Hỡi Thanh niên bên đường

Bóng dáng ấy chợt lướt qua, bất giác tôi gọi với theo: “Anh đi về đâu? Có góc trời nào bình yên, cho tôi theo với!”.


Một buổi chiều hanh hao gió lộng, trên lưng đồi có bóng dáng người thanh niên đang lê từng bước chân mỏi mệt. Anh vác gỗ thập tự như một dấu chỉ của án tử trên vai, thân mình chằng chịt những vết thương, trên đầu Anh mang lấy mão gai nhọn hoắt. Từng bước nặng nề cho thấy Anh đã sức cùng lực kiệt, nhưng người thanh niên ấy không bỏ cuộc mà vẫn lặng lẽ bước đi. Bóng dáng ấy chợt lướt qua, bất giác tôi gọi với theo: “Anh đi về đâu? Có góc trời nào bình yên, cho tôi theo với!”.

Thế là tôi xin theo Anh ngay từ độ thanh xuân, Anh đồng ý cho tôi cùng song hành. Có người lấy làm lạ, tại sao tôi lại muốn đi theo một người đang vác thập giá lên đồi? và chắc chắn nếu cùng đi với người ấy, tôi cũng sẽ phải đi trên con đường dốc dác, gập ghềnh, con đường xem ra chẳng mấy ai đi. Thật khó để trả lời cho câu hỏi này vì lẽ rằng Anh không mời gọi tôi bằng những lời lẽ hoa mỹ, cũng không vạch ra cho tôi một tương lai chắc chắn hay một kết quả đáng mong đợi. Nhưng trong ánh mắt của Anh có một lời mời gọi mãnh liệt rằng: đi theo Anh, tôi sẽ tìm gặp được kho tàng hạnh phúc là sự bình an. Người thanh niên bên đường ấy là Đức Giê-su. Ngài đi ngang qua cuộc đời tôi, Ngài lặng lẽ dừng lại và nhìn vào mắt tôi, ánh mắt ấy mang một lời mời gọi thật hấp dẫn và thú vị[1]. Lời kêu mời thầm lặng ấy có sức lôi cuốn để tôi mạnh dạn bước đi cùng Ngài. Cho dẫu tôi biết rằng con đường Ngài đi là con đường thập giá, nếu bước theo Ngài tôi cũng phải trải qua một hành trình lội ngược dòng với thế gian.

Giữa một xã hội tiến bộ vượt bậc, mọi người đổ xô đi tìm hạnh phúc trong sự giàu có, văn minh và hiện đại. Đi theo Đức Giê-su, Ngài dạy tôi kiếm tìm hạnh phúc trong đời sống khó nghèo, vâng lời, khiết tịnh[2], dạy tôi sống yêu thương, quảng đại và hy sinh cho người khác. Những điều ấy, tôi học được qua Lời của Ngài và qua những người hữu trách mà Ngài gửi trao trong cuộc đời tôi. Nhưng để thực thi những điều Ngài dạy quả thực chẳng dễ dàng và nó đòi hỏi tôi phải nỗ lực rất nhiều. Bởi, dòng chảy phát triển của xã hội càng mạnh mẽ thì hành trình lội ngược dòng càng trở nên khó khăn. Đôi lúc, tôi đã phải thốt lên với Ngài:“Chúa biết đó, con đi theo Chúa nhưng là đi trong lao đao, bởi yêu một vật hữu hình thì dễ hơn lắng nghe tiếng gọi từ nơi xa thẳm. Giàu có và danh vọng cho con hạnh phúc mà con có thể sờ được còn hạnh phúc của Đức tin thì sâu thẳm quá. Con không biết con sẽ can đảm đến đâu, con chỉ xin sao cho con có thể tiếp tục đi mãi. Đi xiêu vẹo vì những yếu đuối của con nhưng vẫn tiếp tục đi[3]”. Hành trình lội ngược dòng để đi theo Chúa không thiếu những khó khăn và cả những yếu đuối. Tôi mang thân phận mỏng dòn và đón nhận ơn gọi Chúa ban như nhận lãnh một “kho tàng quý giá trong bình sành dễ vỡ”[4]. Ý thức được điều đó, tôi càng phải nỗ lực để sống sao cho xứng với ơn gọi mà Chúa đã ban. Tôi tin rằng khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi thì Người không hề đổi ý [5]. Ngài sẽ ban những ơn cần thiết để tôi đủ sức bước đi và khi Chúa có cùng song hành, con thuyền cuộc đời sẽ cập bến bình an.

Theo Chúa là một hành trình đòi hỏi sự bền bỉ và kiên trì. Muốn đi đến đích, tôi cần tỉ mỉ từng chặng đường ngắn để chấm đúng mỗi chấm làm đẹp hành trình, để sống tốt mỗi phút cho đời nên thánh [6]. Hành trình mùa Chay Thánh mở ra cho tôi những cơ hội mới để đổi mới bản thân, bắt đầu lại những gì còn dang dở, canh tân đời sống bằng những quyết tâm cho nhỏ nhặt hằng ngày. Tôi tin rằng, với ơn Chúa giúp, và với những thiện chí, nỗ lực của bản thân, Chúa sẽ chúc lành cho hành trình mà Ngài đang dẫn tôi đi. Tháng ngày thênh thang phía trước không cho tôi thấy được điều gì, chỉ biết phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng yêu thương của Ngài và tôi chỉ xin sao cho tôi giữ mãi tình yêu thuở ban đầu [7].

Maria Thu Hiền (Tiền tập), FMI


[1] x. Tông huấn Christus vivit số 277

[2] x. Ba lời khuyên Phúc Âm

[3] x. Con biết con cần Chúa (Nguyễn Tầm Thường)

[4] x. 2Cr 4,7

[5] x. Rm 11,29

[6] x. Đường Hy Vọng số 978

[7] x. Kh 2,4