Thánh giá - Huyền nhiệm ơn gọi
“Thập giá là sự sung mãn tình yêu của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế giới” (VC số 24).
Theo Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, mọi ơn gọi đời sống thánh hiến đều bắt nguồn từ Thập Giá Chúa Kitô (số 23). Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh là nguồn linh hứng cho mọi ơn gọi. Hồng ân Thánh Thần của Thập Giá là nguồn gốc mọi hồng ân, đặc biệt là hồng ân đời sống thánh hiến.
Sống đời dâng hiến đòi phải từ bỏ và thông phần mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô, trước hết hãy để cho Chúa Thánh Thần, Đấng chúng ta lãnh nhận trong Phép Rửa, tháp nhập chính mình vào cuộc khổ nạn của Chúa. Sống đời thánh hiến là sống ơn gọi phép Rửa cách triệt để. Ơn gọi đời sống thánh hiến là đỉnh cao của ơn gọi phép Rửa. Trong phép Rửa, mỗi người chúng ta cùng chết với Chúa Kitô để cùng sống lại với Người.
Nhà thần học Karl Rahner nói: “muốn biết Thiên Chúa là ai, phải quỳ dưới chân thập giá và cùng lúc hướng về cánh cửa mà Phục Sinh mở ra”.
1. Thánh giá – mầu nhiệm tình yêu
Tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu tràn trề, một tình yêu mạnh mẽ, một tình yêu thôi thúc “đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16- 17). Nơi Thánh giá, Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu tuyệt đỉnh của mình. Đó là tình yêu không cùng của Thiên Chúa Cha hiến dâng Con Một. Thiên Chúa đã không chọn con đường nào khác để biểu lộ tình yêu của Ngài cho con người ngoài con đường đau khổ và tử nạn trên thập giá. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến đã khẳng định: “Thập giá là sự sung mãn tình yêu của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế giới” (VC số 24).
Thánh giá ấy còn là minh chứng của tình yêu trao ban. Nơi đó, Đức Giêsu không giữ lại chi cho riêng mình, Ngài chịu “lột trần” vì yêu, và vì yêu, Ngài đã trở thành tội, hầu cho chúng ta là những tội nhân được ơn giao hòa. Ngài đã chấp nhận chết cách nhục nhã, để mặc lại cho con người phẩm giá làm con Thiên Chúa. Ngài đã trao ban chính thịt và máu của Ngài làm “lương thực thần lương” cho con người được sống và sống dồi dào.
Thật vậy, tình yêu cao quí nào cũng đòi có sự hy sinh và rướm máu. Chính giá máu đó là biểu tượng của một tình yêu trung thành và chân thật. Vì thế, Thiên Chúa đã không chọn con đường nào khác để biểu lộ tình yêu của Ngài cho con người ngoài con đường đau khổ và tử nạn trên thập giá. Và Ngài cũng muốn con người dùng chính con đường đó để đáp lại tình yêu của Ngài cũng như để biểu lộ tình yêu của con người cho nhau. Vì chỉ trong đau khổ, con người mới có thể hiểu được thế nào là một tình yêu chân thực và cao cả. Cũng chỉ trong đau khổ con người mới nhận ra được đâu là thân phận thực sự yếu hèn của con người và nhu cầu thiết yếu cần đến tình yêu Thiên Chúa.
2. Người thánh hiến bước theo Chúa là chấp nhận theo con đường khổ giá
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, người tín hữu mang trên mình dấu Thánh giá, hay nói cách khác, họ được đóng ấn vào Thánh giá Đức Giêsu Kitô. Họ là người có Chúa Kitô và phải sống cho Chúa Kitô mọi nơi và mọi lúc, là chứng nhân cho một tình yêu giữa thế giới đang vắng bóng tình yêu. Mátthêu đề cập đến danh từ thập giá ở mãi chương thứ 10: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38). Trong bối cảnh Tin mừng ngày hôm đó (Mt 10,37-42), Chúa Giêsu đòi hỏi những ai theo Ngài phải biết từ bỏ mọi sự, thậm chí cả mạng sống.
Những người sống đời thánh hiến là thế hệ những người đi tìm Thiên Chúa. Thánh giá Chúa Kitô đối với họ hết sức quan trọng, vì họ chỉ có thể tìm thấy Thiên Chúa nơi mà Người tự mạc khải. Theo cái nhìn của thánh Mác-cô huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế chỉ được bộc lộ rõ rệt khi Người bị chết treo trên thập giá với lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “Quả thực người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Con đường dẫn đến cảm nghiệm tâm linh không thể tách rời khỏi thập giá. Theo con đường thập giá có nghĩa là từ bỏ bản thân (Mc 8,35), sống liên đới với tha nhân: Bán tài sản để phân phát cho người nghèo (Mc 10,21), phục vụ (Mc 10,45).
Mầu nhiệm Thánh giá của Ðức Giêsu Kitô cũng chính là thực tại của đời sống của mỗi người sống đời thánh hiến. Chính vì lý do đó mà chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Thầy hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Thầy.” (Mt 16:24). Như vậy, thập giá luôn luôn dính liền với người môn đệ và với những ai muốn bước đi theo sát Chúa Giêsu Kitô. Thập giá chính là căn tính của người thánh hiến và là tước hiệu của họ. Người nào muốn trở thành môn đệ của Đức Kitô mà không muốn vác thập giá của mình thì như chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: Kẻ đó không xứng đáng là người môn đệ của Ngài.
Thiên Chúa đã chết cho con người và bây giờ đến lượt con người cũng hãy học chết đi cho Thiên Chúa. Bằng cái chết mỗi ngày cho chính mình, người thánh hiến mới hiểu được sự cao đẹp của mầu nhiệm Thánh giá. Chỉ khi nào con người dám chết đi cho tình yêu, con người mới có thể cảm nghiệm được ý nghĩa cao sâu của Mầu Nhiệm Tình Yêu Thánh Giá.
3. Mầu nhiệm Thánh giá trong ơn gọi Con Đức Mẹ Vô Nhiễm
Trong sự quan phòng đời đời của Thiên Chúa, Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm được khai sinh bởi Đức Cha Allys và được hướng dẫn bởi Cha Bề trên Tiên khởi Chabanon. Các ngài đã vạch ra con đường thiêng liêng cho Hội dòng qua Luật Tiên khởi:
“Con Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông tuy không hãm mình nhiệm nhặt bề ngoài như ăn chay, đánh tội…như chị em Mến Thánh giá xưa mặc lòng, song cũng phải chịu cho vui lòng những sự khó thường ngày thường gặp, cùng sẵn lòng bỏ mình đi mà làm các việc bổn phận cho nên: ấy là mến Thánh giá cùng thông phần Thánh giá Đức Chúa Giêsu” (LTK I,1).
Con đường thiêng liêng này đã trở thành mạch sống nuôi dưỡng cho từng thế hệ chị em trong dòng lịch sử Hội dòng 105 qua và còn mãi mãi. Thoạt nhìn thì hình như con đường thiêng liêng các ngài vạch ra nó quá nhẹ nhàng. Nhưng kỳ thực nó là một cuộc sống anh hùng, phải có một tình yêu cao độ mới “chịu cho vui lòng những sự khó thường ngày thường gặp”. Trong cuộc sống, mỗi người đều có những “sự khó thường ngày thường gặp”, đó là thập giá của riêng mình. Sự khó thường ngày gặp trước hết là sự yếu đuối, tội lỗi của chính bản thân ta; giới hạn về khả năng, sức khỏe. Sự khó thường ngày thường gặp là vất vả của công việc bổn phận thường ngày nhiều khi mệt mỏi, nhàm chán. Sự khó thường ngày là những biến cố đôi khi xảy đến bất ngờ trên đường đời không thể trốn tránh: đó là bất công, chống đối, hiểu lầm, cô đơn, vất vả, phiền hà trong tương quan, câu nói khó nghe…bệnh tật, tuổi già, mất mát, và cái chết không chờ đợi. Ngoài ra, Đức Cha Chabanon còn mời gọi chị em vui lòng chu toàn bổn phận thường ngày với tinh thần hy sinh từ bỏ. Đó là con đường nên thánh của người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Thập giá hàng ngày của con người là những đau khổ, những thử thách, gian truân gắn liền với sứ mạng, với bổn phận. Nếu chúng ta mang vác những gánh nặng, những trách nhiệm, những lo toan hàng ngày một mình thì sức nặng của cây thập giá đời mình sẽ càng nặng, càng đau…Nhưng nếu ta kết hợp với thập giá Chúa Giêsu, xin Người đồng hành với ta thì thập giá đời ta, vẫn là thập giá ấy thôi, vẫn nặng nề, vẫn khổ đau, nhưng sẽ được biến đổi thành những cây Thánh giá hồng phúc, có tình yêu của Chúa, có ơn cứu độ của Chúa, có sức mạnh của Chúa, có sức sống phục sinh của Chúa.
Chúng ta hãnh diện, vui mừng thực sự vì thánh giá của Chúa Giêsu trong ý nghĩa cứu chuộc. Thánh Phaolô cũng đã từng nói lên cảm nghiệm này: "ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian"(Gl 6, 14).
Ước gì chúng ta hiểu thấu và cảm nhận một cách sâu sắc mầu nhiệm Thánh giá cũng là mầu nhiệm tình yêu cứu độ. Để mỗi khi chúng ta phải đương đầu với những đau khổ của bản thân, từ thể xác cho đến tinh thần; những thất bại trong cuộc sống, những trái ngang của tình cảm và những khủng hoảng làm cho ta thất vọng và muốn buông xuôi và bỏ cuộc; thì xin sức mạnh của mầu nhiệm Thánh giá giúp cho chúng ta vượt qua tất cả vì chính Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả và ban sức mạnh cho những ai muốn dấn thân nối bước theo Ngài.
Nt. Mai Liên, FMI