Sống công chính – Chúa nhật I mùa Vọng – Năm C
Chúa đang đến với cuộc đời chúng ta cách huyền nhiệm, và sẽ đến trực tiếp rõ ràng vào giây phút ta kết thúc hành trình trần gian.
Thế giới hiện tại của chúng ta đang chứng kiến những xung đột nghiêm trọng. Chiến tranh xảy ra tại Ucraina từ gần ba năm, và tại Trung Đông hơn một năm qua làm nhiều người nghĩ đến ngày tận thế. Cùng với chiến tranh là dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế và suy đồi đạo đức. Tương lai xã hội sẽ đi về đâu? Phải chăng ngày tận thế đã đến?
Được soi sáng bởi Lời Chúa, đối với Ki-tô hữu, điều bận tâm lớn nhất, ngay trong bối cảnh rối ren này, là sống công chính. Từ điển công giáo định nghĩa “công” là không thiên vị, “chính” là ngay thẳng. Từ điển này cũng giải thích thêm: Đức công chính theo Thánh Kinh là phẩm tính của Thiên Chúa, biểu hiện qua việc Ngài chống lại sự dữ; xét xử công bình; tha thứ và cứu độ con người. Đức công chính cũng là nhân đức làm cho con người sống theo Lề Luật và thánh ý của Thiên Chúa nhờ tác động của ân sủng.
Theo định nghĩa trên đây, thì chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Công Chính theo đúng nghĩa. Con người, nếu được nên công chính, là nhờ ân sủng của Ngài và nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, và đức tin này được chứng minh qua các hành động cụ thể (x. Rm 3,28). Trong Tin Mừng, Đức Giê-su được tôn nhận là Đấng Công Chính. Điều lạ lùng là việc tôn nhận này được thể hiện bởi bà vợ của Phi-la-tô khi Chúa Giê-su bị xét xử (x, Mt 27,19) và do viên sĩ quan Rô-ma, vào lúc Người tắt thở trên thập giá (x. Lc 23,47). Khi nỗ lực sống công chính là chúng ta trở nên giống như Đức Giê-su.
Nội dung bài Tin Mừng Chúa nhật này cho độc giả cảm tưởng như đang xem một cuốn phim kinh dị của Hollywood. Ngũ hành chuyển động, sóng biển gầm rú, con người hoang mang. Những chi tiết miêu tả này thuộc thể loại văn chương được gọi là “khải huyền”. Đây là một hình thức văn chương Do Thái giáo và Ki-tô giáo xuất hiện từ thời dân Do Thái bị bắt đi lưu đày ở Ba-by-lon (Tk 6 trước C.N) cho đến thế kỷ II (sau C.N). Thể văn này sử dụng những thị kiến, hình ảnh, con số hay nhân vật biểu trưng nhằm diễn tả mặc khải thần linh về thời cánh chung, sự tận cùng của thế giới cũ và sự xuất hiện của thế giới mới. Văn chương Khải Huyền hướng độc giả tới niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Trong Tin Mừng, nhiều lần Đức Giê-su sử dụng thể loại văn chương này. Trong Tân ước, có một cuốn mang tên là “Khải Huyền” mà tác giả là thánh Gio-an tông đồ.
Hiểu như trên, thì nội dung lời giảng của Chúa Giê-su chỉ là lối nói biểu tượng, để kêu gọi con người hãy nhìn lại mình, để sống công chính thánh thiện. Phần tiếp theo của bài Tin Mừng cho thấy điều đó. Thế giới sẽ có nhiều biến động, và trong những lúc đó, người tin Chúa phải giữ mình. Vào những thời điểm khó khăn, nhiều người có xu hướng buông xuôi theo dòng chảy của số phận. Chúa Giê-su dạy chúng ta: “Đừng chè chén say sưa, nhưng hãy tỉnh thức cầu nguyện để có thể đứng vững trước mặt Con Người”.
Khi nào thì tận thế xảy đến? Câu hỏi này đã làm bận tâm con người ở nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử, nhất là vào những năm được gọi là “năm chẵn” như năm 1000, năm 2000. Chúng ta có thể còn nhớ, vào năm 2000, nhiều người tuyên truyền mặt trời sẽ mất sáng, tối tăm bao phủ trần gian ba ngày ba đêm, và những ai muốn sống sót thì phải mua nến, gạo và xin làm phép (!). Cuối cùng, năm nay đã là năm 2024 mà tận thế chưa đến. Nói về khi nào tận thế, thì Chúa Giê-su đã nói: chỉ có Chúa Cha biết thôi (Mc 13,32).
Hôm nay, Giáo Hội Công giáo bước vào mùa Vọng. Một trong những thông điệp quan trọng của mùa phụng vụ này là: hãy tỉnh thức trong khi chờ đợi Chúa đến. Trong đời sống thiêng liêng, tỉnh thức cũng đồng nghĩa với sống công chính. Bởi lẽ là tỉnh thức là cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói và trong thái độ sống để không bị lây nhiễm những thói tục đi ngược với giáo lý của Chúa Giê-su và với lương tâm con người. Nếu chúng ta cần tỉnh thức, là vì chúng ta đang chờ đợi Chúa đến. Nếu tận thế hiểu như ngày ngũ hành bị thiêu rụi chưa đến, thì cái chết lại đang đến với mỗi cá nhân chúng ta. Giờ chết là giờ tận thế riêng của con người. Cần phải sống công chính để đến giờ đó, chúng ta có thể đứng vững trước mặt Con Người, tức là Chúa Giê-su, khi Người đến để gặp chúng ta. Một trong những nội dung thư của thánh Phao-lô gửi giáo dân Thê-xa-lô-ni-ca là giáo huấn về tương lai hậu vận của con người. Tác giả đã khích lệ người tín hữu hãy sống thánh thiện, “không có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta trong ngày Đức Giê-su quang lâm cùng với các thánh của Người”. Mùa Vọng hướng chúng ta tới ngày này. Việc kỷ niệm Chúa Giê-su sinh hạ tại Bê-lem cách đây hơn hai ngàn năm là lời nhắc nhở chúng ta: Chúa đang đến với cuộc đời chúng ta cách huyền nhiệm, và sẽ đến trực tiếp rõ ràng vào giây phút ta kết thúc hành trình trần gian.
Xin cho chúng ta bước vào mùa Vọng với thiện chí cố gắng nên công chính trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên