Thập giá và tự do

Chiêm ngắm thập giá, chúng ta cảm nhận được nỗi đau của Con Thiên Chúa trong thân xác tan nát, bầm dập.


Có thể nói thập giá đã trở thành biểu tượng bất diệt của những ai theo Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã xác quyết rằng: “Thập giá là một sự điên rồ đối với dân ngoại, và là một điều ô nhục đối với người Do-thái. Nhưng với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,23-24).

Trong cuộc sống con người, không ai muốn mình chịu đau khổ, chịu sỉ nhục hay gặp khó khăn. Nói cách khác, không ai muốn mình mang vác thập giá. Nhưng, Thiên Chúa Nhập Thể làm người đã mời gọi những ai bước theo Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Đối với người đời thì đó quả là nghịch lý, vì không ai muốn theo một lý tưởng mà lý tưởng ấy lại mang dáng dấp của sự đau khổ. Nhưng, chính Thiên Chúa đã chọn thập giá như là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Con Thiên Chúa đã mục nát đi để sinh hoa trái bất diệt.

Chiêm ngắm thập giá, chúng ta cảm nhận được nỗi đau của Con Thiên Chúa trong thân xác tan nát, bầm dập. Lắm lúc, chúng ta đã không can đảm để đối diện với hình ảnh Chúa bị treo lên cây gỗ kia. Hãy dừng lại trước hình ảnh đau thương này, trước sự đau khổ của Con Thiên Chúa. Hãy để cho đôi tai ta được lắng nghe những nhát búa thật mạnh mẽ, tàn bạo đang đóng đinh Con Thiên Chúa. Hai tay Chúa bị kéo giãn, cùng những chiếc đinh cắm sâu vào da thịt Ngài. Thân xác như bị kìm chặt, nhưng con tim Ngài vẫn tự do, Ngài đã tự nguyện chịu khổ nạn vì yêu. Thập giá đã chẳng thể nào ngăn cản tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu ấy đã nên trọn khi Ngài nhận lấy cái chết để cứu độ con người. Sự tự do mà Con Thiên Chúa đã chọn là một sự tự do được định nghĩa bằng tinh yêu, “yêu cho đến cùng”. Không ai có thể lấy đi mạng sống Ngài. Cũng không ai có thể có quyền trên thân xác Ngài. Nhưng, Ngài đã tự do để chịu những điều ấy, vì yêu. Thập giá lại là chọn lựa tự do của Con Thiên Chúa.

Con người chúng ta cũng có được sự tự do của Thiên Chúa ban tặng, nhưng lại bị giới hạn bởi sự yếu đuối trong thân phận làm người. Đôi khi muốn hy sinh, muốn dấn thân hết mình vì yêu thương người đồng loại, nhưng lại không thể cho đi đến cùng ý nghĩa của tình yêu ấy. Qua câu chuyện dưới đây, chúng ta sẽ hiểu được phần nào về giới hạn của tình yêu con người dành cho nhau.

Có một vị linh mục được mời đến xức dầu cho một bệnh nhân. Bệnh nhân ấy là một em bé đang nằm chờ chết vì bệnh ung thư. Khi nhìn thấy thân xác xanh xao, gầy còm và khuôn mặt hốc hác, đôi mắt lõm sâu trên thân thể nhỏ bé, vị linh mục đã khóc. Tiếng bước chân đã làm em bé thức giấc, em mở to đôi mắt nhìn vị linh mục, không nói gì nhưng trong ánh mắt ấy vẫn lóe lên một lời kêu cứu mãnh liệt, khao khát được cứu sống. Vị linh mục nghẹn ngào, thổn thức “Cha xin lỗi con, cha không thể chết thay cho con được. Cha xin lỗi”. Rồi ngài nhẹ nhàng làm các nghi thức cần thiết và ra về.

Thiết nghĩ, nếu có thể chết thay cho em bé tội nghiệp kia thì vị linh mục cũng sẵn sàng để đánh đổi. Nhưng trong thân phận của một con người, Thiên Chúa đã không ban cho ngài quyền năng ấy. Và chỉ có Thiên Chúa mới chết thay cho con người.

Chúng ta cũng suy gẫm về tự do mà Thiên Chúa ban cho ta, có lúc đã bị hiểu sai lệch. Tự do của con cái Thiên Chúa không phải là muốn làm gì thì làm, nhưng là “tự do làm việc thiện”. Tự do ấy phải đặt trong mối tương quan với người đồng loại, với tạo vật, và cả với Đấng đã dựng nên chúng ta. Lắm lúc, cậy vào sự tự do ấy, ta lạc xa tình yêu Chúa cùng với những đam mê, tội lỗi, rồi chúng ta tự đóng đinh vào thân thể Con Thiên Chúa. Đã bao lần chúng ta đã tự do đóng đinh vào thân thể của Đấng đã yêu thương ta cho đến cùng? Xin Chúa hoán cải tâm hồn chúng ta, những con người đang lạc xa tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta hãy lắng nghe lời khuyên nhủ của thánh Phaolô “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5,15).

Cuộc sống con người luôn phải đối diện với những khó khăn, đau khổ, bệnh tật... Chúng ta không tự do chọn thập giá nhưng phải đối diện và vác thập giá. Vậy, chúng ta phải đối diện như thế nào và đâu là sức mạnh để ta có thể vượt qua được. Hãy đến cùng Chúa Giêsu để lắng nghe Ngài chia sẻ kinh nghiệm “Vượt Qua” của Ngài. Chúng ta hãy kín múc sức mạnh nơi Ngài, cùng nhau chia sẻ “Tấm Bánh Thánh Thể” mà Ngài ban tặng trong thánh lễ mỗi ngày. Chúng ta cũng đừng quên rằng: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14, 21-22) và “Ai bền chí đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát” (Mc 13,13).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu chúng con đến tận cùng. Dù chúng con tội lỗi, nhưng Chúa vẫn tha thứ và ban cho chúng con sự sống. Xin cho chúng con biết tự do chọn lựa làm việc thiện và can đảm chấp nhận vác thập giá hằng ngày để theo Chúa. Ước gì, Lời Chúa luôn nhắc nhở chúng con: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng", thúc giục chúng con hoán cải và tránh xa tội lỗi. Lạy Chúa Giêsu, chúng con dâng hiến cuộc đời chúng con cho tình yêu của Chúa.

Maria Tuyết (Học viện SG), FMI