Đức Cha Allys - Mẫu gương chịu đựng

Đã nhiều lần tôi có cơ hội học hỏi về Đấng Sáng lập Dòng, mỗi lần tôi đều có những cảm xúc và hiểu biết khác nhau.


Đã nhiều lần tôi có cơ hội học hỏi về Đấng Sáng lập Dòng, mỗi lần tôi đều có những cảm xúc và hiểu biết khác nhau. Đó là những tâm tình yêu mến, cảm phục, hãnh diện, lòng thôi thúc truyền giáo, …

Trong dịp học tập bồi dưỡng của cấp Khấn tạm, thêm một lần nữa tôi được học biết và yêu mến Đức Cha hơn qua những chia sẻ của các Giáo sư ngoài Hội dòng. Qua lăng kính của các ngài, tôi thấy được rõ hơn phần nào những thao thức và những việc mà Đức Cha đã làm cho Giáo phận Huế ngay từ những ngày đầu. Giáo hội Việt Nam và cách riêng là Giáo phận Huế mang ơn ngài bởi nhờ ngài mà Giáo phận có một nền tảng vững chắc về đức tin và sự mở rộng về địa lý cũng như con số các tín hữu.

Với bản thân tôi, dưới góc nhìn của một người con trong Hội dòng được Đức Cha Sáng lập, điều mà tôi tâm đắc là những nhân đức của Đức Cha trong đời sống, đặc biệt là sự chịu đựng.

Sự chịu đựng ở đây không mang một ý nghĩa tiêu cực như là sự “cắn răng chịu đựng” hay “nín thở qua cầu” cho xong một việc gì đó nhưng hơn hết là sự chịu đựng vì tình yêu.

Đức Cha đến với vùng truyền giáo Việt Nam khi tuổi đời còn rất trẻ, ngài đón nhận những khó khăn của một đất nước nghèo đói, chiến tranh, lạc hậu, đức tin non trẻ, …Chắc hẳn rằng ngài phải có một tình yêu rất lớn đối với Chúa và các linh hồn để ngài có thể ở lại và cống hiến hết mình cho vùng truyền giáo này. Câu châm ngôn “Tôi yêu mến mọi người” diễn tả hết cả con người và cuộc đời của Đức Cha. “Dù khó khăn như thế nào con cũng đi cho đến cùng” đó là điều mà Đức Cha ước muốn và ngài đã thực hiện ước muốn đó một cách tròn đầy. Đi cho đến cùng, chịu đựng mọi sự chỉ vì một điều duy nhất là yêu mến Chúa và để cứu rỗi các linh hồn.

Danh hiệu “ông tiên bên đạo” hay “vị Giám mục mỉm cười” mà các tín hữu cũng như những người lương dân đặt cho ngài cũng nói lên đức tính chịu đựng của cha. Với lối sống giản dị, hoà đồng ngài đã kêu mời được biết bao nhiêu tâm hồn trở về với Chúa. Tôi rất thích suy gẫm về hình ảnh một người cha già bị mù cả hai mắt, luôn luôn hiện diện trước Chúa dù lúc khoẻ hay mệt và trên khuôn mặt luôn tràn đầy sự bình an. Chỉ cần nhìn thấy hình ảnh của Đức Cha lúc về già là tôi cũng có thể nhìn thấy được cả hành trình cuộc đời của Đức Cha ở đó.

Sự chịu đựng của Đức Cha có sức mạnh liên kết và hiệp nhất mọi người lại với nhau. Một con người luôn mang trong mình tâm thức hoà bình, đối thoại nên ngài tạo lập được sự tin tưởng từ hàng Linh mục, giáo dân trong giáo phận cho đến các quan lại trong nước. Trong hàng anh em Linh mục, Đức Cha luôn đón nhận sự khác biệt dù là Linh mục Tây hay bản địa, ngài đều tôn trọng và yêu thương; dù là quan lại hay thường dân, ngài vẫn luôn niềm nở và ân cần. Nhờ sự chịu đựng mà ngài làm cho tình huynh đệ bền vững và triển nở.

Là một người con trong Hội dòng của cha, tôi nhìn lên Đức Cha như một tấm gương phản chiếu hình ảnh Chúa Kitô. Noi gương cha tôi được mời gọi sống đời sống chịu đựng vì tình yêu.

Chịu đựng vì tin tưởng rằng Chúa luôn luôn hoạt động và quan phòng chở che tôi.

Chịu đựng để đem bình an cho linh hồn tôi và mọi người

Chịu đựng để can đảm sống thánh ý Chúa trong cuộc đời mình và hoàn thành nhiệm vụ hằng ngày với tình yêu lớn.

Chịu đựng để sống gắn kết với chị em, với cộng đoàn, với Hội dòng và nối kết với anh chị em khắp mọi nơi.

Têrêxa Hằng (Khấn tạm), FMI