Chiếc áo dòng không làm nên thầy tu

...sự hiện diện của người tu sĩ với chiếc áo dòng luôn là nghịch lý giữa đời, một cuộc lội ngược dòng giữa một xã hội chú trọng hình thức và sự hưởng thụ...


Từ xa xưa, con người đã biết xem trọng cách ăn mặc và sự cần thiết của trang phục trong đời sống, đặc biệt là đối với người phụ nữ, như trong Thánh vịnh 45 ca tụng:

“Đẹp lộng lẫy này đây công chúa

   Mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng.”

Trang phục không chỉ là một đồ vật bảo vệ, giữ ấm và làm đẹp nhưng còn thể hiện phẩm chất đạo đức, tư cách của mỗi con người, đồng thời để khẳng định vị thế của mình trong cuộc sống. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì trang phục đẹp không thay thế được vẻ đẹp tính nết, tâm hồn, không thể hiện hết nhân cách bên trong của con người, bởi “cái nết đánh chết cái đẹp”. Cũng thế, khi nói về áo dòng và thầy tu, dân gian thường truyền khẩu câu nói: “Chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”. Nhưng, giữa một thực tại thế giới đầy nhiễu nhương này, câu nói ấy có hoàn toàn đúng hay không?

Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng con người trong xã hội ngày nay rất xem trọng “chiếc áo”, cái bề nổi bên ngoài. Có những bộ đồ trang phục của người mẫu ca sĩ, diễn viên trị giá tới hàng triệu đồng, lại có những trang phục thuộc hạng siêu: siêu mỏng, siêu ngắn, siêu màu, siêu xẻ... Bên cạnh đó, giới trẻ lại chạy theo xu hướng Model, Idol, kiểu cách để tạo ấn tượng, gây sự chú ý. Dường như sự lấp lánh, hào nhoáng bên ngoài hấp dẫn, lôi kéo người ta xa rời việc tìm kiếm, chọn lựa những giá trị cao quý cốt lõi bên trong và ngay cả chiếc áo dòng cũng bị tục hóa, ẩn nấp dưới những dạng thức của thời đại. Nhiều năm qua, tại Việt nam, một số người đã tự ý may hoặc làm cách nào đó sở hữu một chiếc áo dòng. Những người đó đã dùng chiếc áo dòng này để đi lừa đảo về tiền bạc rất nhiều người ở một số giáo xứ, giáo phận; trong số nạn nhân bị lừa đảo có cả các linh mục và các dòng tu. Những người này đã lạm dụng “chiếc áo tu” và lòng mộ mến của các giáo dân dành cho các “thầy tu” để kiếm lợi nhuận. Họ như là những “con sói đội lốt chiên” đến để phá rối, trục lợi. Một thực trạng khác nữa đó là những ca sĩ, diễn viên cũng mặc tu phục để diễn văn nghệ, đóng phim…có những người ngụy trang dáng dấp như một tu sĩ, nhưng thực chất họ chỉ là những diễn viên mà thôi. Bởi đó, trong cuộc sống có những con người, những sự việc ta thấy vậy mà không phải vậy, nếu chỉ nhìn và đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài thì rất dễ sai lầm như người xưa đã nhắc nhở: “đừng trông mặt mà bắt hình dong”, còn Chúa Giêsu lại nói về những người Pharisêu: “cứ xem việc họ làm thì biết họ là ai”.

Mặt khác, đời sống tu trì là một ơn gọi nhưng không Thiên Chúa ban, và những người đi tu là để bước theo sát Đức Kitô hơn qua việc khấn giữ Ba Lời Khuyên Phúc Âm: Khiết Tịnh, Nghèo Khó và Vâng Lời. Nghĩa là họ được tuyển lựa, hiến thánh để thuộc trọn về Chúa, họ được kêu mời nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô: sống cho người khác và sống vì người khác. Do đó, người tu sĩ tự bản chất được gọi là tu sĩ qua đời sống khấn dòng và thực hành các Lời Khuyên Phúc Âm, chứ không phải qua việc khoác lên mình chiếc áo dòng. Chẳng hạn như Tập sinh năm II của Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, dù đã mặc áo dài xanh nhưng cũng chưa được gọi là tu sĩ. Thực tế thì phần đông các tu sĩ chỉ mặc áo dòng khi tham dự phụng vụ và các nghi thức hoặc dịp đặc biệt nào đó. Nếu chỉ mặc áo dòng mới là thầy tu, vậy những khi họ mặc thường phục để đi truyền giáo, phục vụ thì lẽ nào họ không còn là tu sĩ sao? Do vậy, dù không mặc áo dòng, người tu sĩ vẫn là tu sĩ. Hơn nữa, trong Giáo luật không bắt buộc các Dòng tu, Tu hội phải có tu phục và mọi tu sĩ không đòi buộc phải mặc áo dòng. Trong thực tế hiện nay có nhiều Dòng tu cả nam lẫn nữ không có tu phục, ví dụ như Dòng Tên, Dòng Đức Bà...nhưng họ vẫn là tu sĩ. Đàng khác, có những tấm áo dòng được sử dụng sai mục đích, làm cho sự thánh thiện của áo dòng trở nên hoen ố vì những ích kỉ, đam mê và danh lợi ở đời. Tấm áo ấy nay dần ngả màu, tinh thần dấn thân, sự hy sinh và tình yêu cũng nhạt dần theo năm tháng. Bởi có những tu sĩ mang trên mình chiếc áo dòng nhưng lại sống phóng đãng, vô kỷ luật và hành xử như người đời. Từ đó, làm mất chứng tá và gây gương mù, gương xấu cho giáo dân. Vậy, khi một người khoác trên mình chiếc áo tu sĩ, chúng ta không thể khẳng định họ là thầy tu được. Chính nhân cách và giá trị bên trong mới làm cho con người ta trở nên cao quý chứ không phải là chiếc áo. Nói cách khác, câu nói “chiếc áo không làm nên thầy tu” là đúng.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên Giáo luật không quy định các Dòng tu phải có tu phục, nhưng lại lại khuyến khích: “Tu sĩ mặc tu phục của hội dòng mình, theo như nguyên tắc và luật lệ, như là dấu chỉ của sự thánh hiến và là nhân chứng của sự nghèo khó”. Vì vậy, câu nói ấy cũng chưa đúng. Trong sắc lệnh Perfectae Caritatis (số 18), Giáo hội một lần nữa chỉ ra rằng “Tu phục là dấu chỉ bên ngoài của sự thánh hiến cho Thiên Chúa”, và nói lên sự từ bỏ cùng lối sống nghèo khó của những người bước theo Đức Kitô trên hành trình dâng hiến. Quả thật, so với các loại thời trang, đặc biệt là giữa một xã hội chú trọng về hình thức và ưa đánh giá con người dựa trên quần áo và tiền bạc hơn là nhân cách, đạo đức bên trong thì chiếc áo dòng rất giản dị, đơn điệu: áo dài màu xám, màu xanh hay áo chùng màu đen, màu nâu…Vì thế, tu phục có tầm quan trọng đối với một hội dòng, cách riêng là với mỗi tu sĩ:

Điều đầu tiên, chúng ta biết rằng Tu phục là dấu chỉ giúp cho người tu sĩ ý thức về sự thánh hiến của mình, nhận biết căn tính họ là ai. Chiếc áo dòng như sự khẳng định chỗ đứng của ta trong lòng Giáo hội và giữa mọi người, nó không làm cho ta có quyền lực hơn, nhưng là thánh thiện hơn, và nhắc nhở ta hãy sống đúng bản chất của một thầy tu. Đó là việc ta từ bỏ ý riêng, từ bỏ những đam mê, những ước mơ hoài bão của tuổi thanh xuân và quyết bước theo Chúa, để tu, để sửa, để được biến đổi. Khi mang áo dòng để phục vụ, đi đây đi đó, thì người tu sĩ cũng ý thức trong lời nói, dè dặt trong hành động và tự chủ trong những ước vọng của bản thân mình hơn, họ “ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”. Hơn nữa, khi mang tu phục để thi hành sứ mạng của Hội dòng, họ cũng ý thức mình đang nhân danh Chúa, thay mặt Hội dòng để phục vụ và vì lợi ích cứu rỗi các linh hồn qua sự thánh thiện của bản thân. Nhờ đó, hương thơm thánh thiện cũng sẽ lan tỏa tới người khác và môi trường mà họ được sai đến phục vụ.

Điều thứ hai, tu phục cũng giúp cho công chúng nhận biết tu sĩ là người thuộc về Thiên Chúa. Từ xưa đến nay, để phân biệt nhóm này với nhóm kia, người ta đã thiết kế các mẫu trang phục đồng phục cho nhóm của mình. Nói rộng hơn trong phạm vi thế giới, mỗi quốc gia cũng có loại quốc phục riêng của mình, ví dụ: người Việt Nam thì bộ áo dài; với người Nhật Bản thì bộ áo Kimono… Ngay tại Việt Nam, mỗi dân tộc cũng có những trang phục rất độc đáo mang bản sắc dân tộc của mình. Trong phạm vi nhỏ của các nhóm xã hội, từ học sinh, sinh viên, công ty, bệnh viện cũng có những đồng phục riêng của họ. Tuy rằng tu phục không giống các đồng phục khác nhưng theo một cách nào đó về bên ngoài, tu phục giúp cho nhiều người, kể cả tu sĩ nhận biết chúng ta thuộc bậc sống nào và nhất là thuộc về Hội dòng nào. Chẳng hạn, nhìn vào chiếc áo dòng và khăn lúp, người ta sẽ biết đó là người tu sĩ công giáo; khác biệt với người tu sĩ phật tử ở chỗ cạo trọc đầu dù họ cũng có tu phục. Tại Giáo phận Huế, khi nhìn vào một tu sĩ với chiếc áo dòng đen và khăn lúp xám, ta có thể phân biệt được nữ tu đó thuộc dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng; mang chiếc áo dài xám, lúp xám là nữ tu Dòng Mến Thánh Giá; mang áo dài xanh lúp xám là nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm…

Nói chung, sự hiện diện của người tu sĩ với chiếc áo dòng luôn là nghịch lý giữa đời, một cuộc lội ngược dòng giữa một xã hội chú trọng hình thức và sự hưởng thụ. Tấm áo dòng cũng không phải là sự ràng buộc của một mối tình đã nhạt dần theo màu của thời gian, nhưng chính nơi người tu sĩ là minh chứng sống động của tình yêu, là hiện thân của Đức Kitô và là dấu chỉ cho sự hạnh phúc viên mãn của Nước Trời. Chiếc áo dòng thực sự trở nên ý nghĩa khi người mang nó biết sống thánh thiện hơn mỗi ngày, biết chọn ý Chúa làm lý tưởng cho đời sống của mình, chết đi cho những gì thuộc về thế gian để dấn bước theo Chúa đến cùng. Ngoài ra, chiếc áo dòng còn là dấu chỉ nhắc tôi cũng như mỗi người tu sĩ luôn ý thức con người hèn mọn, bất xứng của mình, kiên trì rèn luyện nhân cách người tu sĩ để nên chứng tá giữa lòng đại chúng. Đặc biệt, chúng ta hãy biết mặc lấy “chiếc áo Đức Kitô”, để mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Ngài hơn.

Nt. Maria Phùng Phượng, FMI