Sức mạnh của thinh lặng

Đi sâu vào trong sự thinh lặng, tôi dần khám phá ra chính con người thật của mình.


Trong tông huấn Gaudete et Exsultate, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: "Tất cả chúng ta cần sự thinh lặng, sự thinh lặng đầy tràn sự hiện diện Đấng mình tôn thờ, để trái tim mở ra cho việc gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện, trong đó tất cả đều an bình và tiếng nói của Chúa, có thể nghe thấy giữa thinh lặng" (số 128). Chỉ có cuộc gặp gỡ và hiện diện sâu thẳm trong tâm hồn mới giúp chúng ta nhận ra đâu là những giá trị mà sự thinh lặng đem lại.

1. Thinh lặng để gặp Chúa

Thánh Augustino từng nói: "Gặp gỡ Thiên Chúa là nỗi khắc khoải và niềm vui lớn nhất của con người". Bởi lẽ, Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài biết rõ, cả khi con đứng, con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Chúa thấu suốt từ xa (x. Tv 138,2). Ngài chính là điểm tựa và chốn nương ẩn giúp con kín múc được nguồn hạnh phúc và bình an.

Cùng với Chúa đi vào hành trình Sa Mạc và ở lại trong sự thinh lặng, tôi dần khám phá ra sự hiện diện của Chúa ở khắp mọi nơi trong mọi khoảnh khắc của ngày sống. Ngài dắt tôi ra khỏi mọi vướng bận của những lo toan, tất bật; những tiếng ồn ào náo nhiệt và thay vào đó là một tâm hồn trầm lắng, thanh thoát để gặp gỡ Thiên Chúa.

Chính trong sự thinh lặng, tôi cảm nếm được hương vị ngọt ngào của tình yêu. Ngang qua sự dạy dỗ, tôi được lớn lên trong ân sủng của Chúa. Vì cuộc sống của tôi là lắng nghe, cuộc sống của Ngài là dạy bảo. Đó là ơn cứu độ của tôi (Thomas Merton).

Thinh lặng giúp tôi mở ra trong mối tương quan với Chúa. Ngài tự do mở những cánh cửa đã bị khép kín bấy lâu nơi tâm hồn của tôi. Chính Ngài cũng giúp tôi cởi bỏ sự an toàn của chính mình và đặt trọn chìa khóa cuộc đời vào trong bàn tay quan phòng của Chúa.

2. Thinh lặng để lắng nghe người khác

Bước vào Sa Mạc, tôi được mời gọi sống sự trầm lắng nội tâm sống động (x. Hiến luật, đ.48), trở về nơi sâu thẳm lòng mình nhờ đó được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và đi vào thực tế trong mối tình hiệp thông với tha nhân.

Trong tiến trình này, tôi cảm nghe bản thân được thôi thúc đii vào trong sự thinh lặng và buông mình trước sự hướng dẫn của Thần Khí. Để trong Chúa Thánh Thần, Ngài hiện diện trong tôi là nguồn mạch đem lại niềm vui thanh thoát khi cầu nguyện với Thiên Chúa và trở nên dấu chỉ sự hiệp nhất trong yêu thương (x. Hiến luật, đ.42) .

Hơn nữa, sự viên mãn của sự thinh lặng hệ tại trong đức ái (Cha Thomas Merton- Hoa trái thinh lặng). Chỉ khi đặt mình trong sự lắng nghe và thấu cảm, tôi sẽ không còn tìm đến những gì quy hướng về chính mình nhưng là sống cho mọi người như chính Chúa Giêsu đã yêu.

Sống thinh lặng không phải để thinh lặng, để tự giải thoát bản thân khỏi những rắc rối thường xảy ra trong đời sống chung. Nhưng, đó là một sự thinh lặng đầy ắp sự hiện diện của Chúa để rồi lan tỏa niềm hy vọng, sự bao dung và nâng đỡ với những người chung quanh. Nhờ vậy, cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp hơn.

Thinh lặng cũng là ngôn ngữ của sự thấu cảm. Tôi dễ dàng rung động trước những nỗi đau, mất mát và những tổn thương của người khác. Và cũng chính nhờ thinh lặng mà tôi hành động nhiều hơn.

3. Thinh lặng để đối diện với chính mình

Đi sâu vào trong sự thinh lặng, tôi dần khám phá ra chính con người thật của mình. Tôi biết học cách lắng nghe và đón nhận chính những gì mình đang thực sự là. Chúa cho tôi nhìn thấy những hố sâu và góc tối tận sâu thẳm trong tâm hồn. Nơi mà bấy lâu nay, tôi sợ khi phải đối diện. Tôi thường có khuynh hướng né tránh và chạy trốn. Thế nhưng, chính trong sự thinh lặng, tôi không còn chối bỏ và bắt đầu cởi mở để cho Chúa biến đổi với niềm hy vọng nơi chính Đức Kitô.

Nhờ biết mình, tôi khiêm tốn nhận ra tất cả những hồng ân mà bản thân đã được lãnh nhận từ Chúa. Ngài cho tôi thấy rõ thân phận yếu đuối và mỏng giòn của phận người và mời gọi tôi quyết tâm trở về.

Cũng nhờ thinh lặng, tôi nhạy bén với tiếng nói của lương tâm. Trước những cám dỗ của những đam mê, thú vui bên ngoài xã hội, tôi không còn sợ hãi khi phải chiến đấu. Vì khi sống với những điều đã cảm nghiệm được trong sự thinh lặng, tôi rút ra được những kinh nghiệm và bài học quý giá ngang qua những biến cố mà không để mình bị chao đảo hay mất phương hướng.

Qua gần ba tháng được sống trong môi trường thinh lặng nơi Tập viện, tôi cảm nghiệm được giá trị của sự thinh lặng đem lại. Nó vô cùng hữu ích với tôi. Đó là một phương thế hữu hiệu để tôi có thể lắng nghe tiếng Chúa, anh chị em xung quanh, vạn vật và cả chính mình. Hãy để cho sự thinh lặng hành động. Vì đó là ông hoàng dạy bảo sự thật.

Maria Hồng Thắm (Tập sinh), FMI