Một nẻo hành hương

Mỗi ngày sống của chúng ta cũng là một cuộc hành hương: từ sáng sớm đến đêm về, chúng ta ra khỏi một góc thân quen đến đi đến một nơi khác để làm việc, để gặp gỡ, và từ nơi khác ấy, chúng ta lại đi đến một nơi khác nữa,…


Khi đọc và suy ngẫm về Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 39 với chủ đề: “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh” (Is 40,31), những âm vang của hai từ “hành hương” cứ vọng mãi trong tâm hồn tôi và tôi cảm thấy mình được mời gọi một lần nữa khám phá lại ý nghĩa chuyến hành hương của cuộc đời mình.

Theo nghĩa thông thường, đối với người Công giáo, hành hương là rời khỏi nơi chốn quen thuộc mà mình đang sống để đi đến một địa danh linh thiêng tràn đầy bầu khí cầu nguyện, để thưa chuyện thân tình với Thiên Chúa, với Đức Mẹ hay một vị thánh nào đó. Hành hương là một công việc đạo đức bình dân, một hành động biểu lộ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì những ơn lành mà Người đã ban cho chúng ta, hay là một hành động bày tỏ những tâm tình thống hối và nài xin cho được những ân ban cần thiết giúp vượt qua một giai đoạn khó khăn nào đó của cuộc đời. Nhưng điều ý nghĩa nhất mà một cuộc hành hương mang đến cho con người là một cuộc hoán cải thiêng liêng, một niềm hy vọng hướng về tương lai trong tin yêu và phó thác. Khi tham gia một cuộc hành hương nào đó, người lữ khách thường mang trong mình nhiều cung bậc cảm xúc, có khấp khởi niềm vui trở về nơi thân thuộc, có chút e ngại những khó khăn vất vả phải trải qua, có lắng đọng của ý thức thân phận khách lạ giữa bôn ba quê người,… Những nỗi niềm trăn trở đó trở thành một ý vị gì đó rất riêng cho tâm trạng của những người hành hương.

Đức Thánh Cha đã đưa ra một lời mời gọi rất sâu sắc cho những ai đã, đang và sẽ dự định tham gia một cuộc hành hương: chúng ta đi hành hương không giống như đi du lịch, mục đích của hành hương không chỉ dừng lại ở những tấm ảnh đẹp, bắt mắt, hay sự nghỉ ngơi, hoặc chỉ nhằm có thêm những mối tương quan xã hội. Khách du lịch thường chỉ bị thu hút bởi vẻ đẹp bên ngoài của cảnh quan mới lạ hay những trải nghiệm về món ăn, giải trí. Những người hành hương thì không dừng lại ở cảnh vật bên ngoài, nhưng trái lại, họ để cho tâm hồn mình được hoà điệu với sự linh thiêng của linh địa, họ đắm mình hoàn toàn vào những nơi họ gặp gỡ, họ để cho bản thân trở thành một phần trong cuộc tìm kiếm bình an và thanh thản đích thực. Cách riêng với những người xem mình là những lữ khách của hy vọng, hành hương mặc dù ở bên ngoài là một cuộc xuất hành đi ra khỏi nơi chốn quen thuộc, nhưng thực chất ý nghĩa của hành hương lại là một cuộc hành trình hướng nội, đưa con người trở về với chốn nội tâm rất riêng của mình, để ở nơi đó họ được bao bọc yêu thương bởi Thiên Chúa, và lấy lại nguồn sinh lực cho mình.

Mỗi ngày sống của chúng ta cũng là một cuộc hành hương: từ sáng sớm đến đêm về, chúng ta ra khỏi một góc thân quen đến đi đến một nơi khác để làm việc, để gặp gỡ, và từ nơi khác ấy, chúng ta lại đi đến một nơi khác nữa,… và cuối cùng trở về lại với góc thân quen của mình; từ thuở ấu thơ đến lúc tóc bạc da mồi, chúng ta thực hiện cuộc hành hương với thời gian, đi ra khỏi quá khứ và hiện tại quen thuộc để đến với tương lai đầy bất ngờ và hy vọng ở phía trước. Mục đích của những chuyến hành hương cuộc sống ấy là gì, nếu không phải là qua thời gian và không gian, chúng ta được đưa đến gần hơn với Quê Hương đích thực, Quê Nhà dấu yêu của chúng ta là Nước Trời, với Đấng mà trí lòng chúng ta luôn hướng về là chính Thiên Chúa?

Ước gì mỗi người lữ khách hy vọng chúng ta tuy có vất vả, có những lúc mệt mỏi,… trên những chuyến hành hương cuộc sống, sẽ luôn chất đầy niềm vui và tin tưởng vì những chuyến hành hương ấy luôn đưa chúng ta đến thật gần với chốn mà chúng ta hằng ước mong.

M. Matta Kim Quyên (Khấn tạm), FMI