Làm chủ chính mình
Thực tế cho thấy nếu một người muốn làm chủ những điều lớn lao, làm chủ người khác thì trước hết biết làm chủ chính mình.
Từ ý tưởng huấn đức của Chị Tổng Phụ trách: khuôn mặt của tôi - tôi làm chủ; lời nói của tôi - tôi làm chủ; thái độ của tôi - tôi làm chủ. Suy đi gẫm lại điều này tôi nhận thấy nhiều khi mình cũng ngộ ghê.
Khuôn mặt là của tôi, lời nói là của tôi, thái độ cũng là của tôi. Tôi là chủ của nó nhưng tại sao lại không quản lý được nó. Những điều nhỏ nhặt nằm trong tầm tay ấy vậy mà tôi không quản lý được thì làm sao tôi có thể quản lý được những thứ lớn lao hơn.
Nhiều khi tôi lấy đủ lý do để biện minh cho những biểu hiện khó ưa, khó chịu trên khuôn mặt của mình, cho những lời nói thiếu bác ái, thiếu cẩn trọng, cẩn mật, với những thái độ thiếu khiêm tốn, thiếu tôn trọng…người khác nhưng tôi lại chưa dám nhìn nhận rằng tôi chưa làm chủ được chính mình, chưa quản lý tốt những hành vi, lời nói và thái độ từ trong con người của tôi. Thực tế cho thấy nếu một người muốn làm chủ những điều lớn lao, làm chủ người khác thì trước hết biết làm chủ chính mình.
Làm chủ chính mình tức là làm chủ toàn bộ mọi suy nghĩ, cử chỉ, hành động từ lời nói, thái độ và cả những biểu hiện trên khuôn mặt. Đó là những gì thuộc quyền sở hữu của tôi nên không thể nói là tôi không làm được.
Để là chủ được khuôn mặt của mình trước những biểu hiện khó ưa thì tôi phải tập sống cuộc sống đơn giản, vui tươi, lạc quan, thường xuyên mỉm cười, mát xa mặt nhiều lần trong ngày, chăm sóc sức khỏe thể xác và tinh thần vì không thể có một khuôn mặt tười vui khi thể xác hoặc tinh thần mệt mỏi.
Để làm chủ lời nói của mình, tôi cần nhớ điều cha ông dạy “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” nghĩa là phải biết suy nghĩ kỹ trước khi nói, không hấp tấp vội vàng sẽ dẫn đến việc nói sai, nói quá, nói nhiều… ngoài ra cần tập nói những lời yêu thương, những lời nói tích cực, những lời khích lệ người khác. Nhờ tập luyện và thường xuyên nói những lời tích cực thì chắc chắn sẽ tự loại bỏ được những điều không nên nói.
Để tập làm chủ thái độ của mình, tôi cần tập luyện đức tính điềm tĩnh, khiêm tốn và lòng trắc ẩn để cho dù khi đối diện với hoàn cảnh nào tôi cũng có thể đủ bình tĩnh để có những thái độ phù hợp cho từng cảnh huống. Xây dựng các mối tương quan hài hòa, lành mạnh bởi vì những yếu tố như đố kỵ, ghen ghét, tranh chấp hơn thua… sẽ làm cho con người ta dễ khó chịu, cáu gắt, hận thù và chắc chắn cũng sẽ dễ dàng tỏ ra những thái độ không tốt.
Hãy làm chủ chính mình, không phải tất cả những gì thuộc quyền sở hữu của tôi thì tôi có thể dễ dàng quản lý, dễ dàng điều khiển được nó. Nếu tôi không ý thức và không tập luyện hằng ngày thì tôi sẽ khó quản lý được nó. Một khi tôi không quản lý được những điều nhỏ nhặt ấy thì những điều khác tôi cũng sẽ không làm được.
Trong cuộc sống đã có biết bao lần tôi phải hối tiếc vì những lời nói thiếu suy nghĩ, thiếu cẩn trọng của mình, hối tiếc vì có những biểu hiện không mấy thiện cảm trên khuôn mặt; hay đã bao lần tôi có thái độ khinh thường người khác, thái độ thiếu khiêm tốn… nhiều khi chính vì những điều này mà tôi đánh mất đi những mối tương quan tốt đẹp, đánh mất một tình bạn, một niềm tin của ai đó… Nếu tôi không làm chủ được những điều xem ra nhỏ nhặt và bên ngoài như thế thì chắc chắn đối với những điều lớn lao hơn như quản lý cảm xúc, quản lý những ước muốn, lựa chọn, nhất là không thể quản lý được cái tôi ở trong tôi. Hãy tập luyện làm chủ chính mình từ những điều đơn giản nhỏ bé như thế để nó trở thành những phản xạ tự nhiên và cũng nhờ đó sẽ giúp tôi quản lý được những điều lớn lao hơn đó chính là quản lý được con người của tôi, cuộc sống của tôi.
Nt. Maria Têrêxa Nguyện, FMI