Tự biện

Thiên Chúa lòng lành nhân từ vô cùng, đã cho mỗi tâm hồn có cả đời để tự biện hộ cho chính mình.


Hermogennes: Socrates này, bạn cũng nên nghĩ tới việc nói gì để bênh vực mình đi chứ?

Socrates: Ồ, bạn không thấy rằng tôi đã sống suốt đời để tự bênh vực mình rồi sao? Cả đời không làm điều gì bất công, theo tôi đấy là cách chuẩn bị tốt nhất để tự bênh vực mình. (Socrates Tự biện)

Hai câu trên được trích dẫn trong đoạn đối thoại giữa Socrates và người bạn hiền của ông là Hermogennes trước tòa án Heliaea, được người học trò của ông là Plato ghi chép lại.

Vị triết gia Hy Lạp Cổ đại này đã bị kết án xử tử bởi một nền dân chủ danh nghĩa “lũng đoạn”, một nền dân chủ không có tự do, độc quyền, nền dân chủ của một thiểu số. Socrates bị xét xử bởi ngay chính những kẻ đã thấy cần thiết phải tố tụng ông, không một bảo đảm khách quan và công bình nào, phiên tòa chỉ là một màn trình diễn với tất cả những đặc tính của một bi kịch Hy Lạp bởi mọi sự đã được dàn xếp và Socrates phải chết. [1] Họ muốn loại bỏ, giập tắt tiếng nói của người công chính đang “rống lên” tiếng nói để thức tỉnh mỗi công dân thành Athens nói chung và hậu duệ con cháu sau này phải “Tự biết chính mình”. Chính vì trung thành đến cùng với sứ mạng cao cả đó mà Socrates đã lãnh lấy án tử bởi chẳng ai chịu chấp nhận sự ngu dốt của mình để lo học hỏi, tu sửa bản thân. Cuối cùng họ đã gán cho ông bản án với ba tội: bài xích thần linh, chống đối chế độ và hủ hóa giới trẻ.

Đứng trước cái chết đã gần kề cho chính mình, vị triết gia vẫn bình thản, không chút chần chừ tay sẵn sàng bưng bát thuốc độc để uống. Trong khi đó, người bạn của ông thì lo đến nóng ruột, mới thúc giục Socrates hãy thay đổi thái độ, khẩn khoản nài xin, tìm lời để bào chữa cho chính mình hầu thoát được tai họa đang ập đến. Tuy vậy, Socrates vẫn giữ đúng sự điềm tĩnh của mình và trả lời người bạn cách dứt khoác rằng: “Ồ, bạn không thấy rằng tôi đã sống suốt đời để tự bênh vực mình rồi sao? Cả đời không làm điều gì bất công, theo tôi đấy là cách chuẩn bị tốt nhất để tự bênh vực mình.”

Câu trả lời tuy ngắn gọn nhưng hàm ẩn nội dung triết lý sâu xa mà vị triết gia Cổ đại, người đã dùng chính lý trí của mình để suy biết, nhận thức về nguồn gốc của thế giới, về sự tồn tại của linh hồn, về thực tại tối hậu, … Chính những tư tưởng đó định hình lối hành xử đầy chất của Socrates, ông mạnh mẽ tiến lại cầm chén thuốc độc, sẵn sàng để uống. Đối với ông, thời điểm đó không phải là lúc ông vất vả chạy vạy, bào chữa để cứu lấy mình, nhưng là thái độ bình thản vì tin mình đã được đầy tràn bởi những công việc chính nghĩa mà ông đã gầy dựng trong chuỗi thời gian dài của cuộc sống trần gian sẽ có đủ sức biện hộ cho ông trong giờ phút sau cùng. Những điều đó mở đường củng cố và nhắc nhở tôi sống niềm tin vào Thiên Chúa cách mạnh mẽ hơn; giúp tôi xác tín rằng niềm tin của mình không mơ hồ, bởi ngoài những bằng chứng về đức tin thì vẫn còn rất nhiều những tư tưởng của các vị triết gia để lại minh chứng rằng có Động cơ Đệ Nhất sáng tạo và điều khiển thế giới này, có linh hồn bất tử, có sự sống đời sau…  

Thật vậy, Thiên Chúa lòng lành nhân từ vô cùng, đã cho mỗi tâm hồn có cả đời để tự biện hộ cho chính mình. Bên cạnh đó, Ngài hỗ trợ, đồng hành qua nhiều cách, cho chúng ta nhiều cơ hội để sám hối, thức tỉnh ta hết lần này đến lần khác để kêu mời mỗi người luôn trong tâm thế sẵn sàng chờ ngày ra trước Tòa Chung Thẩm. Ước mong sao cho chính bản thân và tất cả mọi người luôn biết hồi tâm trở về, chợp lấy mọi cơ hội để tổ chức đời sống của mình cho thánh trong từng giây phút là cách tốt nhất để tự bênh vực mình vào ngày sau hết.

Matta Khánh Linh (Khấn tạm), FMI


[1] Plato-Xenophon, Socrates Tự biện, tr. 28-30, Nxb Tri thức