Lời kinh gia đình
Mặc dù tất bật, nhưng không một buổi sáng nào mẹ bỏ đọc kinh chung gia đình.
Tôi được sinh ra và lớn lên trên miền đất cát trắng, đầy nắng và gió tại làng quê Hà Thanh, ở xứ Huế. Ngày đó, cuộc sống của gia đình tôi không khá giả, nhưng tôi cảm nhận dạt dào tình yêu thương của ba mẹ qua cách dạy dỗ, qua những bài học trong cuộc sống, và đặc biệt là qua những lời kinh đã nuôi dưỡng đức tin nơi anh chị em tôi.
Mỗi sáng thức dậy, ký ức trong tôi lại hiện lên hình ảnh dịu dàng của mẹ, đến bên từng chiếc giường đánh thức những đứa con của mình dậy đọc kinh sáng chung với nhau. Cho dẫu có đứa đang ngáp, đứa thì đầu gật gù vì còn ngái ngủ, nhưng khi nghe tiếng mẹ làm dấu Thánh giá: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần…” thì tất cả mọi người cùng quy tụ, ngồi đọc kinh trước bàn thờ, lời kinh râm ran vang lên cả căn nhà. Và, mỗi buổi tối ba mẹ quy tụ các con cùng dâng lời kinh cảm tạ Chúa, vì những ơn lành Ngài đã thương ban trong một ngày sống. Khi nghĩ về điều đó, lòng tôi cảm thấy thật bình yên và tự hào, tự hào về truyền thống đọc kinh sáng tối của gia đình. Lời kinh đọng lại trong tâm trí, mang một giá trị thiêng liêng cao quý theo tôi trong từng ngày sống, từng bước đường.
Mẹ thức dậy từ rất sớm, dù trời hè hay trời đông. Trước lúc đánh thức từng đứa con dậy đọc kinh, mẹ đã làm biết bao nhiêu công việc: nấu cơm; cho heo ăn; hái rau ra chợ bán; giặt áo quần; quét nhà... Mặc dù tất bật, nhưng không một buổi sáng nào mẹ bỏ đọc kinh chung gia đình. Bởi vì, mẹ hiểu và thấu được giá trị lời kinh có sức quy tụ, liên kết mọi người, hơn hết là mẹ đang ươm mầm, gìn giữ đức tin cho các con.
Nhớ lúc còn nhỏ, tôi chưa ý thức được giá trị của việc đọc kinh, nên có những ngày cứ đến giờ kinh tối là tôi giả vờ nhắm mắt ngủ. Vậy là tưởng chừng như “thoát”, nghĩ rằng khi đọc kinh xong mình sẽ tỉnh dậy chơi hay xem tivi, thế mà đâu có qua được mắt mẹ. Mẹ đến gần đánh thức dậy, ngồi bên cạnh cùng đọc kinh với tôi. Qua cử chỉ đơn giản của mẹ đã giúp tôi biết sống ý thức hơn, nhìn thấy tấm gương sáng về lòng đạo đức, về thói quen tốt lành của ba mẹ muốn cho con cái được thừa hưởng tiếp nối và được lớn lên trong đức tin. Nghe mẹ kể, nhiều lúc mẹ và ba đang giận, đang cãi nhau, nhưng chỉ sau giờ đọc kinh là cả hai lại làm hòa, bình an như chưa có chuyện gì xảy ra. Thật khó tin! nhưng đó là niềm xác tín mà mẹ cảm nghiệm được khi tin có Chúa hiện diện, thì mọi chuyện trở nên tốt hơn, dễ dàng hơn.
Vậy lời kinh mang lại lợi ích hay giá trị nào? Tại sao mẹ vẫn luôn trung thành duy trì nó trong gia đình? Lời kinh trong gia đình mang một giá trị thiêng liêng, giúp các thành viên trong gia đình thêm yêu thương, gắn bó với nhau hơn. Khi cả gia đình cùng quây quần bên nhau để cầu nguyện, đó là lúc mọi người hướng lòng về Thiên Chúa, đặt niềm tin và sự phó thác vào Ngài. Lời kinh là sợi dây vô hình gắn kết tâm hồn, giúp mỗi người cảm nhận được sự bình an và sức mạnh tinh thần, đặc biệt trong những lúc khó khăn. Khi gia đình cùng cầu nguyện, Chúa Thánh Thần hoạt động như nguồn mạch hiệp nhất, thánh hóa các mối quan hệ và khơi gợi sự tha thứ, yêu thương. Như xưa, các môn đệ biết được giá trị của việc cầu nguyện, nên các ông đến thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (x. Lc 11,1) và Ngài đã dạy lời Kinh Lạy Cha, như một lời cầu nguyện dâng lên đẹp lòng Thiên Chúa.
Lời kinh gia đình mang tính bí tích. Qua lời kinh, ân sủng Thiên Chúa được tuôn đổ, và các thành viên được mời gọi sống tình yêu của Chúa Kitô cách cụ thể trong mối tương quan hàng ngày. Lời kinh cũng trở thành nơi để mọi người gặp gỡ Chúa. Điều này không chỉ giúp mỗi người sống đức tin cách cá nhân, mà còn cùng nhau bước đi trong ân sủng, trở thành chứng nhân sống động của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới. Đây chính là nơi mà ân sủng Thiên Chúa thánh hóa các mối quan hệ, làm nảy sinh lòng yêu thương, tha thứ và niềm hy vọng, để gia đình thực sự trở thành biểu tượng sống động của Vương quốc Thiên Chúa ngay tại trần gian, là nền tảng để gia đình sống theo ơn gọi Kitô hữu.
Đến bây giờ, năm người con của mẹ đã lớn, có người đã lập gia đình, có người đi làm, đi tu, nhưng mỗi lần qui tụ trong những dịp tết, dịp hè, thì vẫn đôi tay ấm áp ấy, vẫn bước chân đi nhẹ nhàng, vẫn giọng nói quen thuộc, rất đỗi thân thương: “Dậy đọc kinh con”. Qua những điều tốt lành ba mẹ làm, thì con cái được thừa hưởng những nếp sống tốt đẹp. Để rồi hôm nay, các anh trai tôi đã lập gia đình, cũng chính những hành động, lời nói ấy được tiếp nối, là cử chỉ đến bên mỗi chiếc giường để đánh thức các con – dù các con còn rất bé – cùng qui tụ để dâng những lời kinh lên Thiên Chúa. Và chính tôi, người nữ tu đang sống đời thánh hiến, cảm nhận giá trị lời kinh là hành trang vững chắc, giúp tôi sống và luôn ý thức khi được lãnh nhận, tôi biết trao ban. Trao ban hồng ân Chúa đến những con người gặp gỡ hằng ngày, gieo mầm đời sống đạo đức qua từng lời kinh nơi những tâm hồn đơn sơ của các em thiếu nhi, trở nên truyền thống tốt đẹp được kế thừa in sâu trong tâm hồn các em. Chúa luôn ban cho từng người, từng hoàn cảnh những hồng ân khác nhau, để thể hiện một tình yêu lớn lao của Thiên Chúa, như chính Chúa cũng ban rất nhiều hồng ân xuống trên gia đình tôi.
Lời kinh trong gia đình là sợi dây thiêng liêng qui tụ, gắn kết các thành viên với nhau trong tình yêu Thiên Chúa. Lời kinh làm cho gia đình trở thành “Giáo hội tại gia”, phản ánh tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa và tham dự vào ân sủng cứu độ. Truyền thống này không chỉ gìn giữ đức tin mà còn tạo sự bình an, hy vọng, bảo vệ và làm phát triển lòng đạo đức cho các con – là những thế hệ tương lai trong gia đình. Dẫu có vất vả để chăm lo cho các con trong cuộc sống thường ngày được đầy đủ, thì việc nuôi dưỡng và gìn giữ đời sống đức tin vẫn đang là điều cần thiết hơn nơi trái tim mẹ. Điều đó, đã trở nên một lời nhắc nhở trong tôi cách sống động, mạnh mẽ cho đời sống đức tin mà tôi đã, đang nhận lãnh qua từng lời kinh từ truyền thống gia đình. Để rồi, tôi xác tín và tin vào tình thương Thiên Chúa luôn hiện diện đồng hành, nâng đỡ như Chúa đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. (x. Mt 18,20)
M. Cat Phan Điệp (Học viện SG), FMI