Huấn luyện trong Hội dòng

Hội dòng xác định một chương trình huấn luyện có tính thống nhất và liên tục trong các giai đoạn sơ khởi cũng như huấn luyện thường xuyên (VK TTN 21 - 12).


Thời đại - xã hội và con người đang ở trong những bước tiến mới: hiện đại và phát triển về mọi phương diện. Hơn bao giờ hết, Giáo hội cũng ước mong các hình thức tu trì/người sống đời thánh hiến không ngừng canh tân, đổi mới để bắt nhịp cùng với sự thay đổi vượt bậc này. Cùng với thao thức đó, Hội dòng luôn lắng nghe Thánh Thần để đưa ra những đổi mới cho tất cả chị em trong ơn gọi dâng hiến. Qua mỗi giai đoạn, cụ thể các Tổng Tu Nghi/Hội Nghị dòng, tôi cảm được Hội dòng đã và đang đi trong sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Quý chị Bề trên và quý chị đã và đang đẩy Hội dòng đi đến: Phát triển – Bền vững – Kịp thời. Trong những khía cạnh mà các Tổng Tu nghị (TTN) - Hội Nghị dòng (HND) đề cập tới, tôi được đánh động về việc Huấn luyện. Đây là một khía cạnh vô cùng quan trọng làm nên sự phát triển lâu dài của các Hội dòng xưa cũng như nay, và đặc biệt là Hội dòng tôi.

Trong Tông huấn về Đời sống Thánh hiến số 65, ĐGH Gioan Phaolo II nhấn mạnh:“Mục tiêu chính của tiến trình đào tạo là chuẩn bị một người dâng trót mình cho Thiên Chúa trong việc theo Chúa Kitô, để phục vụ sứ mạng của Giáo hội”. Việc chuẩn bị này không phải ngày một ngày hai, không phải là một sự nhảy vọt trong những kế hoạch nhưng đó là một quá trình huấn luyện cách tiệm tiến, thức thời và bền vững.

Nhìn lại những gì Hội dòng đã trải qua, tôi nhận thấy không phải chỉ đến các HND, TTN sau mới đề cập và canh tân về Huấn luyện, nhưng từ khi Hội dòng được thai nghén và qua các Tổng Công hội đầu, hai Đức Cha và các Chị Tiền bối đã canh cánh cho con đường huấn luyện những nữ tu bản xứ và có những cách thức huấn luyện cụ thể, tiệm tiến qua từng cấp khác nhau. Khi Hội dòng đã trải qua bao giai đoạn và tồn tại giữa lòng Giáo hội hôm nay, việc huấn luyện tiếp tục được chú trọng để phù hợp với những bước tiến của thời đại. Qua những gì tôi được học và tìm hiểu, tôi thấy sáu Hội Nghị dòng đều nhấn mạnh đến khía cạnh này và mỗi giai đoạn có những sự đổi mới riêng. Sự đổi mới này khởi đi từ cái nhìn bao quát, cấp thiết cho Hội dòng lúc bấy giờ cũng như những giai đoạn sau. Từ Hội Nghị dòng 16 đến Hội Nghị dòng 18, Chúa Thánh Thần thúc đẩy quý chị dành sự quan tâm đến việc chuẩn bị nhân sự. Đó là các nhân sự huấn luyện, phụ trách cộng đoàn và nhất là nhân sự huấn luyện khởi đầu. Các chị trưởng giúp Hội dòng đào tạo, hướng dẫn các ơn gọi trong giai đoạn đầu và tại môi trường thực thi sứ mạng. Tiếp nối đường hướng “huấn luyện hướng tới việc xây dựng căn tính Con Đức Mẹ Vô Nhiễm”(HND 18), Hội Nghị Dòng 19 tiếp tục đào sâu căn tính và mở ra những đường hướng mới để đào tạo chị em sống xứng đáng hơn với ơn kêu gọi đã lãnh nhận (dẫn nhập văn kiện HND 19). Tôi cảm nhận được thao thức của quý chị giúp cho các thành viên trong Hội dòng trở về với nền móng căn bản của đời tu bằng những nét nhân bản đặc trưng: vui tươi - chân thậ t- hiền lành - khiêm tốn. Từ việc đào luyện mình, mỗi cá nhân có thể triển nở hơn trong đời sống chung và nhất là nên chứng tá người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm trong xã hội đầy tục hóa lúc bấy giờ. Hội Nghị Dòng 20 đặc biệt đào sâu về huấn luyện sứ mạng giáo dục cho chị em, để việc dạy, đào tạo của chị em thiết thực hơn, có thể loan báo một Đức Kitô gần gũi, sống động, thiết thực trong môi trường phục vụ.

Và gần đây nhất, Tổng Tu Nghị 21 đẩy mạnh yếu tính huấn luyện và đưa ra đường hướng mang tính toàn diện. Bản văn kiện đưa ra nhiều khía cạnh huấn luyện: tâm linh, nhân bản, ba lời khuyên Phúc Âm, đời sống cộng đoàn, tri thức, sứ vụ…Đồng thời, Hội dòng xác định một chương trình huấn luyện có tính thống nhất và liên tục trong các giai đoạn sơ khởi cũng như huấn luyện thường xuyên (VK TTN 21 - 12). Khi mới vào Thanh tuyển, tôi được quý chị giáo dạy bảo rất nhiều điều nhưng chưa có một hệ thống chương trình cụ thể về các môn học, về việc phân chia kiến thức cho thanh tuyển, nhà thử…Tổng Tu nghị 21 là một sự canh tân thật sự về việc huấn luyện: Hội dòng canh tân cơ cấu huấn luyện, mỗi cấp có một quy chế huấn luyện riêng, đào tạo nhân sự cho việc đồng hành thiêng liêng và hơn hết là kế hoạch cá nhân được thực hiện cách nghiêm chỉnh hơn. Sự đổi mới này chính là cái nhìn bao quát, hướng tới việc đào tạo một nữ tu thật sự cho Chúa, cho Giáo hội, cho Hội dòng. Tôi tin tất cả đều là điều Chúa muốn hầu những ưu tư của quý chị giúp cho quá trình huấn luyện được hoàn thiện, xuyên suốt hành trình dâng hiến của người được thụ huấn. Tôi biết còn rất nhiều những đổi mới, những bước tiến khác mà Hội dòng dành cho chương trình huấn luyện nhưng khả năng nhận biết của tôi còn giới hạn.

Tạ ơn Chúa đã cho em có cơ hội học biết về các Tổng Công hội, Hội Nghị dòng và Tổng Tu nghị của Hội dòng qua mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Tạ ơn Chúa đã ban Thánh Thần dất dẵn, điều hành và giúp quý chị xây dựng Hội dòng trong những đường hướng thật khôn ngoan, thánh thiện. Là một Tập sinh, em thật hạnh phúc vì được thừa hưởng những giá trị tinh thần và những tinh hoa chắt lọc từ biết bao thao thức của quý chị trong dòng chảy ân sủng. Em được lớn lên trong tình yêu thương của quý chị Bề trên ngang qua những thao thức, trăn trở qua mỗi giai đoạn. Em ước mong trở nên một thành viên của Hội dòng, cùng chia sẻ sứ mạng với quý Chị và không ngừng nỗ lực xây dựng Hội dòng trong với những gì Chúa đang trao ban. Trăm năm thứ hai đã mở ra cho mỗi người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm để cùng với ơn Chúa, chị em tiếp tục canh tân đời sống và “Sống xứng đáng với ơn gọi Thiên Chúa ban.” (Chủ đề HND 19). 

Tập sinh, FMI