Học với Mẹ Maria sống niềm vui mỗi ngày

Mẹ Maria dạy cho chúng ta biết cách chiêm ngắm những niềm vui nhỏ bé thường nhật, những niềm vui rất gần gũi với con người, nhưng cuộc sống bề bộn đã làm cho chúng bị che khuất.


Thánh sử Luca bắt đầu kể về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu: “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi” (Lc 3, 23).

Đến ba mươi tuổi, Chúa Giêsu bắt đầu thu hút đám đông bằng lời nói và các phép lạ, làm cho những người trước đây từng biết Ngài phải kinh ngạc: “Ông ta không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria sao?” (Mt 13, 55).

Bạn hiểu điều này như thế nào? Trong ít nhất ba mươi năm, cuộc đời của Chúa Giêsu - ngoại trừ vài tháng bị lưu đày ở Ai Cập – diễn ra bình thường trong các mối tương quan thân thuộc và trong công việc thường ngày của một gia đình khiêm hạ. Khi Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai, thánh Giuse đã chết, bởi vì ngài chỉ được nhắc đến một cách gián tiếp, trong khi Mẹ Maria được giới thiệu là một người được nhiều người biết đến.

Chúng ta ngắm nhìn Mẹ Đồng Trinh. Sau vài sự kiện ngoại thường trong hai năm đầu sau biến cố được Sứ Thần truyền tin (x. Lc 1, 39; 2, 52), cuộc đời của Mẹ đi vào “nếp sống thường nhật” của một bà mẹ gia đình ở làng quê Nazareth (Mt 2,23). Maria, cùng với Chúa Giêsu và thánh Giuse, nhìn từng ngày trôi qua với sự đơn điệu không hề có những sự kiện bất thường (ngoại trừ hai ngày và một chút đau đớn khi lạc mất Chúa Giêsu, khi ấy Ngài được mười hai tuổi ở lại trong Đền thờ).

Mẹ Maria lấy đâu ra niềm vui trong chuỗi ngày đơn điệu như vậy suốt gần 30 năm qua? Thưa, chính từ một nguồn, mà Mẹ đã rút ra tất cả những niềm vui khác: Tình yêu!

Thật đáng để chúng ta suy ngẫm về điều này, bởi vì ngày nay, con người rất dễ bị lôi cuốn vào những ảo mộng và những điều khác thường, đánh mất niềm vui thật sự của cuộc sống hằng ngày.

Thói quen thường ngày

Thói quen thường ngày, với người này có thể chỉ là thu hoạch tro, nhưng với người kia thì thu hoạch vàng. Điều đó tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Đối với Mẹ Maria, mỗi ngày của Mẹ là một mùa thu hoạch vàng ròng, là kho tàng niềm vui để lại nụ cười trên môi cho đến khi vào giấc ngủ.

Thật không khó để chúng ta hình dung ra những niềm vui nho nhỏ hằng ngày của Đức Mẹ: cuộc sống chung với Chúa Giêsu và Thánh Giuse, sự chăm sóc Con Mẹ, sự mãn nguyện vì cậu con trai mình ngày càng thêm “khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52), những cuộc chuyện trò thân tình kéo dài, những tiếng cười vui xuất phát từ những trò chơi đơn sơ, những điệu hát câu hò khích lệ làm việc, những lần kín múc nước giếng, làm bánh mì ở nhà, chuẩn bị thức ăn, kéo sợi, dệt vải, may vá… Đức Maria, chắc hẳn đã ấp ủ bao nhiêu tình thương, dệt nên chiếc áo dài không đường may cho con trai mình, để rồi sau này chiếc áo ấy bị quân lính bắt thăm (x.Ga 19,23-24).

Thói quen thường ngày đối với Mẹ, cũng như đối với chúng ta, là sự kết dệt của những điều nhỏ nhặt, tùy theo ý định ngay lành của mỗi người, có thể dệt nên tấm áo choàng của bậc anh hùng hay nô bộc, bậc thánh nhân hay tội nhân.

“Thói quen” của Đức Maria thì chỉ xuất phát từ một động lực: tình yêu. Đó là “động lực nền” để hình thành các nhân đức. Như Đức Hồng Y Luciani, trước khi trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô I, đã phát biểu trong bài viết về giáo huấn của thánh Josemaría Escrivá, “thảm kịch hằng ngày” (các cuộc đụng độ và tranh cãi gần như hằng ngày trong nhiều gia đình) có thể được biến đổi thành “nụ cười mỗi ngày” nhờ tình yêu.

Qua đời sống thường ngày, Đức Maria nêu gương cho chúng ta: trong sự giản đơn của công việc thường nhật, trong những chi tiết đơn điệu mỗi ngày, chúng ta cần khám phá ra bí mật ẩn giấu trong rất nhiều điều cao cả và mới lạ, đó là tình yêu.

Học với Đức Trinh Nữ nhận ra những niềm vui mỗi ngày

Niềm vui của tình yêu trong bổn phận

Một thiếu niên chưa trưởng thành than thở rằng bổn phận “là những nghĩa vụ nhàm chán mà mọi người đều ghét”.

Đức Maria thì nói với chúng ta điều hoàn toàn ngược lại: “Bổn phận của tôi là lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa, và cần tôi đáp trả Người một lần nữa: Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Người. Mọi chi tiết của bổn phận giống như lời Sứ thần Gabriel cho biết là Chúa đang đợi tôi ở đó, và chính điều này khiến lòng dạ tôi tràn ngập niềm vui.” Thánh Josémaría nhận xét: “Điều giải thích toàn bộ cuộc đời của Mẹ Maria, đó là tình yêu của Mẹ. Một tình yêu cho đến tột cùng, đến mức hoàn toàn quên mình, hạnh phúc được ở nơi Chúa muốn, hoàn thành thánh ý Chúa bằng cuộc dấn thân. Đây là điều đảm bảo rằng ngay cả cử chỉ nhỏ nhất của Mẹ cũng không bao giờ là tầm thường, nhưng thể hiện đầy nhận thức” (Es Cristo que pasa, n. 148).

Bổn phận, do vậy thay vì là một nghĩa vụ nhàm chán, sẽ là một bài ca của một tâm hồn sống bởi tình yêu.

Niềm vui tận tâm trong bổn phận

Mẹ Maria, như vừa được nhắc đến ở trên, đã dệt chiếc áo choàng liền mảnh cho Chúa Giêsu. Đó là gương mẫu về một thái độ kiên định nơi Mẹ, vì Mẹ đã làm mọi sự vì tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho Chúa Giêsu và cho Thánh Giuse, với cùng một tình cảm và tận tâm, chăm chút từ những chi tiết nhỏ nhất.

Chân Phước Têrêsa Calcutta, giống như tiếng vọng của trái tim Đức Mẹ, khi viết thư cho Đức giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, được ra tù sau 13 năm bị giam cầm, “Điều quan trọng không phải là số lượng hành động của chúng ta, mà là cường độ tình yêu mà chúng ta đặt để vào mỗi hành động của mình”. Đức Cha Thuận đã trích dẫn những lời này trong buổi giảng tĩnh tâm cho Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II vào tháng 3 năm 2000, và bình luận: “Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi quyết định phải là giây phút đẹp nhất của cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải yêu… không lãng phí một giây phút nào”.

Niềm vui từ việc chiêm ngắm

Bạn có bao giờ thử hình dung ra niềm hạnh phúc mà Mẹ Maria chắc hẳn đã được chiêm ngắm Chúa Giêsu con của mình trong chiếc nôi bằng rơm, ngủ trong vòng tay Mẹ, và sau đó trong ngôi nhà Nazareth, khi Chúa Giêsu bò, bước những bước đi chập chững và gieo mình vào vòng tay che chở của Mẹ? Và trong khi Mẹ quan sát Chúa Giêsu học theo thánh Giuse, làm việc cách thuần thục trên những khúc gỗ...  Mẹ đã sống với đôi mắt và trái tim tròn đầy, với niềm hạnh phúc khôn tả, bên Đấng mà các Ngôn sứ đã gọi là “Giữa thế nhân, Ngài vô song tuyệt mỹ” (Tv 45,3).

Chúng ta khẩn nài: “Mẹ ơi, xin dạy chúng con biết chiêm nghiệm. Bởi vì ngày nay thế giới dường như đã mất khả năng đó. Chúng con ít suy ngắm về sự mật thiết, về sự cầu nguyện thinh lặng của con tim (x. Lc 2, 19)… Dường như chúng con đã mất khả năng tập trung vào việc chiêm ngắm với lòng biết ơn về những điều lành đẹp đẽ, về Lời Chúa và những món quà mà Người ban cho chúng con …”

Biết bao nhiêu điều chúng ta cần học biết chiêm ngắm, trong sự lặng yên tại nhà thờ, trong những ngày tĩnh tâm hoặc ở nhà một mình (x. Mt 6,6) - với đôi mắt và trí tưởng tượng đầy đức tin – về những sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu (Phúc âm, đàng Thánh giá…) và các biến cố trong cuộc đời Mẹ Maria (các mầu nhiệm Kinh Mân Côi), với tâm hồn rộng mở đón nhận sự sâu lắng thiêng liêng, để thấy, nghe, cầu nguyện, và để yêu thương…

Niềm vui “hy sinh thầm lặng”

Đây là lối diễn đạt của thánh Josémaría, - “sự hy sinh âm thầm và lặng lẽ” - xác định rõ ràng thái độ căn bản trong cuộc đời của Đức Maria Rất Thánh.

Thánh nhân giải thích về đoạn người đàn bà từ giữa đám đông đã ca ngợi thân mẫu Chúa Giêsu và câu trả lời mà Chúa Giêsu dành cho bà: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!” (Lc 11, 27-28). Thánh Josemaría viết: Câu này “là lời ca tụng Mẹ Người, sự vâng lời của Mẹ…, điều này không thể hiện bằng những hành động nổi bật, nhưng bằng đời hy sinh âm thầm và lặng lẽ mỗi ngày”. Và ngài suy ngẫm tiếp “chúng ta nhận ra rằng giá trị siêu nhiên của cuộc đời không tùy thuộc vào những việc làm anh hùng vĩ đại mà đôi khi chúng ta tưởng tượng để hành động, mà tùy thuộc vào việc trung thành đón nhận ý Chúa, vào sự sẵn sàng quảng đại và hy sinh hằng ngày” (Es Cristo que pasa, n. 172).

Bạn đã có khi nào tưởng tượng rằng Đức Mẹ phàn nàn về những hy sinh nhỏ nhặt hằng ngày không? Về những sự chối từ, điều không mong đợi, những sự trái ý, những mệt mỏi? Hoặc Mẹ tìm kiếm sự công nhận từ những người khác? - Rõ ràng không! Sự hy sinh của Mẹ thật trong sáng. Mẹ biết rõ Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng những niềm vui vĩ đại được trổ sinh trên “mảnh đất tốt” của sự chết đi - thập giá -, trên sự hiến dâng vô điều kiện, trên sự từ bỏ tự nguyện do tình yêu thúc bách.

Còn chúng ta? Trong một xã hội như thế giới của chúng ta ngày nay, bị chi phối bởi những khuynh hướng của chủ nghĩa tiêu thụ và khoái lạc, chúng ta đang mất khả năng thưởng thức những niềm vui nhỏ bé hằng ngày.

Mẹ Maria dạy cho chúng ta biết cách chiêm ngắm những niềm vui nhỏ bé thường nhật, những niềm vui rất gần gũi với con người, nhưng cuộc sống bề bộn đã làm cho chúng bị che khuất.

Niềm vui khi biết trao niềm vui

Chúng ta cùng nhau suy ngẫm về sự kiện tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-11).

Đó là một đám cưới ở nông thôn. Có nhiều bữa tiệc và rất nhiều người. Nhiều người thân, bạn bè, hàng xóm được mời. “Mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được mời dự tiệc cưới.”.

Một lúc, Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Chỉ có Mẹ, hơn tất cả mọi người, hiểu rằng nhà trai đã tính nhầm đồ uống. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, tôi với bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến.” Mẹ không nài nỉ, nhưng cũng không nản lòng. Mẹ biết con trai mình. Vì thế, Mẹ nói với các gia nhân: “Hãy làm bất cứ điều gì Người bảo.”

Một lát sau Chúa Giêsu gọi các đầy tớ: “Hãy đổ nước đầy các chum” (có sáu chum đá, rất lớn). “Và họ đổ đầy tới miệng”. Người nói với họ một lần nữa: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc”. Người quản tiệc ngạc nhiên trước chất lượng rượu và gọi chú rể đến. “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách đã ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon cho đến bây giờ”.

Tin Mừng nhấn mạnh đây là phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Đối với chúng ta, sẽ hợp lý hơn nếu phép lạ đầu tiên là chữa lành cho người mù, làm kẻ chết sống lại, bão yên biển lặng…Không. Theo yêu cầu của Mẹ, Thiên Chúa làm người, đã bắt đầu làm phép lạ với một chi tiết “thuộc gia đình”: mang lại niềm vui cho cặp vợ chồng, không để sơ suất gây nguy hiểm cho việc tổ chức tiệc.

Chúng ta có thể rút ra ba bài học từ thái độ này của Đức Kitô:

  • Những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống đơn giản rất quan trọng trước mắt Chúa. Hy vọng chúng ta cảm nghiệm được điều ấy trong cuộc sống hằng ngày của mình.
  • Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, theo gương Mẹ Maria, những tâm hồn tìm được niềm vui trong bổn phận hằng ngày, sống mãn nguyện và cảm thấy bị thúc bách lan tỏa niềm vui đến cho người khác.
  • Với phép lạ này, Đức Kitô cho thấy rõ quyền năng chuyển cầu của Đức Mẹ với Chúa Giêsu Con Mẹ, Người luôn lắng nghe Mẹ.

Giờ đây, mời mỗi bạn suy ngẫm về những điều ấy và áp dụng thực hành cho bản thân.

Nước Trong, FMI chuyển ý

Nguồn: https://it.aleteia.org