Người nghèo của Thiên Chúa
Bằng nhiều cách chúng ta có thể giúp đỡ cho những anh chị em nghèo bên cạnh chúng ta...
Giáo hội đang bước đi dưới sự dẫn dắt của Thần Khí trong tiến trình hướng đến Năm Thánh 2025 với chủ đề “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5). Một niềm hy vọng hướng chúng ta đến những điều tốt đẹp dù không biết hôm nay hay ngày mai ra sao. Trong sắc chỉ Năm Thánh, Đức Thánh Cha đã hướng mọi Kitô hữu cầu nguyện cho những đối tượng cần đến niềm hy vọng, trong đó Ngài “tha thiết cầu xin cho hàng tỷ người nghèo có được niềm hy vọng”. Họ là những người đang phải thiếu thốn rất nhiều về vật chất cũng như tinh thần, mỗi ngày họ vẫn đang chấp nhận và cam chịu sống chung với cái nghèo. Trong khi đó, biết bao người khác trên Thế giới chỉ chú tâm đến những cải tiến – nghiên cứu vũ khí. Người nghèo vẫn cứ nghèo, ấy vậy mà họ còn đang phải gánh chịu nhiều đau khổ hơn nữa từ những cuộc xung đột, chiến tranh và bạo động.
Ngày Thế giới Người nghèo lần VIII được cử hành vào ngày 17/11/2024 với tựa đề: “Kẻ nghèo vừa mở miệng cầu khẩn là Chúa lắng tai nghe” (Hc 21,5). Có lẽ đây là một ngày thật đẹp và có giá trị to lớn dành cho người nghèo và của những người nghèo. Họ đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn thế nữa.
Người nghèo là ai? Không ai khác đó là mỗi người chúng ta, những người lữ hành trên đường hy vọng. Không loại trừ tôn giáo, chính trị, địa vị xã hội. “Tất cả chúng ta đều là những người ăn xin, vì nếu không có Chúa, chúng ta sẽ chẳng là gì cả”. Khi ý thức mình là một người nghèo thì chúng ta sẽ biết cách để nhìn, cảm thông, yêu thương và giúp đỡ những người khác – là anh chị em nghèo bên cạnh chúng ta. Người nghèo sẽ thực sự nghèo hơn khi họ thiếu thốn cả về vật chất cũng như tinh thần.
“Bạo lực do chiến tranh gây ra cho thấy rõ sự kiêu ngạo của những người tự coi mình là có quyền lực trước mọi người, nhưng lại nghèo nàn trước mắt Thiên Chúa”. Hãy ý thức mình là một người nghèo để không cư xử như những kẻ là chủ của cuộc sống. Nhờ đó, mỗi người cộng tác với Thiên Chúa để xoa dịu những tổn thương mà ít nhiều chúng ta đã từng gây ra cho anh chị em mình. Càng thấy rõ những tổn thương ấy nơi người nghèo, chúng ta càng phải mạnh mẽ tranh đấu cho hòa bình Thế giới, đặc biệt nơi các nước vẫn đang kéo dài chiến tranh.
Bằng nhiều cách chúng ta có thể giúp đỡ cho những anh chị em nghèo bên cạnh chúng ta. Nhưng trước hết, hãy lắng nghe họ, biến lời cầu nguyện của họ trở thành lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta, cùng với họ cầu xin “xin Cha cho chúng con...”, để nhờ sự đồng hóa này chúng ta cảm được nhu cầu thực sự của những người nghèo. Sự giúp đỡ của chúng ta còn được thể hiện qua các hành động bác ái, được thể hiện qua sự gặp gỡ và gần gũi. Đòi hỏi những cuộc ra đi nơi mỗi người, để có thể gặp những con người bất hạnh và đau khổ dưới các gầm cầu, nơi các trại tập trung hay đang lạc lỏng giữa biển người và thành phố xa hoa. Một người phụ nữ vĩ đại trong thế kỷ XX đã làm chứng cho chúng ta về những nghĩa cử cao đẹp. Mẹ Têrêsa Calcutta “thường nhắc lại rằng chính từ cầu nguyện mà Mẹ đã có được sức mạnh và đức tin cho sứ vụ phục vụ những người bé mọn nhất”. Hãy theo gương Mẹ Têrêsa để sống yêu thương người nghèo, như Mẹ đã quyết thực thi trong suốt cuộc đời Mẹ làm cho mọi người bất hạnh cảm nhận họ cũng được Thiên Chúa yêu thương, tôn trọng. Bằng một một nụ cười, một sự âu yếm, một lời an ủi... chúng ta có thể làm cho một người nghèo được hạnh phúc.
Hướng về Thiên Chúa như nguồn năng lượng vô tận của con người, chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Ngài trợ lực cho chúng ta đủ sức để cộng tác với Ngài trong việc giúp đỡ những người nghèo. Ít nhất cũng bằng lời cầu nguyện và bằng những cử chỉ bác ái thường ngày. Mỗi người tùy theo khả năng của mình để giúp đỡ cho người khác. Không ai nghèo đến độ không có gì để cho cả. Ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta không phải để cất giấu hay làm của riêng, nhưng là sinh hoa lợi và quảng đại trao ban.
M. Matta Diễm Quỳnh (Học viện SG), FMI