Cái liều của cha tôi

Lạy Chúa! Người Nghèo Ân Phúc hay Cục Nợ?


“Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” (Tb 4,7)

 Nhìn lại chặng đường lịch sử của Hội dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm với 104 tuổi (1920), chị em chúng ta ai nấy phải cúi mình trước ân tình của Thiên Chúa và Mẹ Maria Vô Nhiễm. Bên cạnh đó, mỗi người phải khắc cốt ghi tâm công ơn trời bể của người cha khả kính Đức Cha Eugène Maria Josheph Allys, được mệnh danh là “ông tiên bên đạo” đã để lại cho chị em một gia sản tinh thần đồ sộ. Gia sản đó từ xưa đến nay vẫn luôn được Giáo hội nhắc nhở con cái mình, cách riêng qua tuyên bố mạnh mẽ trong thánh lễ kết thúc Năm Thánh cho người nghèo của Đức Phanxicô “Tài sản của Giáo hội không phải nơi các thánh đường, những nơi người nghèo”.

Bạn thân mến!

Cộng đoàn Nước Ngọt là đứa con gái đầu lòng của cha tôi, nhưng lại được ngài tung vào cánh đồng truyền giáo khi con quá non trẻ (1927). Nếu bạn có dịp về nơi đây để lắng nghe hay đọc lại lịch sử Giáo xứ Nước Ngọt, có lẽ bạn cũng cảm nhận được những gì tôi sắp viết lên đây.

Lần mò lại những trang sử vùng đất này, tôi nhận thấy cha tôi đúng là liều thiệt, bởi khi tôi có dịp nhìn về lược sử Giáo xứ Nước Ngọt thì:

•           Năm 1750, chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát ra tay bách hại đạo

•           Đến thời vua Tự Đức, cơn bắt đạo càng rõ rệt và tàn bạo hơn nữa, như vụ Phân sáp xảy ra năm 1860

•           1883, với chủ trương Bình Tây Sát Tả, Cha Giuse Tống văn Vĩnh bị quân Văn Thân dùng mã tấu, chém đầu và ném xuống giếng. Chúng còn thiêu sát 44 giáo dân trong nhà thờ.

•           1925-1933 cha Raphael Fasseaux được Đức cha Allys bổ nhiệm làm cha sở Nước Ngọt. Ngài xây dựng một nhà thờ xinh đẹp mà chiến tranh đã không phá hủy, làm một trường học với một nhà dành cho nữ tu. Sau khi đã có cơ sở ổn định, ngài mời các chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đến phục vụ vào năm 1927. (https://tonggiaophanhue.org)

 Trước đây Nước Ngọt là một giáo xứ thôn quê nghèo nàn và thiếu thốn mọi phương diện, là vùng rừng thiêng nước độc. Có nhiều côn trùng nhất là muỗi, người dân thường bị sốt rét và hay đau cảm khi thời tiết chuyển mùa hay nắng mưa thất thường. Khi trời nắng thì chói chang khô hạn đến độ tre cũng chết, mà mưa thì triền miên thối đất. Đây là vùng đất vũ trũng, mưa nhiều kèm thời tiết khắc nghiệt. Nên trong giai đoạn này cha Raphaël Fasseaux (Cố Phương, Hội Thừa sai Paris) và Nữ tu Anna Đỗ Thị Uyển (O Benoîte, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm), là hai nhà truyền giáo đã khó nhọc và dày công khai sáng, ươm mầm và xây dựng đức tin cho vùng Nước Ngọt, đồng thời cũng là ân nhân cứu khổ, cứu nạn cho cư dân bản địa trong thời gian khó khăn chiến tranh đầu thế kỷ 20.

Năm 1927, Cộng đoàn Nước Ngọt đã hiện diện nơi đây sau bảy năm lập Hội dòng, tôi thiết nghĩ không biết có phải còn quá non trẻ hay không! Cho tới lúc này, sau những năm không ngắn mà cũng không dài sống sứ vụ tại đây. Nhìn về thời phôi thai của Cộng đoàn nước Ngọt làm tôi liên tưởng đến cuộc sống hiện tại rằng: trước khi một bạn trẻ kết thúc năm lớp 12, thì bạn đó sẽ được cha mẹ, thầy cô giúp định hướng để có một tương lai sự nghiệp tươi sáng. Hay một người con gái hay con trai lập gia đình, thì phải tìm chỗ “môn đăng hộ đối”. Vậy mà cha tôi, cha tôi…. thì đã gửi người con gái đầu lòng của mình đến một nơi mà cho tới bây giờ tôi không biết dùng cái gì để miêu tả hết những gì ở nơi đây. Chung chung nhìn lại, thì từ ấy đến nay, người dân vùng Nước Ngọt nói chung, Cộng đoàn Têrêsa, Dòng Con Đức Mẹ nói riêng cần được cấp cho sổ “Hộ ghèo Bền vững”, mà lại còn nghèo đa chiều chứ đâu phải nghèo đơn chiều. (https://www.molisa.gov.vn/)

Nhiều khi đắm mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể tôi tự hỏi: 

Lạy Chúa! Người Nghèo

Ân Phúc hay Cục Nợ?

Khi tôi lướt trên trang mạng về người nghèo, tôi nhìn thấy một bài viết như sau: Đói nghèo ngày nay trở thành vấn đề về kinh tế - xã hội, nó vừa là lực cản vừa là sự thách thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đói nghèo tác động vào các quan hệ xã hội, nhất là các tầng lớp khó khăn đang trong tình trạng nghèo khổ. Đói nghèo cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, trộm cắp, ... gây hậu quả và tác động tiêu cực đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đói nghèo thường đi đôi với thất học, mù chữ, thiếu hiểu biết, không có điều kiên để tiếp thu văn minh, sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, từ đó dễ bị kẻ xấu, bọn phản động lôi kéo, mua chuộc, dụ dỗ gây mất an ninh và ổn định chính trị (https://tct.baclieu.gov.vn/).

Còn trên trang Giáo hội Công Giáo thì sao!

Thánh Phaolô Tông đồ đã từng thốt lên “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2 Cr 8:9). Riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô đương nhiệm, trong chuyến tông du đến Philippines năm 2012, ngài đã khiến giới trí thức Công giáo ngỡ ngàng khi ngài xác tín vai trò bất khả phân ly giữa người nghèo với sứ điệp của Đức Kitô: “Nếu chúng ta loại người nghèo ra khỏi Tin Mừng, chúng ta không thể hiểu được toàn bộ sứ điệp của Đức Kitô.”

Vâng, giữa một thế giới phát triển không ngừng như vũ bão về mọi phương diện, sự lãnh đạm thờ ơ giữa con người với con người đang tạo ra những hố ngăn cách sâu rộng. Đây là một trăn trở lớn cho các nhà cầm quyền các quốc gia nói chung và, Đức Thánh Cha Phanxicô vị thủ lãnh của Giáo hội nói riêng. Tạ ơn Chúa, vì chị em chúng tôi đang từng ngày chăm nom, gìn giữ một gia sản quý báu mà Đấng Sáng lập để lại, đó không phải là những căn nhà to lớn, với khối tài sản khổng lồ. Nhưng là một cộng đoàn có bề dày lịch sử lớn nhất của Hội dòng, có hai cơ sở giáo dục trong đó đầy đủ các phương tiện, con đường nên thánh dẫn chị em chúng tôi đến với Chúa qua công việc phục vụ thường ngày:

•           CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI:

Nội trú Mai Linh: Các em thuộc vùng dân tộc thiểu số, học từ cấp một đến cấp ba. Hiện tại các em sống và học tập nhờ vào tấm lòng của các nhà hảo tâm khắp nơi đây đó.

-           Các em Khuyết tật, câm điếc, bại liệt…thì hầu như những đóng góp của cha mẹ các em chỉ trang trải được một phần nhỏ trong Trung tâm. Nên đây cũng là một nhức nhối, trăn trở trong chị em chúng tôi.

•           Trường Mầm non Mai Khôi:

-           Trường cũng là một thao thức lớn trong chị em chúng tôi, hơn

50 % số học sinh của trường thuộc hoàn cảnh đặc biệt: Nghèo, cha mẹ ly dị, ly thân, … nên khi nhìn vào mỗi cháu đều có nét rõ rệt của việc ảnh hưởng tâm lý.

-           Một số cháu thuộc đối tượng trẻ hòa nhập sau một thời gian can thiệp tự kỷ, tăng động, chậm phát triển ngôn ngữ, ...

Trước lời khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô “người nghèo giúp chúng ta chào đón Chúa Kitô vì Người hiện diện nơi người nghèo”, trải qua những kinh nghiệm chăm sóc, đồng hành, cảm thương. Tôi phải tạ ơn Chúa và giúp tôi thêm thâm tín rằng Người Nghèo là một Ân Phúc. Bởi chính họ là nấc thang dẫn tôi đến với Đức Kitô Chúa của tôi, họ là người dạy cho tôi biết và cảm thấu được cái tình và cái nghĩa thực sự giữa con người với con người, họ cho tôi những kinh nghiệm để tôi biết phần nào đó về cái nghèo tột cùng, sự thiếu thốn mà Đức Kitô Chúa của tôi đã đến trần gian sống một cuộc như vậy.

Tạ ơn Chúa, tri ân Đấng Sáng lập Dòng - người cha hiền quá cố, vì Ngài đang cho tôi có cơ hội sống và phục vụ những chi thể đang bị tổn thương của Chúa qua người nghèo. Tôi biết rằng, lắm khi mình cũng không tránh khỏi những thiếu sót trong cung cách phục vụ người nghèo. Giờ đây, tôi xin mượn tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô để gửi đến những người nghèo “Tôi xin lỗi cho tất cả những lần mà các Kitô hữu, khi đứng trước nhu cầu của một người nghèo hoặc khi một người nghèo gần gũi, họ quay đi chỗ khác. Tôi xin lỗi.”

                                                           Nt. M. Anna Nguyễn Hải, FMI