Phong cách sư phạm của nhà giáo dục FMI
Chúng ta phải để cho mình được “thay đổi” để biết cách truyền đạt cho người trẻ đang trong thời kỳ “biến đổi”.
Qua sứ mạng Giáo dục của Hội dòng, mỗi chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đều trở thành những nhà sư phạm, là những nữ tư giáo viên. Chúng ta mang trong mình trọng trách lớn lao đó là dẫn đưa người trẻ đi đến chỗ trưởng thành nhất là trưởng thành trong đức tin. Vậy, để hoàn thành nhiệm vụ cao quý này, nhất là trong việc giáo dục đức tin cho người trẻ, chị em chúng ta phải giáo dục người trẻ bằng con đường nào? Đâu là mẫu gương để chúng ta quy chiếu và noi theo?
Khi bàn đến vấn đề giáo dục như hiện nay, chúng ta sẽ thấy vô vàn phương pháp, cách thức giáo dục mà các trường đại học, các công ty giáo dục, các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục kỹ năng sống… đang quảng bá tràn lan trên mạng xã hội. Mỗi đơn vị đều cố gắng đưa ra những phương pháp hay nhằm thu hút sự quan tâm của phụ huynh và học sinh. Còn đối với chúng ta, là những nữ tu giáo dục, ngoài việc phải truyền đạt kiến thức đức tin và văn hóa một cách có hệ thống, có phương pháp sư phạm, chúng ta còn được mời gọi giáo dục bằng đời sống chứng tá của chính mỗi người nữ tu giáo viên và bằng tình yêu thương, sự dịu hiền của một người mẹ, người chị và người bạn. Và đặc biệt, chúng ta còn mang theo phong cách giáo dục của người thầy vĩ đại đó chính là Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Giáo dục bằng đời sống chứng tá
Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân”[1]. Người trẻ hôm nay phải đối diện với lối sống nhập nhằng giữa thật và giả, phải sống trong một xã hội đầy gian dối và lừa lọc, đến độ bị chao đảo và mất niềm tin, bởi ngay cả những người có trách nhiệm giáo dục “cũng không còn đáng tin, khi nhìn vào nếp sống của họ khác xa nhiều so với điều họ giảng dạy”[2]. Do đó, việc giáo dục đức tin cho người trẻ bằng đời sống chứng tá là điều cần thiết trong thời đại hôm nay.
Để có thể giáo dục bằng đời sống chứng tá, nhà giáo dục Con Đức Mẹ Vô Nhiễm được mời gọi “trở nên những chứng nhân sống động của Đức Kitô”[3]. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cuộc sống của chúng ta “phải họa lại cách chính xác và thực hiện liên tục lối sống của Ngài”[4], bằng cách sống triệt để ba lời khuyên Phúc Âm. Hơn nữa, chúng ta còn là những người được Thiên Chúa thánh hiến và đặt để trong một cộng đoàn huynh đệ, cho nên cộng đoàn cũng là một “phương tiện hữu hiệu”[5], một chứng tá sống động, để giáo dục đức tin cho người trẻ. Muốn thế, cộng đoàn phải là nơi chứa chan tình thương, hiệp nhất và bình an; nơi đó, người trẻ trải nghiệm một Giáo hội hiệp thông của các nhân vị, các đặc sủng, các tài năng và ân sủng.
Để người trẻ có được một trải nghiệm như thế, mỗi chị em được mời gọi kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu qua “cầu nguyện và hoán cải không ngừng”[6], khiêm tốn vâng nghe Chúa Thánh Thần hướng dẫn để có thể trở nên một nhà giáo dục chân chính, đồng thời góp phần xây dựng cộng đoàn trở nên chứng tá sống động của Tin Mừng qua đời sống huynh đệ, hiệp nhất, chân thành, vui tươi ...
Ơn gọi của Hội dòng là yêu mến, nền tảng mà Đấng Sáng lập đã nhận lãnh từ Chúa Thánh Thần; đó cũng là con đường để những người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm thực thi sứ mạng “thương giúp người ta phần hồn phần xác”[7]. Xuất phát từ “tình yêu đối với Chúa Kitô bằng trái tim không bị phân chia”[8], chị em được mời gọi mở rộng tâm hồn để yêu thương tất cả mọi người. Vì vậy, khi thi hành sứ mạng của Hội dòng, chị em luôn lấy tình yêu làm động lực căn bản cho việc phục vụ của mình.
Nhiều người trẻ hiện nay, dù được sống trong môi trường có đầy đủ tiện nghi, có khả năng thỏa mãn các nhu cầu vật chất nhưng vẫn thiếu thốn tình thương. Ngay gia đình, nơi mà lẽ ra họ được sống trong bình an và lớn lên trong tình yêu, lại trở nên bấp bênh và bất ổn do sự ly thân hay ly dị của cha mẹ hoặc do sự thiếu vắng thường xuyên của cha mẹ. Trong học đường, thầy cô quan tâm đến thành tích hơn quan tâm đến học sinh của mình. Ngoài xã hội, mỗi ngày có biết bao chuyện thương tâm xảy ra do lối sống ích kỷ, dửng dưng đến vô cảm. Trong bối cảnh ấy, làm thế nào giới thiệu cho người trẻ một Thiên Chúa giàu lòng thương xót? Làm thế nào chữa lành tâm hồn của người trẻ bị tổn thương nặng nề? Chắc hẳn không còn con đường nào khác ngoài con đường yêu thương. Do đó, để giáo dục người trẻ, trước hết và trên hết, chúng ta được mời gọi cho họ tình yêu, “hãy làm cho người trẻ hiểu rằng chúng ta yêu thương họ, rồi họ sẽ chấp nhận điều chúng ta muốn”[9].
“Tình yêu chính là tặng phẩm quý giá nhất mà những người sống đời thánh hiến có thể trao cho giới trẻ ngày nay”, đó là lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắn nhủ các tu sĩ. Là những nhà giáo dục của người trẻ, chúng ta được mời gọi noi gương Đấng Sáng lập và cha Bề trên Tiên khởi luôn lấy tình yêu làm động lực cho hoạt động mục vụ của mình. “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách” (2Cr 5,14), châm ngôn của Đức Cha Chabanon[10], và “Tôi yêu thương mọi người” (1Cr 16, 24), châm ngôn của Đức Cha Allys[11], cũng là châm ngôn mà chúng ta phải tâm niệm hằng ngày, khi thi hành sứ mạng giáo dục giới trẻ, nhờ đó họ được lớn lên trong tình yêu.
Giáo dục theo phong cách sư phạm của Thầy Giêsu
Người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm phải thấm nhuần đường lối sư phạm của Đức Giêsu, người thầy “luôn đi trước, làm trước, để lôi kéo và nêu gương”[12] cho các môn đệ của mình. Đức Giêsu không chỉ giáo dục bằng lời nói và việc làm, mà còn bằng gương sáng về tình yêu đối với Chúa Cha cũng như đối với mọi người; qua đó, Ngài tỏ cho các môn đệ biết Chúa Cha yêu thương mọi người và mời gọi mọi người bước vào hành trình yêu thương. Ngài còn là “mẫu gương của sự vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, để chu toàn thánh ý Chúa Cha và đem lại cho mọi người ơn tha thứ, qua đó, Ngài dạy con người bài học vâng phục trong đức tin”[13].
Để lời giảng dạy thực sự là con đường dẫn người trẻ đến sự thật và sự sống dồi dào như Đức Giêsu, chúng ta phải suy niệm và thấm nhuần Lời Chúa, đồng thời để cho Lời Chúa “huấn luyện”[14] và “uốn nắn”[15]. Để việc làm trở nên gương sáng về tình yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với mọi người, chúng ta phải tự nguyện hiến dâng cuộc đời mình để thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện và Danh Người được hiển sáng nơi những người trẻ mà chúng ta có trách nhiệm hướng dẫn.
Giáo dục theo phong cách sư phạm của Mẹ Maria
Người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm còn giáo dục đức tin theo sư phạm của Đức Maria. Đức Maria đã cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và dạy dỗ Đức Giêsu “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40). Mẹ giáo dục các tín hữu bằng chính kinh nghiệm đức tin của mình: bằng lời xin vâng đầy tín thác trước lời mời gọi của Thiên Chúa (Lc 1,38), bằng cuộc viếng thăm và phục vụ người chị em (Lc 1,39-56), bằng việc “suy đi nghĩ lại trong lòng” những kỳ công Chúa đã làm trước mặt muôn dân (x. Lc 2, 19), bằng sự quan tâm đến nhu cầu của người khác và chuyển cầu cho họ; đồng thời gặp gỡ, động viên và mời gọi họ mở lòng đón nhận cùng thực thi Lời Chúa dạy (x. Ga 2, 1-12), bằng việc đồng hành với Đức Giêsu trên hành trình rao giảng và trong cuộc thương khó của Người (Mc 3, 31-35; Mt 27,56; Ga 19,25) cũng như đồng hành với các Tông Đồ trong cầu nguyện và trên hành trình thực thi sứ vụ của các ngài (Cv 1, 12-14). Mẹ thực sự là một nhà giáo dục đức tin lỗi lạc và tài ba.
Trong lãnh vực giáo dục đức tin, người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm học với Mẹ để trở nên “nữ tỳ phục vụ khiêm tốn, lanh lẹ; một người chị biết lắng nghe, thông cảm, khuyên lơn; một người mẹ yêu thương, nuôi dưỡng, chở che”[16]. Mỗi ngày chúng ta được mời gọi không ngừng chiêm ngắm Mẹ, học hỏi các nhân đức của Mẹ và nhờ Mẹ dạy bảo để trở nên nhà giáo dục lý tưởng cho giới trẻ. Người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm còn học với Mẹ để trở nên người đồng hành hữu hiệu và đáng tin cậy của người trẻ trong hành trình ơn gọi của họ, hành trình ra khỏi bản thân để vươn tới niềm vui trọn vẹn của tình yêu, bằng cách giúp họ “tiếp cận thực tại có phê phán khởi đi từ viễn tượng Kitô giáo và việc lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa... giải thích các thực tại xã hội mà họ phải đối diện, để nhận ra các dấu chỉ thời đại mà Chúa Thánh Thần khiến người trẻ và Giáo hội chú ý ... trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong cộng đoàn Giáo hội”[17].
Luật sống điều 111 nhắc nhở chúng ta: “Huấn luyện là nghệ thuật dùng sức mạnh của sự dịu hiền, khiêm tốn, kiên nhẫn và vận dụng đức ái trong chân lý, để giúp những người chị em gặp gỡ, coi sóc được lớn lên…”[18] Noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria, chúng ta ra sức huấn luyện mình, “làm thế nào cho ngôn ngữ, cử chỉ và toàn thể con người của mình nói lên sự bình an, vui tươi và trong sáng của một tâm hồn thực sự khiêm tốn và thuộc về Chúa”[19], để có thể gợi hứng cho lòng tin của người trẻ và cổ vũ cho mối tương quan của họ với Thiên Chúa và Giáo hội.
Là những người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta được nhận lãnh sứ mạng giáo dục qua Đấng Sáng lập Dòng, suốt hơn 100 năm qua dòng chảy của sứ mạng ấy đã và đang tiếp tục được chị em truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Bằng nhiều cách thức tùy vào hoàn cảnh của xã hội và của mỗi vùng miền, chị em đã không ngừng học hỏi, đổi mới, đồng thời tự đào luyện để trở nên một nhà giáo dục đức tin “hoàn hảo trong lời ăn tiếng nói, tác phong sư phạm và nhất là trong cung cách phục vụ”[20]. Chúng ta phải để cho mình được “thay đổi” để biết cách truyền đạt cho người trẻ đang trong thời kỳ “biến đổi”[21]. Trên hết, với truyền thống tốt đẹp của Hội dòng, việc thực thi sứ mạng giáo dục cho giới trẻ phải luôn phát xuất từ một tâm hồn “hiện diện liên lỉ trước mặt Thiên Chúa với lòng yêu mến và đền tạ”[22]. Thiết nghĩ, điều chúng ta cần để làm tốt sứ mạng giáo dục không gì hơn ngoài việc gắn bó với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria, với tinh thần của Đấng Sáng lập dòng và những gì mà quý chị tiền bối đã tích lũy được trong suốt dòng lịch sử của Hội dòng. Hy vọng rằng với sự nỗ lực của từng chị em, sứ mạng giáo dục của Hội dòng ngày càng phát triển, đem lại nhiều giá trị cho con người, cách riêng cho những tâm hồn trẻ mà chúng ta đang cưu mang canh cánh trong lòng.
Nt. M. Ter Nguyện, FMI
[1] ĐGH. Phaolô VI,Thông điệp Evangelii Nuntiandi, số 41.
[2] Nắng tím, Người trẻ còn tin, Nxb tôn giáo, 2014, tr. 13.
[3] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Văn kiện hội nghị dòng lần thứ 19, tr. 62.
[4] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II, Tông huấnĐời sống thánh hiến, số 22.
[5] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật sống 1997, điều 55.
[6] Ibid., điều 96.
[7] Ibid., tr. 2.
[8] Ibid., điều 2.
[9] Học viện Phaolô Nguyễn Văn Bình, Mục vụ giới trẻ, tr. 5.
[10] Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi, câu châm ngôn của Đức cha Chabanon (Giáo).
[11] Tôi yêu thương mọi người, câu châm ngôn của Đức cha Allys (Lý).
[12] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật Sống 1997, điều 110.
[13] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Hướng dẫn việc dạy giáo lý tại Việt Nam 2017, s. 42.
[14] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật Sống 1997, điều 111.
[15] x. Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Tài liệu học tập chuẩn bị hội nghị dòng lần thứ 20, tr. 15.
[16] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật Sống 1997, điều 111.
[17] Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ 2018, Tài liệu làm việc, s. 127-129.
[18] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật Sống 1997, điều 111.
[19] Ibid., điều 29.
[20] Ibid., tr. 62.
[21] ĐGH. Phanxicô, bài nói chuyện với Đại hội của Bộ Giáo dục Công giáo tại Vatican, ngày 13/02/2014.
[22] Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Luật Sống 1997, điều 93.