Người nghèo trong trái tim Thiên Chúa
Đức Thánh cha Phanxicô đã mời gọi mỗi Kitô hữu suy tư về một trong những chân lý nền tảng của mạc khải trong Kinh Thánh: “người nghèo có một vị trí đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa”
Trong sứ điệp viết cho Ngày thế giới người nghèo lần thứ VIII sẽ được cử hành vào 17/11/2024 với tựa đề: “Kẻ nghèo vừa mở miệng cầu khẩn là Chúa lắng tai nghe” (Hc 21,5), Đức Thánh cha Phanxicô đã mời gọi mỗi Kitô hữu suy tư về một trong những chân lý nền tảng của mạc khải trong Kinh Thánh: “người nghèo có một vị trí đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa” ([1]). Qua lời của vị cha chung, tôi cũng được mời gọi để suy tư hơn và phản tỉnh về lối sống của mình trong lời nói, việc làm đối với những “người nghèo” sống quanh mà tôi có cơ hội gặp gỡ, sống cùng mỗi ngày.
Ngay từ xa xưa, nói đến tài sản của Giáo hội, người ta thường nghĩ ngay đến các ngôi thánh đường, đất đai, …. Tuy nhiên, tài sản thật của Giáo hội không nằm ở đó. Đối với thánh Laurenso, tài sản Giáo hội là những người nghèo, đau khổ, khuyết tật, mù loà ([2]). Đức Phanxicô cũng đã từng tuyên bố: “Tài sản của Giáo hội không phải nơi các thánh đường, nhưng nơi người nghèo” ([3]).
Vậy, người nghèo là ai?
“Từ ngữ ‘người nghèo’ được dùng trong các Tin Mừng tiếng Hy Lạp có thể là những người không có khả năng kiếm sống hằng ngày nên phải ăn xin, kiếm được những thứ từ người khác. Họ phải làm lụng vất vả mới có của nuôi thân, không thể kiếm được cho mình sự thoải mái và thịnh vượng. Từ ngữ được dùng để chỉ “người nghèo” trong tiếng Hipri là “ani” có nghĩa là người bị đè xuống thấp kém, bị bắt bớ, người không có quyền, không được bảo vệ, phải lệ thuộc người khác... Người không được trợ giúp ấy là nạn nhân của những kẻ đàn áp và bóc lột. Nghiêm trọng hơn sự thua kém về tài chính là sự kiện họ bị đàn áp, nhục mạ và bóc lột. Những kẻ đàn áp kiêu hãnh và bất công còn kẻ bị áp bức nói chung, hiền lành, khiêm tốn và tin tưởng vào Thiên Chúa” ([4]).
Có thể thấy, người nghèo không chỉ là những người thiếu thốn về vật chất nhưng còn thiếu thốn về mặt tinh thần. Họ cần người khác giúp đỡ vì chính họ không thể làm được gì hơn cho chính mình. Vì vậy, họ là đối tượng cần được ưu tiên hướng đến. Giáo hội nói rõ: “Nếu không ưu tiên lựa chọn người nghèo, việc rao giảng Tin Mừng, một hoạt động tự thân mang hình thức hoàn hảo của đức ái, có nguy cơ bị ngộ nhận hoặc bị nhấn chìm bởi vô vàn lời nói đang vùi lấp chúng ta hằng ngày trong xã hội của phương tiện truyền thông đại chúng đương thời” ([5]). Như vậy, “đời sống và sứ vụ tương lai của Giáo hội phải được đặt nền tảng trên sự lắng nghe có tính chất cầu nguyện trước tiếng kêu của người nghèo” ([6]). Tuy nhiên, một cám dỗ của người cho khi đến với người nghèo là thường dễ có xu hướng cho họ ‘con cá’, giúp họ những cái họ cần về vật chất nhưng lại thiếu cái nhìn xa về tinh thần, về tương lai của họ. Vật chất, chắc chắn rất cần thiết đối với những người nghèo. Dĩ nhiên, họ cần được giúp cả những điều đó nữa. Tuy nhiên, quan trọng hơn, cần thiết hơn là cho họ sự chăm sóc thiêng liêng, tức ở bên, làm bạn với họ, đồng hành, lắng nghe và tạo điều kiện để họ cảm nhận một Đấng đang đồng hành với họ thường xuyên hơn là ta; cho họ nhiều hơn ta và yêu họ hơn ta yêu họ. Điều này đòi hỏi người cho một sự dấn thân và bỏ mình hơn, không chỉ dừng lại ở việc cho họ cái mình “có” nhưng còn cho tận cái “là” của mình. Về vấn đề này, Đức Thánh cha Phanxicô cũng bày tỏ quan điểm của mình khi nhắc lại một nội dung của EG:
“Sự kỳ thị tồi tệ nhất mà người nghèo phải chịu là thiếu sự chăm sóc thiêng liêng. Đa số người nghèo có một sự mở lòng đặc biệt với đức tin; họ cần Thiên Chúa và chúng ta không thể không cống hiến cho họ tình bạn, sự chúc lành, lời nói, việc cử hành các bí tích và một hành trình lớn lên và trưởng thành trong đức tin. Chọn lựa ưu tiên của chúng ta vì người nghèo phải chủ yếu trở thành một sự chăm sóc tôn giáo đặc biệt và ưu tiên cho họ” ([7]).
Trong năm này, Đức Thánh cha Phanxicô cũng mời gọi mỗi người biến lời cầu nguyện của người nghèo thành của mình và cầu nguyện với họ. Như vậy, trong và với lời cầu nguyện, mỗi người sống tinh thần hiệp hành, hiệp thông cùng với những anh chị em khác. Tuy hai nhưng là một, biến lời cầu nguyện của người nghèo thành của mình, mỗi người không chỉ thể hiện một sự đồng cảm đơn thuần nhưng là muốn cùng được chia sẻ cuộc sống, tâm tình, hay cách nào đó mặc lấy những khó khăn, thử thách, những nỗi đau, âu lo, băn khoăn mà họ đang phải đối diện; tắt một lời, là muốn được nên một với họ, đập chung một nhịp tim với họ để cảm nghe được nỗi lòng của họ như chính nỗi lòng của mình.
Là những thụ tạo bất xứng, trước mặt Thiên Chúa, con người đều là những người nghèo cách này cách khác. Nếu không có Chúa, mỗi người sẽ chẳng là gì cả. Thay vì con người phải mở miệng kêu xin, Thiên Chúa giàu lòng trắc ẩn đã đi bước trước để ban những điều cần thiết để họ có thể hiện hữu trên cuộc đời này. Chỉ cần Người lấy đi hơi thở của chúng ta trong vài phút thôi thì … Tóm lại, mỗi người đều nghèo trước mặt Chúa. Tuy nhiên, cuộc sống làm con người nhiều lần quên mất sự thật đó, để rồi, có những lúc, con người sống như tất cả là của mình, do mình làm chủ. Đã bao nhiêu lần con người làm tổn thương chính mình và làm tổn thương nhau vì đặt sai địa vị của mình và các giá trị mà họ hướng đến. Vì vậy, mỗi người đều cần đến tình yêu, sự tha thứ và chăm sóc, quan phòng của Thiên Chúa. Là người cha dễ chạnh thương, Thiên Chúa luôn có đó để bảo vệ con cái, Người không loại trừ bất kì ai ra khỏi trái tim của mình, chỉ là, ai sẽ là người thật sự chân nhận mình là người nghèo để cần đến sự giúp đỡ của Chúa để chạy đến với Người mà thôi. “Tất cả những điều này đòi hỏi một trái tim khiêm nhường, có can đảm để trở thành một người ăn xin. Một trái tim sẵn sàng nhận ra mình là người nghèo và thiếu thốn” ([8]). Chính Chúa Giêu là người nghèo nhất trong các người nghèo. Người cảm nghe được những khó khăn đe dọa đến sự sống và đời sống thiêng liêng của những người nghèo đó cũng như những giá trị tốt đẹp của những người nghèo của Thiên Chúa. Nhiều lần, Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến những mối phúc mà người nghèo sẽ được lãnh nhận (x. Mt 5,3; Mt 11,28-30). Tại sao vậy? Đức Thánh cha Phanxicô giải thích: người có tinh thần nghèo khó ý thức về sự nghèo khó của mình và dựa vào Thiên Chúa. Họ ý thức về sự mỏng giòn yếu đuối của mình, chấp nhận những sai lỗi và xin tha thứ ([9]), cụ thể:
“Thực tế, có một mối tương quan giữa nghèo đói, khiêm nhường và tin tưởng. Người nghèo thực sự là những người khiêm nhường, như Thánh Giám mục Augustinô nói: “Người nghèo không có gì để tự hào, người giàu phải chiến đấu với sự kiêu hãnh của mình. Vì vậy, hãy nghe tôi: thực sự nghèo khó, đạo đức, khiêm nhường” (Bài giảng 14, 4). Người khiêm nhường không có gì để khoe khoang và không đòi hỏi điều gì, họ biết họ không thể dựa vào chính mình, nhưng họ tin tưởng chắc chắn rằng họ có thể kêu gọi tình yêu thương xót Thiên Chúa, trước mặt Người như người con hoang đàng trở về nhà, ăn năn để đón nhận vòng tay của cha mình (Lc 15,11-24). Người nghèo, không có gì để dựa vào, nhận được sức mạnh từ Thiên Chúa và đặt trọn niềm tin tưởng nơi Người. Thật vậy, sự khiêm nhường tạo ra niềm tin rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta hoặc bỏ mặc chúng ta mà không đáp lời” ([10]).
Như vậy, khi ý thức mình là những người nghèo, con người không chỉ biết hướng lòng mình đến anh chị em xung quanh nhưng còn đặt mình trong tương quan với vị Thiên Chúa đầy trắc ẩn sẵn sàng đón nhận và bao bọc chúng ta trong tình thương của Người. Sẽ có những lúc, chúng ta kinh nghiệm được rằng, Thiên Chúa “im lặng” trước những lời kêu gào của chúng ta. Thật dễ nản lòng nếu không học được tâm tình của những người nghèo: lời nài xin của họ không phải lúc nào cũng được đón nhận. Có những lúc họ “ngửa tay xin” và nhận về đôi bàn tay trắng. Tuy nhiên, họ không nản lòng nhưng vẫn tiếp tục, tiếp tục vì đối với họ, điều đó liên quan đến sự sinh tồn của họ. Với Thiên Chúa là Cha, chắc chắn Người không đứng nhìn con cái van xin mà chỉ với đôi bàn tay trắng. “Sự im lặng của Chúa không có nghĩa là Người không chú ý đến những đau khổ của chúng ta; đúng hơn, điều này chứa đựng một lời yêu cầu phải được đón nhận với lòng tin tưởng, phó thác chính mình cho Chúa và ý muốn của Người” ([11]). Người mời gọi con cái mình biết sống tâm tình phó thác hơn, nhẫn nại hơn và biết xem xét lại những điểm tựa mà vô tình hay hữu ý mà mỗi người đang bám vào. Có như vậy, con người mới biết đặt đúng vị trí các mối tương quan, đồng thời, biết mở ra với những người “nghèo” xung quanh mình và cho bản thân một cơ hội lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa trong tận sâu cõi lòng.
Sứ mạng của người tu sĩ là trở nên khí cụ của Thiên Chúa, để giải thoát và thăng tiến người nghèo, và để giúp người nghèo có khả năng là một phần tử của xã hội cách trọn vẹn ([12]). Phải làm thế nào để “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô” ([13]). Đó là lời mời gọi của Mẹ Giáo hội và cũng là một thao thức, trăn trở mà mỗi một Kitô hữu, cách riêng là những người bước theo sát Đức Kitô phải cưu mang và cụ thể hóa nó trong đời sống. Mỗi người đều là kho báu của Thiên Chúa, mỗi người đều là con cái được dựng nên giống hình ảnh của Người. Ước gì mỗi người đều trở nên những “người hàng xóm tốt lành” của nhau, của những “người nghèo”, để cùng họ và với họ xây dựng một thế giới đượm tình người.
M. Anna Thảo Ly (Học viện SG), FMI
[1] X. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho Ngày thế giới người nghèo lần thứ VIII, truy cập ngày 15.10.2024 tại https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-06/su-diep-dtc-ngay-the-gioi-nguoi-ngheo-viii.html#:~:text.
[2] LINH MỤC GIUSE HOÀNG KIM TOAN, Tài sản Giáo Hội, truy cập ngày 16.10.2024 tại https://gpbanmethuot.net/van-hoc-nghe-thuat/tai-san-giao-hoi-10079.html.
[3] ĐỨC PHANXICO, “Tài sản của Giáo hội là nơi người nghèo, không phải nơi các thánh đường!”, Dg. Giuse Nguyễn Tùng Lâm, truy cập ngày 16.10.2024 tại https://phanxico.vn/2016/11/14/duc-phanxico-tai-san-cua-giao-hoi-la-noi-nguoi-ngheo-khong-phai-noi-cac-thanh-duong/.
[4] X. GEORGE KAITHOLIL, Đời sống thánh hiến – những cơ hội và thách đố, Dg. Linh mục Đaminh Nguyễn Đức Thông (CSsR), Nxb Tôn giáo, 2018.
[5] EG, số 199
[6] GREGORIO VÕ TRẦN NHỰT, Giáo Hội trở nên hiệp hành, phần 2: ưu tiên lựa chọn người nghèo và con đường phía trước, truy cập ngày 18.10.2024 tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi-tro-nen-hiep-hanh-phan-2-uu-tien-lua-chon-nguoi-ngheo-va-con-duong-phia-truoc-44620.
[7] EG số 200
[8] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho Ngày thế giới người nghèo lần thứ VIII, nt
[9] ĐTC PHANXICÔ, Mối phúc nghèo khó, truy cập ngày 27.10.2024, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dtc-phanxico-moi-phuc-ngheo-kho-39030
[10] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho Ngày thế giới người nghèo lần thứ VIII, nt
[11] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho Ngày thế giới người nghèo lần thứ VIII, nt
[12] x. EG, số 187
[13] GS, số 1