Quan điểm của Lumen Gentium về khả năng được cứu độ của những người ngoài Kitô giáo

Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là quan điểm của Giáo hội Công giáo Rôma, nhân vật được quan tâm nhất trong số những ai đã lên tiếng cho vấn đề này.


I. Dẫn nhập

Những người ngoài Kitô giáo có được hưởng ơn cứu độ hay không?” là một chủ đề lớn được nhiều người quan tâm, không chỉ trong thế giới Kitô giáo mà còn cả những người không cùng niềm tin Kitô. Nó đã được đặt ra rất lâu trong lịch sử Giáo hội, ngay từ thời các giáo phụ. Thật vậy, chúng ta có thể bắt gặp câu nói “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” trong nhiều bản văn của các Giáo phụ và trong một số tài liệu của Giáo hội. Câu nói này thể hiện quan điểm một thời của Giáo hội về ơn cứu độ đối với những người ngoài Kitô giáo. Nó đã gây ra tranh cãi cho rất nhiều thành phần trong Giáo hội cũng như ngoài Giáo hội. Trong bối cảnh hiện đại, vấn nạn những người ngoài Kitô giáo có được hưởng ơn cứu độ hay không vẫn tiếp tục được quan tâm, nhất là từ Công đồng Vaticanô II – Công đồng tiên khởi nghĩ đến việc hiệp nhất các Kitô hữu. Nhiều quan điểm đáng chú ý đã được đưa ra từ các nhà thần học trong và ngoài Giáo hội. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là quan điểm của Giáo hội Công giáo Rôma, nhân vật được quan tâm nhất trong số những ai đã lên tiếng cho vấn đề này.

Để hiểu rõ lập trường của Giáo hội về việc những người ngoài Kitô giáo có được hưởng ơn cứu độ hay không, chúng ta sẽ tìm hiểu quan điểm của Hiến chế Lumen Gentium về khả năng được cứu độ của những người ngoài Kitô giáo như thế nào.

II.Nội dung

1.  Vài nét khái quát

1.1. Quá trình hình thành Hiến Chế Lumen Gentium

Nhìn theo góc độ khoa học, để hình thành nên các văn kiện của Công đồng Vaticano II, gần 3000 Nghị  Phụ từ khắp các châu lục, quốc gia trên thế giới; 450 chuyên viên và khoảng 50 quan sát viên đã phải làm việc trong một khoảng thời gian dài từ 11/10/1962 – 8/12/1965; trải qua 538 cuộc bỏ phiếu từng phần hay toàn phần; tiêu hết gần 150 tấn giấy in để phát hành các lược đồ, phiếu thăm dò, các bản tường trình, các đề nghị tu chỉnh,vv[1]…. Từ những dữ liệu trên, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của các văn kiện của Công đồng Vaticanô II, mà Lumen Gentium là một trong những văn kiện đó và Hiến chế được cho là văn kiện quan trọng bậc nhất trong tất cả các văn kiện của Công đồng Vaticanô II cho đến nay.

Lược đồ đầu tiên của Hiến chế là một tập dài với 123 trang, gồm 11 chương và 1 phụ chương, được trình lên ở kỳ họp đầu tiên của Công đồng vào cuối tháng 11/1962. Lược đồ được đưa ra tranh luận ngay từ chương đầu vào 1/12/1962 vì lý do hiệp nhất và giáo hội học. Ngay trong những phiên họp đầu tiên, lược đồ đã

gặp phải những chống đối và chỉ trích. Các Nghị phụ muốn lược đồ đề nghị phải trình bày một Giáo hội thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, nghĩa là một tinh thần cởi mở và phổ quát; một tinh thần truyền giáo; một tinh thần khiêm tốn và phục vụ. Vì thế, lược đồ được sửa chữa lại còn 4 chương. Trong khoảng thời gian này, tuy có rất nhiều lược đồ khác được đề nghị, đến nỗi Đức Thánh Cha phải quyết định rút lại còn 20 trong tổng số 73 lược đồ, nhưng lược đồ Giáo hội vẫn được Hội nghị chấp thuận như là nền tảng cho các cuộc tranh luận sau này, với 2301 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Trong suốt thời gian tranh luận, phiên họp đã có những lúc căng thẳng, dữ dội, đến nỗi lúc đó người ta gọi là “Cơn sốt tháng 10”. Đến kỳ họp thứ hai từ 29/9 – 4/12/1963, nhiều phần của Lumen Gentium và các lược đồ khác nữa vẫn chưa được giải quyết. Vào cuối kỳ họp này, người ta có cảm tưởng Công đồng như thất bại. Tuy nhiên trong thực tế, các Nghị phụ vẫn giữ nguyên các lược đồ quan trọng: lược đồ về Giáo hội, Giám mục, Giáo dân, lược đồ về Mạc Khải, Hiệp Nhất và lược đồ “XIII”. Những lược đồ khác đều bị rút gọn thành những đề mục ngắn. Đến kỳ họp thứ ba từ 14/9 – 21/11/1964, các đề mục trong lược đồ Giáo hội tiếp tục được tranh luận và gặp những chống đối. Lược đồ lại một lần nữa được tu chỉnh. Cho đến cuối kỳ họp, lược đồ mới được chung quyết là 8 chương, với số phiếu chống tụt xuống còn 5 phiếu [2].

Như vậy, Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium) dường như hay nói đúng hơn là được hình thành trong quá trình bỏ phiếu của Công đồng chứ không phải được soạn trước. Sau khi hình thành và công bố, Hiến chế trở thành giáo lý trung tâm của Công đồng. Nói cách khác, Lumen Gentium là văn kiện nền tảng cho các văn kiện khác của Công đồng Vaticanô II.

1.2. Bố cục của Văn kiện

Sau nhiều lần được các Nghị phụ đề nghị và sửa đổi, Lumen Gentium được chung quyết với lược đồ gồm 8 chương và một phần “Chú thích sơ khởi”. Theo cách sắp xếp hiện thời, cứ hai chương một đi với nhau, liên hệ theo một thứ tự hợp lý không ngờ tới: hai chương đầu nói về Mầu nhiệm Giáo hội hay còn gọi là bản chất Giáo hội, trước hết theo chiều kích siêu việt, sau đó theo chiều kích lịch sử; hai chương kế tiếp mô tả Cơ cấu Giáo hội với chương III nói về Phẩm trật và chương IV nói về Giáo dân; chương V và VI chú ý tới sứ mệnh cốt yếu của Giáo hội - sứ mệnh thánh hóa mọi phần tử trong dân Chúa; hai chương cuối cùng có chung nền tảng hướng về cuộc kết thúc huy hoàng, với chương VII nói đến chiều kích cánh chung của Giáo hội. Cuối cùng, chương VIII bàn về địa vị và sứ mệnh của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ của nhân loại[3].

Với một bố cục khá rõ của văn kiện như trên, chúng ta dễ thấy được Lumen Gentium tập trung bàn về Giáo hội trước những nhu cầu cấp bách thực tế của Giáo hội[4], điều mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII nhắm tới khi có ý định

triệu tập Công Đồng. Trong khuôn khổ của đề tài, chúng ta sẽ tập trung vào phần mà Hiến Chế cho thấy quan điểm của Giáo hội về khả năng được cứu độ của những người ngoài Kitô giáo như thế nào.

2.  Quan điểm của Lumen Gentium về khả năng được cứu độ của những người ngoài Kitô giáo

2.1. Bối cảnh thần học

Vaticanô II lấy Giáo hội làm hướng đi cho các cuộc bàn luận của các Nghị phụ trong Công Đồng. Là văn kiện nền tảng của Hội nghị, nội dung chính yếu của Lumen Gentium cũng tập trung nói về Giáo hội trong nhiều khía cạnh. Trong đó, chương II của Văn kiện nhấn mạnh đến ơn gọi phổ quát của Dân Thiên Chúa, điều mà chúng ta thường gọi là đặc tính công giáo của Dân Thiên Chúa. Hiến chế nói rằng:“Mọi người được mời gọi gia nhập Dân Tộc Mới của Thiên Chúa. Dân mới này, một dân duy nhất và hằng hiệp nhất, có bổn phận lan rộng khắp thế giới trải qua mọi thế hệ, hầu hoàn tất kế hoạch của Thánh Ý Thiên Chúa…Như thế, Dân duy nhất của Thiên Chúa hiện diện nơi mọi dân nước trần gian”[5].  Để quả quyết cho đặc điểm của công giáo tính này, công đồng chú trọng đến ý định cứu rỗi của Thiên Chúa. Một đàng, Giáo hội tự mình phải lan rộng đến mọi dân nước; đàng khác, mọi người có thiện chí, dù sống trong tình trạng nào đi nữa, thì cũng hoặc thuộc về Giáo hội, hoặc có tương quan với Giáo hội, hoặc hướng về Giáo hội[6]. Đặc biệt số 16, văn kiện bàn về khả năng được cứu độ của những người ngoài Kitô giáo.

2.2. Khả năng được cứu độ của những người ngoài Kitô giáo

Văn kiện xác quyết, chỉ mình Chúa Kitô là Trung Gian và là đường cứu độ[7]. Đồng thời, Lumen Gentium cũng cho biết, ơn cứu độ của Thiên Chúa không những bao hàm tất cả “những ai nhận biết Đấng Tạo Hóa”, mà còn nới rộng tới “những ai vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa một cách rõ rệt, nhưng tìm kiếm Ngài với tâm hồn chân thành và dưới sự hỗ trợ của ân thánh Chúa, họ cố gắng sống một cách chính trực theo sự hướng dẫn của lương tâm[8]. Trong phần II của Lumen Gentium, một đàng, hiến chế khẳng định dân Thiên Chúa có đặc tính phổ quát; đàng khác, văn kiện cũng khẳng định, mặc dù tất cả nhân loại đều tham dự vào Dân Thiên Chúa, nhưng mỗi thành phần tham dự ở những cách thức và mức độ khác nhau. Cụ thể từ số 14 đến số 16, Hiến chế cho thấy, do hiệu quả của ý muốn cứu rỗi phổ quát, tất cả những người ngoài Kitô giáo đều được quy hướng về Dân Chúa. Công Đồng xếp họ thành những lớp khác nhau tùy theo đặc tính quy hướng về Giáo hội hữu hình[9]. Trước hết, những người Công giáo hoàn toàn thuộc về Giáo hội. Ngoài mối liên lạc thiêng liêng, tâm hồn thuộc về Chúa Kitô, còn có những dấu chỉ cơ bản hữu hình đảm bảo sự thuộc về Giáo hội: việc lãnh nhận các Bí tích, tuyên xưng đức tin và hiệp thông với hàng Giáo phẩm[10]. Sau đó, những người Dự tòng – những người nhờ Thánh Thần thúc đẩy, minh nhiên xin gia nhập Giáo hội, do chính ước muốn ấy, họ được kết hợp cùng Giáo hội và được Giáo hội xem như con cái mình. Kế đến, những Kitô hữu ngoài Công giáo – những người mang danh Kitô hữu, nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, hoặc không hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phêrô[11]. Sau cùng, điều mà chúng ta đang quan tâm, trong số những người không thuộc thế giới Kitô giáo, các tín đồ của một vài tôn giáo như Do Thái giáo và Hồi giáo còn bảo trì Cựu Ước và đức tin của Abraham, thì quy hướng về Giáo hội nhiều hơn. Số 16 của văn kiện viết rằng: “Những ai chưa lãnh nhận Phúc Âm cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa: trước tiên phải kể dân tộc đã lãnh nhận lời hứa và giao ước, vì bởi dân ấy, Chúa Kitô đã sinh ra theo thể xác[12]. Sau Do Thái giáo là người Hồi giáo, bởi họ giữ đức tin của Abraham, cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất. Kế đến là những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cuối cùng, những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi[13]. Đối với những người ngoài Kitô giáo có thiện chí, Thiên Chúa sẽ đưa họ tới Giáo hội bằng ân sủng của Ngài.

Như thế có thể thấy, Lumen Gentium khẳng định Đức Kitô là con đường cứu độ duy nhất của nhân loại, Giáo hội là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người[14]. Do đó, Giáo hội cần thiết cho ơn cứu rỗi. Vì thế, việc những người ngoài Kitô giáo có khả năng được cứu độ hay không, phải tùy vào đặc tính họ quy hướng về Giáo hội để cứu xét. Bởi vì, tất cả những người ngoài Kitô giáo đều được qui hướng về Dân Chúa, do hiệu quả của ý muốn cứu rỗi phổ quát. Giáo hội xem tất cả những gì là chân thật và thiện hảo nơi những người ngoài Kitô giáo như một sự chuẩn bị cho Tin Mừng[15]. Vì vậy, những người ngoài Kitô giáo có thể có khả năng được cứu độ nhờ vào cách thức và mức độ họ quy hướng về Giáo hội. Sự quy hướng ấy được thực hiện nhờ ân sủng.

III. Kết luận

Như vậy, chúng ta có thể thấy Lumen Gentium đã không phủ nhận khả năng được cứu độ của những người ngoài Kitô giáo như quan điểm của Giáo hội gần hai mươi thế kỷ trước. Không những thế, văn kiện còn khai mở cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ của Giáo hội về ơn cứu độ của Thiên Chúa, ơn cứu độ phổ quát. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy, Lumen Gentium không đưa ra một quan điểm cụ thể nào về khả năng được cứu độ của những người ngoài Kitô giáo, mặc dù văn kiện đã chỉ cho chúng ta thứ tự có thể được cứu độ của họ khi quy hướng về Dân Thiên Chúa như thế nào.

Một vài nhận định

Quan điểm của Lumen Gentium là một câu trả lời mang tính cách mạng lúc bấy giờ, bởi suốt gần hai mươi thế kỷ trước Vaticanô II, lập trường của Giáo hội Công giáo luôn khẳng định ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ. Nhưng bây giờ, sau Công đồng, qua Hiến chế Lumen Gentium, Giáo hội không còn giữ thái độ bảo thủ này nữa, nhưng nhận thức rằng, Thánh Thần có thể tác động và làm việc trên mỗi con người và mỗi tôn giáo cách khác nhau. Ơn cứu độ của Thiên Chúa không bị bó buộc nơi một người hay một tôn giáo nào. Bởi đó, việc được cứu độ không phải là đặc quyền của Giáo hội cũng như bất kỳ một tôn giáo nào khác, mà là một ơn ban cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn quả quyết Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại và Giáo hội cần thiết cho ơn cứu rỗi. Do đó, văn kiện còn đặt ra cho chúng ta những vấn nạn cần giải quyết: “Giá trị của các truyền thống tôn giáo ngoài Kitô giáo trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như thế nào?”, “Nếu được cứu độ thì những người ngoài Kitô giáo sẽ được cứu theo cách thức làm sao?”, “Có cần phải truyền giáo nữa hay không?...”.

Têrêsa Nguyễn Khuyên (Khấn tạm), FMI

Chú thích

[1] x. Giáo Hoàng Học Viện PIÔ X – Đà Lạt, Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, 1972, tr.48.

[2],[3] x. Sđd, tr.153-154.

    [4] x. Sđd, tr.27.

[5], [6] x. Sđd, số 13, tr.184 -185

[7] x. Sđd, số 14, tr.18

[8] x. Sđd, tr.79.

[9] x. Sđd, Phần chú thích, tr.194.

[10] x. Sđd, số 14, tr.189.

[11] x. Sđd, số 15, tr.191.

[12] x. Sđd, số 16, tr.192.

[13] x. Sđd, số 16, tr.193.

[14] x. LG 1.

[15] x. LG 16

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hiến chế tín lý về Giáo hội - Lumen Gentium.
  2. Giáo Hoàng Học Viện PIÔ X – Đà Lạt, Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, 1972.