Chiêm ngắm yêu thương

Ngài vẫn chạm vào tâm hồn họ bằng một cái nhìn yêu thương và tha thứ.


Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Cuộc sống ngày hôm nay chớp nhoáng, xô bồ và vội vàng. Thật cần những lúc dừng lại, chiêm ngắm yêu thương. Và chỉ trong cảm thức đức tin nhìn thấy Chúa trong mọi sự, nhìn mọi sự trong cái nhìn của Chúa, thì chúng ta mới có thể tận hưởng hương vị ngọt ngào của cuộc sống – món quà của Thiên Chúa ban cho con người.

Nhìn thấy Chúa trong mọi sự, với trực giác siêu nhiên, chúng ta nhìn thấy Chúa trong mọi biến cố, nơi mọi con người. Với hương vị ngọt của cuộc sống, khi ta được đón nhận, yêu thương thì ta dễ thấy Chúa, cảm tạ Ngài và biết ơn mọi người. Điều đó đơn giản chỉ là một cử chỉ, một lời động viên lúc đau ốm; hay một nụ cười bao dung khi ta phạm lỗi. Trong các câu chuyện gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và các nhân vật, Ngài làm biến đổi họ bằng những cử chỉ, ánh mắt của lòng thương xót. Thời bấy giờ, người thu thuế bị coi là người tội lỗi, phản bội đồng bào vì theo quân Rô-ma để thu vén của cải cho mình. Và Da-kêu là người đứng đầu những người thu thuế đó. Trong cái nhìn của người Do-thái, Da-kêu bị coi thường và kết án như người tội lỗi. Điều đương nhiên, chắc hẳn ông ấy cảm thấy bất an vì sự xa lánh và cái nhìn không mảy may thiện cảm của mọi người. Khi nghe biết về Chúa Giêsu, Dakêu muốn xem cho biết Ngài là ai. Và ngoài sức tưởng tượng của Da-kêu, Chúa Giê-su đã trao cho ông ánh mắt của tình người, tình yêu của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Ngài muốn ở lại nhà ông, đồng bàn với ông, tức là chia sẻ thân phận của ông. Có vẻ câu chuyện gặp gỡ giữa Chúa và Da-kêu là tình cờ, ngẫu nhiên. Nhưng thật ra, khi chiêm ngắm thật kĩ chúng ta nhận ra Chúa tìm kiếm và Da-kêu đáp lời. Trong khung cảnh cuộc gặp gỡ ấy, mọi sự dường như dừng lại, mọi xô bồ đột nhiên biến mất, Da-kêu đã được biến đổi. Ông sẵn sàng trao cho người nghèo của cải, mà có lẽ từ trước đến lúc này ông coi nó là mạng sống, là chân lý ông khắc khoải kiếm tìm. Ông nhìn thấy Chúa nơi người nghèo, nơi những con người mắc nợ ông.

Trong đời sống dâng hiến, chúng ta được đụng chạm đến Chúa qua giờ cầu nguyện và cả trong cuộc sống. Với thời đại công nghệ, người tu sĩ cũng dễ bị cuốn theo nhịp sống đó. Dừng lại, để chiêm ngắm Chúa trong mọi sự. Chiêm ngắm những người đang sống bên cạnh mình, chiêm ngắm ngôi nhà mình đang được thừa hưởng từ bao thế hệ đã đi qua, và chiêm ngắm vẻ đẹp của vạn vật. Nếu ngay lúc này, chúng ta đang được đón nhận trong cộng đoàn, môi trường đang được sai đến, thì chúng ta sẽ dễ để thấy Chúa trong mọi sự. Trái lại, chúng ta sẽ không thoải mái để nhìn thấy Chúa nơi người bên cạnh. Và để làm được điều này, chúng ta cần có kinh nghiệm thiêng liêng đụng chạm Chúa thực sự.

Đồng thời, để chiêm ngắm yêu thương, chúng ta cần nhìn mọi sự trong cái nhìn của Chúa. ‘Nếu là Chúa, thì Ngài sẽ nhìn thế nào, sẽ cư xử ra sao?’ Đó là câu hỏi giúp chúng ta có cái nhìn của Chúa. Chúa thấy đám đông đang ‘khát’, đang ‘đói’ chân lý, Ngài chạnh lòng thương (x.Mc 6,34). Nhìn thấy người phụ nữ bị lên án vì ngoại tình, Ngài nhìn bằng sự bao dung, thương xót (x. Ga 8,1-11). Với người phong bị xã hội xa lánh, Ngài lại đến, chạm vào và chữa lành (x.Mc 1,40-45). Và ngay cả các môn đệ, người thì kém lòng tin, nghi ngờ, kẻ thì phản bội, Ngài vẫn chạm vào tâm hồn họ bằng một cái nhìn yêu thương và tha thứ. Nếu một tâm hồn có sự kết thân với Chúa, thì người đó sẽ tinh tế, nhạy bén để nhận ra thái độ của Chúa. Nhờ đó, họ trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong suy nghĩ, lời nói và cách cử xử. Là con người với thân phận đầy yếu đuối và bất toàn, chúng ta bị giới hạn bởi những ý niệm, quan điểm sống, sở thích, thói quen, sự khác biệt, tội lỗi; thế nên, chúng ta dừng lại trong định kiến của mình. Có cái nhìn của Chúa, đòi buộc chúng ta ra khỏi những giá trị đã được định sẵn trong lý trí. Hơn nữa, chúng ta cần để Chúa thấm nhập vào mình bằng lý lẽ của trái tim. Vì để chạm vào tâm hồn của một con người thì cần đi qua đồng thời cả lý trí và con tim.

Như thế, cuộc sống có lúc ngọt bùi có lúc chua chát, điều quan trọng là thái độ đón nhận của chúng ta. Chiêm ngắm yêu thương để chúng ta nhìn thấy Chúa trong mọi sự và nhìn mọi sự trong cái nhìn của Chúa. Nhờ đó, chúng ta mới cảm nếm được hương vị ngọt ngào của cuộc sống. Hãy trở nên mềm mỏng trước tác động của Chúa và mặc lấy những tâm tình của Ngài.

Têrêxa Lê Thị Mộng Mơ (Khấn tạm), FMI