Người nghèo sống giữa những người nghèo
Còn biết bao cái nghèo khác không thể gọi bằng tên. Dù nghèo nhưng mà vẫn vui.
Miền đất Tây Nguyên chào đón tôi bằng một cơn mưa của đầu tháng 8. Con đường từ bến xe trở về cộng đoàn hãy còn mới lạ đối với tôi. Trời còn nhá nhem tối cùng với cơn mưa đang bắt đầu nặng hạt làm cho bầu trời càng thêm tối tăm hơn. Ngồi trên xe nhìn ra bầu trời ấy, tôi mường tượng đến một miền đất mới, một môi trường mới của tôi bây giờ cũng giống như khoảng không phía trước kia. Tiếng của bác tài xế báo đã đến nhà của cộng đoàn đã kéo tôi ra khỏi dòng suy tư về miền đất mới, về những điều mới lạ đang mở ra cho cuộc sống của tôi những ngày sắp tới.
Điều ấn tượng của tôi khi đặt chân đến cộng đoàn đó là không khí trong lành, mát dịu, vườn rau xanh mướt, muôn hoa khoe sắc…. đứng trước khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên và thời tiết dịu mát cùng với niềm vui của chị em trong cộng đoàn, tâm hồn tôi cũng reo vui. Từ những điều mới lạ, những bỡ ngỡ của bước đầu khi mới đặt chân lên miền truyền giáo này, tôi cũng bắt đầu quen dần. Tôi bắt tay vào công việc phục vụ tại cộng đoàn cũng như nhận sứ vụ dạy giáo lý tại làng Blang, thuộc giáo xứ Plơi Jut.
Khi được sai đến với anh chị em sắc tộc Jarai, tôi cũng có chút băn khoăn bởi vì không biết ngôn ngữ, chưa làm quen với văn hóa, phong tục tập quán của họ, liệu tôi có thể đến và làm việc được với họ hay không? Tôi có giúp được gì cho họ trong khi tôi chưa biết gì về họ?
Mới ngày nào còn bỡ ngỡ với biết bao điều mới lạ nơi miền đất này, vậy mà một niên khóa cũng đã dần khép lại. Gần một năm tôi được biết đến người sắc tộc Jarai qua việc dạy giáo lý, tham dự thánh lễ cùng họ và thăm viếng các gia đình. Gẫm lại chặng đường đã đi qua, tôi chợt nhận ra bản thân mình là một người nghèo đang sống giữa những người nghèo.
Cái nghèo của tôi khi đến với anh em sắc tộc Jarai đó là nghèo về ngôn ngữ: chưa một lần biết đến tiếng Jarai nên khi đến với họ tôi thấy mình như lạc vào một thế giới xa lạ. Mặc dù họ vẫn dùng tiếng Kinh nhưng trong phụng vụ thánh lễ, trong các giờ kinh, chia sẻ Lời Chúa, giáo trình dạy giáo lý cũng sử dụng tiếng Jarai phần nhiều; hay cả trong giao tiếp với nhau họ đều sử dụng ngôn ngữ của sắc tộc họ. Do đó, tôi trở nên nghèo ngôn ngữ. Tôi muốn nói với họ chính ngôn ngữ của họ, muốn giải thích cho các em hiểu bài giáo lý bằng tiếng Jarai, giải thích Kinh Thánh dựa trên bản văn tiếng Jarai nhưng lực bất tòng tâm. Tôi thấy mình thật sự nghèo.
Cái nghèo thứ hai đó là tôi chưa hiểu về con người của họ, chưa hiểu về phong tục tập quán, văn hóa của sắc tộc họ. Cái nghèo này cũng là một cản trở đối với tôi trong việc dạy giáo lý, trong việc gặp gỡ và làm việc chung với các anh chị giáo lý viên.
Cái nghèo thứ 3 đó là sự kiên nhẫn và tinh thần ham học hỏi ngôn ngữ của Jarai. Tôi muốn nói tiếng của họ, muốn nghe, hiểu và trò chuyện với họ bằng ngôn ngữ của chính họ nhưng tôi không đủ kiên nhẫn để học thêm một ngôn ngữ mới.
Đối với người sắc tộc Jarai, nhất là với nơi mà tôi được sai đến họ cũng có những cái gọi là nghèo. Cái nghèo thứ nhất đó là nghèo về vật chất, nghèo phương pháp làm giàu. Vào thăm một chị bán bún: chị chia sẻ: ngại lắm! muốn bán hàng như người Kinh mà cứ thấy xấu hổ. Mấy ngày đầu mở quán thấy ai đến ăn bún cũng ngại, bây giờ đỡ ngại hơn rồi. Mỗi tô bún chỉ bán với giá 10k nhưng lại thấy làm vui, như vậy là đã đủ rồi. Có lẽ đối với họ cuộc sống đơn giản vậy, có cái ăn là được, không cần đến việc phải cố làm giàu, làm cho thật nhiều tiền, xây nhà cho thật rộng lớn như người Kinh. Cũng có khi thấy họ nghèo nhưng thật ra họ đang giàu theo cách nhìn của họ.
Cái nghèo tiếp theo đó là các anh chị giáo lý viên thiếu nền tảng kiến thức giáo lý, Kinh Thánh, phương pháp giảng dạy. Họ có lòng với giáo xứ, với các em giáo lý sinh nhưng lại không có điều kiện để được học hỏi, tập huấn các kiến thức, kỹ năng. Thấy đó nhưng cũng chẳng thể làm được gì nhiều cho họ bởi có nhiều yếu tố làm cản trở. Chính vì sự thiếu thốn đó đôi khi cũng làm cho họ trở nên mặc cảm tự ti, ngại phát biểu và đưa ra ý kiến của mình qua các cuộc hội họp.
Cái nghèo nữa đến từ các em giáo lý sinh, các em nói ngôn ngữ Jarai, đọc kinh và nghe Kinh Thánh bằng tiếng bản xứ của họ nhưng lại không viết được, hoặc không hiểu nghĩa. Chính vì vậy mà việc tiếp nhận kiến thức giáo lý cũng rất mơ hồ, thiếu nền tảng. Các em cũng ít có được học về các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, học về các đức tính nhân bản… Trong lớp giáo lý câu nói “con không biết” dường như là câu nói cửa miệng của các em. Nghe mãi câu nói ấy đôi khi thấy buồn nhưng cũng vừa thương vì đó không phải là lỗi của các em. Thao thức và ước muốn làm gì đó cho các em nhưng cũng chẳng làm được bao nhiêu khi thời gian mỗi tuần vỏn vẹn trong hơn một giờ đồng hồ.
Còn biết bao cái nghèo khác không thể gọi bằng tên. Dù nghèo nhưng mà vẫn vui. Họ nghèo, tôi cũng nghèo, vì cả hai đều nghèo nên cũng dễ chấp nhận nhau, dễ gần nhau. Thế nhưng, chắc cũng chẳng có ai thích ở mãi trong cái nghèo. Tôi cũng vậy, muốn thoát ra khỏi cái nghèo ấy và cũng mong muốn giúp cho những người bạn nghèo của mình bớt nghèo hơn nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Một niên khóa trôi qua thật nhanh, những mong ước, những thao thức cho miền đất Jarai, cho các giáo lý viên, cho các em giáo lý sinh…vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Lại một lần nữa nuôi dưỡng mong ước cho các giáo lý viên được đào tạo, được trang bị kiến thức giáo lý, Kinh Thánh, kỹ năng để giáo dục các em; thao thức cho các giáo lý sinh được dạy dỗ đến nơi đến chốn, có nền tảng giáo lý vững chắc, có kỹ năng để giao tiếp, để sống tự tin, mạnh mẽ và nhất là đẩy lùi được nạn tảo hôn, có con khi còn tuổi học sinh. Ước mong cũng sẽ mãi là ước mong nếu tôi không bắt tay vào làm. Thiết nghĩ nếu tôi và các bạn của tôi cùng cố gắng nổ lực thì chắc chắn một ngày nào đó chúng tôi cũng sẽ thoát được cái nghèo này.
Nt. M. Ter Minh Nguyện, FMI