Tình yêu nhưng không

Lời mời gọi đến và ở lại với Chúa, sống với Chúa là một lời mời gọi nhưng không, xuất phát từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho những ai Ngài muốn.


Trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là những thụ tạo của Ngài. Trước mặt Ngài, chúng ta chẳng là gì, ngoài thân phận bụi đất thấp hèn của mình. Có ta hay không có ta tồn tại, Thiên Chúa vẫn hiện hữu với đầy sự uy phong và dũng mãnh. Ấy vậy mà Thiên Chúa luôn đối xử với chúng ta như thể ta là những báu vật vô cùng quý giá không thể thay thế được. Suốt những năm tháng dài, tình thương và lòng thành tín Ngài vẫn không ngừng tuôn đổ xuống trên chúng ta, trái tim Ngài không ngừng đập nhịp yêu thương ta, ánh mắt Ngài vẫn dõi bước theo chúng ta, cánh tay Ngài vẫn cứ đỡ nâng, dẫn dắt chúng ta, dẫu cho sự mỏng giòn, mong manh của thân phận bụi đất đã bao lần chúng ta lỗi phạm đến Ngài.

Hơn ai hết, người tu sĩ cảm nghiệm rõ điều này, họ chỉ là một tội nhân không hơn không kém, nhưng đã được Chúa thương cứu vớt, giữ gìn và còn ngỏ lời mời gọi họ ở lại với Ngài trong cõi rất riêng, để họ cảm nghiệm được tình yêu thương Ngài dành cho họ và trở nên những chứng nhân cho tình yêu Ngài. Lời mời gọi của Chúa xuất phát từ thánh ý vô cùng huyền nhiệm của Ngài mà chẳng có lý do vì sao. Lời mời gọi hiến dâng cũng không đến từ những tiêu chuẩn của con người. Không phải vì đạo đức hơn, giỏi giang hơn, thông minh hơn, tài nghệ hơn hay thánh thiện hơn mà người tu sĩ được Chúa mời gọi. Có khi, người được mời gọi còn tồi tệ hơn những người khác bội phần.

Điều này rất rõ trong lịch sử cứu độ, khi Thiên Chúa muốn giải cứu dân khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, Thiên Chúa đã không chọn một thiên tài xuất sắc về quân sự, nhưng lại chọn một người già nua tuổi tác, vừa nhút nhát lại đang chạy trốn Pharaô, chẳng có tài nghệ mà còn bị tật nói lắp... Trong 12 vị tông đồ, không có vị nào giỏi xuất chúng. Tất cả đều là những con người bình thường thấp bé trong xã hội. Người thì bồng bột, người thì dối trá, người thì toan tính, kẻ thì gian manh. Ai đi theo Chúa cũng mang trong đầu một hy vọng làm lớn. Quả thế, chẳng có một tiêu chí nào để con người có thể quy định ai được mời sống đời dâng hiến, ai không.

Lời mời gọi đến và ở lại với Chúa, sống với Chúa là một lời mời gọi nhưng không, xuất phát từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho những ai Ngài muốn. “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người” (Mc3,13) .Đó là một ân sủng chứ không phải là một sự trả công. Người sống đời dâng hiến chỉ biết lặng ngắm ơn gọi huyền nhiệm để tạ ơn Chúa từng phút giây, bởi vì mình đã được Ngài yêu thương vô ngần. Không biết có làm được gì cho Ngài hay không, nhưng việc được Ngài cất nhắc lên từ nơi bụi đất, làm con cái Ngài, rồi trở thành chứng nhân cách đặc biệt cho Ngài quả là một vinh dự vô cùng to lớn. Từ đây, họ sẽ thuộc về Chúa trọn vẹn, chỉ một lòng hướng về Ngài trong hy sinh, trong thinh lặng và trong việc phục vụ âm thầm. Mọi sự đã được Ngài thánh hiến, kể cả những yếu đuối và thấp hèn, những tội lỗi u mê. Trước mặt Chúa, người tu sĩ được gột rửa hoàn toàn, để trở nên tinh tuyền nhờ ân sủng của Người.

Cảm nghiệm sâu xa về tình Chúa yêu thương chọn gọi, thánh Phaolo đã nói: "Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa" (1 Cr 15,10)". Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người ý thức rằng tất cả những gì mình có đều đã lãnh nhận một cách nhưng không, vì sống là nhận lãnh và biết ơn. Biết ơn là nét cao đẹp nhất của con người. Biết ơn là nhận ra thân phận bất toàn của mình. Như vậy ơn gọi dâng hiến quả là một ơn gọi tuyệt đẹp đến từ Thiên Chúa. Đẹp không phải vì nó hơn các ơn gọi khác nhưng vì nó khắc ghi và biểu hiện rất rõ tình yêu vô lượng của Thiên Chúa đối với thân phận nhỏ bé của chúng ta, và chúng ta đã đáp lời mời ở lại với Ngài như là nghĩa cử của lòng biết ơn về tất cả những gì Ngài đã ưu ái cho chúng ta, dẫu cho lòng biết ơn của chúng ta không thêm gì cho vinh quang Ngài, nhưng đó là cách thức tốt nhất ta có thể bày tỏ lòng yêu mến, tình con thảo với Ngài. “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9).

Có bao giờ bạn nghe được một chút nào đó lời mời gọi như vậy không?

Có bao giờ bạn thấy lòng mình xao xuyến khi chứng kiến những gương sống đạo đức và phục vụ quên mình của các tu sĩ không?

Có bao giờ bạn chiêm ngắm Giêsu và cũng nảy sinh một thao thức như Ngài, là “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” ; hay mong ước ngọn lửa mà Ngài đã mang xuống từ trời được bùng cháy lên không?

Có bao giờ các bạn thấy thích một đời sống phiêu bạt như Giêsu, rong ruổi khắp miền này xứ nọ, một cuộc sống mang bình an và niềm vui đến cho người khác?

Có bao giờ các bạn thấy mình thích cảm giác ung dung tự tại, khó nghèo nhưng an nhiên, lấy phục vụ làm niềm vui, lấy hy sinh làm an ủi?

Có bao giờ bạn bạn ước mong một cuộc sống đi ngược lại với những trào lưu, tiện nghi, thực dụng xu hướng của đa số bạn trẻ hôm nay không?

Hãy để lòng mình trong khoảng lặng để lắng nghe lời mời của Ngài.

Người tu sĩ mở lòng đón nhận ân ban cao quí trong ơn gọi thánh hiến, và đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng cả cuộc đời mình, là trao cho Ngài những sở thích, ý riêng, tình yêu, tình cảm và thậm chí cả mạng sống mình. Nhưng người tu sĩ không từ bỏ nó trong sự nuối tiếc và tìm cách bù trừ. Người tu sĩ sẵn sàng bỏ hết bởi vì họ khám phá ra một cái gì đó quý giá hơn những thứ ấy nhiều lần. Như Thánh Phaolô đã xác tín, kể từ ngày ngài biết Đức Kitô, “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8).

Ước gì chúng ta luôn cảm nghiệm được tình yêu thương Thiên Chúa dành cho chúng ta trong cõi rất riêng, để chúng ta luôn sống với tâm tình biết ơn Chúa và sẵn sàng đáp lời mời gọi yêu thương của Ngài dành cho ta cũng trong khung trời rất riêng.

Nt. M. Goretty Kim Tươi, FMI