Ơn gọi và Sứ mạng Giáo dục Đức tin cho người Trẻ

Người trẻ cần được Giáo hội đồng hành trên hành trình đức tin và nâng đỡ trong việc phân định cũng như thực hiện những chọn lựa căn bản trong đời sống.


1. Ơn gọi và sứ mạng giáo dục

Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm xuất phát từ nỗi lòng của vị mục tử là Đức Cha Eugène Marie Joseph Alys (Lý)[1], chủ chăn Giáo phận Huế (1908-1931). Với 61 năm truyền giáo tại Việt Nam, ngài thấu hiểu nhu cầu chính đáng của người dân nơi đây. Ngài tâm sự: “Hiện thời còn có vấn đề khẩn trương hơn cho tất cả vùng Đông Dương, điều mà chúng tôi không thể bỏ qua được vì lợi ích cứu rỗi các linh hồn, đó là vấn đề tư thục…Tôi cảm thấy đau lòng khi thấy số đông con em học sinh công giáo đi học các trường do các thầy bên lương điều khiển. Các em học sinh này được giáo dục do các giáo viên vô thần và thường thường có xu hướng chống đối Giáo hội”[2].

Vào những năm đầu thế kỷ XX, Huế đã có nhiều trường học nhưng là trường công lập và học sinh phần lớn là con nhà giàu. Trong khi đó, Giáo phận chỉ có trường dạy kinh nguyện, mà chưa có trường dạy văn hóa; hệ quả là con em thuộc các gia đình Công giáo thường được dạy dỗ bởi giáo viên “bên lương”. Hơn nữa, Giáo phận Huế vừa thoát ra khỏi cấm cách nên việc giáo dục đức tin cho các em hết sức cần thiết. Do đó, Đức cha Lý cùng với sự cộng tác đắc lực của Đức cha Alexandre Paul Marie Chabanon (Giáo)[3] đã có ý định tổ chức một trường sư phạm để đào tạo một số nữ giáo viên có khả năng dạy văn hóa và giáo lý. Trong tương lai, các giáo viên này sẽ được đào tạo thành nữ tu.

Nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, chiều ngày 7 tháng 9 năm 1920, Đức Cha kêu gọi sáu nữ tu thuộc Phước Viện Dương Sơn ra đi để lập hội dòng mới. Như Tổ phụ Abraham thuở xưa từ bỏ quê hương đến miền đất mà Chúa sẽ chỉ cho (Kn 12,1), các chị tự nguyện theo đò ngược dòng Sông Hương tới mãnh đất Phú Xuân, hành lý vỏn vẹn chỉ có 3 khung cửi, 1 khung quay tơ và một ít đồ dùng cá nhân. Hội dòng định cư ngay trên mảnh đất Tòa Giám mục cũ của Giáo phận Huế[4].

Sáng ngày 8 tháng 9 năm 1920, tại nguyện đường dòng Kín, chính Đức Cha Lý đã cử hành thánh lễ cầu nguyện cho nhóm nữ tu tiên khởi và giới thiệu hội dòng mới. Ngày lễ Sinh nhật Đức Mẹ năm 1920 là một ngày lịch sử, ngày Hội dòng được khai sinh với tên gọi là Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Hội dòng được thiết lập với hai mục đích: một là làm vinh danh Thiên Chúa hơn và gia tăng lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria; hai là đẩy mạnh hơn việc cứu rỗi các linh hồn, đặc biệt bằng công cuộc giáo dục giới trẻ theo tinh thần Kitô giáo[5].

Như vậy, do thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm được khai sinh trên mảnh đất Giáo phận Huế, đồng thời nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa và sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, Hội dòng từ những hạt mầm bé nhỏ lúc khởi đầu đã lớn lên và hiện diện sống động giữa lòng Giáo hội cho đến ngày nay.

Sứ mạng của Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm được ghi lại trong Luật Tiên khởi như sau[6]: “Lập dòng này trước là cố ý cho chị em lo bề khắc kỷ tu thân, luyện tập các nhân đức, nhứt là đức khó khăn, đức sạch sẽ cùng đức vâng lời là ba nhân đức gồm đủ đàng trọn lành. Sau lại có ý cho chị em thương giúp người ta phần hồn phần xác. Mà chính việc chị em dòng này phải làm là dạy dỗ đồng nhi, bất kỳ đạo ngoại, nhất là nhi nữ có đạo. Dạy là dạy lẽ đạo: kinh, sách phần cùng lẽ đời ít nhiều: đọc sách, viết, phép toán, sử ký, địa dư khoa học sơ lược...dạy may vá, thêu ren”[7].

Để thích ứng với hoàn cảnh và nhu cầu của thời đại, sứ mạng Hội dòng được xác định lại như sau: “Nhờ tình yêu Chúa Kitô thúc bách, Hội dòng đã lãnh nhận sứ mạng riêng biệt qua trung gian hai vị sáng lập: Giáo dục giới trẻ về văn hóa và đức tin, đặc biệt lưu tâm đến thanh thiếu nữ. Thực thi những công việc bác ái xã hội phù hợp với chương trình mục vụ của Giáo hội địa phương trong tình yêu thương mọi người. Chị em thực hiện công việc ấy với ý hướng tông đồ truyền giáo và với tư cách những người con thật của Đức Mẹ Vô Nhiễm: yêu chuộng đặc biệt đức khiết tịnh và làm lan tỏa đức trong sạch trong môi trường sống của mình”[8].

Trải qua biết bao thăng trầm của hành trình dâng hiến và phục vụ, Hội dòng vẫn luôn trung thành với ý định của Đấng Sáng lập. Hội dòng không ngừng phát huy và đẩy mạnh sứ mạng giáo dục cho giới trẻ về văn hóa và đức tin. Từ hạt giống bé nhỏ gồm sáu chị tiên khởi thuộc dòng Mến Thánh Giá Dương Sơn, Hội dòng mỗi ngày thêm đông nhờ có thêm những nữ tu khác đến từ dòng Mến Thánh Giá Di Loan và các thiếu nữ ở ngoài đời.

Để chuẩn bị cho chị em vững vàng trong việc thực thi sứ mạng giáo dục, Đức Cha Lý tuy bận rộn với công việc của giáo phận vẫn luôn quan tâm đến con cái của mình. Ngài luôn tìm dịp để dạy dỗ, hướng dẫn chị em. Đặc biệt, ngài đặt cha Chabanon[9] làm Bề Trên tiên khởi, vị linh hướng và nhà huấn luyện cho các chị em đầu tiên của Hội Dòng. Nhờ sự uyên bác của ngài mà chị em mỗi ngày được lớn lên về phần đạo cũng như đời. Bên cạnh đó, Đức Cha cũng mời các nữ tu dòng thánh Phaolô (St. Paul de Chartres) đến dạy văn hóa cho chị em. Ngài chuẩn bị cho chị em thi vào các trường văn hóa nhằm có đủ điều kiện để mở trường, đứng lớp.

Trước năm 1975, Hội dòng đã chính thức mở các trường cấp I, cấp II, các nhà tình thương, bảo trợ trẻ mồ côi khuyết tật. Các cơ sở do các chị em trong Hội dòng điều hành và đảm trách phát triển nhanh và tốt đẹp. Sau khi đất nước thống nhất dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, nhiều trường học và cơ sở của Hội dòng bị nhà nước trưng dụng và hoạt động giáo dục của Hội dòng tại các trường học bị ngưng lại. Từ đó, Hội dòng “âm thầm sống trong sự hy sinh cầu nguyện và tiếp tục tham gia vào các hoạt động của giáo xứ, tùy hoàn cảnh cho phép”[10].

Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn có đường lối riêng của Ngài. Từ chỗ hiện diện và phục vụ trong vùng đất Huế nhỏ bé, Hội dòng lan rộng đến các vùng khác như Sài Gòn, Đà Lạt, Lâm Đồng, Đồng Nai, Nha Trang… Không được mở các trường cho các bậc tiểu học, trung học, nhưng chị em vẫn có thể mở các trường mầm non, các nhà nội trú, các lưu xá cho sinh viên nữ, các nhà tình thương, các trung tâm bảo trợ trẻ khuyết tật, các nhà nội trú đặc thù cho các em sắc tộc. Nơi đây, chị em lại có cơ hội để thực thi sứ mạng giáo dục đức tin cũng như văn hóa.

2. Sứ mạng Giáo dục Đức tin cho người Trẻ

2.1 Giáo dục đức tin, chọn lựa hàng đầu

Ngay từ khi thành lập dòng, các Đấng Sáng lập đã xác định rõ sứ mạng của chị em là “giáo dục giới trẻ theo tinh thần kitô giáo”[11], “dạy lẽ đạo cùng lẽ đời ít nhiều”[12]. Trong mọi hoạt động giáo dục, chị em phải quy hướng vào việc “nhen lửa kính mến Chúa trong lòng nó”[13]. Như vậy, giáo dục đức tin là chọn lựa số một, là nhiệm vụ căn bản của chị em, khi tiếp cận với người trẻ.

Gần một trăm năm hiện diện và phục vụ trên 13 giáo phận trong nước cũng như hải ngoại, Hội dòng không ngừng đẩy mạnh sứ mạng giáo dục đức tin cho giới trẻ bằng cách cộng tác với các cha xứ trong việc dạy giáo lý khai tâm, hôn nhân và dự tòng. Hướng dẫn các hoạt động của giới trẻ, điều khiển ca đoàn, các hội đoàn, các nhóm chia sẻ Lời Chúa, nhóm ơn gọi... Ngoài ra, Hội dòng cũng mở các nhà nội trú, lưu xá sinh viên, các nhà tình thương… để chị em có điều kiện thực thi sứ mạng giáo dục đức tin cho người trẻ. Qua các giờ kinh, các buổi gặp gỡ giáo lý, tham dự thánh lễ hằng ngày, chị em giúp người trẻ nhận biết Chúa và yêu mến Ngài.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc thực thi sứ mạng giáo dục văn hóa của Hội dòng chỉ giới hạn trong việc dạy mẫu giáo, nhưng đây lại là môi trường thuận lợi để giáo dục đức tin cho các em, bằng cách giúp chúng có được những tâm tình và thái độ tôn giáo căn bản. Việc giáo dục các đức tính nhân bản là điều quan trọng, vì “sự trưởng thành nhân bản chính là nền tảng để xây dựng sự trưởng thành của người kitô hữu”[14]. Morgan Scott Peck khẳng định: “Con đường nên thánh ngang qua sự thành nhân”[15]. Do đó, chị em không ngừng đẩy mạnh việc giáo dục các đức tính nhân bản, rèn luyện nhân cách cho các em, để các em có thể trở thành công dân tốt trước khi là một Kitô hữu tốt.

Hội Nghị Dòng lần thứ 19, diễn ra vào tháng 6 năm 2013, một lần nữa xác quyết: “Giáo dục đức tin chính là nhiệm vụ căn bản và hàng đầu trong sứ mạng giáo dục của Hội dòng”[16]. Như vậy, chị em được mời gọi hãy luôn ý thức trách nhiệm của mình, phải luôn xem “việc giáo dục đức tin như là sợi chỉ xuyên suốt, là tinh hoa và cùng đích của tất cả nỗ lực của chị em”[17]; nhờ đó, những người mà chị em gặp gỡ, dạy dỗ được biết về Chúa, được “tăng trưởng con người mới dưới ánh sáng của đức tin mà họ đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội”[18].

2.2. Giáo dục đức tin giúp người trẻ

“Biết đàng lên trời”

“Thật chẳng có gì làm sáng danh Đức Chúa Trời cho bằng vẽ vời cho con trẻ biết đàng lên trời”[19]. Ngay từ những ngày đầu Hội dòng được khai sinh, Đấng Sáng lập đã giúp chị em ý thức rõ mục đích của việc giáo dục người trẻ là giúp họ biết được con đường để lên trời, nghĩa là chỉ cho chúng con đường dẫn tới sự sống đời đời. Con đường lên trời ở đây chính là Đức Giêsu vì “Ngài là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Như vậy, dạy cho người trẻ biết đường lên trời đồng nghĩa với việc dạy cho họ biết Đức Giêsu, tin tưởng và yêu mến Ngài.

Để biết Đức Giêsu, trước hết người trẻ cần tiếp cận trực tiếp với Lời Chúa trong Kinh Thánh, siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa; kế đến họ cần hiểu biết và đào sâu kiến thức đức tin, nhờ đó có thể nuôi dưỡng đời sống đức tin và giải thích đức tin của mình cho những người xung quanh.

Biết sống thân tình với Đức Giêsu

“Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, với một Con Người”[20]. Thật vậy, sứ mạng giáo dục đức tin cho người trẻ thiết yếu là dẫn dắt họ bước vào cuộc gặp gỡ và sống thân tình với Đức Giêsu như người thanh niên trong Tin Mừng theo thánh Maccô (Mc 10,17-22). 

Để có thể gặp gỡ và sống thân tình với Đức Kitô, trước hết người trẻ cần được giúp đỡ để thấy được vẻ đẹp của Thiên Chúa trong Đức Giêsu, nghĩa là thấy được nơi Ngài lòng thương xót của Thiên Chúa “đã trở nên sống động, hữu hình và đạt đến tột đỉnh”[21]; kế đến, họ cần được giúp đỡ để chạm đến Đức Giêsu, đúng hơn, được Ngài chạm đến hay “đưa mắt nhìn và đem lòng yêu mến” (Mc 10,21); họ cần được nâng đỡ để có thể đón nhận và thực thi lời Chúa dạy, nhờ đó có được kinh nghiệm về sự linh nghiệm của Lời Chúa và tuyên xưng như Thánh Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời”(Ga 6,68).

Biết gắn bó với Giáo hội

Người trẻ có nhu cầu khẳng định bản ngã của mình trong một cộng đoàn thích hợp cho sự phát triển chiều kích liên đới gắn liền với bản tính con người. Họ cũng “không thể xây dựng đức tin bằng cuộc đối thoại riêng tư với Đức Giêsu, bởi đức tin được Thiên Chúa ban cho họ qua một cộng đoàn tín hữu là Giáo hội và dẫn họ vào đám đông tín hữu, vào một thứ hiệp thông không chỉ mang tính xã hội, mà đâm rễ sâu trong tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa”[22]. Đức tin của Giáo hội “đi trước, sinh ra, nâng đỡ và dưỡng nuôi đức tin”[23] của các tín hữu. Vì thế, người trẻ cần gắn bó với cộng đoàn Giáo hội.

Vấn đề đặt ra là cộng đoàn Giáo hội có tạo môi trường tiếp nhận người trẻ và tạo cơ hội cho họ tích cực tham gia và dấn thân vào các sinh hoạt của Giáo hội hay không? Mỗi cộng đoàn được mời gọi duyệt xét xem người trẻ có cảm thấy cộng đoàn ấy là của mình không? Người trẻ chỉ cảm thấy thuộc về Giáo hội khi được nâng đỡ bởi “một định chế tỏa sáng nhờ gương sáng, kiến thức, tinh thần đồng trách nhiệm, khả năng duy trì và phát triển bản sắc văn hóa của mình ... một Giáo hội biết chia sẻ hoàn cảnh cuộc sống trong ánh sáng Tin Mừng hơn là ban cho những bài giảng... một Giáo hội thân thiện và gần gũi... một gia đình, nơi họ cảm thấy được chào đón, lắng nghe, trân quí và hòa nhập”[24].

Biết phân định và chọn đúng ý Chúa

“Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu tạo ra kinh nghiệm thay đổi cuộc sống, bằng cách hướng cuộc sống theo lối đối thoại và trách nhiệm. Khi lớn lên, người trẻ nhận ra rằng đời sống lớn hơn họ và họ không kiểm soát được mọi sự trong cuộc sống của họ; rằng họ có thế nào là nhờ sự quan tâm chăm sóc nhận được từ những người khác, trước hết là cha mẹ. Họ xác tín rằng muốn sống tốt thời phải nhận trách nhiệm về người khác bằng cách lặp lại các thái độ chăm sóc và phục vụ từng giúp họ lớn lên. Trên hết, người trẻ được mời gọi xin ơn phân định, vốn không phải là kỹ năng mà ta có thể phát triển bằng sức riêng, nhưng trước hết là một ơn mà chúng ta phải tiếp nhận, thực hành cách cẩn thận và khôn ngoan để ơn huệ ấy được lớn lên. Và người trẻ, đã nhận được ơn phân định và biết cách làm cho nó sinh hoa trái, là phúc lành cho những người trẻ khác và cho mọi người”[25]. Vì thế, người trẻ cần được Giáo hội đồng hành trên hành trình đức tin và nâng đỡ trong việc phân định cũng như thực hiện những chọn lựa căn bản trong đời sống.

Đồng hành là bước đi với (walking with) người trẻ trên hành trình này và hướng dẫn họ hành động trong những tình huống bất định cũng như khi gặp phải những xung đột nội tâm, nghĩa là giúp họ phân định (discerment). Có những hình thức phân định khác nhau như việc đọc các dấu chỉ thời đại để nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí trong lịch sử, việc phân biệt giữa cái tốt và cái xấu, việc nhận ra các cám dỗ để từ khước và tiến lên trên con đường hoàn thiện, việc chọn lựa bậc sống... Trong thông điệp Niềm vui Tin Mừng, Đức Giáo hoàng Phanxicô dùng ba động từ để mô tả việc phân định, đó là nhìn nhận, giải thích và chọn lựa[26]. Nhìn nhận (recognizing) tập trung vào việc lắng nghe những gì đang diễn ra trong đời sống, bên ngoài cũng như bên trong con người. Giải thích (interpreting) là duyệt xét kinh nghiệm dưới ánh sáng của lý trí cũng như của Lời Chúa, để nhận ra những gì Thần Khí khơi dậy trong lòng và mời gọi ta thực hiện. Chọn lựa(choosing) là lấy quyết định trong tinh thần tự do và trách nhiệm; tự do khỏi những xung lực mù quáng bên trong cũng như những áp lực từ bên ngoài, trách nhiệm khi chuyển sự chọn lựa thành hành động cụ thể[27].

Biết dấn thân và dám lội ngược dòng

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong sứ điệp nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2003, nhắn nhủ các bạn trẻ: “Giờ đây, hơn bao giờ hết, các con cần thiết trở thành “những tuần canh của rạng đông”, những ngôi sao loan báo ánh bình minh và mùa xuân mới của Tin Mừng, một mùa xuân đã ló rạng những mầm mống. Hiện nay nhân loại đang rất cần những chứng tá của người trẻ tự do và can đảm dám đi ngược dòng đời và mạnh mẽ nhiệt thành công bố niềm tin của mình”[28].

Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong sứ điệp nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2017, mời gọi các bạn trẻ: “Thiên Chúa cũng đang nhìn và kêu gọi các bạn, và khi làm như thế, Chúa thấy trọn tình yêu mà các bạn có khả năng cống hiến. Như thiếu nữ thành Nazareth, các bạn cũng có thể cải tiến thế giới, để lại một dấu vết trong lịch sử các bạn và nhiều người khác. Giáo hội và xã hội đang cần các bạn. Với lối tiếp cận, với lòng can đảm, ước mơ và lý tưởng của các bạn, những bức tường im lìm bất động sụp đổ và mở ra những con đường dẫn chúng ta đến một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, bớt tàn ác và nhân bản hơn.”[29]

Thật vậy, sống đạo trong thế giới tục hóa và hưởng thụ hôm nay, người trẻ phải can đảm lội ngược dòng. Dám sống thật, họ phải chấp nhận thiệt thân. Dám sống trong sạch, họ phải chấp nhận bị coi là lạc hậu. Dám đi nhà thờ, dự lễ, hát lễ, dạy giáo lý..., họ phải chấp nhận bị chê là mê tín. Do đó, người trẻ cần được nâng đỡ, với lòng yêu mến và sự tin tưởng, để “nhận ra ân huệ cao quý được làm con Chúa, niềm vui là tạo thành mới trong Đức Kitô”[30] và có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Giêsu Kitô và được kết hiệp với Người (Pl 3,8-9). Chỉ khi có được nhận thức và tâm tình ấy, người trẻ mới có khả năng biến đổi thách đố thành cơ hội để lớn lên trong đức tin, để chọn Chúa trước muôn vàn sự chọn lựa khác.

Tạm kết

Nhìn vào người trẻ Việt Nam hôm nay, chắc hẳn nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng cho tương lai của xã hội và Giáo hội. Trước sự biến đổi nhanh chóng của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, người trẻ bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa tương đối và thực dụng, tục hóa và vô thần, khiến họ nghi ngờ và xa rời các giá trị tâm linh, thờ ơ và lãnh đạm với văn hóa và đạo đức truyền thống của cha ông, không còn thấy đâu là chân lý đích thực dẫn dắt cuộc đời mình. Có thể nói, đây là thời kỳ mà người trẻ phải đối diện với cơn khủng hoảng trầm trọng về đức tin.

Thật vậy, sứ mạng giáo dục nói chung và cách riêng giáo dục đức tin cho giới trẻ hôm nay đặt Giáo hội và các nhà giáo dục trước một thách đố lớn lao. Cũng là việc giáo dục đức tin cho người trẻ, nhưng cách đây vài thập niên có lẽ vấn đề không mấy khó khăn như hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu của người trẻ trong thời hiện đại, những nhà giáo dục cần phải hòa nhập vào cuộc sống của họ để thấu hiểu những thao thức cũng như những khó khăn mà họ đang gặp phải, và đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với tâm thức của họ. Có như thế, người trẻ mới đủ tin tưởng để đến gần, lắng nghe và chấp nhận những gì mà các nhà giáo dục truyền đạt cho họ.

Riêng đối với những nhà giáo dục Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, qua Đấng Sáng lập dòng, Thiên Chúa đã ban cho chị em sứ mạng cao quý là giáo dục giới trẻ theo tinh thần Kitô giáo. Ý thức điều đó, chị em luôn “xem bổn phận mình làm trọng lắm”[31]. Văn kiện Hội Nghị Dòng lần thứ 19 đã mời gọi chị em: “Hãy để cho mình bị chất vấn vì đã hơn hai ngàn năm Đức Kitô đến trần gian mà Tin Mừng của Ngài vẫn còn xa lạ đối với nhiều người và nhiều nơi trên thế giới”[32]. Nhìn vào thực trạng đời sống đức tin của người trẻ hôm nay, chị em được thúc đẩy dấn thân hăng say hơn, chấp nhận tiêu hao sức lực và tài năng vì phần rỗi của giới trẻ. Với tất cả lòng yêu mến Hội dòng và người trẻ, chị em sẽ dùng mọi phương tiện và khả năng của mình để giúp người trẻ lớn lên trong ân nghĩa đối với Chúa cũng như đối với mọi người, trở nên một Kitô hữu trưởng thành, tích cực dấn thân xây dựng Giáo hội và xã hội như Chúa mong ước và như mọi người mong đợi.

Nt. M. Ter Minh Nguyện, FMI


[1] Đức Cha Eugène Marie Joseph Alys (Lý) sinh ngày 12. 02. 1852 tại Pháp. Sau khi chịu chức linh mục vào ngày 10.10.1875, ngài đến truyền giáo tại Việt Nam khi mới 23 tuổi.  Năm 1908, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo phận Huế. Năm 1931, ngài nghỉ hưu do mù lòa và qua đời năm 1936.

[2] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Tiểu sử hai Đấng Sáng Lập, tr. 10-11.

[3] Đức Cha Alexandre Paul Marie Chabanon (Giáo), Đấng Đồng Sáng lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, sinh ngày 07.07.1873 tại Pháp. Thụ phong linh mục ngày 28.05.1896, hai tháng sau ngày chịu chức, đến Giáo Phận Huế - Việt Nam để truyền giáo. Năm 1930, ngài được tấn phong làm Giám mục phó với quyền thừa kế Đức Cha Lý; năm 1931, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Huế. Ngài qua đời năm 1936, trên đường trở về Pháp chữa bệnh.

[4] Tòa Giám mục Huế chuyển về Phủ Cam năm 1909.

[5] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Nghị định thiết lập, Luật Sống 1997, tr. 7.

[6] Luật tiên khởi của Hội dòng do Đức Cha Alexandre Paul Marie Chabanon (Giáo) viết.

[7] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật tiên khởi, I.3, tr. 2.

[8] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật sống 1997, điều 92.

[9] Cha Chabanon (Giáo) lúc này đang làm Giám đốc Đại Chủng Viện Xuân Bích.

[10] Lược sử Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, tr. 22.

[11] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Nghị Định Thiết Lập, Luật Sống,  tr. 7.

[12] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật Tiên Khởi, tr. 2.

[13] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật Tiên Khởi. tr. 65.

[14] Nguyễn Văn Việt, Hồng Ân Huấn Giáo - Giáo Dục Nhân Bản, Nxb Tôn giáo, 2002, tr. 5.

[15] Morgan Scott  Peck, Nhà tâm thần học Hoa Kỳ, sinh tại New York, xuất thân từ đại học Harvard, Colombia, trích lại trong Nội San Thần Học, số 57, tr. 61.

[16] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Văn kiện Hội Nghị Dòng lần thứ 19, tr. 62.

[17] Vatican II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô Giáo, số 8.

[18] ĐGH. Bênêdictô XVI,Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, phần dẫn nhập.

[19] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm,Luật Tiên Khởi, tr. 65.

[20] ĐGH. Bênêdictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, phần dẫn nhập.

[21]ĐGH. Phanxicô, Tông sắc Dung mạo lòng thương xót, s.1.

[22]ĐGH Bênêđictô XVI,Huấn dụ về hai chiều kích của đức tin, buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô, ngày 31/10/2012.

[23] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, s. 181.

[24] Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ 2018, Tài liệu làm việc, s. 67-68.

[25] Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ 2018, Tài liệu làm việc, s. 82-83.

[26] ĐGH. Phanxicô, Tông huấnNiềm vui Tin Mừng, s. 51.

[27] x. Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ 2018, Tài liệu làm việc, s. 112-115.

[28]Đỗ Mạnh Hùng,Đào tạo tri thức và tâm linh, 2004, tr. 129.                                                                                 

[30] Nguyễn Đức Thông, Thần học luân lý căn bản, 2012, tr. 108.

[31] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật Tiên Khởi, tr. 65.

[32] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Văn kiện Hội Nghị Dòng lần thứ 19, 2013, tr. 60.