Lá bàng có tác dụng gì?

Cây bàng được xem như một loại cây để che bóng mát, nhưng ít người biết nó cũng có tác dụng tốt cho sức khoẻ. Dưới đây là thông tin về tác dụng chữa bệnh của lá bàng mà ít người biết đến.


Các hợp chất có trong lá bàng

Theo một số nghiên cứu đã tìm thấy rất nhiều chất hợp chất có giá trị trong lá bàng tươi, đó là các hợp chất như: flavonoid, tanin, saponin, chloroform, glycosides, alkaloids, carbohydrates, protein, amino acid…

Thành phần hợp chất có trong quả, hạt và vỏ của cây bàng có chứa một lượng lớn những chất như: protein, carbohydrate và tro. Beta-caroten) và vitamin C, olein và stearin, chất xơ, protein, chất béo, carbohydrate, sắt, axit ascorbic, axit arachidic, beta-carotene, axit linoleic, axit myristic, axit oleic, axit palmitic, axit palmitoleic, axit stearic, phốt pho, kali, niacin, riboflavin, thiamin và nước …

Công dụng của lá bàng

Theo y học cổ truyền: Lá bàng có tính mát. Lá bàng được dùng để chữa cảm sốt, làm ra mồ hôi, chữa lỵ, chữa viêm da cơ địa, trị ghẻ, chữa phong tê thấp, sâu răng. Có một số kinh nghiệm cho rằng lá bàng còn có tác dụng chữa đau dạ dày, đường ruột và các bệnh về gan. Ngoài ra, vỏ, quả, hạt có vị béo và làm săn da và niêm mạc.

Theo y học hiện đại: Lá bàng có chứa rất nhiều hợp chất tanin, đây là một chất chống oxy hóa mạnh giúp kháng khuẩn, chữa các loại bệnh liên quan đến nấm, nhất là nấm phụ khoa. Ngoài ra, các nghiên cứu về chiết xuất từ rễ cây bàng có một số hợp chất có thể kháng khuẩn chống lại vi khuẩn đại tràng và khuẩn tụ cầu vàng.

Tác dụng của lá bàng với sức khoẻ

Kháng khuẩn, chữa viêm da cơ địa: Trong lá bàng có rất nhiều Tanin và các chất Phytosterol, Flavonoid chúng có tác dụng kích tích sản sinh các tế bào, chống viêm và có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm. Đặc biệt lá bàng có tác dụng chữa viêm da cơ địa, làm giảm cảm giác ngứa rát do viêm da cơ địa đem lại.

Kháng viêm: Lá bàng có tác dụng kháng viêm, bởi vì hợp chất chloroform, polyphenolic, triterpenoid có trong lá bàng có thể làm giảm các triệu chứng phù nề rất nhanh chóng.

Chữa nấm phụ khoa: Trong lá bàng có chứa rất nhiều chất Tanin, chất này có tính chống oxy hóa mạnh, giúp kháng khuẩn, và điều trị các bệnh liên quan đến nấm phụ khoa của chị em phụ nữ, giúp cho giảm các triệu chứng như: ngứa, rát và đồng thời ngăn chặn lây lan của các loại nấm phụ khoa.

Viêm họng: Lá bàng có chất Phytosterol, có tác dụng tác động đến axit uric làm giảm lượng axit này và hạn chế tình trạng viêm sưng trong khoang miệng, làm giảm nhanh các triệu chứng viêm họng.

Chữa sâu răng: Sử dụng lá bàng để điều trị sâu răng rất hiểu quả bởi các chất như Tanin, Flavonoid, Phytosterol… có trong lá bàng sẽ tương tác với enzyme trong nước bọt tạo thành một chất sẽ ngăn chặn chống lại các vi khuẩn có hại xâm nhập vào răng miệng, từ đó giảm đau nhanh chóng.

Trị nhiệt miệng: Lá bàng có chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm, và làm lành nhanh các vết thương, chống lại các loại vi khuẩn, virus làm tổn thương đến các niêm mạc miệng.

Một số nghiên cứu cũng đưa ra công dụng của lá bàng là tác dụng tốt với bệnh ung thư, đái tháo đường. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học đủ mạnh để có thể khẳng định điều này.

Một số bài thuốc từ lá bàng

Bài thuốc bôi, đắp trị viêm da cơ địa: lấy một nắm lá bàng non rửa sạch để ráo nước, cho vào cối giã cùng một nhúm muối, cho thật nhuyễn. Bôi thuốc lên vùng da bị bệnh, để khoảng 15 đến 20 phút rồi rửa sạch lại với nước ấm. Lưu ý, khi sử dụng phải có hướng dẫn của người có chuyên môn.

Bài thuốc tắm trị viêm da cơ địa: Lá bàng non, cây sống đời, vòi voi, núc nác rửa sạch, nấu sôi 15 phút, bỏ vào 1 núm muối hạt, để nước ấm rồi tắm. Sau đó xả lại với nước sạch.

Bài thuốc chữa cảm sốt, làm ra mồ hôi: Lấy búp hoặc lá bàng non, cúc tần, lá hương nhu, tía tô, kinh giới. mỗi vị 10g, sắc uống ngày 3 lần.

Bài thuốc chữa ghẻ: Lấy 1 nắm búp bàng non, phơi khô, tán thành bột rồi rắc vào các nơi bị bệnh.

Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp: Lấy 1 nắm lá bàng non còn tươi, giã ra, đem xào nóng với 1 chén rượu, sau đó để nhiệt độ khoảng 35 đến 40 độ thì đem chườm vào vị trí đau.

Chữa viêm chân răng, sâu răng: Dùng vỏ thân cây bàng, hạt cau đem ngâm với rượu khoảng 3 tháng đem ra ngậm, ngày ngậm 3 lần. Ngậm khoảng 15p sau đó nhổ ra.

Bài thuốc chữa kiết lỵ, tiêu chảy: Lấy 10 – 15g vỏ cây bàng, đem cảo sạch lớp đen bên ngoài, rửa sạch, đem sắc uống trong ngày.

Bài thuốc chữa vết thương, vết loét: Lấy vỏ bên ngoài cảo sạch, hoặc lấy lá bàng non không cần điều lượng, rửa sạch đem sắc thật đặc, rồi đem rửa chỗ vết thương.

Bài thuốc chữa đi ngoài ra máu: Lấy nhân hạt bàng 15g, sao vàng, giã vừa đem sắc uống trong ngày.

Những lưu ý khi sử dụng lá bàng

Nên chọn lá bàng non vì chất lượng và số lượng hoạt chất có trong lá non nhiều hơn lá già.

Không được dùng lá bị sâu, hoặc lá bị bệnh, tránh trường hợp lông sâu gây kích ứng cho da.

Trong quá trình sử dụng lá bàng nếu xuất hiện dị ứng hay phản ứng bất thường khác của cơ thể thì ngay lập tức ngừng dùng.

Trong quá trình dùng lá bàng thì không nên sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia, lươn, chạch, ếch, đồ hải sản, măng, cà …

Nên mặc quần áo rộng rãi , thoáng mát, tránh cọ xát vào vùng da bị bệnh.

Không nên gãi lên vùng da đang điều trị.

Lá bàng được xem là một vị thuốc điều trị, tuy nhiên khi dùng bất kỳ bài thuốc nào để chữa bệnh, thì tốt nhất độc giả cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn điều trị một cách hiểu quả và an toàn.

Lương y Trần Đăng Tài  

Nguồn: suckhoedoisong.vn