Lịch sử và ý nghĩa của Kinh Mân Côi

Chạy đến cầu khẩn với Mẹ Maria qua cách siêng năng lần hạt Mân Côi, chắc chắc Mẹ không để một ai trở về “tay không”.


Trải qua nhiều thế kỷ, Kinh Mân Côi chiếm một vị trí nổi bật trong đời sống người Kitô hữu, vì đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo tâm linh cho nhiều thế hệ tín hữu và trong việc giáo dục đời sống cầu nguyện của họ. Đặc biệt, lời kinh này nổi bật hơn những hình thức khác mà Giáo hội dùng để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ. Kinh Mân Côi còn được gọi là: “Bản tóm tắt Tin Mừng, Vương miện của Đức Trinh Nữ Maria, hay Chuỗi Mân Côi”. Kinh Mân Côi được đọc một cách trật tự và tiếp nối đều đặn cũng phản ánh chính cách thức mà Con Thiên Chúa cứu chuộc loài người khi hòa mình vào lịch sử nhân loại. Trước sự tồn tại của kinh Mân Côi qua bao thế kỷ và chưa bao giờ ngưng trước cảm thức của cộng đồng Kitô hữu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khuyến khích rằng: “với đức tin, hãy giữ tràng chuỗi Mân Côi trên tay là cách tái khám phá nó dưới ánh sáng của Thánh Kinh, trong sự hài hòa với phụng vụ trước bối cảnh của thời đại”. Để hiểu sâu hơn về lời kinh này, chúng ta có thể làm rõ những giai đoạn thiết yếu về lịch sử của Kinh Mân Côi, nội dung thần học và giá trị tinh thần theo những nghiên cứu của một vài tác giả.

  1. Nguồn gốc lịch s

Theo nghiên cứu của E. D. Staid, lịch sử phát triển của Kinh Mân Côi có thể được hiểu trong khoảng thời gian giữa thế kỷ XII và XVI. Đầu thế kỷ XII, việc đọc kinh Kính Mừng đã lan rộng khắp phương Tây.

Vào thế kỷ XIV, Enrico di Kalkar (1328-1408) đã thực hiện một phân chia nhỏ trong bộ thánh vịnh Kính Mừng thành 15 chặng, tức là 15 chục, bằng cách chèn kinh Lạy Cha vào giữa mỗi chục kinh. Đây được coi là truyền thuyết về việc thiết lập kinh Mân Côi của thánh Đa Minh. Tuy nhiên, truyền thuyết này không được chấp nhận tuyệt đối, nhưng nó cũng không thể loại bỏ hoàn toàn về mặt lịch sử. Thánh vịnh về Đức Maria đã được ghi lại trước khoảng thời gian sống của thánh Đa Minh (1170-1221), và chắc chắn là Ngài và các anh em cùng Dòng giảng thuyết của Ngài đã dùng lời kinh phổ biến này để cầu nguyện.

Đến năm 1948, Franz Willam xuất bản một cuốn sách, trong đó ông ủng hộ giả thuyết cho rằng kinh nguyện này có từ bốn Thánh vịnh: Thánh vịnh Kinh Lạy Cha, Thánh vịnh Kinh Kính Mừng, Thánh vịnh tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu, và cuối cùng đó là Thánh vịnh tình yêu của Đức Maria. Theo F. Willam, Kinh Mân Côi theo hình thức cổ điển là kết quả của sự tổng hợp dần dần từ bốn Thánh Vịnh này.

Hơn nữa, có ý kiến ​​cho rằng Kinh Mân Côi là kết quả của sự tổng hợp của cách cầu nguyện bằng lời và bằng suy niệm. Để biện minh cho ý kiến ​​​​này, cần trình bày một quá trình hình thành của việc cầu nguyện bằng lời được sử dụng, bằng cách làm nổi bật cả đoạn, từ Thánh vịnh của Đavid đến Thánh vịnh của Đức Trinh Nữ Maria và xu hướng ngày càng gia tăng trong việc lặp lại lời chào của Thiên Thần. Vào thời Trung cổ, việc đọc Thánh vịnh là một phần thiết yếu trong cách cầu nguyện của các tu sĩ. Qua việc đọc 150 bài Thánh vịnh của Đavid, họ chiêm ngưỡng Chúa Kitô và công cuộc cứu độ của Người. Đối với những người không biết chữ, một số tu viện quy định việc đọc kinh Lạy Cha thay thế cho các Thánh vịnh đó. Từ thế kỷ XII, ngoài việc thực hiện thay thế các Thánh vịnh trong Phụng vụ, chúng ta có thể quan sát quá trình ra đời của một Thánh vịnh mới: Thánh vịnh của Đức Trinh Nữ Maria (Psalterium Beatae Mariae Virginis). Thánh Vịnh này rất khác với Thánh Vịnh của Đavid: tại những vị trí của các điệp ca đã quy định cho các Thánh Vịnh sẽ được thêm vào các điệp ca Thánh Mẫu, bắt đầu bằng lời chào của Thiên thần Gabriel: Kính Mừng (Ave), Vui Mừng (Gaude) hoặc Kính Chào (Salve). Thực ra, các điệp ca Thánh Mẫu diễn tả bằng các khổ thơ với lời khen ngợi Đức Trinh Nữ vì công lao của Mẹ trong việc cộng tác vào hành động cứu độ của Đức Kitô.

Liên quan đến việc hình thành chiều kích suy niệm của Kinh Mân Côi, kinh này được bắt đầu bởi những mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Giêsu và tiếp nối sau đó là Kinh Kính Mừng. Cách cầu nguyện này cho phép chúng ta suy niệm về công cuộc cứu độ của Đức Kitô. Vào thời trung cổ từ thế kỷ XII, việc suy niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô đã được thực hành phổ biến trong đời sống của các Dòng tu. Đối tượng suy niệm là nhân tính của Chúa Kitô được thể hiện trong các mầu nhiệm của Người: Nhập Thể và Cuộc Thương Khó.

Tài liệu Giáo hội đầu tiên liên quan đến Kinh Mân Côi có từ năm 1478. Đó là Hiến chế Tín lý Pastor Aeterni, do Đức Giáo hoàng Sisto IV ban hành để dành riêng cho các tu sĩ ở Colonia. Đức Giáo Hoàng nhắc lại rằng kinh nguyện này, được gọi là Rosarium Beatae Virgimis Mariae và được tạo thành từ 150 Kinh Kính Mừng và 15 Kinh Lạy Cha. Ai trung thành đọc kinh Mân Côi sẽ được nhận một ơn toàn xá.

Vào năm 1569, Đức Piô V, với Tự sắc Consueverunt Romani Pontifices, đã thánh hiến  hình thức kinh Mân Côi này. Hình thức đó đã đạt đến thời điểm vàng son trong quá trình phát triển của nó và được sử dụng cho tới ngày nay. Trong Tự sắc này, việc soạn thảo ra Kinh Mân Côi lần đầu tiên được cho là của Thánh Đa Minh. Thật không may, Đức Thánh Cha đã không cho biết rõ nguồn gốc lịch sử mà Ngài đã trích dẫn. Cũng giống như Đức Sisto IV và Đức Piô V nói rằng: Kinh Mân Côi không chỉ bao gồm việc đọc kinh Kính Mừng và kinh Lạy Cha, mà còn bao gồm việc suy niệm về đối tượng chính là cuộc đời của Đức Giêsu Kitô.

Một sự kiện lịch sử liên quan đến Kinh Mân Côi đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10 năm 1571,  ở vùng biển Lepanto khi quân đội người Kitô giáo phải đối mặt chiến đấu với đội quân Thổ Nhĩ Kỳ đông đúc. Trước cuộc chiến, Đức Thánh Cha Piô V đã kêu gọi tất cả các tín hữu cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa bằng cách đọc Kinh Mân Côi. Chiến thắng bất ngờ trước cuộc tấn công của người Hồi giáo đã gây ấn tượng mạnh mẽ và được ca ngợi như một thành quả phi thường của sự can thiệp thần linh, nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ. Để mãi ghi nhớ sự kiện này, một năm sau Đức Piô V đã thiết lập "Lễ kỷ niệm Đức Trinh Nữ Chiến thắng", và ấn định tổ chức vào ngày 7 tháng 10.

Tiếp theo đó có rất nhiều vị Giáo hoàng cũng đề cập đến kinh nguyện này, nhưng nỗi bật nhất và quan trọng hơn hết là Đức Giáo hoàng Phaolô VI . Trong Thông điệp Christi Matri (1966), Ngài nói rằng Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện cho sự hòa bình, cho sự bảo vệ và nuôi dưỡng đức tin. Trong Tông huấn Recurrens mensis october (1969), vị Giáo Hoàng này cũng bày tỏ: “Khi suy niệm các mầu nhiệm của kinh Mân Côi, chúng ta sẽ học theo các mẫu gương của Đức Maria để trở thành những tâm hồn bình an qua việc tiếp xúc tình yêu không ngừng với Chúa Giêsu và với các mầu nhiệm về cuộc đời cứu chuộc của Người”. Sau đó, Đức Phaolô VI còn nhắc lại lời Kinh này trong Tông huấn Marialis Cultus (1974), bằng cách nhìn nhận kinh nguyện này vẫn còn phổ biến ở khắp các châu lục cho tới ngày nay.

  1. Nội dung thần học và giá trị tinh thần

Các ý nghĩa thần học và giá trị tinh thần của Kinh Mân Côi được mô tả trong nghiên cứu của E. D. Staid. Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện gắn liền với niềm tin vào mầu nhiệm Nhập Thể. Các yếu tố thần học làm nền tảng cho kinh Mân Côi đó là: kinh nguyện Tin Mừng, kinh nguyện lấy Chúa Kitô làm trung tâm và kinh nguyện của Giáo hội.

- Kinh nguyện Tin Mừng: lời cầu nguyện này được lấy từ Tin Mừng, bao gồm cả những lời cầu nguyện và những công thức của các mầu nhiệm: Kinh Lạy Cha, một lời cầu nguyện do Chúa Giêsu dạy; Kinh Kính Mừng, một kết hợp giữa lời chào của thiên thần và lời khen ngợi của Elizabeth; Kinh Sáng Danh Chúa Cha, một sự phát triển của công thức Ba Ngôi được Chúa Giêsu công bố (x. Mt 28,19); nội dung của các mầu nhiệm trình bày các giai đoạn nền tảng về mầu nhiệm Chúa Kitô: nhập thể, thương khó và vinh quang. Trong Tông thư Rosarium Virginis Mariae, Đức Gioan Phaolô II đã thêm vào một chuỗi mầu nhiệm mới, được gọi là “ mầu nhiệm sự sáng”, tức là “các mầu nhiệm về đời sống công khai giữa thời điểm nhận bí tích Rửa tội và Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô”. Những mầu nhiệm này “mặc khải Nước Trời đã đến ngay lúc này trong con người và trong chính các sự kiện của Đức Giêsu Kitô - Con Thiên Chúa và của người Phụ Nữ Nazareth”.

- Kinh nguyện trọng tâm trên Đức Kitô: lời ca ngợi mà Kinh Mân Côi dành cho Đức Maria có nền tảng chính là Chúa Giêsu, được loan báo và được bảo vệ một cách nghiêm túc niềm tin vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là con người. Thật vậy, kinh Kính Mừng Maria là lời ca tụng không ngừng dành cho Chúa Kitô, và Chúa Kitô vẫn là đối tượng trung tâm của Kinh Mân Côi bởi vì trong các mầu nhiệm của sự vui, lời cầu nguyện dựa trên cuộc sống ẩn dật của Người; trong các mầu nhiệm của sự thương, lời cầu dựa trên cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô; trong mầu nhiệm của sự mừng, sự tôn vinh của Ngài được chia sẻ với Mẹ và Giáo hội; trong mầu nhiệm sự sáng, lời cầu nguyện dựa trên “một số thời điểm đặc biệt quan trọng trong đời sống công khai” của Con Thiên Chúa và của Đức Trinh Nữ.

- Kinh nguyện của Giáo hội: Giáo hội là dân được mời gọi cứu độ nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Kinh Mân Côi trình bày sự hiểu biết về Đức Kitô và mầu nhiệm cứu độ của Người, đồng thời mời gọi chúng ta tuân theo với sự khiêm tốn và lòng biết ơn. Mục đích của lời cầu nguyện này vẫn là hành vi đức tin được chia sẻ với Đức Maria, là dấu chỉ rõ ràng nhất của bản chất Giáo hội.

Bên cạnh ý nghĩa thần học, Kinh Mân Côi còn có những giá trị tinh thần:

- Kinh nguyện đơn giản: Kinh Mân Côi có cấu trúc đơn giản, nó đưa tín hữu đến trung tâm của mầu nhiệm Kitô giáo, đến kiến thức nền tảng của đức tin. Hơn nữa, đó là lời cầu nguyện của  người nghèo, không chỉ vì nó có thể được thực hiện bởi những người bé mọn, nhưng trên hết là vì nó dạy con đường sống tinh thần nghèo khó và đơn sơ.

- Kinh nguyện chiêm niệm: Kinh Mân Côi là một trường dạy chiêm niệm vì thỉnh thoảng nó giúp chúng ta làm quen với việc nhìn vào một biến cố trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế với một thái độ vui tươi, đau buồn, cũng như cách tán dương đơn sơ và sâu sắc để nuôi dưỡng tâm hồn và cảm thức của chúng ta. Cho nên ngoài việc kinh Mân Côi có giá trị ngợi khen và mang tính chất khẩn cầu, một yếu tố thiết yếu khác của kinh này đó là sự chiêm niệm. Không có nó, Kinh Mân Côi chỉ là một thân xác không có linh hồn, và việc đọc nó có nguy cơ trở thành một sự lặp lại cách máy móc.

- Kinh nguyện giáo huấn: là lời cầu nguyện với phương pháp rao giảng và trình bày đức tin với cách thức đơn giản và phổ biến. Đó là một hình thức sư phạm và giáo lý ưu việt giống như sự “tuyên bố” được ban tặng như là ơn cứu độ duy nhất.

- Kinh nguyện theo nhịp điệu cuộc sống: việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng giống như một lời Kinh dài đến vô tận, một lời ca ngợi bất tận mà chúng ta sẽ vẫn còn tiếp tục sau giờ chết và trên quê hương hạnh phúc thiên đàng.

- Kinh nguyện thanh luyện tâm hồn: nó liên tục dẫn đưa chúng ta trong sự liên hệ với Thiên Chúa, chất vấn cảm xúc của chúng ta trước cảm xúc của Chúa Kitô, hành động của chúng ta đối với hành động của Chúa và suy nghĩ của chúng ta đối với suy nghĩ của Ngài. Trong cuộc đối diện liên tục này, sự phù du của cuộc sống sẽ biến mất và một cuộc thanh lọc diễn ra để ban lại ơn sẵn sàng tuân theo ý muốn của Thiên Chúa.

- Kinh nguyện dẫn vào phụng vụ: giữa Phụng vụ và Kinh Mân Côi có một mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đó là: tính chất cộng đồng, nền tảng của Kinh Thánh, đối tượng hướng tới là mầu nhiệm Cứu độ của Chúa Kitô.

Giáo sư Thánh Mẫu Học L. M. Di Girolamo nhận xét rằng “việc đọc Kinh Mân Côi cách sốt sắng thì thường xuyên dẫn đến việc tập trung tâm trí vào những gì thiết yếu của cuộc sống người Kitô hữu, nghĩa là, tính chất đánh động của Lời Chúa ảnh hưởng đến cuộc sống của con người”. Thực ra, “Kinh Mân Côi vừa là việc suy niệm, vừa là lời cầu nguyện. Lời nài xin khẩn thiết đến Mẹ Thiên Chúa dựa trên niềm tin rằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ có thể làm rung động trái tim của Chúa Con, qua đó mọi sự sẽ được ban ơn”.

Một nơi tuyệt vời để sử dụng việc lần hạt Mân Côi trong thời đại ngày nay là khung cảnh gia đình. Đức Phaolô VI cùng với những vị tiền nhiệm của Ngài “khuyến khích mạnh mẽ việc đọc Kinh Mân Côi trong môi trường gia đình”. Lần hạt Mân côi được coi là một trong những "lời cầu nguyện chung" hiệu quả nhất mà các gia đình Kitô hữu được mời gọi để cầu nguyện. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng: gia đình là tế bào đầu tiên và quan trọng của xã hội, nhờ tình yêu thương lẫn nhau giữa các thành viên và lời cầu nguyện chung dâng lên Thiên Chúa, gia đình được xem như là đền thờ tại gia của Giáo hội. Vì vậy, những gia đình nào “muốn sống trọn vẹn ơn gọi và linh đạo gia đình Kitô giáo, thì phải cố gắng nỗ lực loại bỏ tất cả những gì làm cản trở các cuộc gặp gỡ trong gia đình và những dịp cầu nguyện chung” .

Người Kitô hữu cũng nên biết tại sao Giáo hội mời gọi các tín hữu bày tỏ lòng tôn kính và cầu nguyện đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria trong tháng Năm và tháng Mười?

Theo Đức Phaolô VI, tháng Năm là tháng gần nhất với tháng kính mừng lễ Đức Maria Nữ Vương (22 tháng 8). Với thời gian này, trong các đền thờ cũng như trong môi trường gia đình, lòng tôn kính và lời cầu nguyện từ trái tim của người Kitô hữu dâng lên Mẹ một cách sốt mến hơn. Đó cũng là tháng mà ân sủng của lòng thương xót Chúa tuôn đổ trên chúng ta dồi dào hơn bao giờ hết từ ngai tòa của Người. Thực ra, Đức Maria “luôn là con đường dẫn đến Chúa Kitô. Mọi cuộc gặp gỡ với Mẹ đều không thể không dẫn tới cuộc gặp gỡ với chính Chúa Con”. Hơn nữa, các vị tiền nhiệm của Đức Phaolô VI có thói quen chọn tháng này để thánh hiến cho Đức Maria và mời gọi người Kitô hữu cầu nguyện một cách công khai, bất cứ khi nào và với nhu cầu nào của Giáo hội cần, hoặc mối nguy hiểm đe dọa nào đó đang rình rập trên thế giới, bằng cách cầu nguyện đặc biệt là chạy đến nhờ sự chuyển cầu và bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria - Nữ Vương Hòa bình.

Như tháng Năm, Giáo hội cũng đặc biệt tôn kính Đức Maria vào tháng Mười với những ý nghĩa riêng. Trong tháng 10, các Kitô hữu thường kết dâng lên Mẹ những tràng chuỗi thiêng liêng  qua việc cầu nguyện lần hạt Mân Côi. Trong Thông điệp Christi Matri, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhắc nhở chúng ta rằng: Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện cho sự hòa bình và nuôi dưỡng đức tin của đời sống Kitô hữu. Vì lý do này, Ngài kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình thế giới trong tháng 10 bằng việc đọc kinh Mân Côi: “​​tháng 10 được dành riêng cho Đức Trinh Nữ Mân Côi, mọi người hãy gia tăng những lời cầu nguyện và những lời khẩn cầu lên Mẹ, để nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, bình minh của sự hòa bình đích thực cuối cùng cũng sẽ chiếu sáng trên nhân loại”.  Ngài cũng nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện này thực sự phù hợp với tâm lý của mọi người, rất đẹp lòng Đức Trinh Nữ và có nhiều hiệu quả trong việc cầu xin các ân huệ trên nước thiêng đàng.

Qua sự hiểu biết về nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa thần học, giá trị tinh thần của kinh Mân Côi, cùng với lòng tôn kính và yêu mến đặc biệt Mẹ Maria, người Kitô hữu sẽ cảm nhận được sự linh thiêng và sốt sắng mỗi khi cầu nguyện với kinh này. Chạy đến cầu khẩn với Mẹ Maria qua cách siêng năng lần hạt Mân Côi, chắc chắc Mẹ không để một ai trở về “tay không”. Nhưng một điều quan trọng cần biết đó là chính Chúa Kitô là nguồn ban sự sống và nguồn tuôn đổ ân huệ trên chúng ta. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, Chúa Giêsu, Con của Mẹ chưa từng từ chối Mẹ bao giờ như trong sự kiện phép lạ nước hóa thành rượu ở Cana (x. Ga 2,1-11).

Nt. M. Anna Trần Thị Hồng Ân, FMI

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Cecchin S. (a cura di), Contemplare Cristo con Maria. Atti della Giornata di studio sulla Lettera Apostolica Rosarium Virginis Mariae di Giovanni Paolo II, PAMI, Città del Vaticano 2003.

Concilio Vaticano II, Decreto sull’apostolato dei laici, Apostolicam actuositatem, (18 novembre 1965), in EV, Dehoniane, Bologna 1979, 1/912-1041.

Di Girolamo L. M., La lettera apostolica “Rosarium Virginis Mariae” (nn. 13-17) di Giovanni Paolo II: alcuni aspetti per una rilettura teologico-fondamentale e antropologica, in Miles Immaculatae 40 (2004), pp. 511-550.

Giovanni Paolo II, Lettera Apostolica ai vescovi, al clero e ai fedeli sul Rosario mariano, Rosarium Virginis Mariae (16 ottobre 2002), in EV, Dehoniane, Bologna 2005, 21/1167-1250.

Kochaniewicz B., Origine e diffusione del Rosario, in S. Cecchin (a cura di), Contemplare Cristo con Maria. Atti della Giornata di studio sulla Lettera Apostolica Rosarium Virginis Mariae di Giovanni Paolo II, PAMI, Città del Vaticano 2003.

Lentini S., Il Rosario nella tua vita, Editrice S. Scolastica, Subiaco 1976.

Paolo VI, Esortazione Apostolica per il retto ordinamento e sviluppo del culto della Beata Vergine Maria, Marialis Cultus (2 febbraio 1974), in EV, Dehoniane, Bologna 1979, 5/13-97.

Paolo VI, Esortazione Apostolica sul Rosario durante il mese di ottobre, Recurrens mensis october (7 ottobre 1969), in EV, Dehoniane, Bologna 1977, 3/1609-1618.

Perrella S., Il Rosario nel Magistero dei Papi: da Leone XIII a Giovanni Paolo II, in Aa.Vv., Contemplare Cristo con Maria. Atti della Giornata di studio sulla Lettera Apostolica Rosarium Virginis Mariae di Giovanni Paolo II, pp. 61-173.

Staid E. D., Rosario, in De Fiores S.-Meo S. M.  (a cura di), Nuovo Dizionario di Mariologia, Edizioni Paoline, Milano 1985, pp. 1207-1215.

Willam F. M., Storia del Rosario, Orbis Catholicus, Roma 1951 (or. ted. del 1948)