo vệ tôi. Như hàng rào, nó giúp tôi đi đúng đường, nếu không tôi có nguy cơ đâm vào những nơi nguy hiểm như hố sâu, bụi gai...  Cha Bề trên Chabanon là một người thuộc đất nước đề cao tự do, song Ngài vẫn giữ mực thước của một người môn đệ, một người được thánh hiến, một người mục tử sống cho đoàn chiên, vì đoàn chiên. Tất cả là nhờ ơn Chúa nhưng cha Bề Trên đã dùng nhiều phương thế để tìm biết điều gì làm sáng danh Chúa, trong đó có luật. Tôi xét thấy, sống kỷ luật, trước tiên là giúp ích cho việc đào luyện bản thân, thứ đến cũng giúp cho cộng đoàn được ổn định, Hội dòng thêm thịnh vượng nhờ những truyền thống tốt đẹp. Kỷ luật không còn là tên dò xét nữa nhưng là một chú công an dẫn đường. Vì vậy, tôn trọng kỷ luật cũng chính là tôn trọng bản thân và người khác. Cha đã dạy cho chị em giữ giờ nào việc nấy. Nếu sống trọn được giờ phút hiện tại thì cũng đồng nghĩa với việc nên thánh.

Thời gian là Chúa ban, tuỳ mỗi người sử dụng. Với người sống đời thánh hiến thì tôi rất cần kỷ luật bản thân đặc biệt trong cầu nguyện, giờ gặp gỡ Chúa. Có chăng công việc đòi buộc tôi phải hoàn thành khiến tôi không nhớ đến thứ bậc ưu tiên? Tôi sẽ bào chữa rằng sẽ bù vào lúc khác, rảnh hơn. Có lẽ lúc này phải cầu xin ơn Chúa nhiều hơn hết và việc ở lại với Chúa, trung thành giờ cầu nguyện là một thành công lớn. Thành công vì giữ được mối dây liên kết với Đấng là nguồn mạch sự sống. Thành công vì ai đó đang “tỉnh” để Chúa Thánh Thần tiếp tục chỉ cho biết việc phải làm. 

            Maria Dương Khiêm (Khấn tạm), FMI