Đức Cha Allys, con người cầu nguyện

Và tôi tự hỏi: “Bởi đâu mà Cha sống đẹp lòng Chúa đến vậy”?


Cuộc đời của tôi đã kinh qua biết bao người Thầy. Có người dạy cho tôi trường đời, trường đạo, có người dạy cho tôi kiến thức, dạy tôi làm người…Nhưng người Thầy sống giữa thể kỉ 20 tôi chưa từng giáp mặt lại là tấm gương sáng và để lại cho tôi bao kinh nghiệm sống với Chúa, với tha nhân, người Thầy đặc biệt tôi muốn nhắc đến hôm nay đó là Đức Cha Allys. Qua những trang sử của Hội Dòng, tôi được biết đến Cha với nhiều điểm son đặc biệt. 61 năm Cha đặt chân đến mảnh đất Annam, Cha chu toàn sứ mạng thừa sai của mình và sức mạnh giúp Cha gặt hái được nhiều kết quả trong vai trò mục tử là đời sống cầu nguyện.

Nhắc đến người Thầy Allys trong thời đại hôm nay thì thật xa lạ, nhưng đối với Giáo phận Huế, Dòng Thánh Tâm và đặc biệt biệt là Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm lại là một người Thầy sát cánh, gần gũi và không thể thiếu lòng biết ơn đối với Ngài. Tình yêu của Đức Cha được thể hiện ngang qua cả cuộc đời của Ngài, qua những thăng trầm Ngài đã trải qua trên hành trình sứ vụ và rõ nhất là tình yêu mục tử Ngài dành cho đoàn chiên: “Tôi yêu thương mọi người” (1Cr 16,24). Đức Cha thấm nhuần tinh thần Tin Mừng của Đức Ki-tô và với tinh thần ấy, Cha đã sống hết mình cho đời chứng tá bằng sự hiện diện sống động của mình giữa đoàn con cái.

Khi được học, được tìm hiểu, được nghe kể từ quý chị lớn, tôi cũng có những cảm nghiệm đặc biệt về Đức Cha. Và tôi tự hỏi: “Bởi đâu mà Cha sống đẹp lòng Chúa đến vậy”?

Như những đứa trẻ Công Giáo khác, từ tấm bé, Đức Cha đã được gieo mầm đức tin bởi bố mẹ, có lẽ Ngài cũng phải học kinh, học bổn, học cầu nguyện từ ông bà, thầy cô, bạn bè…Những lời nguyện đơn sơ giản dị, bặp bẹ nói chuyện với Thiên Chúa cứ được gieo vào lòng và lớn dần khiến cậu bé Allys mỗi ngày thêm yêu thích đời sống cầu nguyện hơn. Khi lớn lên, để có thể đối diện với những thử thách hay chọn cho mình bậc sống phù hợp thì Ngài cũng phải liên lỉ kết hợp với Chúa và tìm thánh ý Chúa. Giữa bao cám dỗ của cuộc sống, Cha là người trẻ dám can đảm chọn lựa ơn gọi linh mục dù biết trước đời sống tu là đời sống lội ngược dòng. Với lòng khao khát thật của mình, Cha đã chọn và dấn thân cho đời sống theo Chúa. Lòng can đảm đích thực là đáp lại tiếng nói bên trong, tiếng nói của Thần Khí Thiên Chúa khi Cha biết thưa với Chúa ước nguyện của mình.

Khi được mời gọi ra đi truyền giáo, Đức Cha cầu nguyện để có thể ra đi dấn thân cho sứ mạng truyền giáo. Đây có lẽ là thách đố lớn cho người trẻ 23 tuổi khi đưa ra quyết định lớn lao này. Là một nhà truyền giáo thừa sai Hải Ngoại Paris, sau những ngày suy nghĩ và cầu nguyện Cha quyết định đến ngôi nhà mới, đến với mảnh đất mang tên của sự lạc hậu và chiến tranh. Dù biết trước những khó khăn đang đón đợi mình nhưng lên đường ra đi theo tiếng gọi của thầy Giê-su, đem Tin Mừng đến vùng ngoại biên. Chính sự kết hợp liên lỉ với Chúa mà Cha có sức mạnh nội tâm, sức mạnh của lòng kiên trì và can đảm để mang Chúa đến khắp nơi trên dãy đất hình chữ S, đặc biệt là vùng Bình Trị Thiên này.

Sứ vụ nơi mảnh đất khai mở này đầy khó khăn, Cha lại cầu nguyện xin ơn Chúa Ba Ngôi soi dẫn cho việc mục vụ tại mảnh đất lạc hậu, lạ lẫm, nghèo nàn. Bên cạnh đó, địa phận Huế đang đối diện với chiến tranh và việc bắt đạo diễn ra khắp nơi, nhiều người chưa biết Chúa. Đức Cha thao thức, lo lắng cho đoàn chiên của mình, Ngài cùng song hành với dân và không bỏ dân một mình. Tôi nghe kể lại, tại giáo xứ Dương Sơn khi chiến tranh đổ bộ, nguy hiểm bủa vây, không biết sống chết lúc nào, Đức Giám Mục Huế nghe tin liền cho người mời Cha về chính tòa Phủ Cam tránh nạn nhưng Ngài không chịu về, chỉ khăng khăng muốn sống chết cùng đoàn chiên của mình. Đúng là một người mục tử đầy lòng quả cảm và là người có Chúa thật sự.

Đức Cha cầu nguyện trước những thách đố, khốn khổ mà ngài gặp hằng ngày. Chính Ngài đã thốt lên: “Chịu cho vui lòng những sự khó thường ngày thường gặp”. Đây là câu nói tôi tâm đắc và tôi cũng đang tập sống mỗi ngày. Những ưu tư và những kinh nghiệm với Chúa thật sâu nên Cha đã muốn cùng vác đỡ thập giá với Giê-su, muốn hòa chung lý tưởng với Chúa Giê-su. Ngài tương giao thân mật trong mọi hoàn cảnh với người bạn Giê-su của Ngài.

Ngoài ra, Đức Cha thao thức cầu nguyện cho lớp trẻ được giáo dục theo tinh thần Kitô giáo và được học hành đến nơi đến chốn giữa xã hội lạc hậu và thiếu thốn này. Nhờ có đời sống cầu nguyện Cha được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn để lập hai Hội dòng phục vụ cho sứ mạng mà chính Chúa muốn Ngài thực hiện.

Sống trong ân sủng, tình yêu và bình an của Chúa, cuộc sống của Ngài được thể hiện rõ trong sự tiếp đón mọi người khi lui đến bên Ngài. Nhưng người ngoại đạo còn đặt cho Ngài là “Ông tiên bên đạo”, “Vị Giám mục mỉm cười”. Cánh cửa nhà không bao giờ khép lại cho mọi hạng người... Dù cuộc việc chồng chất nhưng Cha tôi vẫn ưu tiên tiếp đón anh chị em để thấu hiểu những nhu cầu và làm mới tinh thần cho họ trong những khó khăn của cuộc sống.

Những năm tháng nghỉ hưu, mắt đã bị mù, Đức Cha vẫn dành nhiều thời gian trong ngày hiện diện trước Thánh Thể để “cầu nguyện” và sẵn sàng “chịu đau khổ” như ngài hằng tâm niệm: “Cầu nguyện và chịu đau khổ, đó là điều quan trọng. Quả thật, Đức Cha rất yêu mến và gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, ngay cả vào những ngày sau hết của mình, tức là gần kề với cái chết. Niềm vui của chúng ta cũng bắt chước Ngài rằng: Mỗi người chúng ta gặp gỡ Đức Giêsu Kitô – Đấng đã nhìn đến chúng ta với sự yêu thương và đã gọi chúng ta bằng chính tên của mình.”

Cầu nguyện là hơi thở, sức sống. nhờ có đời sống cầu nguyện mật thiết với Thiên Chúa mà Đức Cha đã sống một cuộc đời tròn đầy, viên mãn trong Đức Kitô để lại tấm gương sáng cho đoàn con noi theo. Cha tôi, con người nội tâm, Ngài yêu mến và trung thành với đời sống cầu nguyện, bí tích Thánh Thể. Dù thời gian hưu trí mù lòa, ngài thường ở trong nhà thờ suốt buổi chiều để cầu nguyện và chầu Thánh Thể. Ngài yêu mến và tin tưởng vào hoạt động của Chúa Thánh Thần. Ngài say mê Đức mẹ, trên tay luôn mân mê tràng chuỗi trên tay.

Tập sinh, FMI