Thánh Giuse, con người thầm lặng

Thánh Giuse đã chọn lựa Thiên Chúa và chọn lựa sự thinh lặng, một sự thinh lặng có sức mạnh để nên thánh.


Tháng Ba, tháng mà Giáo hội dành kính Thánh Giuse thường hay rơi vào mùa Chay, mùa của sự thinh lặng, cầu nguyện. Thinh lặng là nét đẹp của chay tịnh. Thật là phủ hợp khi suy nghĩ về sự thinh lặng của thánh Giuse. Thánh Giuse yêu thích sự im lặng, ngài là con người của mùa Chay. Nếu Giáo hội đặt tháng kính Thánh Giuse vào mùa Chay, chính bởi vì ngài là khuôn mẫu của con người nội tâm, thầm lặng. Trong Kinh Thánh, không hề nghe được một câu nói nào thốt ra từ chính môi miệng của ngài.

Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gợi lại bầu khí thinh lặng bao trùm tất cả những gì liên quan đến bản thân thánh Giuse, ngài viết: “Một sự thinh lặng cho thấy được một cách đặc biệt con người nội tâm của thánh Giuse. Các sách Tin mừng chỉ nói đến những gì “thánh Giuse làm”, nhưng cũng giúp chúng ta khám phá được “trong những hành động” luôn luôn thấm nhuần sự thinh lặng của Người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa. Hằng ngày thánh Giuse tiếp xúc với “mầu nhiệm được giấu kín từ bao thế hệ”, mầu nhiệm đã “cư ngụ” dưới mái gia đình của thánh Giuse[1].

Thánh Giuse đã sống thinh lặng trọn vẹn cả một đời để có thể nghe được tiếng Chúa và thi hành thánh ý Ngài. Và chính trong sự thinh lặng nội tâm, Thánh Giuse đã nghe thấy tiếng Chúa trong cả bốn giấc mơ và thi hành những gì mà Thiên Chúa muốn liên quan đến kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà Con Ngài đang thực hiện. Trước Thánh ý Thiên Chúa, Giuse thinh lặng lắng nghe và vâng phục chu toàn. Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy, đúng thời gian, đúng địa điểm mà không thắc mắc, không hoài nghi, không cự nự. Trong thầm lặng, thánh Giuse đón Đức Maria về. Trong thầm lặng, ngài đồng hành chăm sóc Đức Maria suốt hành trình mang thai, sinh con. Cũng trong thầm lặng, ngài đưa hai mẹ con qua nẻo đường lánh nạn tha hương, rồi trở về quê nhà....Và cũng trong thầm lặng, ngài nuôi dưỡng dạy bảo Chúa Giêsu trong suốt quãng đời niên thiếu. Ngài thi hành sứ vụ một cách âm thầm và kết thúc sứ vụ cũng một cách âm thầm như thế. Tin mừng tuyệt đối không nói gì về cuộc sống của ngài tại Nadarét. Điều duy nhất ta biết được là ngài làm nghề thợ mộc và ngay cả chi tiết nhỏ nhặt này nữa, ta cũng chỉ biết nhờ những người đồng hương gọi Đức Giêsu là “con bác thợ mộc” mà thôi. Không ai biết Thánh Giuse đã qua đời khi nào, được chôn cất ở đâu, cũng không thấy có một lời nào của ngài được ghi lại trong Tin mừng.

Thế nhưng, sự thinh lặng của ngài không chỉ để nghe, đó còn là cơ hội để tiếng Đức Giêsu, Con nuôi của ngài vang lên. Nhớ lại hôm Giêsu được sinh hạ, Thánh Cả âm thầm bên Mẹ nơi hang đá [2]. Ngài thinh lặng để nghe tiếng khóc chào đời của Hài Nhi. Đó quả là giây phút ngỡ ngàng. Ngài được nghe tiếng Thiên Chúa Ngôi Hai vẳng khóc trong xác phàm nhân loại. Chắc ngài cũng mường tượng được nếu không có tiếng khóc ấy, thế gian sẽ cứ hoài khóc than. Ngày Giêsu tròn 12 tuổi, độ tuổi trưởng thành đối với người Do Thái, nơi Đền thánh Giêrusalem, Thánh Giuse nhận ra rõ hơn sứ mạng thinh lặng của mình[3]. Từ đó trở đi, chẳng còn ai nhắc đến thánh nhân như thể ngài là một nhân vật chính của câu chuyện nữa. Giuse rút vào khoảng vắng để Giêsu Con Ngài lớn lên.  

Pauld Xardel đã nói: “Người ta sẽ tin bạn không phải vì bạn nói nhiều nhưng vì bạn biết thinh lặng để lắng nghe”. Thánh Giuse đã chọn lựa Thiên Chúa và chọn lựa sự thinh lặng, một sự thinh lặng có sức mạnh để nên thánh. Cuối cùng, nếu muốn hình dung Thánh Giuse trong cuộc sống đời thường tại Nadarét, ta cũng chỉ có thể hình dung ngài trong chính thái độ thầm lặng mà thôi.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà người ta thường gọi là thời đại chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, ở đó người ta ngại hy sinh và nhiều khi vô cảm với người khác. Như thế, con người và cuộc đời thầm lặng của thánh Giuse thật là mẫu gương sáng ngời cho con người trong thế giới hôm nay nhất là cho chúng ta, những người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Chúng ta là những con người tìm kiếm và phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và tĩnh lặng. Là những con người sống và thể hiện tình yêu với Thiên Chúa và nhân loại không phải bằng lời nói nhưng là bằng việc làm, không phải trong những nơi phố phường ồn ào náo nhiệt mà là trong âm thầm và cô tịch của bầu khí tu trì. Như thế, cũng giống như thánh Giuse, một con người sống cho Chúa và cho người khác trong âm thầm lặng lẽ một cách tuyệt đối. Phải chăng chúng ta cũng phải trở nên những ngọn hải đăng cho con người và thế giới hôm nay trong việc phục vụ thầm lặng theo gương của thánh Cả Giuse?

Cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta dâng lời cầu nguyện:

Lạy thánh Giuse, con người thinh lặng,
trong Tin Mừng ngài đã không nói một lời nào,
xin dạy chúng con đừng nói những lời vô ích,
để khám phá lại giá trị của những lời nói xây dựng, khuyến khích, an ủi và nâng đỡ.
Xin gần gũi những người phải chịu đựng những lời nói làm tổn thương,
như vu khống và đâm thọc sau lưng,
và xin giúp chúng con luôn kết hợp lời nói với việc làm. Amen.

(Bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 15/12/2023  cùa Đức Thánh Cha Phanxicô  nói về thánh Giuse “con người thinh lặng”.)

Nt. M. Mai Liên, FMI


[1] Thông điệp Đấng giữ gìn Chúa Cứu Thế, số 25

[2] x. Lc 2,16

[3] Lc 2.22-40