Đức Cha Tổ phụ

Chúng con thắp nén hương lòng Tri ân Đấng Tổ phụ, cha thánh yêu quý của Hội dòng chúng con.


Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đi vào 104 tuổi. Trải qua hành trình dồi dào phúc lộc, có lúc phủ đầy sóng gió mà vẫn kiên cường phát huy! Tôi thấy mình thật quá nhỏ bé khi viết về cha. Chỉ xin chia sẻ vài nét chấm phá với cảm nhận rất ngưỡng mộ, rất yêu mến, rất tri ân Đấng Sáng lập dòng mà tôi hết lòng trân quý, Đấng Tổ phụ Eugène Marie Joseph Allys.

Từ buổi thiếu thời, tôi được may mắn nghe các bà các chị tiền bối đương thời kể lại hình ảnh cha, công ơn cha, tấm lòng vĩ đại của cha. Khi lớn lên với tuổi đời dâng hiến, tôi có cơ hội học về cha, đọc các tài liệu của cha phúc trình và Hội Thừa sai Paris nói về cha.

Hai điều trăn trở nhất nơi cha:

  • Gia tăng số Tân tòng
  • Mở nhiều trường Tư thục Công giáo

* GIA TĂNG SỐ TÂN TÒNG

Bản Phúc trình hằng năm về Hội Thừa Sai Paris, Đức Cha viết:”Các Thừa sai ngoại quốc và Linh mục Việt nam đã tích cực lo cho người lương trở lại. Để thành quả này được lâu bền, cần có Thầy giảng và Nhà nguyện cho các địa điểm truyền giáo. Xây một Nhà nguyện tốn khoảng 200đ. Đào tạo một Giảng viên đòi hỏi một ngân khoảng tương đương. Nhưng nếu phải mất 1.000đ để cứu được một linh hồn, thì quả thật xứng đáng”(Mission Catholique số 2417).

Sau 23 năm điều khiển Giáo phận, ngài đã đón nhận 37.000 dự tòng vào Giáo hội. Đặc biệt trong số đó, có 30 Hoàng thân trở lại, từ bỏ bổng lộc hoàng gia.

Để đẩy mạnh cho vườn hoa Giáo phận nở rộ nhiều hương sắc, Đức Cha đã mời các Dòng tu đến Giáo phận, và xin phép Tòa Thánh lập thêm Dòng tu để hổ trợ cho công cuộc Truyền giáo:

  • Đức Cha Allys bảo trợ việc lập dòng Kín Carmel Huế (1909)
  • Đan viện Phước Sơn Quảng Trị (1918)
  • Lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (1920) và Dòng Thánh Tâm (1925)
  • Công nhận chị em Mến Thánh giá cải cách ở Kim Đôi, hôm nay gọi là Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng (1924)
  • Mời Dòng Chúa Cứu Thế Canada, tiếp tay trong lãnh vực Mục vụ (1925)

*MỞ TRƯỜNG TƯ THỤC CÔNG GIÁO

Sau cuộc chiến “Bình Tây, sát Tả” của nhóm Văn Thân 1883 - 1886, người Kitô hữu sống sót bàng hoàng, lớp trẻ bơ vơ!

Năm 1919, vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Nho. Văn hóa Việt Nam chuyển mình sang chữ Quốc Ngữ.

Đức Cha Allys canh cánh bên lòng, giới trẻ cần được giáo dục đức tin và thăng tiến về văn hóa. Tại Huế có trường Công nhưng ưu tiên dành cho con cái quan chức, bài xích tôn giáo. Năm 1904, cha Allys giúp mua đất xây trường Tư thục Công giáo cho các Frère Lasan tại Bình Linh (Pellerin), nay là Viện quốc gia Âm nhạc. Các giáo xứ nông thôn lúc bấy giờ chưa có trường dạy chữ. Chỉ có các lớp dạy Kinh sách do ông Trùm, ông Câu phụ trách giúp cha sở. Trẻ em lạc loài trước nền văn học mới.

Đức Cha Allys quyết định mở Trường Sư phạm đào tạo các nữ tu bản xứ theo Giáo luật 1917, khả thi mở được các trường Tư thục Công giáo. Giáo dục con em, bất phân lương giáo về đức tin và văn hóa, với hoài bão “Vẽ vời cho con trẻ đường về Trời”. Đồng thời, huấn luyện họ có khả năng phục vụ các công cuộc xã hội như y tế, mở cô nhi viện, nhà dạy nghề, quan tâm đặc biệt giới thanh nữ.

Ý định của cha được cha Tổng đại diện Chabanon am tường, cộng tác đặc biệt, đào tạo, nuôi dưỡng từ thuở khai sinh.

Năm 1920, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (FMI) ra đời. Toạ lạc tại Toà Giám Mục cũ đang bỏ trống, đời Đức Cha Caspar để lại. Nơi đây có hai hàng me xanh từ cổng vào Toà Giám mục - nay là Nhà Tổ của dòng. Bên phải cổng vào là vựa lúa  khổng lồ của Giáo phận Huế. Bên trái cổng vào là nhà khách, Ông Phêrô Phước giữ vườn cư ngụ. Sau lưng nhà giám mục là vườn trầu cau, xoài mít, bưởi nhãn- nay là khung nhà vườn dòng. Như người mẹ chuẩn bị cho đứa con chào đời. Đức Cha đã nhượng vựa lúa giáo phận và vườn cây trái cho dòng mới. Ngài còn mua thêm 120 mẫu ruộng tại Vạn Xuân, Quảng Bình, để chị em canh tác sinh sống.

*BƯỚC CHÂN TRUYỀN GIÁO

Vừa tròn 7 tuổi, Hội dòng đã có 28 khấn sinh tiên khấn, đậu khoa thi Tiếu học Pháp - Việt đầu tiên mở tại Huế năm 1925. Như Maria vội vã lên đường, chị em FMI cũng được sai đến cơ sở Nước Ngọt. Nơi đây đã được cha Fasseaux, bạn đồng nghiệp miền truyền giáo, chuẩn bị cơ sở sứ vụ: cộng đoàn sở bên cạnh nhà thờ giáo xứ để lo mục vụ, một trường học, một bệnh xá, một cô nhi viện, nhà dạy nghề, một bệnh xá và 30 mẫu ruộng. Công cuộc phục vụ đầu tiên này cũng là mô hình cho các sở kế tiếp của Hội dòng sau này.

Mừng 25 năm thành lập năm 1945, Hội dòng dã có 94 khấn sinh phục vụ tại 26 Cộng đoàn trải dài trên mặt bằng của Giáo phận Huế, từ Bắc đèo Hải Vân đến Nam sông Gianh Quảng Bình.

Quan tâm đặc biệt giới thanh nữ cũng là ơn gọi của sứ vụ. Mở các trường nữ Trung học cũng là mối ưu tư của Hội dòng. Năm 1957, chị em vào các ngưỡng cửa Đại học Huế, Đại học Thụ Nhân Đà Lạt. Các trường nữ trung học Mai Khôi, Ưu Điềm, lần lượt ra đời. Ước mơ hoàn thiện đời tu và sứ vụ Giáo dục luôn luôn là động lục thúc đẩy. Năm 1964, các nữ tu bản xứ dám xa nhà vào các trường đại học Strasbourg và Institut Catholique Paris, cập nhật kiến thức và tầm nhìn mới.

*BIẾN CỐ - HỘI NHẬP

Hội dòng đang trăm hoa đua nở, thì những biến động chiến tranh 1968, 1972, 1975 chợt đến như vũ bão: chị em hãi hùng di tản ngược xuôi dưới làn mưa đạn. Nơi đâu chị em dừng chân, ở đó tìm nhau quy tụ. Mừng 100 năm thành lập, Hội dòng đã có mặt trên 13 Giáo phận.

          Kỳ diệu thay tri thức siêu phàm

          Quá cao vời con chẳng sao vươn tới (TV 138,6)

Không kỳ diệu sao, khi đoàn con của Hội dòng từ hơn 30 nhà nhỏ miền Trung chạy tản lạc khắp nơi, bằng thuyền, bằng ghe, bằng đường bộ, mà không mất một ai. Với ngày tháng lênh đênh trên biển, trên đất liền, mà lại có ngày tìm ra nhau, quy tụ, bảo vệ nhau sống, giúp nhau trung thành trong đời tu. Không kỳ diệu sao, từ một Hội dòng bé nhỏ thuộc quyền giáo phận trên mặt bằng có ranh giới từ đèo Hải Vân Huế đến Nam sông Gianh tỉnh Quảng Bình, nay lại có mặt trên 13 giáo phận trong và ngoài nước. Biến cố chiến tranh đã đưa Hội dòng sống lại hình ảnh cộng đoàn tiên khởi: “Hội Thánh Giêrusalem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội, mọi người đều phải tản mác...Vậy những người tản mác này đi khắp nơi và loan báo Lời Chúa” (CVTĐ 8,1-4).

Biến cố 1975 đã đưa Hội dòng trải qua biển cả sa mạc, nắng cháy, khô cằn, một khúc quanh đời người xoay chiều 1800. Thế nhưng, Thiên Chúa nhân lành và Mẹ hiền Vô Nhiễm đã quy tụ đông đủ các con trên một đảo xanh, sạch, đẹp, của thuở ban đầu.

Điều tôi xác tín, Mẹ Vô Nhiễm và hai Đấng Tổ phụ luôn linh thiêng cận kề chăm sóc Hội dòng với thời gian. Các ngài ước mong các con cái được phát huy bởi Thần Khí để viết tiếp những trang sử oai hùng cho Công trình của Chúa..

*ĂN QUẢ NHỚ KẺ TRỒNG CÂY

Lịch sử Giáo phận Huế có ghi: "Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys là vị Giám mục sáng chói của Giáo phận Huế sau 4 vị Giám mục Pellerin, Sohier, Pontviane, và Caspar”. Ngài 14/4/1921, vua Khải Định tưởng thưởng Đức Cha Allys “Bội Tinh Kim Khánh” ngoại hạng đặc biệt của Triều Đình dành cho những nhân vật cao cấp. Ngày 14/7/1921, Toàn Quyền Pháp Pierre Pasquier long trọng trao Huy chương “Chevalier de la Légion d’honneur”, Huy chương đặc biệt của vua Napoléon dành cho người có công đóng góp đặc biệt. Năm 1925, vào dịp Kim Khánh Linh mục, Đức Cha được phong “Đại Quan” của Triều đình Việt Nam và nhận từ Tòa Thánh tước vị “Phụ Tá Ngai Tòa Thánh”.

Đức Tổ Phụ Allys là “Vị Giám Mục mm cười”, thông minh, bén nhạy, có con tim tế nhị, yêu thương hết mọi người như châm ngôn của ngài “Diligo Omnes”. Thánh giá cuối đời của ngài là mù hai mt. Ngài nói “Thiên Chúa nhân lành không thể gởi cho tôi một thánh giá nào lớn hơn nữa, xét theo tính khí của tôi. Điều quan trọng là cầu nguyện và chịu đau khổ”. Cửa nhà ngài luôn rộng mở đón mọi hạng người, thường dân cũng như quan lại. Ngoài thì giờ tiếp khách, ngài thích ở nhà nguyện, chầu Thánh Thể, lần hạt, cầu nguyện cho các nhu cầu của Giáo phận.

Chúng con thắp nén hương lòng Tri ân Đấng Tổ phụ, cha thánh yêu quý của Hội dòng chúng con. Người đã gắn chặt cuộc đời trên vùng đất truyền giáo, không một lần trở về quê hương. Thọ 84 tuổi, 61 năm Linh mục, trong đó có 28 năm là Giám mục, người dân thường gọi ngài vi từ thân thương “Ông Tiên bên đạo!”.

Nt. M. Léontine Đỗ Lan, FMI