Thinh lặng!

Thinh lặng tạo nên không gian sáng tạo. Trong không gian yên bình và thinh lặng, người ta có cơ hội tập trung vào công việc, sáng tạo hơn và tìm ra những ý tưởng mới mẻ.


Sau một ngày bận rộn với việc học tập và các hoạt động khác, tôi có được những giây phút thinh lặng ở trước Thánh Thể và nhìn lại ngày sống của mình. Những giây phút như vậy thật quý đối với tôi! Tôi thiết nghĩ: Thinh lặng là một điều rất quan trọng của cuộc sống, tuy nhiên, tôi tự hỏi: giữa một xã hội ồn ào thì liệu thinh lặng có phải là điều quá xa sỉ và xa lạ trong xã hội ngày nay?

Theo tự điển Petit Robert, thinh lặng là thái độ của một người giữ im lặng, không nói. Nó biểu thị một sự thiếu vắng tiếng nói, tiếng ồn ào và âm thanh, là tình trạng của một nơi chốn không nghe được bất cứ âm thanh nào[1]. Thinh lặng không chỉ đơn thuần là im lặng, không có tiếng ồn nhưng sâu xa hơn là một trạng thái nội tâm giúp ta tách khỏi những gì ngăn cản ta ý thức về chính bản thân mình. Vì vậy, sự thinh lặng được đánh giá cao trong nhiều giá trị văn hóa và tâm linh của con người. Tuy nhiên, trong xã hội mà người ta đề cao tốc độ hay “sống vội” thì dường như người ta sợ thinh lặng và tìm cách để trốn chạy khỏi nó vì nghĩ rằng thinh lặng là trống rỗng, vô nghĩa, là phí phạm thời gian hay không quen với việc có thời gian thinh lặng. Con người dần quen với những tiếng ồn: ồn từ bên ngoài cho đến bên trong và miệt mài sống trong vòng quay ồn ào đó.

Vậy, tại sao phải thinh lặng? Con người cần thinh lặng để làm gì?

Đầu tiên, thinh lặng để trở về với căn phòng nội tâm của mình. Có quá nhiều những âm thanh chi phối và cuốn hút làm cho con người khó để có thể quay về với chính mình. Trước những guồng quay “tốc độ” của xã hội, đôi khi họ bị ngộp thở trong đó bởi stress hay lo lắng, những đòi hỏi của công việc... và lắm lúc, con người tìm đến những nơi ồn ào để hầu mong bản thân được giải tỏa phần nào. Tuy nhiên, sau những điều đó, dường như cảm giác trống rỗng, cô đơn đã làm ta kiệt quệ hơn. Phải chăng, có thể nói: những lúc như vậy, một khoảng thinh lặng nhất định để tách mình ra khỏi những bận tâm, lo lắng, cho phép bản thân được nghỉ ngơi có phải là một giải pháp tốt hơn? Sự thinh lặng sẽ làm giúp giảm stress, tăng cường sức khỏe tinh thần và cân bằng trong cuộc sống. Hơn nữa, thinh lặng là cơ hội để ta kết nối với bản thân mình. Trong thời đại của công nghệ thông tin và mạng xã hội, cuộc sống của mọi người thường xuyên bị nhiễu loạn và phân tâm. Thinh lặng giúp con người có khoảnh khắc để tìm hiểu về bản thân, nắm bắt được ý nghĩa và mục đích sống của mình. Có thể ví tâm hồn con người như một mặt hồ. Mặt hồ gợn sóng thì rất khó để thấy rõ những gì nằm dưới đáy. Khi và chỉ khi mặt hồ phẳng lặng, ta sẽ khám phá được những điều ẩn dưới đáy hồ. Cũng vậy, khi dành cho mình những khoảng lặng thực sự, con người mới có thể nhìn sâu bên trong mình để khám phá và biết mình hơn.

Thinh lặng tạo nên không gian sáng tạo. Trong không gian yên bình và thinh lặng, người ta có cơ hội tập trung vào công việc, sáng tạo hơn và tìm ra những ý tưởng mới mẻ. Nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà khoa học thường tìm kiếm sự thinh lặng để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật hay công việc vượt trội. Trong thinh lặng, con người có được sự “lắng đọng” đủ của tâm hồn để suy tư, nghiền ngẫm và đưa ra những quyết định chín chắn.

Quan trọng hơn, thinh lặng giúp ta gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ tha nhân. Trong sự ồn ào, thật không dễ để có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài không đến trong sự hào nhoáng, những âm vang inh ỏi hay những trận cuồng phong…. Ngài đến âm thầm trong hình hài một trẻ thơ sinh nơi máng cỏ; hay Ngài đến trong cơn gió mát hiu hiu với Elia trên núi Sinai xưa. Khi có sự thinh lặng đủ, con người có thể nhạy bén để nhận ra Chúa ngay cả trong những điều bình dị nhất của cuộc sống. Chính Đức Giêsu, trước khi thực hiện một việc gì, Ngài cũng thường tìm cho riêng mình những khoảng lặng để cầu nguyện với Cha. Trong nhịp sống vội vàng, đôi khi con người chỉ lo cho bản thân mà quên đi sự hiện diện của những người xung quanh. Hằng ngày họ vẫn có đó nhưng dường như sự hiện diện của họ chỉ như một cái bóng mờ giữa mọi người. Nhờ thinh lặng và qua thinh lặng, con người biết mở lòng ra với tha nhân khi để ánh nhìn và con tim của mình được mở rộng. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng thật tài tình và đầy dụng ý trong sự sắp đặt của mình. Ngài đã ban cho con người có một cái miệng để nói nhưng có hai lỗ tai để nghe. Khi thinh lặng, con người có cơ hội lắng nghe nhiều hơn, lắng nghe tiếng Chúa nói ngang qua vũ trụ và tha nhân

Để có sự thinh lặng thật không hề dễ! Con người phải dám bỏ lại đằng sau những ngổn ngang, những âm thanh mà họ dường như đã quá quen thuộc. Nó đòi hỏi một sự khiêm nhường, hy sinh, từ bỏ, một sự kiên cường của ý chí. Có thể nói, trong xã hội hôm nay, để có được sự thinh lặng đòi hỏi con người phải dám “lội ngược dòng”.

Thinh lặng có giá trị tích cực trong cuộc sống, nó mang lại nhiều điểm thiết yếu cho bản thân và xã hội. Vậy, có khi nào sự thinh lặng mang giá trị tiêu cực? Thinh lặng là để con người tìm lại chính mình, để chân nhận những giá trị trong cuộc sống và có được sự bình an đích thực trong tâm hồn cùng mở lòng ra với thiên nhiên, với tha nhân. Nếu thinh lặng không vì những mục đích đó nhưng là một sự trốn tránh thực tại, một ai đó hay ... thì sẽ không mang đến cho con người những lợi ích tích cực mà thinh lặng mang đến.

Thinh lặng là bài học quan trọng giúp ta lớn lên trong cuộc sống. Trong thinh lặng chúng ta khám phá ra thế giới nội tâm với những điều bí ẩn tận trong thâm sâu của cung lòng. Thinh lặng chính là mối dây liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa, đồng thời bảo đảm cho sự hiệp thông huynh đệ, nó còn là khởi điểm sự thay đổi và lớn lên của đời sống tâm linh của mỗi người. Chỉ có trong thinh lặng người ta mới có thể nhận ra được con người thật của mình cũng như mọi vật xung quanh một cách khách quan như chính nó là. Thinh lặng là một món quà mà Thiên Chúa tặng ban cho con người và đến lượt mình, con người có sử dụng món quà này hay không là ở chính sự tự do của mỗi người.

M. Anna Thảo Ly (Học viện SG), FMI  


[1] ĐHY Robert Sarah cùng với Nicolas Diat, Sức mạnh của thinh lặng, Nhà xuất bản Đồng Nai, 2019, trang 43