Khắc hoài công ơn

Tôi yêu Cha vì có tính cách, phong độ giống thầy Giê-su mang đậm nét đơn sơ, giản dị


   

            Nhắc tên Cha lòng tôi ngưỡng mộ

            Nghĩ về Cha tôi yêu mến người

            Tình Cha như dòng Hương Giang

            Khi mô cho cạn khắc hoài công ơn.

Cha tôi sinh ngày 12/2/1852, trong một gia đình nông dân nghèo thuộc miền quê nước Pháp. Tại quê nhà, ngài đã được vun trồng đào tạo trở nên người môn đệ bước theo Đức Kitô. Người môn đệ đó như thế nào?

Nhắc tên cha lòng tôi ngưỡng mộ

Tôi ngưỡng mộ cha bởi vì cha đã dành trót tuổi thanh xuân tươi sáng của mình để loan báo Đức Kitô cho mọi người. Qua việc Cha quyết định, can đảm rời bỏ quê hương, bạn bè thân quen, lên tàu vượt biển khi tuổi xuân 23 tràn đầy nhựa sống và khát vọng. Cha bước đi trong niềm tin và phó thác vào Thiên Chúa quan phòng. Cha đã đáp lại lời mời gọi thúc bách của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo; dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em” (Mc 16, 15).

Nếu như Phêrô trong những ngày đầu sứ vụ rao giảng có 3000 người tin vào Chúa; còn Cha tôi kết thúc hành trình dương thế người ta thống kê có hơn 37000 người được làm con Chúa trong đó có hai Hoàng Tử và một Công Chúa.

Nghĩ về Cha tôi yêu mến người

Tôi yêu mến không chỉ sự từ bỏ của Cha. Nhưng tôi yêu Cha bởi một con người mang dấu chỉ, phong cách cá vị nói lên đậm nét tinh thần truyền giáo. Một con người vui vẻ, lạc quan, đơn sơ mà giản dị. Tôi gợi nhớ về đêm tĩnh nguyện hôm nào khi tôi còn là Thanh Tuyển bỗng tôi nghe một chị chia sẻ về đức tính tốt của Cha: “Mỗi khi cha có điều gì đó ưu tư nặng lòng thì cha thường hát lên”. Nhân đức cao đẹp ấy đã gieo vào lòng tôi kể từ đó, hễ mỗi khi tôi nhớ nhà, mệt nhọc, gặp sự khó khăn thì tôi bắt chước cha là hát lên những bài hát mình yêu thích. Ý thức điều này tôi tự nhủ xa quê hương, chưa một lần quay trở về nên cha cũng nhớ nhà như con có phải không cha? Và tôi phong cho cha tước hiệu: “Chiến sĩ anh hùng đời thường”.

Tôi yêu Cha vì có tính cách, phong độ giống thầy Giê-su mang đậm nét đơn sơ, giản dị. Cha nói rằng: “khi cha qua đời tang lễ không điếu văn, không dàn chào”. Đơn sơ giản dị nhưng ẩn sâu là lối sống khiêm nhường, khó nghèo mang tính chất siêu việt nói lên tác phong tu trì như Chúa Giêsu. Đó chính là cho hiển vinh Danh Cha trên trời. Một điều tôi phải học nơi Cha là bữa ăn đơn sơ chỉ có củ khoai và con cá luộc là xong bữa. Viết đến đây tôi tự hỏi thầm với Cha rằng: Cha ơi! Động lực nào mà cha có thể làm được vì con biết điều này rất khó; trong khi Cha đến từ một đất nước xa hoa, phồn thịnh. Nó khác xa với những gì là quê hương Việt Nam yêu dấu này. Trong chốc lát tôi kể thầm cho cha nghe sự khó thường ngày mà tôi đang ý thức nỗ lực tập luyện, đó là thích nghi trong ăn uống.

Bây giờ tôi có thể trả lời với Cha có phải vì động lực truyền giáo, vì con đường mà Cha đang bước đi “ở với chiên phải ngửi, nếm, cảm được mùi chiên”. Cha đã hết tình dạy dỗ và chỉ bảo tận tình cho các linh mục: “Khi trở thành linh mục rồi các con phải làm cho bổn đạo biết và yêu mến Chúa Thánh Thần. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới làm và cho họ giữ đạo được”. Nếu ở với chiên mà Cha không tập thích nghi thì khó mà hòa hợp được với chiên có phải không Cha! Cha làm như thế thật là hay và con cũng sẽ bắt chước cha điều thú vị này; động lực nơi con là lòng yêu mến Chúa Giê-su và thương giúp các linh hồn.

Tình Cha như dòng Hương Giang

Khi mô cho cạn khắc hoài công ơn

Dưới thời bắt đạo dữ dội, Cha được gọi về Tòa Giám mục để bảo toàn tính mạng nhưng Cha đã tình nguyện ở lại, sống chết với đàn chiên và trở thành nguồn động lực cho đoàn chiên của mình và nhiều điều khác nữa… Tất cả được lấy ra từ lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, hiện diện một cách âm thầm và lâu giờ ngồi bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Cha tôi là thế đó. Tôi không biết nói gì nhưng tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi có duyên được làm con của Cha. Để từ đây tôi tự hào về tinh thần truyền giáo của Cha, những nhân đức cao đẹp của Cha để lại cho chị em chúng tôi từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ước gì tôi sẽ là những bước chân tiếp nối cha đi trên con đường dài của thế gian này, và xin khắc hoài công ơn của Cha.

   Tập sinh FMI