Cha Tổ phụ - mẫu gương Hiệp nhất

Cũng trong năm 1908, Đấng Sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm là cha Allys được thụ phong Giám mục tại Thánh đường Phủ Cam. Sự trùng hợp này khiến tôi suy nghĩ đến sự hiệp nhất có tính thừa hưởng.


Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Kitô hữu được Cha Paul Wattson cử hành lần đầu tiên vào năm 1908 tại Graymoor, New York, khi ngài còn là một giáo sĩ Tin Lành. Sau đó một năm, ngài đã cùng với cộng đoàn của ngài gia nhập Công giáo[1]. Cũng trong năm 1908, Đấng Sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm là cha Allys được thụ phong Giám mục tại Thánh đường Phủ Cam. Sự trùng hợp này khiến tôi suy nghĩ đến sự hiệp nhất có tính thừa hưởng. Những năm sau đó, Đức Cha Allys mời các Dòng về cộng tác hoạt động tại Giáo phận Huế. Đức cha là người của mọi người khi cửa phòng lúc nào cũng rộng mở để đón tiếp tất cả mọi người, không kể lương giáo…

Đức Cha Sáng lập sống hiệp thông với Chúa

Từ hiệp nhất chỉ được sử dụng trong công giáo. Thông thường, từ “hiệp nhất” (ecumenical) được sử dụng để mô tả mọi nỗ lực nhằm để tái hợp các Kitô hữu[2]. Hiệp nhất theo khuôn mẫu Ba Ngôi.

Đức Cha Tổ phụ nổi bật với đời sống kết hợp với Bí tích Thánh Thể. Đó được coi là trung tâm của của mọi đời sống trong Giáo hội. Sống hiệp nhất đầu tiên phải kể là hiệp nhất với Thiên Chúa, cụ thể qua Đức Giêsu. Trong thời gian làm cha xứ, sau giờ đọc kinh chung với giáo dân ban tối, ngài ở lại chầu Thánh Thể rất lâu. Cũng vậy, lúc bị mù, ngài thường ở trong nhà thờ suốt buổi chiều để cầu nguyện và chầu Thánh Thể. Chính Đức Hồng Y Fumasoni – Biondi đã rất cảm phục ghi lại những lời tâm sự của Đức Cha Allys trong một bài đăng ở tạp chí Bulletin MEP năm 1932: Đức Cha Allys tâm sự trong những năm hưu dưỡng: “Từ nay cuộc sống tôi tóm lại trong cầu nguyện và tôn thờ Thánh Thể, tôi khuyên các cha cũng vậy, dùng đến phương thế đó”[3].

Nếu hiệp nhất chỉ sự nên một trong Đức Kitô, thì chúng ta không thể đi ra khỏi Đức Kitô. Nguồn mạch của đời sống Kitô giáo là Bí tích Thánh Thể, Thánh lễ. Đức Cha Tổ phụ đã chọn và sống đúng tinh thần hiệp nhất, khi dành nhiều thời gian để ở lại với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Để việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất trở nên hữu hiệu. Chúng ta cần thiết phải là người hiệp nhất. Hiệp nhất với Thiên Chúa là chìa khóa để chúng ta tiến gần đến thân hình mầu nhiệm Đức Kitô. Chính Chúa sẽ đoàn tụ con cái đang tản mác khắp nơi về một mối.[4]

Người hiệp thông với xứ truyền giáo

Chúa đã chọn các tông đồ để họ ở lại với Chúa và Người sai họ đi. Chúa cũng đã chọn một thanh niên đi truyền giáo ở tuổi đời rất trẻ, 23 tuổi. Cậu thanh niên này đã đi và không một lần trở về quê hương, 61 năm dành cho mảnh đất truyền giáo Việt Nam (1875-1936).

Điều gì khiến Đức Cha hy sinh như vậy?

Câu trả lời có thể được dẫn từ trên, bởi Đức Cha là người có Chúa, người có đời sống cầu nguyện. Chính sự kết hợp đó khiến ngài trở nên hình ảnh Đức Kitô tự hủy, quên mình. Đức Cha Tổ phụ cũng không có thời gian về nhà vì các linh hồn, vì tình yêu dành cho nơi chốn và con người Chúa sai ngài đến. Khi còn là thanh tuyển, mỗi khi tôi nói nhớ nhà, chị Pazzi Thơ đã nói với tôi “cầu nguyện với Đức Cha Tổ phụ”. Câu nói này khiến tôi suy nghĩ. Tôi chiêm ngắm gương ngài với lòng khâm phục hơn là xin cho con không về nhà hay có tinh thần từ bỏ giống như ngài. Bây giờ, mỗi khi qua vườn Tổ phụ, tôi cũng thưa với ngài. Nhưng những lần sau này, tôi thưa nhiều hơn một chuyện.

Ở xứ truyền giáo xa quê hương; văn hóa, nếp sống khác biệt với phương Tây, song Đức Cha vẫn chấp nhận ở lại với các tín hữu trong cơn khó khăn, lo sợ bởi chiến tranh, cấm cách đạo[5]; ngài chấp nhận cuộc sống bình dị với những món ăn đạm bạc, củ khoai, con cá luộc. Cố Thuận (Denis) còn viết: Ăn uống như vậy, đau khổ như kia mà diện mạo vẫn tươi như hoa nở.[6] Đây chính là diện mạo mà theo Đức Thánh Cha Phanxicô nói “ở đâu có tu sĩ, ở đấy có niềm vui”. Niềm vui ở trong Đức Kitô là niềm vui vượt trên mọi khó khăn, thử thách. Niềm vui được thi hành sứ mạng, vui vì trở thành thợ gặt trong cánh đồng của Chúa. Đức Cha Tổ phụ đã trở thành một mẫu gương hiệp nhất trong Chúa để hiệp thông với mảnh đất Chúa gieo ngài vào.

Người hiệp thông với gia đình

Có phải Đức Cha không gắn bó với gia đình?

Trong Tiểu sử Đức Cha Sáng lập Dòng có ghi “Là con người sinh ra ai cũng cần một mái ấm để yêu thương, để sẻ chia những buồn vui, sướng khổ của cuộc đời. Đức Cha Allys cũng là một con người như bao người khác. Ngài cũng có một trái tim chứa đầy những cảm xúc, tình cảm rất chân thành dành cho những người thân yêu trong gia đình. Thế nhưng, vì Nước Trời, ngài sẵn sàng lên đường từ bỏ tất cả”[7]. Trong các lá thư được gửi về Pháp, Ngài chia sẻ rất thân tình, gần gũi. Một lá thư gửi cho người cháu ở tuổi hưu trí, khi đó mắt ngài đã bị mù. Cha vẫn kể chuyện và hỏi thăm rất cụ thể: “Cháu cũng nhớ cho cậu kính thăm cha xứ và tất cả cha phó. Cậu hằng nhớ đến họ trong lời cầu nguyện”. Một người xa quê hương thời gian dài, nhưng vẫn nhớ đến cha xứ, cha phó của Giáo xứ quê hương, huống gì là những người thân thuộc. Sự gắn bó này càng trở nên cao quý khi ngài đã hy sinh và chọn sống triệt để theo lời mời gọi của Tin Mừng, “Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời” (Mt 19, 29).

Trong các lá thư và những chiếc huy chương do hai nước Pháp, Việt trao tặng, ngài gửi về Pháp như một dấu của sự liên đới và hiện diện. Hơn hết là sự hiệp nhất qua lời cầu nguyện của ngài. Điều này phải chăng cũng đã kéo theo vị tiền nhiệm là Đức Cha Bề trên Tiên khởi Chabanon, phải đến lúc nguy tử, mới lên tàu đi chữa trị…

Người hiệp thông với mọi người

Mỗi người là một nhân vị, khác biệt và độc đáo. Sự khác biệt tạo nên khoảng cách nhưng với Đức Cha, dường như không có khoảng cách giữa những khác biệt. Ngài đã đồng hóa mình với mọi tầng lớp người. Cửa nhà ngài luôn rộng mở đón mọi hạng người, thường dân cũng như quan lại[8]. Lòng tận tâm của ngài dành cho người Việt cũng như người Pháp làm cho chính quyền Việt Nam và Pháp đều được lôi cuốn đến với ngài[9].

Trong 23 năm làm giám mục, ngài đã đưa 37.000 dự tòng vào trong lòng Giáo hội[10]. Đó chính là thành quả của một “chuyên viên hiệp thông”[11]. Đời sống cùng với lời rao giảng của ngài đã thu hút mọi người đến với ngài, từ đó có nhiều người trở lại theo Chúa.

Hôm nay, người ta cũng cần những chứng nhân. Để hiệp thông với mọi người, phải chăng Đức Cha đã xóa mình đi thật nhiều. Xóa nhiều đến nỗi, người khác nhìn vào dễ dàng nhận ra khuôn mặt Đức Kitô. Đó chính là cách rao giảng và cầu nguyện hữu hiệu mà Đức Cha Tổ phụ và nhiều người đã chọn.

Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất được bắt đầu từ 18/1- 25/1 nhưng sự hiệp nhất này sẽ còn kéo dài trong mọi thời và trong mọi ngày của đời sống con người, cách riêng là những người Kitô hữu. Hiệp nhất là ở lại, là cùng đi với Đức Kitô hay dễ hiểu hơn là nên một trong tình yêu Chúa. Ở trong quỹ đạo đó, chúng ta không giàu hơn cũng không có chức vị thấp cao. Ở trong quỹ đạo đó, dù thế gian có đang qua đi thì chúng ta vẫn có thứ không bao giờ mất là Tình yêu Chúa và anh chị em.

Cảm ơn Đức Cha Tổ phụ - gương mẫu sự hiệp nhất cha để lại cho chúng con.

Nt. Maria Dương Khiêm, FMI

 


[1] https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-01/tuan-le-cau-nguyen-cho-su-hiep-nhat-kito-huu-nam-2024.html

[2] https://giaophanvinhlong.net/tu-hiep-nhat-co-nghia-la-gi.html#:~:text=Ch%E1%BB%A7%20tr%C6%B0%C6%A1ng%20hi%E1%BB%87p%20nh%E1%BA%

[3] https://conducmevonhiem.org/bai-viet/7176-tieu-su-dang-sang-lap

[4] X. Ga 11, 51-52

[5] Tiểu sử Đấng Sáng lập, t. 5

[6] Tiểu sử Đấng Sáng lập, t.24

[7] https://conducmevonhiem.org/bai-viet/7176-tieu-su-dang-sang-lap

[8] Tiểu sử Đấng Sáng lập, t. 25

[9] Lược sử Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, t.13

[10] Tiểu sử Đấng Sáng lập, t 10

[11] Tông thư “Đời sống thánh hiến”- ĐTC Phanxico