Nhận diện và hỗ trợ các Rối Loạn Phát Triển ở Trẻ

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, tấm lòng và con tim của những nhà giáo dục luôn khao khát giúp cho những người thụ huấn ngày càng lớn lên về thể chất lẫn tinh thần


Thế giới ngày nay đang đối diện với nhiều thách đố: biến đổi khí hậu, bất bình đẳng về kinh tế, chiến tranh, khủng hoảng di cư, vấn đề sức khỏe cộng đồng... Không những thế, trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục trẻ em, xã hội cũng đang phải đối diện với những thách đố vì ngày càng có nhiều trẻ em đang có những “rối loạn phát triển” hay còn gọi là những trẻ “đa dạng về hệ thần kinh”. Theo báo cáo của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ), vào năm 2020: “khoảng 1 trong 6 trẻ em từ 3 đến 17 tuổi được chẩn đoán mắc một loại rối loạn phát triển nào đó. Các rối loạn này có thể bao gồm tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), và các rối loạn khác về hành vi và phát triển”. Sự rối loạn này do từ nhiều yếu tố đặc biệt là yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Chính vì vậy, Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đã tổ chức hai ngày học hỏi về chuyên đề: “Nhận diện và hỗ trợ các rối loạn phát triển thường gặp trong chăm sóc giáo dục trẻ mầm non” cho các nữ tu và các cô giáo mầm non, phục vụ trong lãnh vực chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non trong Hội dòng. 

Khóa học bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng ngày 12/10/2024 và kết thúc lúc 16g ngày 13/10/2024 tại trường mầm non Việt Hương do tiến sĩ: Nguyễn Duy Tâm hướng dẫn. Mục tiêu khóa học mong muốn là giúp các học viên được hiểu sâu hơn hơn thế nào là trẻ khuyết tật, những dạng trẻ khuyết tật, các nguyên nhân dẫn đến sự rối phát triển ở trẻ, đặc biệt là các biện pháp giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời cho các trẻ có những rối loạn này trong trường Mầm non. 

Trong quá trình học,c học viên được tham gia trao đổi, thảo luận với nhau về những hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non, các chất dẫn truyền thần kinh cụ thể là dopamine ảnh hưởng đến sự chú ý, giấc ngủ và vận động của trẻ. Serotonin ảnh hưởng đến giấc ngủ, nhu cầu ăn uống của trẻ. Endophin ảnh hưởng đến cảm giác đau ở trẻ. Octoxin ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ và gaba là chất ức chế chính trong hệ thần kinh trung ương, giúp giảm hoạt động thần kinh và có vai trò trong việc giảm lo âu. Mỗi chất dẫn truyền này có vai trò riêng trong các chức năng của hệ thần kinh, và sự mất cân bằng của chúng trong cơ thể có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần. 

Các học viên cũng được cùng nhau khám phá những “trantum” hay còn gọi là “cơn giận của trẻ nhỏ” và cách thức giải quyết giúp trẻ vượt qua những cảm xúc này. Bên cạnh đó, các học viên được cùng nhau tìm hiểu thêm mô hình bàn tay về não bộ của Daniel Seigel để biết vị trí, chức năng của não bộ trong việc hình thành nên những cảm xúc nơi con người từ đó các học viên cùng nhau thực hành về ứng dụng mô hình bàn tay để có thể giúp cho trẻ hiểu và có thể kiểm soát cảm xúc nơi chính bản thân trẻ. 

Hơn nữa, khóa học đã giúp cho các học viên có được thật nhiều trải nghiệm thú vị qua việc thiết kế các bài tập giúp cho trẻ luyện sự tập trung, chú ý, luyện các giác quan, luyện tư duy cho não bộ. 

Khóa học kết thúc và đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều cảm nghiệm trong lòng các học viên bởi lòng nhiệt huyết, tận tâm và cách truyền đạt gần gũi, dễ hiểu của giáo sư hướng dẫn giúp các học viên dễ dàng nắm bắt và áp dụng các kiến thức vào thực tế. Các học viên ước mong có những buổi học chuyên sâu hơn để có thể học thêm những kiến thức, kĩ năng để hỗ trợ tốt hơn cho các cháu trong công tác chăm sóc giáo dục.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, tấm lòng và con tim của những nhà giáo dục luôn khao khát giúp cho những người thụ huấn ngày càng lớn lên về thể chất lẫn tinh thần hầu có thể giúp ích cho chính bản thân, cho gia đình và xã hội. Qua khóa học này các nữ tu và các giáo viên cảm thấy lòng mình nóng lên hơn và khao khát áp dụng những kiến thực mình được học vào thực tế để hỗ trợ tốt hơn nữa cho các trẻ có những rối loạn về phát triển. Đồng thời, khóa học cũng giúp cho giáo viên có thể hỗ trợ cho quá trình phát hiện, can thiệp sớm và giúp các trẻ có sự rối loạn phát triển có thể hòa nhập và tham gia vào các hoạt động chủ đạo trong trường mầm non một cách tốt hơn.

Nt. Maria Phan Trần Thúy Vy, FMI