Tha thứ nhưng không quên
Nếu cuộc sống thiếu vắng tha thứ thì cuộc sống sẽ ra sao? Chắc chắn, sẽ ngập tràn hận thù, đau khổ và ghen ghét.
Trong thông điệp “Fratelli tutti” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói “Tha thứ không có nghĩa là quên đi” (số 250). Đó là một quan điểm sâu sắc về thái độ của con người đối với sự tha thứ và dạy cho ta bài học từ những sai lầm. Như Thomas Szasz một nhà tâm thần học, và là một học giả, sinh tại Hungary đã nhận định: "Kẻ ngu xuẩn chẳng tha thứ cũng chẳng lãng quên, kẻ ngây thơ tha thứ và quên, kẻ sáng suốt tha thứ nhưng không quên". Câu nói này không chỉ phản ánh các cấp độ khác nhau về trí tuệ và cảm xúc của con người mà còn gợi mở về cách ứng xử với tổn thương, thất vọng và gia tăng hạnh phúc trong cuộc sống.
Tha thứ là gì? Quên là gì? Theo từ điển của Tiếng Việt: Tha thứ là quá trình có chủ ý và tự nguyện của người bị tổn thương dành cho những người đã gây ra đau khổ cho mình, chấp nhận bỏ qua lỗi lầm của đối phương để họ có thể nhận ra những lỗi sai của bản thân, đồng thời giúp người đó trở nên mạnh mẽ hơn. Theo Từ điển Tâm lí học: Quên là không tái hiện được thông tin đã được ghi nhớ trước đây vào thời điểm cần thiết. Khả năng nhớ và tái hiện suy giảm, phai nhạt theo thời gian hoặc theo sự can thiệp của con người.
Quả vậy, trong cuộc sống, có rất nhiều thái độ về sự tha thứ. Như nhận định: Kẻ ngu xuẩn chẳng tha thứ cũng chẳng quên, đó là người không thể hoặc không muốn buông bỏ sự oán giận, luôn ôm giữ thù hận và tổn thương trong lòng. Điều đó, khiến bản thân luôn nghĩ đến sự thù hận và như thế, hận thù trong lòng cứ mỗi ngày mỗi gia tăng. Việc không tha thứ và không quên chỉ khiến ta tự gây đau khổ cho chính mình. Nó như những vết thương trong lòng dường như mỗi ngày mỗi lớn và dẫn ta đến ý định muốn làm tổn thương người khác. Câu chuyện của Áp-sa-lôm trong Kinh Thánh là một ví dụ điển hình giúp ta hiểu điều này. Ta-ma - em gái ông bị Am-nôn cưỡng hiếp, nên Áp-sa-lôm đã tìm cách để giết Am-nôn vì Áp-sa-lôm đã quyết định điều ấy từ ngày Ta-ma, em gái mình bị cưỡng hiếp (x. 2Sm 13,23-34). Chính vì không tha thứ mà cũng chẳng quên nên ông nuôi hận thù trong lòng và tìm cách thuận tiện để giết người anh em của mình. Câu chuyện của ông vẫn còn tiếp diễn trong thời đại hôm nay, biết bao cảnh đau thương xảy ra chỉ vì “khúc mắc” mà anh em giết nhau và cứ như thế “oan oan tương báo đến khi nào mới chấm dứt” nếu không biết tha thứ.
Thế nhưng, kẻ ngây thơ tha thứ và lãng quên một cách dễ dàng. Điều đó có vẻ như một hành động tốt đẹp và bao dung, nhưng nó có thể dẫn đến sự bất cẩn trong cách sống, cách hành động. Sự ngây thơ này có thể làm cho ta bị tổn thương một lần nữa bởi vì không rút ra được bài học từ những kinh nghiệm trong quá khứ. Như trong vở kịch Vua Lear của William Shakespeare, nhà vua già Lear, trong sự ngây thơ của mình, đã dễ dàng tha thứ và lãng quên những lời nói dối và sự phản bội của hai cô con gái lớn, Goneril và Regan. Sau cùng, ông phải trả giá đắt khi nhận ra sự thật, nhưng đã quá muộn. Sự ngây thơ và dễ dãi của Lear dẫn đến bi kịch không thể đảo ngược: mất ngai vàng, mất quyền thế và mất luôn Cordelia, người con gái út đã ở bên cạnh ông khi ông không còn gì nữa. Cuối cùng Vua Lear cũng chết, thế là kết thúc một cuộc đời đau khổ. Nếu ta cứ nghĩ rằng sẽ bỏ qua tất cả và sẽ quên hết mọi chuyện, liệu rằng ta có thể rút được kinh nghiệm nào cho mình. Cuộc sống cần ta tha thứ nhưng cũng cần ta rút kinh nghiệm từ những sai lầm của chính mình và của người khác.
Kẻ sáng suốt tha thứ nhưng không quên. Đó là cách tha thứ để giải phóng bản thân khỏi sự hận thù, nhưng vẫn phải giữ lại ký ức đó như một bài học để không bị lặp lại sai lầm một lần nữa. Qua đó giúp ta thấy rằng, tha thứ không có nghĩa là phủ nhận sai lầm của người khác nhưng là buông bỏ hận thù, trong khi vẫn lưu giữ những gì đã xảy ra để từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm. Như câu chuyện của Giuse, bị anh em ghen ghét, bị hãm hại và bị bán sang Ai Cập. Một khởi đầu chẳng mấy tốt đẹp nhưng nhờ cậy trông vào Chúa, Giuse đã trở thành Tể tướng Ai Cập. Khi gặp lại anh em, Giuse không dễ dàng để tha thứ, bởi vì ông không quên những gì đã xảy ra cho mình trong quá khứ. Ông đã trải qua những giằng co rất lớn trong tâm hồn, trước khi tỏ cho anh em biết thân phận của mình và giúp gia đình vượt qua nạn đói đang hoành hành khắp xứ. Chính khi tha thứ Giuse nhận lại được tất cả. Nhờ vậy ông rút ra được rất nhiều bài học và rất nhiều kinh nghiệm cho chính mình. Đây chính là thái độ của người trưởng thành và khôn ngoan khi biết làm chủ và cân bằng cảm xúc của mình.
Tha thứ và quên là hai phạm trù khác nhau, diễn tả hai thái độ khác nhau của con người. Là con người, ai trong chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm tha thứ và được tha thứ. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta chưa thực sự hiểu đúng về sự tha thứ. Nhiều người cho rằng tha thứ sẽ biến mình thành kẻ yếu thế và bị người khác coi thường nên không muốn tha thứ, trừ khi người kia nhận lỗi và xin tha thứ. Có người cho rằng tha thứ là chúng ta phải quên đi và đừng bận tâm tới những gì người khác đã làm tổn thương chúng ta, sống hoà thuận với họ. Thế nhưng, tha thứ đúng nghĩa là không để quá khứ chi phối hiện tại và tương lai của ta, nhưng không quên là cách ta ghi nhớ những bài học kinh nghiệm và cũng là cách để ta tự bảo vệ và học hỏi từ những sai lầm. Nhờ đó, ta sống khôn ngoan và tỉnh táo hơn trong cách ứng xử và cũng giúp ta sống triển nở trong đời sống, gia tăng khả năng yêu thương và tin tưởng. Đồng thời đem lại sự bình an và tự do cho chính ta là những người thực hiện hành động tha thứ.
Thế nhưng, tha thứ có thật sự giải thoát ta khỏi những hận thù, ghen ghét và giúp ta sống bình an trong cuộc đời? Liệu rằng, những vết thương trong tâm hồn sẽ được chữa lành khi ta thứ tha? Nếu tổn thương trong tâm hồn ta quá lớn, ta có dễ dàng để tha thứ? Quả thật, tha thứ là điều không hề dễ dàng, bởi vì tha thứ thật sự diễn tả một tình yêu vô điều kiện như Chúa Giêsu đã thực hiện khi bị treo trên Thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Bên cạnh đó, những ký ức về sự tổn thương làm cho ta khó để tha thứ và nó luôn gợi lên trong tâm trí mỗi khi ta nghĩ về. Ta càng nghĩ về những tổn thương phải chịu, ta càng khó tha thứ cho người đã gây ra những tổn thương ấy, ta lại càng đau khổ, càng ray rứt. Như William Arthur War đã nói: “Sự tha thứ là chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay của hận thù. Nó là thứ sức mạnh có thể phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ.” Vì thế, tha thứ là cách để giải thoát bản thân khỏi thù hận, khỏi những cay đắng và giúp ta sống hạnh phúc trong cuộc đời.
Nếu cuộc sống thiếu vắng tha thứ thì cuộc sống sẽ ra sao? Chắc chắn, sẽ ngập tràn hận thù, đau khổ và ghen ghét. Bởi vì, khi ta có khuynh hướng trả thù thì trái tim ta sẽ luôn bất an, ta lo lắng tìm cách để đối phó với người làm tổn thương ta. Khi ta giữ sự ghen ghét, tâm hồn ta đầy những xao động, chính điều ấy làm ta mất đi sự bình an trong tâm hồn. Càng cố gắng giữ lấy sự thù hận trong lòng, thì trái tim ta ngày càng nhỏ lại. Ta cố gắng trả thù, thì hận thù sẽ luôn đeo bám ta. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Tha thứ chính là điều cho phép chúng ta theo đuổi công lý mà không rơi vào vòng luẩn quẩn của báo thù hay rơi vào tình trạng bất công của quên lãng” (Fratelli tutti, số 252). Thế nhưng, tha thứ mà thiếu hiểu biết khi ta dễ dàng bỏ qua hoặc không nhận thức đầy đủ về những sai lầm hoặc tổn thương mà người khác gây ra. Điều này không chỉ phản ánh sự dễ dãi, mà còn là sự thiếu thận trọng của bản thân khi lãng quên những tổn hại và không rút ra những bài học cho bản thân.
Trong cuộc sống, ta không thể tránh được việc bị tổn thương bởi ai đó, và cũng không tránh khỏi việc ta làm ai đó tổn thương. Đôi khi ta cứ lầm tưởng tha thứ là việc làm để giúp đỡ người khác. Nhưng không, bản chất của việc tha thứ là chúng ta đang giúp đỡ chính mình. Phải biết rằng, tha thứ không phải là vì ta yếu đuối, nhưng là cách để giải phóng bản thân khỏi đau khổ và xoá bỏ hận thù ta đang làm hại chính bản thân mình. Tuy nhiên, tha thứ cũng không có nghĩa là quên đi những sai lầm của người khác, nhưng là cách để đảm bảo rằng ta không bị tổn thương thêm một lần nữa. Điều đó phản ánh một sự trưởng thành thể hiện ở khả năng xử lý những cảm xúc phức tạp đang xen trong tâm hồn như giận dữ, đau khổ, oán trách hay tha thứ. Nhưng khi ta trưởng thành về mặt trí tuệ và cảm xúc, nó sẽ giúp ta hiểu rằng tha thứ không có nghĩa là lãng quên hoàn toàn sai lầm của người khác. Đó là cách mà ta đón nhận những sai lầm, vượt lên những cảm xúc tự nhiên và rút ra bài học cho bản thân mình.
Tha thứ cũng là bước tiến giúp ta sống trong đời sống cộng đoàn, đây cũng là bài học mà ta phải học và thực hành suốt đời. Như khi Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Con phải tha thứ đến mấy lần, có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy không bảo là phải tha đến bảy lần nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22), nghĩa là tha thứ luôn luôn, tha thứ mãi mãi như Chúa đã tha thứ cho ta. Thế nhưng, sống trong cộng đoàn, đâu phải lúc nào ta cũng sẵn sàng tha thứ và bỏ qua cho nhau. Là con người, chúng ta không tránh khỏi những yếu đuối, những giới hạn, những va chạm và cả những sai lầm trong đời sống chung. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến những “cuộc chiến tranh lạnh” trong cộng đoàn, bởi khi gặp xung đột, mỗi người tìm cách tránh né mà không dám đối diện, không muốn tha thứ và làm hoà với nhau. Điều đó đã tạo nên một bầu khí nặng nề trong cộng đoàn, gây bất an cho chính mình và cho người khác. Chỉ khi thật sự tha thứ ta mới có được bình an và cộng đoàn mới trở nên hạnh phúc, yêu thương. Tha thứ giúp ta hàn gắn những rạn nứt và nối lại mối dây liên kết trong cộng đoàn. Việc không quên những biến cố là điều quan trọng để ta hiểu và tôn trọng chính bản thân mình cũng như người khác và để ta không lặp lại sai lầm ấy một lần nữa. Đây cũng là cách để duy trì các mối tương quan của ta trong cộng đoàn và giúp ta sống triển nở, yêu thương hơn.
Quả thật, trong đời sống cộng đoàn, khi một người nào đó cố ý hay vô tình làm ta tổn thương và họ đã quên đi những điều đó, sống vui vẻ với cuộc sống, với công việc thường ngày. Còn ta, ta lại cứ ở một chỗ, mắc kẹt trong vết thương lòng, cứ đau khổ, dằn vặt và cứ băn khoăn xem có nên tha thứ hay không. Khi ta nghĩ tha thứ để đem lại hoà khí hay tránh sự xung đột trong cộng đoàn hoặc là quên đi không bận tâm đến nó nữa, thì ta chưa thật sự tha thứ. Theo Enright, người đã nghiên cứu về sự tha thứ trong gần 40 năm, nói rằng làm như vậy là "sự xoa dịu hơn là sự tha thứ". Bởi vì, ta đang đẩy cảm xúc tiêu cực vào bên trong, không dám đối diện với sự thật và muốn tránh né những thương tổn. Điều đó sẽ làm cho ta ngày càng tổn thương hơn và cản trở sự phát triển cách lành mạnh cũng như làm mất sự bình an nội tâm. Tha thứ thực sự chính là loại bỏ sự oán giận đối với người khác và mang đến điều tốt đẹp cho họ. Như Chúa mời gọi các môn đệ và mỗi người chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43).
Nhưng tha thứ không có nghĩa là quên đi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Không thể tiến bước nếu không nhớ lại quá khứ, không thể tiến bộ nếu không nhớ lại cách đầy đủ và rõ ràng” (Fratelli tutti, số 249). Giáo hội chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu cuộc bắt bớ, biết bao chứng nhân đã ngã xuống vì đức tin, những đau khổ, mất mát mà cha ông đã gánh chịu để gìn giữ đức tin cho chúng ta. Đến hôm nay, ta vẫn được nhắc nhớ về những hình ảnh anh dũng đó, không phải vì chúng ta không tha thứ nhưng đó là cách chúng ta học được những bài học từ quá khứ. Sự hận thù không làm chúng ta lớn lên nhưng chính sự tha thứ lại trở thành cầu nối, là sự dung hoà quá khứ với hiện tại và đẩy ta đến tương lai. Nếu sống trong thù hận, Giáo hội sẽ không lan toả được tình yêu và không phản ánh được chân dung nhân hậu và lòng tha thứ của Thiên Chúa. Tha thứ dẫn chúng ta đến bình an đích thật và ghi nhớ quá khứ là để chúng ta không mắc phải những sai lầm, không ù lỳ với cuộc sống hiện tại nhưng trở nên chứng nhân của Chúa trong thời đại hôm nay.
Hành động tha thứ và quên, quên rồi lại nhớ vẫn luôn là hành động lặp đi, lặp lại trong cuộc sống của ta. Nó khuyến khích ta tìm cách tha thứ để giải thoát khỏi hận thù, nhưng đồng thời không quên để ta có thể học hỏi và trưởng thành hơn. Kẻ ngu xuẩn không tha thứ và mãi ôm hận thù, kẻ ngây thơ tha thứ và dễ dàng quên đi bài học, còn kẻ sáng suốt biết tha thứ và giữ lại những gì đã trải qua như một công cụ, một kinh nghiệm sống để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi người chúng ta đều được dạy và học về tha thứ, nhưng chính chúng ta là người lựa chọn cách sống cho mình và cách chúng ta tha thứ sẽ cho biết ta là người như thế nào.
M. Matta Thuý Ngọc (Học viện Huế), FMI