Niềm hi vọng sau cái chết
Cái chết là điều không dễ đón nhận theo cảm xúc tự nhiên của con người. Chính Chúa Giêsu khi còn ở trong thân phận loài người cũng đã trải qua những cảm xúc đó.
Sống trong nền văn minh tân tiến ngày nay, con người thường có xu hướng thích né tránh và không muốn nói đến những thực tại đau khổ, đặc biệt khi bàn về cái chết. Thế nhưng, thực tế rằng ai rồi cũng phải chết và không ai là trường hợp ngoại lệ trước cảnh cửa sinh tử của cuộc đời. Khi đứng trước những phần mộ của những người đã khuất bóng, chúng ta sẽ thấy sự hư vô của phận người. Giả như chúng ta có sống đến trăm tuổi đi nữa thì cuối cùng cũng như hơi thở thoáng qua. Cuộc sống mong manh là thế và con người thật bé nhỏ, yếu đuối trước sự chết biết là dường nào. Vì vậy, nếu không thật sự hiểu được ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm sự chết, chúng ta sẽ thấy hoang mang, lo lắng, thất vọng và bi quan vào cuộc đời này.
Theo quan niệm Á Đông, Sinh- Lão- Bệnh- Tử hay Sinh- Bệnh- Lão- Tử là quy luật tất yếu của cuộc đời con người. Dù là người có địa vị cao hay thấp, giàu hay nghèo, trai hay gái đều trải qua 4 giai đoạn này. Chỉ 4 chữ Sinh- Lão- Bệnh- Tử nhưng có thể gói gọn cuộc đời của mỗi con người và vạn vật trên trái đất. Tử chính là điểm cuối cùng của quy luật này và cũng là đoạn kết của đời người. Sinh thì hân hoan vui mừng. Bệnh thì suy sụp, khổ đau. Lão thì lo lắng, níu kéo. Tử thì hoang mang, mù mờ, tiếc nuối bởi không ai biết được cách chính xác sau cái chết mình sẽ đi về đâu. Đối với quan điểm của người Việt, “hùm chết để da, người chết để tiếng” nên trong thâm tâm, họ vẫn có một niềm tin về một tương lai. Với họ chết không phải là hết bởi “sinh ký tử quy- sống gửi thác về”. Bởi niềm tin sâu sắc ấy, tổ tiên đã khuất luôn song hành cùng con cháu trong những buồn vui thường nhật của gia tộc. Với quan điểm “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, sống chết không hề đối lập nhau, nên người đã khuất luôn được đối xử như khi họ còn tại thế.[1] Vì thế điều dễ hiểu khi hầu hết các gia đình Việt, trừ những gia đình theo tôn giáo đặc thù thì hầu như nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên, trước là để cúng bái kính thờ, sau là nói lên sự tương giao gắn kết giữa hai cõi âm dương. Phật Giáo lại quan niệm rằng nếu thực sự con người sinh ra rồi chết đi theo chu kỳ: Sinh- Lão-Bệnh-Tử thì kiếp người quả thật rất vô ích. Chết không phải là hết, nhưng con người bị ràng buộc bởi vòng luân hồi sinh tử. Sau khi trải qua cái chết, người ta bước vào kiếp sống khác: linh hồn nhận được một thân xác mới trong mỗi lần tái sinh; kiếp sống mới tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn kiếp này tùy thuộc những gì người ta đã sống. Thuyết luân hồi nghiệp báo mở ra cho người ta cánh cửa hy vọng: nếu người ta trót lỗi lầm hay làm điều ác đời này thì đời sau còn có cơ hội chuộc lại tội lỗi đó.[2]
Vậy sự chết theo nhãn quan Kitô Giáo được nhìn nhận như thế nào?
Lật giở những trang đầu của sách Sáng Thế, chúng ta thấy công trình sáng tạo được khởi đi từ ý định và tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa. Từ hư vô trống rỗng, Thiên Chúa đã sáng tạo nên muôn loài bằng Lời của Ngài. Vũ trụ được sáng tạo trong tình trạng tốt lành. Sách Sáng thế minh chứng cho chúng ta về điều đó khi nói “Đức Chúa thấy điều đó là tốt lành” (x. St 1,25). Bảy lần điệp khúc “tốt đẹp” nhấn mạnh rằng tất cả mọi sự xuất phát từ Thiên Chúa đều là công trình tuyệt diệu, đem lại sự sống cho tất cả. Trong đó, con người là cực phẩm tình yêu được dựng nên để sống trong ân nghĩa của Ngài. Ngài dành cho con người quà tặng cao quý nhất đó là cho họ được vinh dự phản ánh dung mạo của Ngài: “Chúng ta hãy làm ra con người giống hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26a). Như vậy, tự bản chất con người mang dấu ấn của sự hiệp thông bởi được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, có ngôi vị, có ý chí, lí trí và tự do. “Tự do đích thực là một dấu chỉ độc đáo về hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn con người tự quyết định để tự mình tìm kiếm Đấng Tạo Hoá và nhờ kết hiệp với Ngài một cách tự do, con người đạt tới hạnh phúc viên mãn”.[3] Thế nhưng, con người đã lạm dụng sự tự do Thiên Chúa ban, nghiêng chiều về sự dữ và chuốc lấy đau khổ và sự chết cho mình. Như vậy, cái chết không đến từ Thiên Chúa và Ngài chẳng vui thích gì khi thấy sinh vật Ngài yêu thương dựng nên phải vào chốn diệt vong. “Thiên Chúa dựng nên con người bất hoại, nhưng sự ghen tương của ma quỷ đã đưa cái chết vào trần gian (x. Kn 2,23-24).[4] Như vậy, cái chết chính là hậu quả do tội gây ra.
Bước sang Tân Ước, Thánh Phaolô một lần nữa cho ta thấy cách rõ ràng nguồn gốc của sự chết đó là hậu quả của tội và hình phạt đối với tội khi nói rằng: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Thế nhưng không dừng lại ở đó, Tân Ước đã khai mở một chân trời hi vọng cho những ai đang chìm trong bóng tối của sự chết và mặc cho cái chết một ý nghĩa mới qua Mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Qua cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá, sự chết giờ đây đã được khoác lên mình một diện mạo mới. Qua cái chết, Đức Giêsu muốn chia sẻ những tình cảnh trơ trọi cô độc của con người. Cái chết là một động tác tình yêu mà không gì so sánh được. Chỉ nơi cái chết mọi kích thước của tình yêu mới viên toàn thành đạt. Một Tình Yêu gói trọn bất công trong sự thinh lặng, ôm lấy nhục hình trong sự nhẫn nại, choàng lấy đau khổ trong sự vâng phục đến tận cùng và Tình Yêu đó khoác lên bóng tối của hủy diệt bằng ánh sáng của sự yêu thương vô bờ bến. Trong cuộc khổ nạn, toàn bộ sự nhơ bẩn trần gian đụng chạm đến sự thánh thiện tuyệt đối, đến linh hồn của Đức Giêsu Kitô, đến chính Con Thiên Chúa.[5] Người đã xuống tận cõi chết, đã chiến thắng sự chết, và giờ đây đã trở về để dẫn đưa chúng ta và cho chúng ta niềm xác tín rằng, cùng với Người, chúng ta tìm ra một con đường đi qua được.[6] Cái chết của Đức Giêsu đã trao ý nghĩa cho sự dữ và phục hồi niềm hi vọng. Cũng như qua cái chết này, tất cả đều được cứu chuộc, sự đau khổ và ngay cả sự chết cũng được cứu chuộc. “Chính Ngài mới có thể đưa ra lời giải đáp về vấn đề kẻ thù mạnh mẽ nhất của hạnh phúc- là sự chết- trong tất cả sự hiện diện của nó.”[7]
Với tình yêu và sức mạnh phát xuất từ Thập Giá, giờ đây con người không còn bất lực hay đau thương chấp nhận cái chết như một quy luật tất yếu của cuộc đời nhưng khám phá ra những tia sáng hi vọng đang nghiêng mình len lỏi giữa lưng chừng khổ đau. Niềm hi vọng ấy được thể hiện trước hết qua việc chết không phải là đơn độc bước vào cõi hư vô nhưng là tiếp tục và hoàn tất cuộc gặp gỡ với Đấng Vĩnh Hằng. Thiên Chúa tìm gặp con người ở mỗi giai đoạn cuộc đời. Trong các cuộc gặp gỡ ấy, cuộc Vượt Qua cuối cùng- giờ chết- chính là cao điểm của cuộc gặp gỡ. “Ngài đứng ngoài và gõ cửa” (Kn 3,10). Điều này cũng được Công Đồng Vaticano II nêu rõ: “Đức Kitô, Đấng Phục Sinh của ngày chung thẩm, đứng trên bờ của lằn ranh cõi vĩnh hằng để đón chờ, cho họ ăn và để nhận họ trước mặt Thiên Chúa”[8] Chính Thiên Chúa là người chủ động cho cuộc gặp gỡ và Ngài đã yêu thương dọn sẵn tất cả cho chúng ta. Giờ đây sẽ không còn sự ngăn cách của không gian và thời gian, không còn những vướng bận của kiếp người, chỉ còn cuộc diện kiến diện đối diện với Đấng mình hằng mong ngóng. Như vậy, đối với người tín hữu, cái chết không còn là một sự kết thúc vô nghĩa nhưng là một cuộc hội ngộ của Đức Kitô với những kẻ Người yêu mến. Mà ở đâu có tình yêu thì ở đó sẽ không còn cô đơn, sợ hãi hay thất vọng.
Không những thế, qua cái chết, chúng ta được nên một trong công trình cứu chuộc của Đức Kitô. “Đức Giêsu, Con Thiên Chúa cũng chịu chết vì chết là đặc điểm của thân phận nhân loại. Nhưng chính Người, tuy run sợ khi đối diện với sự chết, đã đảm nhận nó trong một hành vui suy phục Thánh Ý Cha Người cách trọn vẹn và tự nguyện. Sự vâng phục của Đức Giêsu đã biến đổi lời chúc dữ của sự chết thành lời chúc phúc”.[9] Công trình cứu chuộc của Đức Giêsu được thực hiện bằng đau khổ và cái chết, cho nên con người cũng được mời gọi dùng đau khổ và cái chết như công cụ tháp nhập vào công trình cứu chuộc của Người. Khi kết hợp cái chết của mình với cái chết của Đức Giêsu, chúng ta được củng cố thêm niềm trông cậy và nhờ đó họ sẽ mãi xác tín rằng sự chết sẽ không thắng được chúng ta, không tước đoạt được ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Đây cũng chính là điều mới mẻ chủ yếu của cái chết theo Kitô giáo. Cũng trải qua cái chết như bao phận người, nhưng “nếu chúng ta chết trong ân sủng của Đức Kitô, sự chết thể lý sẽ hoàn tất việc chết của Đức Kitô, và như vậy nó hoàn thành việc tháp nhập chúng ta vào Người trong hành vi cứu chuộc của Người”.[10]
Đặc biệt, cái chết chính là cửa ngõ để chúng ta bước vào một đời sống mới như Giáo hội xác tín: “Chúng ta tin một cách chắc chắn và hi vọng một cách chính xác rằng: cũng như Đức Kitô đã thực sự sống lại từ cõi chết và sống muôn đời, thì cũng vậy, những người công chính sau cái chết của mình sẽ sống muôn đời với Đức Kitô Phục Sinh- Đấng sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết”.[11] Bởi vì Chúa Giêsu đã sống lại và đã mở cửa sự sống đời đời, nên cuộc sống của chúng ta không kết thúc trong ngôi mộ. Thế giới này không phải là một nghĩa địa đang chờ nuốt chửng chúng ta mãi mãi. “Người đã tiêu diệt cái chết của chúng ta khi Người chết, và đã phục hồi sự sống cho chúng ta khi Người sống lại.”[12] Nhờ đó, chúng ta được tham dự vào sự sống mới, chính trong sự sống này mà mọi phương diện và mọi giây phút cuộc đời con người nhận được ý nghĩa đầy đủ.[13] Đây là mặc khải về ơn cứu độ.
Cái chết là điều không dễ đón nhận theo cảm xúc tự nhiên của con người. Chính Chúa Giêsu khi còn ở trong thân phận loài người cũng đã trải qua những cảm xúc đó. Ngài cũng cảm thấy xao xuyến sâu xa trước ngôi mộ người bạn Lazaro của Người và Người đã bật khóc (Ga 11,35). Thế nhưng với niềm tin Kitô giáo, chúng ta không dừng lại ở đó bởi đối với các tín hữu Chúa, “sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời”.[14] Niềm hi vọng về cuộc sống mai hậu sẽ lau khô những dòng lệ chan chứa và khỏa lấp đi những mất mát đau thương. Chúa Giêsu sẽ đến, cầm lấy tay chúng ta và lặp lại một lần nữa “Hỡi con, hãy trỗi dậy” (Mc 5,4). Đó là niềm hi vọng của chúng ta, một niềm hi vọng không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Đối với người tin thì đó là một cánh cửa hoàn toàn mở toang. Đối với người nghi ngờ thì đó là một tia sáng lọt qua một cửa hé mở, không bị khép kín hoàn toàn. Và đối với tất cả chúng ta, đó sẽ là một ân phúc, khi ánh sáng này soi sáng cho chúng ta.[15]
Maria Thái Thanh (Khấn Tạm), FMI
[1] Cái chết và sự sống sau cái chết trong quan điểm của người Việt. Truy cập ngày 29/10/2024 tại https://vietales.vn/cai-chet-va-su-song-sau-cai-chet-trong-quan-diem-cua-nguoi-viet/
[2] ANTÔN NGUYỄN VĂN DŨNG, C.Ss.R, Cánh Chung Học (Học Viện Thánh Anphongsô, 2017), tr.111.
[3] GS, s. 17.
[4] PHÊRÔ PHAN TẤN THÀNH, Cánh Chung Học (Tp.HCM: Học Viện Liên Dòng Thánh Tôma, 2003), tr.258-259.
[5] JOSEPH RATZINGER, Đức Giêsu Thành Nazareth - Phần II (Hà Nội: Tôn Giáo 2011), tr. 280.
[6] x. SS, s. 6.
[7] JOSEPH RATZINGER, Tuyển Tập Ratzinger- Phác họa một hành trình thần học (Hà Nội: Tôn Giáo 2023), tr. 122.
[8] GS, s.15.
[9] GLCG, s.1009
[10] nt, s.1010
[11] nt, s.989
[12] SC, s. 5.
[13] x. EV, s. 1.
[14] Kinh Tiền Tụng I, Cầu cho các tín hữu đã qua đời
[15] ĐTC PHANXICO, Bài Giáo Lý “Giữ vững hi vọng khi đứng trước cái chết”. Truy cập ngày 29/10/2024 tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giu-vung-hy-vong-khi-dung-truoc-cai-chet-31202